Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016
1. Sự cần thiết lập quy hoạch
Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành bởi phù sa của sông Mekong, một trong bảy con sông lớn nhất thế giới. Sông Mekong còn là hình ảnh điển hình nhất về sự liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, các dân tộc, các nền văn hóa đa dạng dựa trên một dòng sông vĩ đại dài tới hơn 4000km. Đồng bằng châu thổ sông Mekong cũng là vựa lúa của thế giới và chiếm tới 95% sản lượng xuất khẩu cá da trơn của toàn thế giới. Đoạn sông Mekong chảy qua Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông qua 9 cửa biển lớn cũng là nơi hội tụ những giá trị tự nhiên cũng như văn hóa tiêu biểu nhất của dòng sông này.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đây là vùng Đồng bằng lớn nhất của cả nước với trung tâm là Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ ở phía Đông Bắc, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, phía Tây Nam, phía Nam và Đông Nam tiếp giáp với vịnh Thái Lan và biển Đông.
Diện tích tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 40.576,6km2 (Niên giám Thống kê 2015), nằm tiếp giáp với vùng Đông Nam Bộ và Campuchia. Phía Đông Nam của vùng là Biển Đông và phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan.
Dân số của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 17.590.400 người (Niên giám Thống kê 2015) gồm nhiều dân tộc khác nhau, trong đó chủ yếu là người Kinh, Khmer, Hoa và người Chăm. Mật độ dân số trung bình của Vùng là 434 người/km2.
Trong 7 vùng du lịch của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích lớn thứ 4, dân số đông thứ 2 nhưng mức độ đô thị hóa gần như thấp nhất trong cả nước, hiện nay chỉ có 24,5% dân số Đồng bằng sông Cửu Long là dân cư đô thị.
Hình thành do phù sa của sông Mekong, địa hình vùng Đồng bằng sông Cửu Long tương đối bằng phẳng và thấp, ngoại trừ một số ngọn núi ở Kiên Giang và An Giang. Vùng đồng bằng này được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Địa hình của vùng tương đối bằng phẳng với độ cao trung bình dưới 5m, có khu vực chỉ cao 0,5 – 1m so với mực nước biển.
Nét đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đến nay, giao thông đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân cũng như phát triển kinh kế – xã hội của vùng.
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư mạnh mẽ. Các tuyến đường bộ phát triển tương đối rộng khắp, các cây cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên… đã hoàn thành trên tất cả các con sông lớn trong vùng. Một số tuyến giao thông mới quan trọng đã hoàn thành như tuyến Cần Thơ – Cà Mau, Cần Thơ – Bạc Liêu, nhiều tuyến khác đang được nâng cấp, mở rộng. Giao thông đường bộ phát triển mạnh đã mang lại những thuận lợi to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 2 sân bay quốc tế Phú Quốc và Cần Thơ và 2 sân bay nội địa tại Cà Mau và Rạch Giá (Kiên Giang). Các đường bay cả quốc tế và trong nước liên tục phát triển, cả về tần xuất và các tuyến bay mới. Giao thông hàng không đã “đưa” Đồng bằng sông Cửu Long gần hơn với thị trường miền Bắc cũng như một số thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một trong những khó khăn cơ bản của Đồng bằng sông Cửu Long so với nhiều vùng khác là chưa có kết nối đường sắt.
Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng. Phần lớn các tài nguyên du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi là hình ảnh đặc thù của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng có 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Đây là những tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý báu của vùng cũng như của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi hòa trộn, giao thoa của các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, người Hoa, người Khmer và người Chăm. Đây là yếu tố hết sức quan trọng làm nền tảng hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng đặc sắc và giá trị.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội thu hút nhiều du khách như Lễ hội Bà chúa Xứ (Núi Sam, An Giang), Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang) hoặc các lễ hội dân tộc đặc sắc khác như: hội đua bò Bảy Núi (An Giang), Oóc-Om-Bóc (dân tộc Khmer), đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Trái cây, Lễ hội Quán âm Nam Hải (Bạc Liêu)…
Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cũng hết sức hấp dẫn du khách tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ.
Là nơi dòng sông Mekong nặng trĩu phù sa đổ ra biển nên mặc dù có bờ biển dài trên 700km nhưng đồng bằng sông Cửu Long không có nhiều bãi biển đẹp, ngoại trừ khu vực Hà Tiên, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) và các bãi biển có chất lượng cao trên đảo Phú Quốc – một trong những điểm du lịch biển đảo quan trọng nhất của Việt Nam.
Ẩm thực độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long với những món ăn dân dã mang đậm tính chất ẩm thực “khẩn hoang”, gần gũi thiên nhiên cũng hết sức hấp dẫn du khách.
Với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, đồng bằng sông Cửu Long đã tương đối thành công trong việc thu hút khách du lịch. Năm 2015, toàn vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu nhập từ khách du lịch của cả vùng đạt trên 8,6 nghìn tỷ đồng. Tiền Giang, Bến Tre và Cần Thơ là các địa phương thu hút được nhiều khách quốc tế nhất và An Giang là địa phương thu hút được nhiều khách nội địa nhất.
