Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Ngày 22/11/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Vụ chức năng thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, Sở VHTTDL của 12 tỉnh, thành phố, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là hai văn kiện quan trọng tạo cơ sở cho việc huy động các nguồn lực phát triển du lịch nước nhà. Trong 7 năm thực hiện Chiến lược và 5 năm thực hiện quy hoạch, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mức đề ra, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Hội thảo này có ý nghĩa nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, những bài học kinh nghiệm trên cơ sở cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh mới, tình hình mới nhằm điều chỉnh lại Chiến lược và Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch là một trong những nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ về phát triển Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thay mặt cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ, TS. Nguyễn Anh Tuấn,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã trình bày các nội dung của dự thảo Báo cáo đánh giá. Theo đó, về bối cảnh thực hiện Chiến lược, Quy hoạch, trong những năm qua, du lịch toàn cầu đã phát triển bất chấp tình hình bất ổn, khủng hoảng, dịch bệnh tại nhiều khu vực. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Trong năm 2016 đã có 1,2 tỷ lượt người trên thế giới đi du lịch. Tương lai, du lịch thế giới có thể còn có nhiều biến động khó lường hơn nữa nhưng nhìn chung, đi du lịch đã trở thành thói quen, nhu cầu thiết yếu của đa số người dân toàn thế giới, xu thế phát triển và tăng trưởng nhanh của du lịch thế giới, vì vậy, là không thể đảo ngược. Về tình hình thực hiện Chiến lược và Quy hoạch giai đoạn 2011-2017 của ngành du lịch, nhiều chỉ tiêu đặt ra đến năm 2017 đều đã hoàn thành đạt và vượt. Trong giai đoạn 2011-2017, tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế đạt khoảng 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt tăng trưởng trung bình khoảng 25%/năm. Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10.012.000 lượt, đạt mục tiêu đề ra cho đến năm 2020 trong Chiến lược là từ 10-10,5 triệu lượt khách. Tính đến tháng 10 năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10.473.230 triệu lượt, vượt cả năm 2016, dự kiến đạt 13 triệu lượt trong năm 2017, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước thu hút khách hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tổng thu từ khách du lịch năm 2016 là 417,274 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu đến năm 2020 trong Chiến lược và Quy hoạch. Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2015 là 6,33%, năm 2016 là 6,96%.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo
Giai đoạn đầu thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú. Đến nay, cả nước đã có trên 20 nghìn cơ sở lưu trú với khoảng 450.000 buồng, đạt tăng trưởng trung bình số buồng là 15,87%/năm; trong đó có 110 cơ sở hạng 5 sao, 240 cơ sở hạng 4 sao, 460 cơ sở hạng 3 sao. Đặc biệt, sự có mặt của các nhà đầu tư chiến lược ở trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này đã góp phần quan trọng mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, qua đó cải thiện đáng kể bộ mặt ngành du lịch theo hướng hiện đại, sang trọng, đẳng cấp, giúp tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Thị trường khách du lịch giai đoạn đầu thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển cơ bản phù hợp với định hướng đã đặt ra. Trong đó các thị trường gần ở khu vực Đông Bắc Á, ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, thị trường Nga có tốc độ tăng trưởng nhanh tuy gần đây có sự sụt giảm do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế Nga, thị trường mở rộng là Ấn Độ, Trung Đông bước đầu đạt kết quả nhất định. Trong khi đó, thị trường khách du lịch nội địa liên tục tăng trưởng, đạt tới 16,3%/năm, phản ánh nhu cầu đi lại du lịch rất lớn của khách nội địa cũng như khả năng đáp ứng của ngành Du lịch.
Về sản phẩm du lịch, những sản phẩm đặc trưng đã được hình thành trong giai đoạn trước năm 2010 ngày càng khẳng định được giá trị. Hệ thống sản phẩm dần được hình thành theo định hướng phát triển du lịch theo 7 vùng với những sản phẩm đặc thù riêng cho mỗi vùng. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng biển, là dòng sản phẩm chủ lực, nhiều sản phẩm mới ở vùng núi thu hút đông khách du lịch như các dòng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, góp phần thực hiện hiệu quả định hướng của chiến lược.
