Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến 2020
A. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
I. ĐIỀU CHỈNH CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2010 VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2020
1. Khách du lịch: Tăng cường thu hút khách du lịch: phấn đấu năm 2010 đón khoảng 1.500 ngàn lượt khách trong đó có 500 lượt khách quốc tế; năm 2015 đón 2.300 ngàn lượt trong đó có gần 900 ngàn lượt khách quốc tế; năm 2020 đón được 3.400 ngàn lượt khách trong đó có khoảng 1.400 ngàn lượt khách quốc tế.
2. Thu nhập từ du lịch: Nâng cao nguồn thu từ du lịch; phấn đấu năm 2010 thu nhập du lịch đạt hơn 2.500 tỷ VNĐ (doanh thu du lịch 1.500 tỷ), năm 2015 khoảng 5.000 tỷ VNĐ (doanh thu đạt 3.200 tỷ); năm 2020 đạt 10.700 tỷ VNĐ (doanh thu du lịch đạt 7.000 tỷ); đưa tổng giá trị GDP du lịch năm 2010 đạt hơn 1.200 tỷ VNĐ (9,09% tổng GDP toàn tỉnh); năm 2015 đạt gần 2.400 tỷ (9,94%) và năm 2020 đạt hơn 5.000 tỷ VNĐ ( chiếm 11,53% tổng GDP của tỉnh).
3. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Đầu tưxây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường đầu tư, xây dựng các khu du lịch tổng hợp và chuyên đề quốc gia trên địa bàn, các khu du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương (2 khu du lịch quốc gia và khoảng 18 – 20 khu du lịch khác); nâng cấp các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú đảm bảo đến năm 2010 có khoảng 8.520 phòng khách sạn trong đó có 5.500 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng với gần 1.400 phòng đạt tiêu chuẩn 4 – 5sao, năm 2015 là 12.400 phòng trong đó có hơn 8.700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng với hơn 2.200 phòng đạt tiêu chuẩn 4 – 5sao; năm 2020 đạt gần 21.000 phòng trong đó có 15.700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng với khoảng 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn 4 – 5sao . Nhu cầu vốn đầu tư cho cả giai đoạn cần khoảng 23.100 tỷ VNĐ. Giai đoạn đến năm 2010 cần khoảng 4.500 tỷ VNĐ, trong đó khoảng 1.350 tỷ (chiếm 30%) đầu tư cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, tôn tạo môi trường…; giai đoạn 2011 – 2015 là 8.500 tỷ VNĐ, trong đó khoảng 20% đầu tư cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng du lịch… ; giai đoạn 2016 – 2020 gần 10.100 tỷ VNĐ, với gần 20% đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng du lịch xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, môi trường…
4. Lao động và việc làm: Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phấn đấu đến năm 2010 toàn ngành du lịch Khánh Hoà có khoảng 33.400 lao động (trong đó hơn 13.500 lao động trực tiếp), năm 2015 đảm bảo hơn 60.000 lao động (trong đó có khoảng 20.000 lao động trực tiếp) và năm 2020 có hơn 113.000 lao động (trong đó có hơn 38.000 lao động trực tiếp).
II. ĐIỀU CHỈNH CÁC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Thị trường và sản phẩm du lịch:
1.1. Thị trường khách du lịch:
1.1.1. Thị trường trọng điểm:
– Thị trường khách quốc tế:
– Thị trường các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản…
– Thị trướng các nước ASEAN, đặc biệt là thị trường Thái Lan
– Thị trường Nga (và các nước SNG), Hàn Quốc
– Thị trường Trung Quốc
– Thị trường khách du lịch nội địa: thị trường truyền thống là từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên trong đó đặc biệt chú trọng phát triển thị trường khách từ các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, du lịch Khánh Hoà cũng xác định thị trường Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc là một trong những thị trường trọng điểm.
1.1.2. Thị trường tiềm năng: Các thị trường điển hình loại này như khối Bắc Âu, khối Benelux (Bỉ, Luxembour, Hà Lan), khối Đông Nam Âu, Niu Zi Lân, Canada…
1.2. Phát triển loại hình và sản phẩm du lịch Khánh Hoà:
– Nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm, khám phá đáy biển và các đảo ven bờ, du lịch tàu biển…;
– Du lịch sinh thái núi ;
– Du lịch văn hoá;
– Du lịch MICE;
– Du lịch công vụ, thăm thân (VFR).