Mặc dù có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, tuy nhiên hệ thống sản phẩm du lịch hiện nay của vùng còn đơn điệu, ngoại trừ du lịch biển đảo Phú Quốc và các lễ hội, phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên chính là sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử. Hình thức của các sản phẩm này cũng hết sức tương đồng, do vậy hoạt động du lịch không đạt hiệu quả cao, sức hút không mạnh, và sự cạnh tranh chủ yếu về giá cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên Cần Thơ cũng chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tầu trong phát triển du lịch. Thay vì đảm nhiệm vai trò là đầu mối phân phối, trung chuyển khách và phát huy các thế mạnh của một trung tâm đô thị vùng, các sản phẩm du lịch hiện nay của Cần Thơ lại cũng cạnh tranh trực tiếp với các địa phương khác. Do vậy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần một Cần Thơ phát huy thực sự được vai trò trong công tác phát triển du lịch, liên kết hợp tác và quảng bá xúc tiến hơn nữa.
Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2010 đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của du lịch.
Sự phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và làm thay đổi diện mạo của nhiều khu vực trong vùng, tạo nên nhiều công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, củng cố vững chắc quốc phòng – an ninh.
Như đề xuất trong Đề án, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng đảm nhiệm vai trò là đầu mối điều phối phát triển du lịch, nhưng với quy mô bộ máy, điều kiện nguồn lực, và vị thế chính thức như vừa qua thì khó có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “nhạc trưởng” của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương cũng chưa thực sự chủ động điều chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng của Đề án. Do vậy, việc điều phối phát triển du lịch vùng đòi hỏi có một phương thức tổ chức mới, hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2011 và đến năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong đó có những định hướng lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển du lịch đối với vùng, cần phải có những định hướng mang tính đột phá gắn với việc liên kết phát triển du lịch các địa phương trong vùng, khai thác đặc thù về tài nguyên xây dựng thương hiệu du lịch vùng để phát triển bền vững du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với các nhìn nhận trên, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là cần thiết và cấp bách làm tiền đề cho công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững.
2. Căn cứ lập quy hoạch
– Luật du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
– Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
– Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;
– Luật bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 03/12/2004;
– Luật di sản văn hoá số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/2009;
– Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị quyết 17/2011/QH13 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của các địa phương trong vùng;
– Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;
– Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch và Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
– Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;
– Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;
– Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
– Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
– Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng;
– Chỉ thị 14 CT/TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;
– Công văn số 5345/VPCP-KGVX ngày 10/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc Bổ sung Khu di tích Núi Sam, tỉnh An Giang vào Danh mục các Khu du lịch quốc gia;
– Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
– Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020;
– Quyết định 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011-2020
– Quyết định số 4552/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Và một số các căn cứ khác, như các nghiên cứu Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam…
3. Phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch
3.1. Về không gian:
Lãnh thổ Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên 40.576,6km2; dân số khoảng 17,5 triệu người.
3.2. Về thời gian
– Số liệu hiện trạng đến năm 2015.
– Định hướng quy hoạch đến năm 2030.
4. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ lập quy hoạch
4.1. Quan điểm xây dựng quy hoạch
– Đảm bảo các nguyên tắc về quy hoạch được quy định trong Luật Du lịch;
– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
– Phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Phát huy lợi thế của cả vùng, và các địa phương trong vùng; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nhằm phát triển hệ thống sản phẩm đặc thù của vùng và tăng cường khả năng liên kết nội vùng cũng như liên kết với các vùng và khu vực khác trong cả nước và quốc tế.
4.2. Mục tiêu xây dựng quy hoạch
Cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm:
– Thực hiện công tác quản lý phát triển du lịch đảm bảo có hiệu quả và thống nhất trong mối liên hệ toàn vùng và với các vùng khác trong cả nước.
– Tạo cơ sở lập các quy hoạch phát triển du lịch địa phương, các khu du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn vùng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch vùng.
4.3. Nhiệm vụ lập quy hoạch
Quy hoạch tổng phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có nhiệm vụ:
1. Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng và quốc gia;
2. Phân tích, đánh giá tiềm năng các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch;
3. Xác định quan điểm mục tiêu, tính chất quy mô phát triển du lịch vùng, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch vùng đến năm 2030;
4. Tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng; định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, các giá trị văn hóa trong vùng để phục vụ phát triển du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch;
5. Xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch vùng; nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư phát triển du lịch vùng;
6. Đánh giá hiện trạng môi trường, tài nguyên và đề xuất các giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường;
7. Đề xuất cơ chế, chính sách; giải pháp, mô hình tổ chức quản lý, phát triển du lịch vùng theo quy hoạch.
5. Phương pháp lập quy hoạch
1. Phương pháp thu thập tài liệu và thống kê: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác. Phương pháp thống kê được sử dụng để đánh giá chính xác diễn biến hiện trạng phát triển du lịch thể hiện qua các chỉ tiêu cụ thể.
2. Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch…
3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.
4. Phương pháp dự báo, chuyên gia: Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức… có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian lãnh thổ du lịch; trong việc đề xuất các trọng điểm, các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.
5. Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên hệ thống bản vẽ quy hoạch.
Toàn văn Báo cáo Tổng hợp: