Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số kinh nghiệm quốc tế về thích ứng với các xu hướng mới của thị trường trong tiêu dùng du lịch

       XuhuongKinh nghiệm của Thái Lan

       Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với nền kinh tế quốc dân nên Thái Lan là một trong những nước tiên phong trong du lịch bắt tay vào làm du lịch và trở thành “cường quốc du lịch” trong khu vực.

       Xu hướng du lịch sinh thái

      Những năm gần đây, xu hướng đi du lịch sinh thái ngày càng phát triển vì con người ngày càng muốn gần gũi với thiên nhiên. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) và các doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này của khách du lịch và nhanh chóng phát triển rất nhanh loại hình du lịch này. Nhận thức được thực tế là Thái Lan được tạo hóa ban tặng nhiều kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những cảnh quan hoang dã phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, chính phủ Thái Lan đã đầu tư nhiều tiền vào phát triển du lịch sinh thái và kết quả là Thái Lan đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với những du khách yêu thích khám phá, tìm hiểu tự nhiên. Trong suốt hai thập kỷ qua, những hoạt động như xe đạp leo núi, thả bè trên sông, cắm trại, ngắm chim choc, tự nhiên, lặn biển, leo núi đá…rất phát triển trong những khu du lịch tự nhiên của Thái Lan, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông và Nam Thái Lan. Với hành trình Bangkok – Pattaya – Kanchanaburi sẽ đưa du khách đến không gian xanh của những cánh rừng nguyên sinh bát ngát, những ngọn núi đồi hùng vĩ. Ở Kanchanaburi, nơi địa hình thung lũng rộng lớn bao quanh bởi núi đồi và những cánh rừng nguyên sinh cùng ba con sông nổi tiếng Khwae Noi, Khwae Yai và Mae Klong hợp lưu với nhau, các doanh nghiệp du lịch Thái đã đầu tư vào các hoạt động vui chơi giải trí gắn liền với sông nước thú vị như: vượt thác, tắm thác giữa đại ngàn núi rừng bao la với phương pháp massage bằng nước cực kỳ hiệu nghiệm. Bên cạnh đó, Kanchanaburi còn thu hút du khách với trải nghiệm hoàn toàn độc đáo, mới lạ trên lưng những chú voi khổng lồ để du ngoạn cảnh sắc hai bên cánh rừng mênh mông.

       Xu hướng du lịch mạo hiểm

       Nắm bắt được xu thế ngày càng có nhiều du khách muốn khám phá và thử thách bản thân qua những hình thức du lịch mạo hiểm, Chính phủ cũng như Tổng cục Du lịch Thái Lan đã nghiên cứu và đầu tư để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm. Với tài nguyên rừng núi cũng như thác gềnh, sông ngòi, Thái Lan đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như những biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách tham gia du lịch mạo hiểm. Các loại hình du lịch mạo hiểm như lướt song, chèo thuyền vượt thác ghềnh, leo núi hay đạp xe đạp xuyên rừng… đã được TAT cho khai thác ở hầu hết các tỉnh thành có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Hiện nay, du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình thu hút nhiều khách nhất đến Thái Lan.

       Xu hướng du lịch MICE

       Thái Lan là một trong những nước tiên phong trong khu vực đầu tư nhiều cho Du lịch MICE và có nhiều thành công. Thực tế, khai thác du lịch MICE đem lại hiệu quả lớn. Du lịch MICE có thể tạo doanh thu lớn nhờ đối tượng khách đông, tập trung, có khi đến vài trăm người, có mức chi tiêu cao gấp sáu lần khách thông thường và thời gian lưu trú dài ngày. Nắm bắt được xu thế nên ngành du lịch Thái Lan có những bước đi rất sớm. Một mặt Thái Lan có những tiền đề để phát triển như cơ sở hạ tầng hiện đại, có nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, một mặt Thái Lan nỗ lực tối đa cho thủ tục xuất nhập cảnh thuận tiện, nhanh chóng và đầu tư cho nguồn nhân lực hung hậu, chuyên nghiệp phục vụ du lịch MICE. Gần đây, các đơn vị xúc tiến thương mại của Thái Lan đã cất công sang Việt Nam để thuyết phục các cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam đến Thái Lan tham gia các triển lãm, hội nghị, hội thảo – một bộ phận của loại hình du lịch MICE. Mới đây nhất, Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB) đã phối hợp với một số đơn vị ở Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo ở Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề: “Thailand Extra Exhibition – Mở rộng cơ hội kinh doanh tại Đông Nam Á”. Tại đây, các nhà xúc tiến thương mại của Thái Lan đã giới thiệu đến các đơn vị xúc tiến thương mại, phòng thương mại, hiệp hội chuyên ngành, nhà xuất bản chuyên ngành, công ty du lịch MICE, các tổ chức quốc tế phi lợi nhuận tại Việt Nam về các triển lãm ở Thái Lan trong năm 2016, kèm theo đó là các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn.

