Hội thảo khoa học: Nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam
Ngày 25/01/2018, tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nội, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) chuyên ngành Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam”. Hội thảo nhằm mục đích để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chuyên gia du lịch thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về xây dựng BKTT chuyên ngành Du lịch. Hội thảo đã nhận được sự đóng góp quý báu của các chuyên gia về du lịch tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn trong việc xây dựng cấu trúc vĩ mô và để lựa chọn các mục từ phù hợp để biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam.
Trong phần đề dẫn hội thảo, Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban Biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch đã phát biểu: BKTT Du lịch Việt Nam là bộ tài liệu chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, BKTT Du lịch Việt Nam còn phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.
GS.TS. Nguyễn Văn Đính – Trưởng Ban Biên soạn BKTT Quyển 35: Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực, Trang phục cho biết Hội đồng Chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam do Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch. 37 Trưởng Ban Soạn thảo các BKTT chuyên ngành do Chủ tịch Hội đồng bổ nhiệm. Ông nói: Quyển 35 chuyên ngành Du lịch, Thể dục Thể thao, Trang phục, Ẩm thực đáp ứng sự cấp thiết phải xây dựng hệ thống BKTT Việt Nam với yêu cầu phản ánh được những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam.
Tại Hội thảo, Ban Biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam đã chia sẻ các tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế về biên soạn BKTT, về nội dung cơ bản trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, sản phẩm du lịch, về chính sách phát triển du lịch, các loại hình kinh doanh du lịch, công tác quản lý, xúc tiến và các hoạt động khác của ngành. Cho tới nay, Ban Biên soạn đã xây dựng 1395 mục từ trên cơ sở 52 chuyên mục trong cấu trúc vĩ mô của BKTT Du lịch Việt Nam kèm theo 5 Phụ lục với 2007 mục từ tham khảo.
Các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến đóng góp xây dựng cấu trúc vĩ mô của BKTT Du lịch Việt Nam liên quan đến việc thực hiện tài liệu hướng dẫn và tiêu chí xây dựng cấu trúc vĩ mô và mục từ. Theo đó, cách tiếp cận chung là phân chia mục từ theo ngành, chuyên ngành, phân ngành. Cụ thể hơn, trong mỗi ngành, phân chia theo các tiêu chí như tổ chức, khái niệm, địa danh, nhân danh, lịch sử. Một số đại biểu đề xuất tiêu chí cụ thể khác như: tần suất sử dụng từ/ mục từ, trình bày rõ các khía cạnh liên quan với các ngành khác như du lịch gắn với ẩm thực, trang phục dân tộc, lễ hội, tâm linh, thể thao, thám hiểm hang động, làng nghề…
Sau Hội thảo, ban Biên soạn sẽ phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quản lý để hoàn thiện các mục từ, từng bước xây dựng nội dung chi tiết của BKTT Du lịch Việt Nam theo kế hoạch./.
Chiến Thắng