Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn – Định hướng cho các tỉnh phía Nam

       DL phia Nam -tccs Từ Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển du lịch. Năm 1994, khi Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới nhằm tập trung chỉ đạo phát triển du lịch. Năm 1998, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị họp chuyên đề về du lịch và ban hành Thông báo Kết luận số 179-TB/BCT, trong đó nêu rõ ý kiến chỉ đạo về tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của đất nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 tiếp tục khẳng định rõ chủ trương “Có chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao; Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh; Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và gìn giữ vệ sinh môi trường; Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn, chất lượng cao”.
       Có thể thấy, Đảng và Chính phủ luôn không ngừng quan tâm đến phát triển du lịch Việt Nam, đã và đang có những chỉ đạo, chính sách đột phá để tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.
       Với những thành tựu đáng kể về tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể phấn đấu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thập kỷ tới.
       Về các chỉ tiêu phát triển, giai đoạn 2010 – 2015, khách quốc tế đến tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm tăng hơn 1,57 lần so với giai đoạn 2006 – 2010 (9,48% so với 8,95%). Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa. Bảy tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng(năm 2015), đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tổng đóng góp, bao gồm đóng góp trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa đạt 13,9% GDP (theo Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của WTTC).Về tạo việc làm, tính đến năm 2015, ngành du lịch tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Số lượng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ, hiện nay cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng gần 1,7 lần so với năm 2010, tổng cơ sở lưu trú hơn 20.100 cơ sở với 400.000 buồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010. Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao.  
       Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương. Sự phát triển du lịch góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Chính phủ tập trung cho phát triển du lịch, ngân sách Nhà nước đã được bố trí hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch cho các địa phương. Nguồn vốn ngân sách này đã thực sự tạo động lực cho sự phát triển du lịch, là cơ sở để thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch cũng như đầu tư các cơ sở kinh doanh du lịch, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư.
       Đồng thời, nhận thức về du lịch thời gian qua đã có bước chuyển biến quan trọng. Du lịch từ chỗ chỉ được coi du lịch là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
       Đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Du lịch Việt Nam là sự tham gia không nhỏ của các tỉnh, thành phía Nam. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch và các địa phương, năm 2015, tổng lượt khách du lịch quốc tế đi lại các tỉnh, thành phía Nam (21 tỉnh từ Ninh Thuận tới Cà Mau) đạt hơn 8,2 triệu lượt; phục vụ hơn 68,9 triệu lượt khách du lịch nội địa đi lại trong vùng; tổng thu từ khách du lịch của các tỉnh đạt 115.676 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế – xã hội vùng. Bên cạnh trung tâm du lịch là Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Nam đang thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm với những điểm đến nổi bật như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang (Phú Quốc), Tiền Giang… Các điểm đến nổi bật trong vùng đều là những điểm đến được xác định vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch của Việt Nam.
       Các tỉnh, thành phía Nam từ Ninh Thuận tới Cà Mau với những tiềm năng đặc biệt để phát triển du lịch cả về thiên nhiên và nhân văn. Được sự ưu đãi của thiên nhiên, các tỉnh, thành phía Nam có khí hậu ấm áp quanh năm, là điểm đến yêu thích của khách du lịch quốc tế, đặc biệt vào những tháng mùa đông, dịp lễ, tết. Với những bãi biển đẹp của Ninh Thuận, Bình Thuận (Mũi Né), Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các đảo đẹp nổi tiếng như Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang) là nguồn tài nguyên vô cùng hấp dẫn để phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, cùng hệ thống resort, khách sạn cao cấp, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Ngoài ra, du lịch sinh thái cũng là một thế mạnh của các tỉnh phía Nam với hệ sinh thái đặc sắc của các vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình, Côn Đảo, Cát Tiên, Phú Quốc, Tràm Chim; các khu sinh thái Rừng Sác Cần Giờ, Đồng Tháp Mười, Cồn Phụng – Long Phú, rừng ngập mặn Đất Mũi… Mảnh đất phương Nam màu mỡ, vựa trái cây, vựa lúa lớn của cả nước, là điểm du lịch sinh thái miệt vườn vô cùng đặc sắc, khách du lịch tới đây yêu thích những trải nghiệm ngọt ngào tại các vườn nho Ninh Thuận, vườn trái cây Lái Thiêu, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
       Bên cạnh những tài nguyên thiên nhiên, du lịch phương Nam cũng thu hút du khách với những tài nguyên du lịch nhân văn như các công trình di tích văn hóa, lịch sử (nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc…), tâm linh, các lễ hội truyền thống (lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ hội của người Khơmer, lễ hội Cầu Ngư), làng nghề truyền thống (gốm Bàu Trúc, hoa kiểng Sa Đéc); kết hợp với nền văn hoá đậm chất Nam Bộ đặc sắc (chợ nổi, đờn ca tài tử, cuộc sống sông nước). Những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thăm quan miệt vườn, du lịch văn hóa lịch sử đã và đang là điểm nhấn hấp dẫn trong hành trình của du khách tới với vùng đất phía Nam.