       Xu hướng du lịch “SEX” và những tác động tiêu cực

       Hiện nay có không ít các quốc gia trên thế giới phát triển loại hình du lịch này, trong đó có Thái Lan. Xuất phát từ nhu cầu lớn của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Châu Âu, coi sex như một nhu cầu cơ bản không thể thiếu trong đời sống, Thái Lan đã biến nhu cầu này thành một ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp sex tại Thái Lan được công khai, thừa nhận trước pháp luật và được nhà nước quản lý. Đây là ngành công nghiệp mang về cho Thái Lan một lượng ngoại tệ lớn và cũng là một trong những nguyên nhân Thái Lan luôn thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của loại hình du lịch ăn khách này là nạn mại dâm tràn lan trong xã hội, là đại dịch AIDS và khai thác tình dục trẻ em. Thái Lan là nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch AIDS nhiều nhất châu Á. Theo thống kê của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), số trẻ em hành nghề mại dâm ở Thái Lan vào khoảng 60.000 đến 200.000 em. Hiện tại, chính quyền Thái Lan đã nhận ra được những mặt trái của loại hình du lịch này, mặc dù không xóa bỏ loại hình du lịch này nhưng đang cố gắng thu hút du khách tham gia vào các loại hình du lịch lành mạnh khác để thay đổi nhận thức của du khách về hình ảnh du lịch Thái Lan.

     

       Kinh nghiệm của Nhật Bản – Xu hướng du lịch nông thôn   

       Du lịch nông thôn được quan tâm và đẩy mạnh tại nhiều quốc gia Châu Âu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ những năm gần đây loại hình du lịch này mới thực sự phát triển mạnh và phổ biến rộng ra ở Châu Á và trở thành một trào lưu.

       Ở Châu Á, có hai quốc gia khá thành công trong việc khai thác và phát triển tài nguyên du lịch khu vực nông thôn là Thái Lan và Nhật Bản. Du lịch nông thôn bắt đầu được quan tâm và phát triển tại Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước bắt nguồn từ nguyên nhân do quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa, quá trình di dân cơ học của lao động vùng nông thôn về thành thiện làm cho sản xuất và phát triển ở các vùng nông thôn, miền núi, ven biển ở Nhật có xu hướng đình trệ. Bên cạnh đó, sự phân cách và tách rời giữ thành thị và nông thôn ngày càng rõ nét. Chính từ lý do đó, Nhật Bản quan tâm đến loại hình du lịch này nhằm khôi phục sự phát triển của vùng nông thôn, tăng cường giao lưu giữa cư dân thành thị và nông thôn, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân thành thị đối với hoạt động sản xuất và các giá trị văn hóa tại các vùng nông thôn.

       Để thích ứng với xu hướng phát triển của du lịch nông thôn, chính phủ Nhật Bản đề ra bốn phương hướng phát triển:

       – Xây dựng một hình ảnh đẹp đẽ về khu vực nông thôn.
       – Xác lập một thể chế để đáp ứng sự phát triển của du lịch nông thôn
       – Xác lập hệ thống thông tin liên kết và trao đổi giữa thành thị và nông thôn thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá và các hoạt động khác
       – Xác lập hệ thống cơ chế quản lý, các chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển từ phía nhà nước.

       Tập trung phát triển 3 hình thức du lịch nông thôn chính bao gồm: Tham quan vãn cảnh nông thôn; Nghỉ ngơi thư giãn tại các vùng nông thôn; Học tập nghiên cứu tại các vùng nông thôn.