2. Tổ chức không gian du lịch :
2.1. Không gian du lịch :
– Không gian du lịch biển đảo
– Không gian du lịch sinh thái núi
– Không gian du lịch văn hoá
2.2. Tổ chức cụm, trung tâm và điểm du lịch :
2.2.1. Cụm du lịch TP. Nha Trang và vùng phụ cận:
* Giới hạn lãnh thổ : bao gồm phần lãnh thổ đất liền và phần biển đảo ven bờ với TP. Nha trang là trọng tâm. Phần ven biển trải dài từ phía nam TP. Nha Trang lên đến phía nam bán đảo Hòn Khói (một phần lãnh thổ huyện Ninh Hoà). Phần lãnh thổ đất liền của cụm bao gồm khu vực phía tây nam huyện Ninh Hoà (phía nam QL 26) và lãnh thổ các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh…dọc theo tỉnh lộ 2 tạo thành hành lang du lịch đông- tây ở khu vực trung tâm.
* Hướng khai thác loại hình du lịch :
– Du lịch sinh thái biển
– Du lịch văn hoá
– Du lịch MICE
– Du lịch thăm thân
– Du lịch tàu biển
– Du lịch đồng quê
* Các điểm du lịch chính : Bãi tắm Nha Trang, Hòn Tre (Bao gồm Con sẻ tre, hòn Ngọc Việt..), Hòn Mun, Hòn Chồng, Hòn Mát, Hòn Một, Hồ cá Trí Nguyên, Đảo Yến, Tháp bà Pô Naga, Viện Hải dương học, Bảo tàng Khánh Hòa, Thư viện của Bác sĩ Yersin, Chợ xóm mới Nha Trang, Di tích Am Chúa, Đền thờ Trần Quý Cáp, Bia Võ Cạnh, Chùa Long Sơn, thành cổ Diên Khánh, Lăng Bà Vú, cụm đảo hòn Thị, hòn Hèo, Hòn Lao, bán đảo hòn Khói, nước nóng Trường Xuân, Ba Hồ,…
* Khu du lịch:
– Khu du lịch quốc gia : Vịnh Nha Trang gắn với đảo Hòn Mun, Hòn Tre (TP.Nha Trang)
– Khu du lịch khác : Khu du lịch suối Tiên, Khu du lịch thác Yang Bay, Khu du lịch sinh thái Hòn Bà, Khu du lich sinh thái sông Lô; Khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu gắn với các đảo Hòn Lao, Hòn Thị… ; Khu du lịch sinh thái Ba Hồ, Khu du lịch suối Hoa Lan.
Ngoài ra có thể phát triển một số khu du lịch khác với quy mô nhỏ hơn như khu du lịch Trầm Hương, khu du lịch Ninh Tịnh v.v…
* Đô thị du lịch : Thành phố Nha Trang được định hướng phát triển thành đô thị du lịch theo hướng của Chiến lược và Điều chỉnh quy hoạch TTPT du lịch Việt Nam.
2.2.2. Cụm du lịch thị xã Cam Ranh và phụ cận :
* Giới hạn lãnh thổ : bao gồm phần lãnh thổ đất liền và phần biển đảo ven bờ với bán đảo Cam Ranh là trọng tâm.
* Hướng khai thác loại hình du lịch :
– Du lịch sinh thái biển
– Du lịch văn hoá
– Du lịch tàu biển.
* Các điểm du lịch chính : Bắc bán đảo Cam Ranh; Thị xã Cam Ranh ; Tham quan các đảo; Vịnh Cam ranh ; Hòn Rồng, Hòn Qui, núi Cam Linh, Cam Lập; Căn cứ cách mạng Tô Hạp kết hợp tham quan đàn đá Khánh Sơn.v.v…
* Khu du lịch:
– Khu du lịch quốc gia: Khu du lịch biển Bắc bán đảo Cam Ranh
– Khu du lịch khác: Khu du lịch sinh thái biển Cam Nghĩa, Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Cam Phúc Nam, Khu du lịch sinh thái biển Cam Thịnh Đông, Khu du lịch sinh thái cửa sông Cam Linh, Khu du lịch sinh thái biển – núi Cam Lập, Khu du lịch thác Tà Gụ (Khánh Sơn).
2.2.3. Cụm du lịch Dốc Lết, vịnh Vân Phong:
* Giới hạn lãnh thổ : bao gồm phần lãnh thổ đất liền phía bắc bán đảo hòn Khói, phía tây huyện Vạn Ninh, một phần huyện Ninh Hoà và phần biển đảo ven bờ bán đảo Hòn Gốm, bãi biển Đại Lãnh.
