Hội thảo về đề tài NCKH cấp Bộ năm 2011
Ngày 15 tháng 07 năm 2011, tại Tổng cục Du lịch đã diễn ra hội thảo "Hiện trạng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam". Đây là hội thảo trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp Bộ năm 2011, do Viện NCPT Du lịch làm chủ trì.
Dưới sự chủ trì của Phó tổng cục trưởng TCDL – TS Hoàng Thị Điệp và PGS.TS Phạm Trung Lương (chủ tịch Hội đồng Khoa học – Viện NCPT Du lịch), hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung trao đổi bổ ích giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý văn hóa, du lịch.
Việt Nam hiện có 5 di sản văn hóa thế giới (DSVH): Quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Trung tâm Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tham dự Hội thảo, những bất cập của sản phẩm du lịch tại các DSVH ở Việt Nam có thể được kể đến như:
– Phát triển không theo hệ thống nên thường manh mún, hay bị trùng lặp
– Đơn điệu, thiếu bản sắc không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nên chưa đem lại hiệu quả cao về kinh tế
– Chưa góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị của di sản.
Ngoài các ý kiến trao đổi của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ Cục Di sản (Bộ VHTT & DL), Unesco, đại diện một số trường như Đại học Kinh tế quốc dân, đại học Văn hóa, đại diện một số doanh nghiệp,…
Các ý kiến thảo luận chủ yếu nhấn mạnh về việc xác định các đặc thù của những sản phẩm du lịch liên quan đến DSVH nhằm bảo tồn- phát triển di sản phục vụ mục đích du lịch. Đồng thời chỉ ra những giới hạn mà các sản phẩm du lịch được khai thác. Theo một số chuyên gia, DSVH thế giới ở Việt Nam là tài sản quốc gia, do vậy, việc khai sử dụng không gian trong vùng có di sản để phục vụ các dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng cần phải được cân nhắc và quy định rõ ràng. Cần phải xác định "vùng cấm" và "bất khả xâm phạm" để quản lý và xử phạt đúng theo luật pháp quy định. Các vấn đề về cấp quản lý Di sản cũng được đề cập đến vì hiện nay, mặc dù đều là DSVH thế giới nhưng có di sản do UBND Huyện, có nơi lại do UBND tỉnh quản lý.
Sau phần đánh giá hiện trạng, hội thảo cũng trao đổi về một số sản phẩm do nhóm nghiên cứu đề xuất. Đây là những sản phẩm mới nên còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Dự kiến sau Hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung theo những góp ý của các nhà khoa học, quản lý để sớm trình Hội đồng nghiệm thu.