       Đánh giá kinh nghiệm của Nhật Bản: phát triển du lịch nông thôn là hướng đi đúng. Du lịch nông thôn là loại hình có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững khu vực nông thôn. Nhật Bản coi du lịch nông thôn là một biện pháp để kích hoạt sự phát triển của khu vực, khôi phục lại các hoạt động canh tác truyền thống, tăng cường giao lưu, nâng cao sự hiểu biết về canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống khác.   

       Kinh nghiệm của Hàn Quốc – Xu hướng du lịch điện ảnh

       Du lịch điện ảnh hay “film induced tourism” là một thuật ngữ không mới nhưng trào lưu du lịch điện ảnh chỉ trờ thành một hiện tượng trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Các địa danh dưới đây là những nơi đầu tiên sử dụng các phim trường làm nơi du lịch, một số địa danh có những thành công nhất định như phim trường Chúa tể của những chiếc nhẫn, Harry Porter.

       Tại Hàn Quốc, du lịch điện ảnh được định nghĩa là một loại hình du lịch sáng tạo “creative tourism”. Nắm bắt được xu thế có thể quảng bá du lịch thông qua điện ảnh rất hiệu quả, các nhà làm chính sách, doanh nghiệp du lịch và các nhà làm phim Hàn Quốc đã bắt tay nhau để thúc đẩy quảng bá du lịch và trở lên rất thành công. Nhiều bộ phim của Hàn Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài mang theo hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Hàn Quốc tạo ra một làn sóng văn hóa lớn trên thế giới. Một thực tế không thể phủ nhận rằng điện ảnh Hàn Quốc đang góp phần tạo ra sức mạnh mềm trong việc mang tới một diện mạo mới trẻ trung, năng động, xinh đẹp góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc tới bạn bè quốc tế.

       Để góp phần cho những thành công đó, từ những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã có sự hỗ trợ lớn đối với ngành công nghiệp giải trí nước nhà. Mức đầu tư của Chính phủ dành cho ngành này tăng từ 8,5 tỉ đô la năm 1999 đến 43,5 tỉ đô la năm 2003. Trong nhiều năm liền, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách cấm nhập khẩu những sản phẩm điện ảnh từ quốc gia đối thủ là Nhật Bản, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh. Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ một phần quan trọng trong việc đem điện ảnh Hàn Quốc ra nước ngoài. Bộ cũng cử nhiều phái đoàn Hàn Quốc tham gia tổ chức những lễ hội Hàn Quốc, những liên hoan phim Hàn Quốc ở nước ngoài thông qua Korea Foundation. Phim Hàn Quốc được xem như khởi đầu của trào lưu Hallyu – “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc” trên khắp các quốc gia châu Á. Thuật ngữ Hallyu lần đầu tiên được sử dụng ở Bắc Kinh – Trung Quốc vào giữa những năm 1990 để miêu tả sự phát triển nhanh chóng của làng giải trí Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc kéo theo nó. Cho tới nay, Hallyu đã được biết đến và phổ biến như một thuật ngữ đáng tự hào của người Hàn Quốc.

       Thành công đầu tiên của phim Hàn Quốc, cũng là của Hallyu, phải kể đến là bộ phim “Bản tình ca mùa đông”, phát sóng trên truyền hình Nhật Bản năm 2003 với sự tham gia của 2 diễn viên hàng đầu Hàn Quốc lúc bấy giờ là Bae Yong Joon và Choi Ji Woo. Theo sau “Bản tình ca mùa đông”, hàng trăm ngàn bộ phim Hàn Quốc đã ra đời và vươn ra thế giới với cương lĩnh chung nhà nước ban hành là tập trung khai thác các câu chuyện liên quan đến đời sống gia đình (vì nếp sống gia đình là một trong những nét văn hóa đậm chất Á Đông, dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả); tập trung khai thác các kịch bản, yếu tố kỹ thuật quay… để lột tả được vẻ đẹp còn tiềm ẩn của những miền đất mà sau này đều trở thành những danh thắng xếp hạng toàn cầu, thu hút khách du lịch bốn phương; tập trung thể hiện hình ảnh xinh đẹp, thành đạt và thanh lịch của người Hàn Quốc hiện đại bên cạnh với việc phổ biến văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực.

