Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch
Ngày 9/8/2016, tại TP Hội An, “Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì đã diễn ra. Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, các địa phương trên toàn quốc; các doanh nghiệp đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực của ngành Du lịch vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mong muốn của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, coi trọng phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa qua đã chỉ rõ: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao”.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch và là dịp để các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng ngành du lịch, nhất là những hạn chế, khó khăn và phương hướng, giải pháp tháo gỡ, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch.
Du lịch đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế đất nước
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2010 – 2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 – 2010 (9,48% so với 8,95%). Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Theo Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP; tổng đóng góp (bao gồm đóng góp trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa) đạt 13,9% GDP.p
Tính về đóng góp xuất khẩu, thu ngoại tệ, năm 2015, xuất khẩu du lịch đạt giá trị 8,50 tỷ đô-la Mỹ, chiếm khoảng 4,91% tổng giá trị xuất khẩu, 65% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đã đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Hệ thống doanh nghiệp và cơ sở vật chất ngành du lịch ngày càng được củng cố, phát triển. Số lượng các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú ngày càng phát triển mạnh, nhất là các khách sạn từ 3-5 sao.
Trong thời gian qua, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Việt Nam; góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương. Việc đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo định hướng tập trung, đồng bộ đã góp phần hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, báo cáo nhìn nhận thẳng vào những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của Du lịch Việt Nam. Đó là hạn chế về nguồn lực và hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá; Thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực; Công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập; Nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng; Định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, dựa vào cộng đồng chưa thể hiện rõ; Nhận thức giữa các cấp, ngành, địa phương về du lịch chưa đồng bộ, mức độ quan tâm thực sự đến phát triển du lịch còn chưa cao; Quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan đến du lịch còn nhiều bất cập; Công tác xã hội hóa phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh; Mức độ mở cửa quốc tế chưa cao; Hệ thống giao thông phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế; hành lang pháp lý chưa theo kịp yêu cầu phát triển ngành, chính sách ưu đãi cho du lịch còn thiếu; Phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài cho phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết 92/NQ-CP về “Một số giải pháp phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” đã nêu rõ 5 nhóm giải pháp toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành du lịch.
Hội nghị đã nghe ý kiến, tham luận của lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, các tập đoàn doanh nghiệp và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, có những ý kiến đề xuất liên quan đến việc ban hành chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; áp dụng cơ chế đặc thù để quản lý hoạt động lữ hành đón khách du lịch một số thị trường trọng điểm; đổi mới cơ chế và tăng cường nguồn lực cho xúc tiến quảng bá, thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; mở rộng diện miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; đề xuất thành lập Cảnh sát du lịch, tiếp tục thành lập một số Sở Du lịch; hình thành hệ thống tổ chức quản lý du lịch cấp vùng và liên vùng; tăng cường hợp tác công tư; nhanh chóng ban hành các tiêu chí về nghề du lịch theo chuẩn nghề quốc gia…
Quyết tâm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu kết luận, chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự. Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Phát triển du lịch cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân”.
Cùng với việc yêu cầu quán triệt, nhận thức đúng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ then chốt nhằm tạo đột phá cho phát triển du lịch. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch, trong đó có Nghị quyết số 92/NQ-CP, Chỉ thị số 18/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đưa các chủ trương, chính sách phát triển du lịch vào cuộc sống, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cụ thể đối với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với ngành Du lịch liên quan tới thủ tục nhập cảnh; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ; tổ chức hoạt động và ứng xử thân thiện tại các sân bay, cửa khẩu; phối hợp liên ngành, liên vùng; phát triển nguồn nhân lực du lịch; thông tin tuyên truyền; vai trò của các hiệp hội.
Trong đó, đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu. Các Bộ: Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; Ngoại giao theo chức năng nhiệm vụ được giao đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Quỹ. Quỹ sử dụng chủ yếu cho xúc tiến quảng bá; đầu tư phát triển sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực thể chế ngành du lịch.
Về quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ, Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch. Xử lý kiên quyết các vi phạm; trường hợp cần thiết có thể rút giấy phép hoạt động hoặc thu hồi quyết định xếp hạng. Xử lý nghiêm các hành vi gây phản cảm, mất an ninh, trật tự, làm biến dạng giá trị văn hóa, lịch sử.
Về nguồn nhân lực du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL có đánh giá tổng thể và dự báo nhu cầu nhân lực du lịch đối với các lĩnh vực, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo. Đồng thời, đề xuất các giải pháp linh hoạt để giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch hiện nay, nhất là hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các ngoại ngữ hiếm trong khi chờ xem xét, sửa đổi các quy định của pháp luật. Bộ LĐTBXH khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch, về ứng xử văn hóa, văn minh và về các điểm du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn du lịch, nhất là cho khách du lịch nước ngoài tại các điểm du lịch.
Ngoài ra, đối với một số vấn đề các địa phương, doanh nghiệp đề xuất tại Hội nghị này chưa giải quyết được ngay (như chính sách giá điện áp dụng đối với cơ sở lưu trú, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với diện tích xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động tại các khu du lịch, phát triển hạ tầng du lịch…) Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Hà Giang