       Với những tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn, du lịch nhiều tỉnh, thành phía Nam cần được xác định để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đóng góp cho công tác bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường. Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch cần phải được định hướng tập trung đầu tư phát triển để mang lại giá trị kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh; giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sinh thái.
       Tuy nhiên, trong thời gian qua, du lịch tại các tỉnh, thành phía Nam vẫn chưa phát triển xứng đáng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có. Những hạn chế khiến ngành du lịch tại đây chưa phát triển bao gồm những yếu kém nội tại của du lịch nhiều tỉnh trong khu vực như vấn đề xúc tiến quảng bá, công tác quản lý điểm đến và quản lý môi trường du lịch còn yếu và nhiều bất cập, nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu, định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm chưa có, quy hoạch du lịch chưa thống nhất, cụ thể. Không chỉ vậy, những vấn đề khó khăn mang tính vĩ mô, liên ngành khác cũng hạn chế việc phát triển du lịch ở khu vực phía Nam như vấn đề nhận thức về du lịch của người dân và chính quyền địa phương còn hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, hệ thống giao thông còn nghèo nàn, hạn chế; chính sách ưu đãi phát triển du lịch còn thiếu; phối hợp liên ngành, liên địa phương, liên vùng trong phát triển du lịch chưa chặt chẽ. Những hạn chế này dẫn tới những vấn đề trong phát triển du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam như sản phẩm du lịch của các địa phương còn trùng lặp, không nổi trội; tính kết nối giữa các điểm đến còn chưa chặt chẽ, tour tuyến du lịch chưa phong phú, chưa khai thác được hết tiềm năng của các địa phương; đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, chưa đồng bộ; năng lực cạnh tranh du lịch của nhiểu tỉnh trong khu vực khu vực chưa cao so với các địa phương khác trên cả nước và khó có thể cạnh tranh với quốc tế.
       Vì vậy, để khắc phục những khó khăn và hạn chế, cần có những định hướng phù hợp cho phát triển du lịch của các tỉnh, thành phía Nam, hướng tới mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tháng 8 vừa qua tại Hội An, một số vấn đề cần định hướng cho phát triển du lịch tại phía Nam cũng liên quan tới nâng cao nhận thức về ngành du lịch; cơ chế chính sách ưu đãi phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường cơ chế liên kết liên ngành, liên vùng, địa phương và doanh nghiệp.
       Về nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của ngành du lịch, cần xác định rõ vai trò, vị trí của ngành du lịch với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức về du lịch thông qua việc quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch như Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, các Nghị quyết của Chính phủ về miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước là thị trường trọng điểm và tiềm năng của Du lịch Việt Nam, Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch và Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, lồng ghép phát triển du lịch trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Quy hoạch phát triển du lịch địa phương, điểm đến du lịch cần phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của vùng (vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long) để đảm bảo tính đồng nhất, tránh tình trạng phát triển chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau. Tăng cường công tác phổ biến và tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch thông qua các  chương trình tập huấn, hỗ trợ phương thức làm du lịch; xây dựng quy tắc ứng xử trong du lịch dành cho doanh nghiệp, người dân và khách du lịch.
       Về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phát triển du lịch, các địa phương trọng điểm du lịch cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch như các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn, khai thác tài nguyên, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, các biện pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp,… Cụ thể, xem xét thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch cho bằng với mức giá điện sản xuất; miễn tiền sử dụng đất và tiền thuê đất xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động; miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị sử dụng cho khách sạn 4-5 sao; hỗ trợ nguồn vốn cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, vai trò của Hiệp hội du lịch vùng, hiệp hội du lịch các địa phương và các tổ chức nghề nghiệp khác có liên quan đến du lịch cũng cần được tạo điều kiện phát huy hơn nữa để tăng cường sự gắn bó thống nhất, tính chuyên nghiệp cao trong kinh doanh.
