Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và viễn cảnh ngành Du lịch Việt Nam
Thế giới đang chứng kiến xu thế thay đổi toàn diện trong mọi mặt của nền kinh tế do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Các chuyên gia cho rằng, để bắt kịp với CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, phối hợp và học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp thời gian thực (real – time enterprise), doanh nghiệp số nơi mọi biến đổi từ ý kiến khách hàng tới nhu cầu của cá nhân đều được cung cấp bởi máy móc tính toán chứ không phải con người, tức là chuyển đổi số (digital transformation). Các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống và có thể đưa ra phản ứng cần thiết ngay tức thì kể cả trong việc quản trị, đáp ứng nhu cầu khách hàng lẫn đưa ra các mô hình kinh doanh mới.
Trong xu thế ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với thách thức của robot hóa thì kinh tế Việt Nam có tiềm năng khác để phát triển, đó là ngành nghề dịch vụ. Với hơn 3.200km bờ biển và 11 di sản phi vật thể, và 15 di sản khác đã được UNESCO công nhận gồm di sản văn hóa thế giới, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp và công viên địa chất toàn cầu cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh và nghệ thuật ẩm thực, ngành Du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế xứng tầm. Trong CMCN 4.0, ngành du lịch cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho khách thật hài lòng khi đến Việt Nam. Chúng ta cũng đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đáng khích lệ “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs được ngành Du lịch sử dụng để định vị thương hiệu.
Thật ra bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp kinh doanh nhờ công nghệ đã rõ ràng. Agoda là công ty kinh doanh khách sạn lớn nhất mà không sở hữu một khách sạn nào. Hầu hết các khách sạn đều muốn có mặt trong Agoda, để vừa là làm thương hiệu vừa tăng doanh số, vì Agoda có lượng khách hàng khổng lồ. Uber kinh doanh vận chuyển khách, tương tự như taxi nhưng không sở hữu bất kỳ một chiếc xe nào. Phần mềm Uber đã đóng vai trò như một tổng đài taxi, kết nối giữa người có xe và người muốn đi nhờ. Sự thông minh thể hiện ở chỗ sử dụng tiện ích trong nền kinh tế “chia sẻ” hoặc “theo yêu cầu” dựa trên những nền tảng công nghệ hỗ trợ việc kết nối con người với dữ liệu từ đó tạo ra những cách hoàn toàn mới để cung cấp dịch vụ: dự đoán khách hàng, cải tiến sản phẩm dịch vụ, đổi mới hợp tác và các hình thức tổ chức. Tất cả quy trình đi du lịch của khách từ bước thể hiện mong muốn, lập kế hoạch, lên đường, cảm nhận chuyến đi, tạo ấn tượng tốt đẹp khi kết thúc kỳ nghỉ đều có thể kết hợp thực hiện từ xa với sự trợ giúp của công nghệ.
Dựa vào phân tích mọi dữ liệu về bạn, Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của bạn với các loại hình và hoạt động du lịch theo gu của bạn. Công nghệ có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch nào, sở thích về các hoạt động trong chuyến đi, địa điểm, hình thức mua sắm, hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn. Máy bán hàng tự động sẽ bán bất kỳ món quà lưu niệm nào mà bạn muốn, ngay cả một món ăn hợp khẩu vị cũng được làm tự động. Khách du lịch thực sự là đối tượng trung tâm của những cải tiến phương thức phục vụ. Các sản phẩm du lịch có sự trợ giúp của kỹ thuật số có giá trị cao hơn và bền vững hơn với sự duy trì, cập nhật, phân tích dữ liệu, và có các hình thức hợp tác mới.
Một xu thế kết hợp khác, tuy không mới nhưng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng khi áp dụng công nghệ với du lịch và y tế. Ngành du lịch điều dưỡng cho người cao tuổi (nhu cầu này đang rất cao ở những nước phát triển). Cách mạng 4.0 sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khoẻ con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh… một cách đơn giản, chuẩn xác và ít tốn kém nhất. Công ty có thể kết nối với hệ thống chẩn đoán, các thông số về nhiệt độ, áp suất, nồng độ Ph trong máu cần thiết… và đưa ra những lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng phù hợp nhất để người bệnh được điều trị tốt nhất.
Rõ ràng, lợi ích và tác động của CMCN 4.0 có thể nói là vô hạn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của con người. Nhưng đó cũng là thách thức đối với nhân loại trong việc làm chủ công nghệ trước khả năng CMCN lần thứ tư sẽ thay đổi những gì chúng ta làm, sự riêng tư, cách chúng ta sử dụng thời gian cho công việc và giải trí, phương thức tiêu dùng… bởi chúng ta buộc phải kết nối với các hệ thống điện tử. Và đối với ngành Du lịch, trong xu thế cuộc CMCN lần thứ tư có khả năng cung cấp một dịch vụ hoàn hảo với sự sáng tạo, cảm thông, có trách nhiệm, kể cả tuổi thọ, sức khỏe, và nhận thức của chúng ta dựa trên tiềm năng robot hóa thì liệu nhân loại có cần một cách thức nào khác để gia tăng ý thức đạo đức mang tính tập thể, lòng từ bi và hợp tác vì vận mệnh chung?
Tin: Chiến Thắng – QLKH&HTQT