Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN”

      nckhcapbo-c.hoaChiều ngày 26/10/2017, tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã diễn ra buổi đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN”. Hội đồng nghiệm thu gồm có: TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện trưởng Viện NCPTDL) làm chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Bá Ngọc (nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội) và TS Lê Văn Minh (Viện NCPTDL) là ủy viên phản biện, các ủy viên thành viên gồm có: TS Nguyễn Quang Việt (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), Ths Vũ An Dân (Viện Đại học Mở), Ths. Nguyễn Thanh Bình (Tổng cục Du lịch) và Ths. Nguyễn Thị Lan Hương (Viện NCPTDL).

       Đề tài nghiên cứu khoa học “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN” do nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện, trong đó TS. Đỗ Thị Thanh Hoa (Phó viện trưởng) làm chủ nhiệm đề tài.
       Phát triển, hội nhập và hợp tác kinh tế trong cơ chế thị trường đang là xu thế dòng chính của quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cả chiều rộng và chiều sâu, điển hình như việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, chính thức thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ các hiệp định của WTO năm 2018 cũng như tham gia vào đàm phán, ký kết nhiều hiệp định kinh tế song phương và đa phương khác…
       Trong bối cảnh hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ, du lịch với tính chất của một ngành kinh tế tổng hợp không những không thể tách ra khỏi xu thế đó, mà còn phải đóng vai trò như một cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, giao lưu văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.
       Hợp tác, liên kết để hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và giành ưu tiên hàng đầu, nhất là lĩnh vực du lịch. Quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN về du lịch làm nảy sinh vấn đề dịch chuyến lao động du lịch giữa các quốc gia thành viên. Đây là một xu thế tất yếu, phản ánh quy luật cung – cầu của thị trường lao động du lịch khi các nước tham gia cộng đồng thực hiện các cam kết của mình. Trước thực tiễn như vậy, Đề tài “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN” ra đời như một sự đáp ứng cho đòi hỏi cần thiết phải có một nghiên cứu bài bản, đầy đủ về các vấn đề liên quan đến dịch chuyển lao động du lịch và quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động du lịch, để thông qua đó tìm ra những định hướng và giải pháp đúng đắn, giúp tận dụng những cơ hội từ xu hướng dịch chuyển lao động mang lại cũng như tránh được những rủi ro như chảy máu chất xám, chảy máu lao động du lịch chất lượng cao,…giúp quá trình hội nhập về du lịch của Việt Nam diễn ra thành công, cuối cùng là, góp phần hoàn thành mục tiêu chung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    nckhcapbo-c.hoa1

       Theo nhóm nghiên cứu, ngoài phần Mở đầu, Kết luận và kiến nghị, đề tài có kết cấu nội dung theo 3 chương:
       Chương I: Một số vấn đề lý luận về lao động du lịch, quản lý nhà nước về lao động du lịch và dịch chuyển lao động du lịch
       Chương II: Dịch chuyển lao động du lịch trong hội nhập ASEAN – Thực trạng, xu hướng và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về dịch chuyển lao động du lịch Việt Nam
       Chương III: Định hướng và giải pháp quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động du lịch trong hội nhập cộng đồng ASEAN.
       Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều thống nhất cho rằng đề tài là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, đáp ứng được các mục tiêu đề ra cũng như tiêu chuẩn đối với một đề tài KHCN cấp Bộ cả về nội dung lẫn hình thức. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu do lĩnh vực nghiên cứu còn mới, sự dịch chuyển lao động du lịch vẫn chưa xảy ra, quá trình điều tra xã hội học và thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn…song các kết quả đạt được của đề tài có nhiều ý nghĩa về mặt thực tiễn, là nguồn tham khảo quý báo cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp du lịch. Với sự nhất trí cao, các thành viên của Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài với 7/7 phiếu xếp loại đạt. Phát biểu kết luận, Chủ tịch hội đồng – TS Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực làm việc nghiêm túc của nhóm nghiên cứu, cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu, đồng thời lưu ý nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến phản biện, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện để tài để tiến hành nghiệm thu cấp Bộ trong thời gian tới.

    Tin: Văn Dương – Ảnh: Thái Hà

    Bài cùng chuyên mục