* Hướng khai thác loại hình du lịch :
– Du lịch sinh thái biển
– Du lịch văn hoá
* Các điểm du lịch chính: Bán đảo Hòn Gốm ; Đình Phú Cang, Đại Lãnh, Đầm Môn, Điểm cực Đông Việt Nam (trên bán đảo Hòn Gốm)…
* Khu du lịch : Định hướng phát triển các khu du lịch địa phương sau :
Khu du lịch biển Đại Lãnh ; Khu du lịch nghỉ mát Tuần Lễ hòn Ngang; Khu du lịch Bãi Cát Thắm ; Khu du lịch trung tâm bán đảo Hòn Gốm; Khu du lịch biển Dốc Lết – Mũi Du.
2.3. Tuyến du lịch:
2.3.1.Các tuyến du lịch nội tỉnh:
a. Tuyến du lịch quốc gia :
– Tuyến du lịch dọc theo quốc lộ IA và tuyến đường sắt Bắc Nam : Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh ;
– Tuyến du lịch khám phá (tiềm năng) Thành phố Nha trang đi Trường Sa.
a. Tuyến du lịch địa phương :
1/ Tuyến Nha Trang – Ninh Hoà – Vạn Ninh ;
2/ Tuyến Nha Trang – Cam Ranh – Khánh Sơn ;
3/Tuyến Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh.
4/ Tuyến Cam Ranh – Khánh Sơn;
5/ Tuyến Dốc Lết – Hòn Gốm;
6/ Tuyến thác Tà Gụ – Hòn Bà – thác Yang Bay.
7/ Tuyến du lịch đường biển Thành phố Nha Trang đi các đảo ven bờ ;
2.3.2.Các tuyến du lịch ngoại tỉnh:
1/ Nha Trang – thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (QL. 1A, đường sắt hoặc đường biển);
2/ Nha Trang – Phan Rang – Đà Lạt (QL.21 qua đèo Ngoạn Mục);
3/ Nha trang và các tỉnh Tây Nguyên gắn với tuyến du lịch con đường xanh Tây Nguyên (QL.20 và 26) là tuyến du lịch mới;
4/ Nha Trang – Đà Nẵng – Huế – Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Đường hàng không, đường sắt, QL1A, đường biển);
5/ Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh đi Lâm Đồng (qua đường Khánh Lê)
6/ Tuyến du lịch tàu biển : Phục vụ khách tàu biển chủ yếu lận cận thành phố Nha Trang và dọc theo trục không gian Nha Trang – Diên Khánh;
3. Đầu tư phát triển du lịch:
3.1. Khu vực thành phố Nha Trang và phụ cận:
– Đầu tư cải tạo môi trường du lịch TP. Nha Trang và vịnh Nha Trang trong đó có việc quy hoạch thành phố theo hướng phát triển một đô thị du lịch biển, đô thị nghỉ mát, tham quan;
– Phát triển hệ thống lưu trú, dịch vụ nhà hàng và vui chơi giải trí cao cấp để thu hút khách du lịch quốc tế ;
– Phát triển du lịch hội nghị hội thảo, hội chợ , các sự kiện đặc biệt;
– Phát triển du lịch văn hoá gắn với việc tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, các công trình kiến trúc nghệ thuật ;
– Phát triển du lịch vịnh Nha Trang gắn với các đảo Hòn Mun, Hòn Tre…với vai trò là khu du lịch quốc gia, tạo thành một trong những trung tâm du lịch biển đảo lớn của cả nước ;
– Phát triển các loại hình du lịch đảo, khám phá biển đêm tại khu vực vịnh Nha Trang và đầm Nha Phu… ;
– Phát triển loại hình du lịch tàu biển để khai thác hợp lý cảnh quan và các di tích văn hoá khu vực phía tây ;
– Phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan núi khu vực phía tây góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
3.2. Khu vực thị xã Cam Ranh và phụ cận : Hướng ưu tiên đầu tư khu vực này là phát triển khu du lịch biển Bắc Cam Ranh với vai trò là khu du lịch quốc gia. Theo đó, khu vực Cam Ranh và phụ cận ưu tiên phát triển du lịch biển kết hợp khai thác du lịch văn hoá khu vực thị trấn Tô Hạp của huyện Khánh Sơn;
3.3. Khu vực Dốc Lết – vịnh Vân Phong : ưu tiên đầu tư phát triển du lịch biển, phù hợp không gian phát triển kinh tế của khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong.
3.4. Phân kỳ đầu tư
* Giai đoạn 1 : Thời gian từ nay đến năm 2010 với nhu cầu vốn khoảng 4.500 tỷ đồng. * Giai đoạn 2: Thời gian từ 2011 – 2015, nhu cầu vốn 8.500 tỷ đồng.
* Giai đoạn 3: Thời gian từ 2016 – 2020, nhu cầu vốn khoảng 10.100 tỷ đồng
B. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban Nhân dân tỉnh :
Giao nhiệm vụ và chỉ đạo các Sở ban Ngành, chính quyền các huyện thị, thành phố thực hiện các quy hoạch cụ thể, các dự án đầu tư phát triển du lịch, chỉ đạo việc quản lý phát triển du lịch theo nội dung đã được điều chỉnh quy hoạch đề ra.
