Kỷ niệm 57 năm Ngày Thành lập ngành Du lịch Việt Nam
Ngày kỷ niệm lần thứ 57 thành lập ngành Du lịch 9/7/1960 – 9/7/2017 năm nay diễn ra trong niềm hứng khởi xen lẫn tự hào và khí thế tưng bừng của toàn ngành Du lịch khi mà toàn ngành đã được Đảng và Chính phủ quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, cùng với những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận.
Chặng đường 57 năm ngành Du lịch Việt Nam ghi dấu ấn của nhiều dấu mốc quan trọng như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua ngày 19/6/2017; năm 2016 lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón vị khách du lịch quốc tế thứ 10 triệu…
Nhờ có Du lịch, thế giới biết tới Việt Nam không chỉ là một quốc gia đẹp về cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận, nền văn hóa, lịch sử lâu đời và con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, mà còn biết tới một Việt Nam năng động hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới, đạt thành tựu đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ.
Kể từ khi là công ty Du lịch Việt Nam được thành lập ngày 9/7/1960 theo Nghị định 26/CP của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi Tổng cục Du lịch Việt Nam ra đời ngày 27/6/1978 trực thuộc Hội đồng Chính phủ theo Quyết nghị số 262 NQ/QHK6 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngành Du lịch cho tới nay đã xác định vị trí và vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2007, Chính phủ thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống quản lý nhà nước theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Du lịch, tiếp tục thực hiện chương trình Quốc gia về Du lịch, chương trình xúc tiến Du lịch Quốc gia và khẳng định vai trò của ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với ngành Hàng không, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thương mại và Khoa học công nghệ phát triển du lịch toàn diện, hợp tác quốc tế sâu rộng và tham gia mạnh mẽ vào các sự kiện lớn của đất nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu và xu hướng mới của thời đại.
Về kết quả tổng quan, ngành Du lịch đã nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch và lữ hành, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP.
Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Việt Nam thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Để thực hiện được những mục tiêu phát triển này, ngành Du lịch cần phải thực hiện được những nhiệm vụ và giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước du lịch.
Qua 57 năm phát triển, đặc biệt là từ sau những năm đổi mới, ngành Du lịch Việt Nam đang đi theo định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với đảm bảo an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân./.
Tin: Chiến Thắng