Viện trưởng Viện NCPT Du lịch Nguyễn Anh Tuấn trình bày báo cáo
Công tác xúc tiến quảng bá được tăng cường mạnh mẽ, đổi mới cả về nội dung và hình thức với hình ảnh Việt Nam – vẻ đẹp bất tận. Ngoài việc tham gia các hội chợ, mời báo chí nước ngoài đến tìm hiểu sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch… những cách thức mới cũng được tiếp cận và áp dụng như xúc tiến qua các kênh internet, mạng xã hội, thiết lập quan hệ công chúng… Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong xúc tiến quảng bá, liên kết giữa điện ảnh, truyền hình và du lịch đã ngày càng được chú trọng. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch ngày càng sâu rộng, góp phần quan trọng mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế cho du lịch Việt Nam. Đáng chú, vừa qua Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, góp phần nâng cao đáng kể vị thế của đất nước trên trường quốc tế và quảng bá hiệu quả du lịch Việt Nam ra khắp thế giới.
Nguồn nhân lực du lịch đã tăng về số lượng và từng bước được cải thiện về chất lượng. Đến năm 2015, cả nước có khoảng 2,2 triệu lao động du lịch trong đó có khoảng 600 nghìn lao động trực tiếp, năm 2016 là 682 nghìn, đến tháng 9 năm 2017 con số này đã tăng lên đến 750 nghìn, góp phần mang lại hiệu quả xã hội trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch luôn đảm bảo sự nhất quán với quan điểm phát triển, chất lượng dịch vụ được tăng lên đáng kể, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt. Ngành Du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; bằng chứng là hàng loạt các văn kiện quan trọng về phát triển du lịch được thông qua như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển du lịch thành nghành kinh tế mũi nhọn, Luật du lịch (sửa đổi), các chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ VHTTDL và của các tỉnh, thành phố khắp toàn quốc…. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như năng lực cạnh tranh còn thấp; phát triển du lịch còn thiếu sự bền vững, nhiều vấn đề về môi trường du lịch chưa được giải quyết; phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt như kỳ vọng, còn thiếu sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng; công tác xúc tiến quảng bá chưa có sự chuyển biến đột phá tương xứng với yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho du lịch còn thấp; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế…
Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại hội thảo, các đại biểu thể hiện sự nhất trí với dự thảo báo cáo, cho rằng đây là công trình làm việc rất công phu và nghiêm túc của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đồng thời cũng bổ sung thêm ý kiến nhằm làm rõ hơn một số vấn đề và đề xuất một số định hướng, giải pháp giúp Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh Chiến lược và Quy hoạch tổng thể sao cho phù hợp nhất với tình hình mới. Trong đó, có một số ý kiến đóng góp đáng chú ý như: đề xuất chỉ nên tập trung điều chỉnh lại một số mục tiêu không đạt được hoặc khó có khả năng đạt được trong Chiến lược và Quy hoạch, trong đó phải làm rõ nguyên nhân, các yếu tố nào tác động và mức độ tác động của các yếu tố này đến khả năng không đạt được các mục tiêu đã đề ra; đề xuất điều chỉnh lại Chiến lược, Quy hoạch phải bám sát tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt lưu ý đến quan điểm phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, vì giai đoạn vừa qua việc đầu tư phát triển du lịch tương đối dàn trải, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường,…đề xuất nâng cao vai trò của Tổng cục Du lịch, Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, đề xuất liên quan đến nâng cao hiệu quả huy động vốn cho Quỹ phát triển du lịch; việc thành lập thêm các trường đại học, cơ sở đào tạo du lịch chất lượng cao để nâng cao chất lượng nhân lực theo hướng chuyên nghiệp; quan tâm tới những vấn đề như biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới du lịch, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,…; đề xuất quy hoạch điểm đến theo định hướng thị trường mục tiêu, phải đảm bảo sức chứa khu du lịch, phát triển du lịch bền vững đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển,…
Phát biểu kết luận, Phó tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cảm ơn và đánh giá rất cao sự nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu, cho rằng đây là những ý kiến tâm huyết và có ý nghĩa giúp Tổng cục Du lịch hoàn thành việc đánh giá giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược. Phó Tổng cục trưởng cũng hi vọng, sau buổi hội thảo này, các đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp các ý kiến cho Tổng cục Du lịch để hoàn thành tốt nhiệm vụ điều chỉnh Chiển lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch của đất nước.
Văn Dương