       Về tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác xúc tiến quảng bá của vùng, tối đa hóa nguồn lực, thống nhất  hình ảnh thương hiệu du lịch vùng, du lịch quốc gia. Cần tăng cường vai trò của các Trung tâm xúc tiến du lịch, tăng cường hỗ trợ Ngân sách Nhà nước cũng như huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Các địa phương chủ động, tích cực tham dự các hội chợ du lịch, lễ hội du lịch trong cả nước; tập trung nguồn lực tổ chức các lễ hội du lịch theo chủ đề. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả các hoạt động xúc tiến du lịch, tránh tình trạng hình thức, lãng phí trong xúc tiến quảng bá. Cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của địa phương, du lịch khu vực.
       Về nâng cao hiệu lực quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ du lịch, để thực hiện quản lý điểm đến hiệu quả, cần hình thành cơ chế liên kết quản lý điểm đến du lịch đối với các điểm đến trọng điểm của khu vực như Bình Thuận – Tp.Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang – Cần Thơ – Kiên Giang. Các địa phương thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt là các cơ sở lư trú, cơ sở dịch vụ trong các khu điểm du lịch. Thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm quy định kinh doanh hoạt động du lịch, hành vi phản cảm, mất an ninh trật tự, xâm phạm di tích văn hóa lịch sử. Đối với quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch cần đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch.
       Về tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương: Tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Các tỉnh trong khu vực có tiềm năng du lịch lớn cần nghiên cứu, đề xuất thành lập Sở Du lịch để tham mưu quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch một cách hiệu quả nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tái cơ cấu kinh tế địa phương.
       Về phát triển nguồn nhân lực du lịch, các địa phương cần tập trung nguồn lực phát triển nhân lực du lịch cả về số lượng và chất lượng, thông qua phát triển hệ thống cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình học thực tiễn, cập nhật. Huy động các nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua xã hội hóa giáo dục và đào tạo kết hợp với hợp tác quốc tế. Có chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch.
       Về tăng cường cơ chế liên kết liên ngành, liên vùng, địa phương và doanh nghiệp, cần tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch ở các địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện, kiểm soát trực tiếp hoạt động phát triển du lịch; nâng cao vai trò chủ động của doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp trong kinh doanh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về du lịch.
       Về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Khách du lịch quan tâm hàng đầu đến vấn đề môi trường hiện nay. Điểm đến nào càng quan tâm, tôn trọng bảo vệ và gìn giữ môi trường, điểm đến đó càng có vị thế cạnh tranh cao trên thị trường du lịch quốc tế. Do đó, các tỉnh, thành phía Nam cần quan tâm ngày càng nhiều hơn tới việc gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường, không đầu tư phát triển du lịch bằng mọi giá, vì lợi ích trước mắt. Nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển phải gắn chặt với bảo tồn, phát huy tài nguyên, cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn phải được quán triệt và thấm nhuần trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân địa  phương. Mọi dự án đầu tư phát triển du lịch phải được đánh giá tác động tới môi trường nghiêm túc trước khi cấp phép, kiên quyết xử lý mạnh tay các tổ chức, cá nhân có những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ, hủy hoại tài nguyên, môi trường trên địa bàn.
       Được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, ngành du lịch được Chính phủ định hướng để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, mang lại cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Để quyết tâm đạt được mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, các tỉnh, thành phía Nam cần thực hiện các định hướng phát triển một cách đồng bộ, quyết liệt, quán triệt nhận thức từ chính quyền tới người dân, biến nhận thức thành hành động cụ thể, tránh giáo điều, mệnh lệnh. Mọi quyết sách phát triển du lịch đều xuất phát từ thực tiễn sống động của ngành du lịch, lấy khách du lịch là trung tâm, lắng nghe, tạo môi trường và mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, rào cản, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động du lịch, xây dựng môi trường điểm đến đồng bộ, văn minh, an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh và thân thiện, mến khách. Làm được như vậy, chắc chắn với tiềm năng và lợi thế của mình, du lịch các tỉnh, thành phía Nam sẽ bứt phá, cất cánh, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế địa phương, khẳng định vị thế cạnh tranh điểm đến trên thị trường quốc tế, khu vực và trong nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc hiện nay./.

    Hoàng Mai – QLKH

    Bài cùng chuyên mục