Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tổng cục Du lịch chấn chỉnh hoạt động lữ hành – Xây dựng, gìn giữ hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam

       logoTCDLNgành Du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2017 với 3,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016. Để triển khai kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 08 NĐ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết để nâng cao hình ảnh của Du lịch Việt Nam, đặc biệt để chấn chỉnh và nâng cao hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn khách du lịch trên toàn quốc.

       Đứng trước tình trạng một số công ty du lịch vi phạm những quy định về việc cho người nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân để hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép, hoặc trường hợp công ty không đăng ký hoạt động tour du lịch mạo hiểm, không có chức năng tiếp nhận và hướng dẫn cho du khách quốc tế nhưng vẫn kinh doanh gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự an toàn của khách du lịch, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang thực hiện chiến dịch thanh tra, làm sạch môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn.
       Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Cho tới nay, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, quy định nhằm nâng cao hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch. Cụ thể là Kế hoạch số 1037/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch; Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch; Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến; Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2017 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch.
       Để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, quản lý điểm đến du lịch trên phạm vi toàn quốc, ngày 21/4/2017, tại Hà Nội, TCDL tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch; quản lý điểm đến du lịch”.

     

    chan chinh du lich

    Toàn cảnh Hội nghị

       Theo đó, TCDL sẽ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Đào tạo, Vụ Pháp chế, Hiệp hội Du lịch, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, các đơn vị truyền thông thuộc Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra trên phạm vi cả nước từ tháng 3/2017 đến hết tháng 12/2018. Theo kế hoạch, các đoàn công tác thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; phát động chiến dịch chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và phối hợp liên ngành; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

       Một chiến dịch chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành đảm bảo “Chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng” và hướng dẫn du lịch “Chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề” sẽ được phát động nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch. Cụ thể, các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của doanh nghiệp lữ hành, hoạt động của hướng dẫn viên và công tác quản lý, cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên tại các địa phương, trong đó, tập trung ở các địa bàn trọng điểm, các công ty lữ hành đón khách ở thị trường quan trọng và kinh doanh du lịch mạo hiểm.
       Trước tiên, từ ngày 24 – 27/4/2017, TCDL chủ trì, phối hợp với các các cơ quan chức năng như: Công an, Quản lý xuất nhập cảnh, Biên phòng, Giao thông vận tải, Quản lý thuế, Thanh tra Bộ VHTTDL thành lập ban tổ chức, hội đồng đánh giá và cử 2 tổ chuyên gia trực tiếp đi kiểm tra thí điểm 4 điểm đến là: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Sapa (Lào Cai), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bái Đính (Ninh Bình). Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch. Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp lữ hành; kiểm tra nguồn nhân lực của doanh nghiệp lữ hành; kiểm tra hồ sơ xây dựng tour tuyến; kế hoạch trong những năm vừa qua và năm 2017 này; kiểm tra chất lượng dịch vụ khách du lịch.

    chan chinh du lich1

    Hoàng thành Thăng Long

       Hưởng ứng chiến dịch chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ ngày 24/4 thành phố Hà Nội sẽ thanh, kiểm tra 20 đơn vị lữ hành không nộp báo cáo tình hình hoạt động trong năm; đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra vào hoạt động hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Trung và bán hàng rong chèn ép khách khu vực phố cổ. Sở VHTTDL Lào Cai cũng cam kết: “Sở VHTTDL Lào Cai yêu cầu 7 doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc thông qua Hiệp hội lữ hành của tỉnh để điều phối, qua đó không bị ép giá, chất lượng dịch vụ đảm bảo”.
       Nhìn chung các doanh nghiệp ủng hộ đợt chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nêu ý kiến về việc phối hợp kiểm tra giữa các đơn vị quản lý cũng như việc quy định thời gian kiểm tra cần thống nhất, tránh chồng chéo, tránh các mùa cao điểm. Các địa phương và doanh nghiệp cho rằng, hoạt động lữ hành liên quan từ khâu vận chuyển, lưu trú, mua sắm… Do đó, trước khi thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ thông báo đầy đủ quy trình tới doanh nghiệp du lịch để tự doanh nghiệp điều chỉnh. Việc xử lý liên ngành sẽ là giải pháp cuối cùng, có như vậy, đợt chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch mới bền vững
       Năm 2017, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 12 triệu lượt khách quốc tế, 70 triệu lượt khách nội địa. Việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành trên phạm vi cả nước sẽ giúp cho Ngành thực hiện tốt mục tiêu đề ra, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, phát triển xanh, bền vững./.

     

    Tin: Chiến Thắng – QLKH&HTQT

    Bài cùng chuyên mục