2. Các sở ban ngành, chính quyền các địa phương:
2.1. Sở Du lịch – Thương mại: Tổ chức hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch; phối hợp với các Sở, Ban, Ngành khác có liên quan xây dựng các chương trình liên ngành cùng tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
Thực hiện điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch; hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiến hành điều chỉnh định hướng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tại địa phơng mình phù hợp với nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2010, quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội và các quy hoạch ngành khác đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2.2. Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính : Ban hành định mức hỗ trợ đầu tư cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại để triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020.
2.3. Sở Văn hoá-Thông tin, Sở Nông nghiệp PTNT: Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, các vùng bảo tồn thiên nhiên;
Phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, các vùng bảo tồn thiên nhiên với việc khai thác phát triển du lịch.
2.4. Sở Xây dựng: Lập đề án phát triển Nha Trang thành đô thị nghỉ mát có ý nghĩa quốc gia và khu vực.
2.5. Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại xây dựng dự án đầu tư các điểm nghỉ chân của khách du lịch dọc các quãng đường trên quốc lộ có lưu lượng lớn khách du lịch đi qua nhằm mục đích nghỉ ngơi của khách tham quan du lịch.
2.6. Sở Tài nguyên – Môi trường: Căn cứ quy hoạch phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại xây dựng kế hoạch sử dụng đất phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn.
2.7. Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng: Phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ đối với mọi hoạt động du lịch; vừa bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tạo môi trường thân thiện và mến khách vừa bảo đảm an ninh quốc gia và ổn định tình hình hải đảo.
2.8. Đài phát thanh truyền hình: Phối hợp với Sở Du lịch -Thương mại Khánh Hoà tiếp tục xây dựng chương trình quảng bá du lịch và đầu tư phát triển du lịch.
2.9. UBND Thành phố Nha Trang, thị xã, các huyện thuộc tỉnh: Căn cứ vào điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch (1996 – 2010) tiến hành điều chỉnh quy hoạch du lịch của địa phương mình trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội cho phù hợp.
II. KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ và các cơ quan Trung ương:
– Tiếp tục cấp vốn qui hoạch cho khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh như khu du lịch Vịnh Nha Trang gắn với đảo Hòn Mun, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, và một số khu du lịch khác…;
– Ưu tiên vốn đầu tư để bảo vệ, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh đã được đánh giá để phát triển du lịch dọc các tuyến du lịch quốc gia và địa phương trên địa bàn Khánh Hoà;
– Cho phép lập quy hoạch phát triển thành phố Nha Trang theo hướng đô thị du lịch biển hiện đại của Việt Nam, một trong những trung tâm hội nghị hội thảo, vui chơi giải trí của cả nước và khu vực;
– Chuyển chức năng cảng biển Nha Trang thành cảng du lịch; nâng cấp sân bay Cam Ranh thành sân bay Quốc tế; chuyển chức năng ga xe lửa Nha Trang chỉ phục vụ vận chuyển khách, đưa sân ga hàng hoá ra ngoại vi khu vực thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón khách du lịch. Trước mắt cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật sân bay Cam Ranh đảm bảo có thể cất cánh, hạ cánh vào ban đêm; nâng cấp nhà ga và các dịch vụ kèm theo nhằm đảm bảo đưa đón khách du lịch thuận tiện.
– Chuyển chức năng sử dụng sân bay quân sự Nha Trang, tạo tiền đề thuận lợi phát triển hệ thống dịch vụ cho thành phố Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hoà nói chung;
– Cho phép tỉnh Khánh Hoà nghiên cứu phát triển loại hình dịch vụ casino nhằm thu hút khách du lịch cao cấp;
– Các Bộ ngành ở Trung ương phối hợp lồng ghép các chương trình các dự án của Ngành mình trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch để tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư phát triển du lịch cho địa phương.
– Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu du lịch trên đại bàn, đặc biệt là đối với các khu du lịch quốc gia.
2. Đối với chính quyền địa phương:
– Hạn chế các hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch (đặc biệt là dịch vụ lưu trú) kém chất lượng tại khu vực ven biển của tỉnh;
– Có giải pháp điều hoà cân đối sự phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác (đặc biệt là ngành công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản) tại các địa bàn trọng điểm du lịch như Dốc Lết, Nha Trang và Cam Ranh… để giảm thiểu ảnh hưởng không tốt đến môi trường hoạt động du lịch.