Một số phân tích về thị trường khách du lịch đến thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2016
Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não về kinh tế, chính trị, văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động chính trị chủ yếu của đất nước. Thủ đô hơn 1000 năm tuổi với lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Hà Nội, trung tâm văn hóa – chính trị – kinh tế – xã hội, là thủ đô của cả nước. Đây cũng là một trong những địa bàn tập trung nhiều giá trị tài nguyen du lịch tự nhiên và nhân văn của vùng Bắc Bộ, trong đó, các giá trị đặc trưng về di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, truyền thống, lễ hội, ẩm thực… đặc biệt hấp dẫn du khách.
Trong những năm qua, với vị thế là thủ đô – “thành phố vì Hòa Bình” thì lượng khách du lịch đến với Hà Nội không ngừng tăng: năm 2011 lượng khách đến Hà Nội là 13.547.000 lượt khách đến năm 2016 là 21.830.906 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2016 đạt 10%/năm (trong đó khách quốc tế tăng 14%/năm, khách nội địa tăng 9,2%/năm). So sánh tốc độ tăng trưởng cũng trong giai đoạn này với một địa phương có du lịch phát triển như Đà Nẵng là 18,28%, Khánh Hòa là 15,7%, Tp. Hồ Chí Minh 15,3%, thì tốc độ tăng trưởng khách của du lịch Hà Nội là khá khiêm tốn. Tuy vậy, so với các địa phương khác, số lượng khách đến Hà Nội vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức khá cao.
Biểu đồ 1: Số lượng khách du lịch đến Hà Nội giai đoạn 2011-2016
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội
1. Về khách du lịch quốc tế
Khách quốc tế đến Hà Nội từ nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới, trong đó khách từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Đông Bắc Á, Úc, Bắc Mỹ…; 40% số khách quốc tế du lịch Việt Nam có đến Hà Nội. Khách quốc tế đến Hà Nội còn thấp so với Thủ đô một số nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/6 lượng khách đến Bangkok, 1/3 lượng khách đến Singapore và Kuala Lumpur.1
Top 10 thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Hà Nội giai đoạn 2011- 2016 không có nhiều biến động, bao gồm các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Đức, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
1: Năm 2015: Băng Cốc (Thái Lan): 19,3 triệu lượt khách, Kuala Lumpur (Malaysia) 23,1 triệu lượt khách. Singapore: 15,231 triệu lượt khách;
Biểu đồ 2: Cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế đến Hà Nội năm 2016
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội
Khách du lịch quốc tế đến Thủ đô với nhiều mục đích khác nhau, trong đó với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng chiếm khoảng 80%; còn lại là các mục đích khác như: khách công vụ, thương mại, hội nghị hội thảo, thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, thăm thân,… chiếm 20%. Khách đến Hà Nội có lưu trú ngày càng tăng, với khoảng 2,9 triệu người năm 2016, tăng 23% so với năm 2015. Lượng khách lưu trú tại Hà Nội tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Thủ đô đã tăng lên.
Bảng 1: Số liệu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả nước
Năm |
Việt Nam |
Hà Nội |
Tỷ lệ % Hà Nội so Việt Nam |
2010 |
5.049.855 |
1.700.000 |
33.66% |
2011 |
6.014.032 |
1.887.000 |
31.4% |
2012 |
6.847.678 |
2.100.000 |
30.67% |
2013 |
7.572.352 |
2.580.900 |
34.08% |
2014 |
7.874.312 |
3.010.000 |
38.1% |
2015 |
7.943.651 |
3.263.743 |
41% |
2016 |
10.012.735 |
4.020.306 |
40,1% |
Nguồn: Tổng cục thống kê, Sở Du lịch Hà Nội
Theo Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, du lịch Hà Nội vẫn tập trung đẩy mạnh, thu hút khách du lịch quốc tế ở các thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, khu vực Bắc Mỹ, ASEAN…; Mở rộng thu hút khách du lịch đến từ các thị trường mới: Trung Đông và Bắc Âu… Đồng thời, phát triển thị trường nội địa thông qua việc tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
2. Về khách du lịch nội địa
Hà Nội là trung tâm phân phối khách chủ yếu của vùng phía Bắc, đặc biệt đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Khách du lịch nội địa đến Hà Nội để du lịch và trung chuyển đi du lịch ở các tỉnh lân cận. Thị trường khách du lịch nội địa đến Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn hàng đầu cả nước, với lượng khách trung bình hàng năm chiếm trên 30% tổng lượng khách du lịch nội địa của Việt Nam. Năm 2011, Hà Nội đón 11.660.000 lượt, đến năm 2016 đón 17.810.000 lượt khách (tăng 153% so với năm 2011).
Khách du lịch nội địa đến Hà Nội với nhiều mục đích khác nhau và từ khắp các tỉnh, thành phố của cả nước với mục đích du lịch thuần tuý, du lịch kết hợp với các mục đích khác như đi công tác, thăm thân, chữa bệnh và mua sắm.
Biểu đồ 3: Khách du lịch nội địa đến Hà Nội giai đoạn 2011-2016
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội
Có thể thấy, du lịch Hà Nội trong giai đoạn 2011^2016 đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, một số lý do phải kể đến: Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, vǎn hoá, khoa học công nghệ hàng đầu cả nước; Là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, có sân bay quốc tế Nội Bài; Sự hấp dẫn về tài nguyên du lịch với các giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt là các di tích lịch sử – văn hóa, các làng nghề truyền thống, các lễ hội… Được nhiều tạp chí du lịch có uy tín trên thế giới đánh giá cao là “điểm hấp dẫn thứ tư trên thế giới” hay “một trong những thành phố nên đến trong cuộc đời” như Trip Advisor,…
Tuy vậy, để phát triển xứng đáng với tiềm năng du lịch và vị thế là Thủ đô của cả nước, du lịch Hà Nội cần phải tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, tăng cường các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch và đặc biệt nâng cao chất lượng và nâng tầm đẳng cấp hệ thống sản phẩm du lịch hiện có./.
Thanh Hiền