       Trong hàng loạt phim truyền hình Hàn Quốc có sức hấp dẫn thì nhiều bộ phim đã ghi dấu sâu sắc tạo ra cơn sốt khiến lượng khách đến Hàn Quốc tăng đột biến như “Nàng Dae Jang Geum”, “Trái tim mùa thu”, “Ngôi nhà hạnh phúc”…Đảo Jeju được biết đến và trở thành điểm đến được ưa chuộng do người hâm mộ tìm đến nơi được bấm máy các cảnh quay của bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được chiếu trên nhiều quốc gia và tạo thành cơn sốt kể cả sau 10 năm ra mắt.

       Gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

       Với du lịch sinh thái, Việt Nam sở hữu những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều điểm tham quan hấp dẫn nhưng loại hình du lịch sinh thái tại Việt Nam chưa phát triển. Hầu hết là sự phát triển manh mún tự phát, lợi dụng những gì sẵn có mà chưa có sự đầu tư lâu dài cũng như kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đó. Vì vậy, dù trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, Việt Nam cần phải có kế hoạch phát triển rất cụ thể cũng như quy hoạch bài bản các địa bàn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái.

       Với du lịch mạo hiểm, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này, tuy nhiên việc khai thác hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt là liên quan đến các điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách. Gần đây có nhiều sự cố đáng tiếc đối với du khách nước ngoài khi tham gia loại hình du lịch này tại một số địa phương như Lâm Đồng, …đã như hồi chuông cảnh tình với giới quản lý du lịch các địa phương về sự thiếu hụt khung chính sách và buông lỏng quản lý đối với các doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó, để thúc đẩy loại hình du lịch này ngành du lịch cần tập trung khảo sát, quy hoạch những địa điểm thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá phù hợp với các thị trường mục tiêu. Đặc biệt cần chú trọng hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình du lịch.   

       Với du lịch nông thôn, Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò của du lịch nông thôn, từ đó có chủ trương chính sách phù hợp của Nhà nước; xây dựng và phát triển các sản phẩn du lịch nông thôn theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù và phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị định hướng bền vững.

      Với Du lịch MICE, đối với Việt Nam còn rất mới mẻ. Hiện tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn để phát triển loại hình du lịch này, đặc biệt là khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm tổ chức, khai thác. Hiện nay Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có một trung tâm hội nghị, triển lãm tầm cỡ khu vực và thế giới nhưng so với các thành phố khác trong khu vực thì còn thua kém rất nhiều. Điều quan trọng nữa là Việt Nam chưa hình thành các tổ chức chuyên nghiệp về MICE để điều phối hoạt động của loại hình du lịch này. Các hoạt động du lịch MICE hầu như chỉ là các hoạt động đơn lẻ của một số khách sạn nên khó phát huy hiệu quả kinh tế. Việc cần làm là sớm cho ra đời một tổ chức chuyên nghiệp của loại hình kinh doanh này và kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều trung tâm triển lãm, hội chợ, hội nghị mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.

       Với “Film tourism”, Việt Nam từng là điểm đến của nhiều bộ phim nổi tiếng trên thế giới như phim “Người tình”, “Đông Dương”, “Kong: Skull Island”,.. nhưng việc tận dụng việc quảng bá cho du lịch còn nhiều hạn chế. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước để tận dụng tối đa hiệu quả của việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Một số việc cần làm hiện nay là cần có chính sách đặc thù, ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, cấp phép và kêu gọi các đoàn làm phim lớn trên thế giới đến Việt Nam sản xuất phim, cần xây dựng chủ trương, chính sách rõ rang để kết nối hai lĩnh vực điện ảnh và du lịch trong nước, cần lồng ghép những địa bàn ưu tiên phát triển, quảng bá du lịch vào các bộ phim điện ảnh,…

       Với du lịch “SEX” và tác động tiêu cực mang lại, hiện tượng này ở Việt Nam không phải là không có, nó hoạt động không công khai, trá hình tinh vi dưới nhiều hình thức linh hoạt. Để ngăn chặn xu hướng này trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói riêng cần có nhiều biện pháp cứng rắn, mạnh tay từ phía cơ quan quản lý nhà nước, từ các Bộ, ngành đến các địa phương.   

    Phạm Văn Dương, Phòng QLKH&HTQT

     

    Bài cùng chuyên mục