Đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam”
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
4. Phạm vi, giới hạn của đề tài
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN 1: CƠ SỞ KHOA HỌC XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ KHU DU LỊCH SINH THÁI
1. Một số vấn đề lý luận về du lịch sinh thái
1.1. Thế nào là du lịch sinh thái
1.2. Đặc điểm của du lịch sinh thái
1.3. Các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái
1.4. Các điều kiện để phát triển du lịch sinh thái
1.5. Các hoạt động (hình thức) du lịch sinh thái
2. Thế nào là khu du lịch
2.1. Khái niệm về khu du lịch
2.2. Khu du lịch thân thiện môi trường và nhà nghỉ sinh thái
3. Kinh nghiệm một số nước và tổ chức trên thế giới trong xây dựng, phát triển du lịch sinh thái và khu du lịch sinh thái
3.1. Kinh nghiệm của một số nước
3.2. Một số quy định và tiêu chuẩn xây dựng vận hành khu du lịch sinh thái của một số tổ chức quốc tế
4. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái và các khu du lịch sinh thái ở Việt Nam
4.1. Tổng quan về phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam
4.2. Thực trạng phát triển một số khu du lịch sinh thái ở Việt Nam
4.3. Hệ thống các chính sách, quy định pháp lý, tổ chức quản lý hiện nay liên quan đến phát triển du lịch sinh thái
PHẦN 2: ĐỀ XUẤT TIÊU CHÍ KHU DU LỊCH SINH THÁI Ở VIỆT NAM
1. Khái niệm về khu du lịch sinh thái
1.1. Định nghĩa
1.2. Đặc điểm của khu du lịch sinh thái
1.3. Sự khác biệt giữa khu du lịch sinh thái với khu du lịch thông thường
1.4. Nguyên tắc của một khu du lịch sinh thái
1.5. Yêu cầu trong xây dựng và phát triển khu du lịch sinh thái
2. Đề xuất các tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam
2.1. Các yếu tố cấu thành khu du lịch sinh thái
2.2. Khung một số tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam
3. Các công trình dịch vụ khác
4. Các công trình chuyên biệt cho hoạt động du lịch sinh thái
5. Không gian cây xanh và điểm thu hút nhân tạo
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu:
Hiện nay ở Việt Nam, loại hình du lịch sinh thái phát triển khá mạnh mẽ, không chỉ thu hút các thị trường khách quốc tế mà còn nhận được sự quan tâm, tham gia của thị trường khách du lịch nội địa.
Nhiều khu du lịch sinh thái cũng đã đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như tại Cát Bà, đầu năm 2004 đã thử nghiệm thực hiện chương trình cấp chứng chỉ môi trường sinh thái cho các khách sạn, đây cũng là một biện pháp hữu hiệu giảm tác động tiêu cực tới môi trường của hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia nổi tiếng này.
Tuy nhiên thực tế phát triển cho thấy, một bộ phận không nhỏ các “khu du lịch sinh thái” theo trào lưu phát triển, không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một khu du lịch sinh thái nhưng vẫn núp dưới bóng của loại hình này để hoạt động kinh doanh, đánh lừa du khách thiếu thông tin, kiến thức… Điều không mong muốn và rất nguy hiểm là số lượng mô hình “khu du lịch sinh thái” kiểu này lại đang phát triển mạnh, vượt trội so với loại hình du lịch sinh thái đích thực, đúng nghĩa của nó.
Việt Nam đã có một số quy định chung về các khu, điểm du lịch được quy định tại luật du lịch, nghị định hướng dẫn thi hành luật du lịch, luật đầu tư, một số nghiên cứu khoa học có liên quan như tiêu chí xây dựng các khu du lịch, tiêu chí xây dựng các đô thị du lịch, tiêu chuẩn quy hoạch ngành… Tuy nhiên chưa có quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nào cho xây dựng, thiết lập khu du lịch sinh thái, chưa có những phân biệt rõ các loại hình khu du lịch sinh thái…
Với những lý do đó việc nghiên cứu đề xuất các tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam là một việc làm cấp thiết, hữu ích cho các nhà quản lý, điều hành kinh doanh du lịch, góp phần làm hoàn thiện sản phẩm du lịch Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu:
– Mục tiêu tổng quát: góp phần xây dựng hệ thống quy định của ngành du lịch Việt Nam nhằm quản lý và phát triển du lịch có hiệu quả cao về kinh tế – xã hội và môi trường.
– Mục tiêu cụ thể: Đề xuất các tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam, làm cơ sở cho đầu tư, phát triển các khu du lịch sinh thái theo định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu và đối tượng:
– Đối tượng nghiên cứu của đề tài là khu du lịch sinh thái với các tiêu chí nhận biết khu du lịch sinh thái.
– Phạm vi nghiên cứu: Đề tài chỉ nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí là các tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, phân loại khu du lịch sinh thái và giới hạn không đưa ra các tiêu chuẩn (các quy định để đánh giá) hay các chỉ tiêu (mức định ra để đạt tới), nếu có chỉ mang tính chất tham khảo, diễn giải.
Nội dung chủ yếu và kết quả của đề tài:
+ Tổng quan cơ sở lý luận về du lịch sinh thái, khu du lịch và khu du lịch sinh thái (các khái niệm, định nghĩa về du lịch sinh thái, khu du lịch sinh thái, điều kiện phát triển du lịch sinh thái, các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái…).
+ Kinh nghiệm và mô hình xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái ở một số nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
+ Phân tích thực trạng hoạt động du lịch sinh thái và các khu du lịch sinh thái hiện nay ở Việt Nam:
– Tổng quan về phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam (Đặc điểm của khách du lịch sinh thái ở Việt Nam; Một số tồn tại trong phát triển du lịch sinh thái hiện nay ở Việt Nam).
– Thực trạng phát triển một số khu du lịch sinh thái ở Việt Nam (Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; khu du lịch sinh thái biển; du lịch sinh thái hồ; du lịch sinh thái miệt vườn)
– Hệ thống các chính sách, quy định pháp lý, tổ chức quản lý hiện nay liên quan đến phát triển du lịch sinh thái.
+ Đề xuất các tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam:
– Đề tài đã đưa ra khung một số tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam gồm:
o Nhóm các tiêu chí về tài nguyên;
o Nhóm các tiêu chí về quy mô, quy hoạch và kiến trúc cảnh quan;
o Nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng – kỹ thuật du lịch;
o Nhóm các tiêu chí về bảo vệ môi trường (Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có hệ thống giám sát và báo động sự cố môi trường, quản lý năng lượng, quản lý nước, quản lý nước thải, quản lý chất thải rắn, quản lý ô nhiễm không khí và tiếng ồn);
o Nhóm tiêu chí về tổ chức quản lý và tham gia cộng đồng.
– Đề tài đã xây dựng một Bảng nhóm tiêu chí và một số loại văn bản cần xem xét áp dụng để xây dựng tiêu chuẩn khu DLST ở Việt Nam.
Kết quả của đề tài là cơ sở cho việc xem xét các căn cứ đầu tiên công nhận các khu du lịch sinh thái tuy nhiên để có thể ban hành thành văn bản pháp lý cần tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các khu du lịch sinh thái cụ thể (đến từng loại hình khu du lịch sinh thái theo vị trí địa lý như khu du lịch sinh thái ở vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển cũng như tiêu chuẩn theo từng loại hình tài nguyên du lịch sinh thái).
Trên cơ sở có hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng và đánh giá, sẽ tiến hành cấp chứng chỉ khu du lịch sinh thái.