Hội thảo phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Hội thảo phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Nhóm công tác về du lịch APEC đã được tổ chức tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 23/2/2017, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan, năm APEC Vietnam 2017. Chủ đề của Hội thảo được Việt Nam đưa ra để hưởng ứng Năm quốc tế về du lịch bền vững 2017 do UNWTO phát động và thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chủ trì, cùng với sự tham dự của đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, các chuyên gia quốc tế đến từ các nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế WTTC, OECD, PATA, IATA, AICST…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ những năm gần đây du lịch APEC tăng trưởng bền vững, bao trùm, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phá triển kinh tế – xã hội, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tốc và sự kết nối trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra nhận định: “Du lịch vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu”.
Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu. Du lịch đóng 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú (UNWTO, 2013); các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch cũng gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước; kinh doanh lưu trú sử dụng tài nguyên quý như đất, nước, năng lượng với số lượng lớn cũng làm cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên; một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt có thể ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên hoang dã. Bên cạnh đó, du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Khí hậu biến đổi ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành (điều hòa không khí, thực phẩm, nước, bảo hiểm…); một số hiện tượng thời tiết cực đoan, khó dự báo khiến các chương trình du lịch bị hủy bỏ, tạo tâm lý e ngại cho khách du lịch; nước biển dâng, sạt lở đất ảnh hưởng lớn tới các khu du lịch ven biển.
Phó Viện trưởng Trương Sỹ Vinh trình bày tại Hội thảo
Nội dung hội thảo tập trung trình bày và thảo luận các chủ đề như: tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại; định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch APEC. Đại diện cho Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng đã trình bày tại Hội thảo một số nội dung về dự thảo Khung hướng dẫn phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở các nội dung trình bày và thảo luận trong hội thảo, Nhóm công tác về du lịch của APEC sẽ đề xuất mục tiêu và nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra. Đây là hai văn bản quan trọng sẽ tiếp tục được xem xét và thông qua tại Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững sẽ được tổ chức tại Hạ Long vào tháng 7/2017 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 tại Đà Nẵng.
Hồng Nhung