Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở một số địa phương tại Việt Nam
“Du lịch trở thành một trong ba ngành công nghiệp tạo ra việc làm lớn nhất trên thế giới. Du lịch thúc đẩy sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và phần lớn trong số đó hỗ trợ một cách tích cực cho việc cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương. Du lịch cũng mang lại nguồn thu đáng kể từ thuế thu nhập. Những nghề nghiệp mới nhất trong du lịch cũng được tạo ra ở các nước đang phát triển giúp cho họ cân bằng cơ hội kinh tế và tránh khỏi việc di cư tự do từ các vùng quê lên các thành phố lớn” (UNWTO, 2007).
Tổng quan về du lịch cộng đồng
Các quan điểm tích cực về vai trò của du lịch đã hỗ trợ và khuyến khích các chính phủ và các tổ chức phát triển ở nhiều quốc gia sử dụng du lịch như một cứu cánh cho việc cân bằng quá trình phát triển đất nước. Để đảm bảo việc phát triển du lịch đúng với tầm vóc của mình, ngoài những nguồn lực cơ bản đầu tư do chính cộng đồng, chính phủ và các tổ chức phát triển tạo ra, bên cạnh đó người dân địa phương cũng cần có cam kết tham gia, đầu tư về thời gian, tiền bạc, nỗ lực và hy vọng vào du lịch. Vấn đề của mối quan hệ này là xây dựng được lòng tin, khả năng đem lại nguồn lợi lớn về xã hội, kinh tế cho cộng đồng của họ từ việc tham gia làm du lịch. Để giải quyết được các vấn đề về tác động tiêu cực của du lịch, một số loại hình du lịch mới đã được giới thiệu. Đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Xu hướng đi du lịch của khách du lịch nói chung theo kết quả khảo sát của tổ chức AC Nielson do Tổ chức phát triển Hà Lan ủy thác cho thấy: 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 54% du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 97% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo; 70% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường địa phương; 48% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 45% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để hỗ trợ hội từ thiện địa phương. Như vậy, việc nghiên cứu và phát triển loại hình du lịch phù hợp với xu hướng trên đây, đặc biệt ở những khu vực mà tại đó sự phát triển còn hạn chế, trình độ dân chí chưa cao trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Có thể nói, loại hình du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển cũng chính là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương đồng thời làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như trải nghiệm của khách du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng là một chiến lược được các nhà hoạch định du lịch xác định nhằm hướng tới việc xây dựng cộng đồng hành động để tham gia vào phạm vi rộng hơn trong những tiếp cận với ngành du lịch. Mục tiêu là trao quyền cả về kinh tế, xã hội và giá trị gia tăng trong trải nghiệm cho cộng đồng địa phương và khách du lịch, quy trình này mở ra một ngách mới với các điểm đến với các giá trị nổi bật về tự nhiên, văn hóa và du lịch mạo hiểm.
Về khái niệm chung, du lịch cộng đồng (sau đây gọi tắt là CBT) là sự lựa chọn khá phổ biến đối với một số phong cách phát triển truyền thống và có thể được định nghĩa là một loại hình du lịch dựa trên sự đàm phán và tham gia của các bên liên quan chính tại điểm đến. Trong CBT, cộng đồng chủ yếu đóng vai trò trung tâm trong việc xác định cấu trúc, kiểu dáng và quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Định nghĩa về CBT cho thấy tiềm năng để phát triển, cải thiện quá trình thu nhập từ việc phát triển du lịch.
Theo khái niệm trong tiêu chuẩn của ASEAN về du lịch cộng đồng, về mặt quốc tế, kinh tế du lịch chủ yếu dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch tới tham quan. Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch tìm kiếm cơ hội trao quyền cho cộng đồng trong việc quản lý mức độ tăng trưởng của du lịch và đạt được những mục tiêu có liên quan tới phúc lợi và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế, CBT không chỉ bao gồm mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương để phân bổ lợi ích cho cả hai bên, mà còn bao gồm cả việc cộng đồng giúp đỡ doanh nghiệp du lịch và ngược lại, doanh nghiệp cũng hỗ trợ cộng đồng phát triển để cải thiện phúc lợi tập thể. Như vậy, du lịch cộng đồng sẽ trao quyền cho cộng đồng địa phương để xác định và đảm bảo tương lai của nền kinh tế, xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động có thu phí dịch vụ và thường là việc tổ chức trình diễn, kỷ niệm các truyền thống, phong tục và lối sống tại địa phương; bảo tồn các nguồn lực tự nhiên và văn hóa; nuôi dưỡng sự tương tác công bằng, có lợi giữa cộng đồng chủ và khách. CBT cũng phục vụ các thị trường tiềm ẩn ví dụ như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, hướng tới các sản phẩm và dịch vụ địa phương để phân chia đều các lợi ích kinh tế từ các hoạt động mới nổi trong du lịch.
Từ đó có thể định nghĩa về du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng được hiểu là hoạt động du lịch do cộng đồng làm chủ, thực hiện, quản lý hoặc điều hành tại địa phương. Hoạt động này đóng góp vào phúc lợi của cộng đồng thông qua việc hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo vệ các truyền thống văn hóa-xã hội có giá trị và các tài nguyên di sản văn hóa.
Du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế – xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương.
Nguyên tắc của du lịch cộng đồng:
1. Cộng đồng phải tham gia trực tiếp và được trao quyền để đảm bảo quyền sở hữu và minh bạch trong quản lý;
2. Thiết lập mối quan hệ đối tác với các bên liên quan;
3. Đạt được những chứng nhận tiêu chuẩn từ các cơ quan ban ngành và tổ chức có liên quan;
4. Cải thiện phúc lợi xã hội và đảm bảo về nhân phẩm;
5. Đảm bảo sự công bằng và cơ chế phân chia lợi ích minh bạch
6. Tăng cường kết nối với nền kinh tế địa phương và khu vực
7. Tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương;
8. Đóng góp vào việc bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên
9. Cải thiện chất lượng trải nghiệm của khách du lịch thông qua việc tăng cường những hoạt động tương tác có ý nghĩa giữa cộng đồng địa phương và khách du lịch.
10. Tác nghiệp hướng tới việc tự chủ về tài chính.
CBT cho thấy sự tương đồng rõ ràng giữa sự phát triển cộng đồng ở góc độ rộng lớn hơn và cơ sở lập kế hoạch không chỉ có sự tham gia, mà còn có sự kiểm soát của cộng đồng lớn hơn của các quá trình phát triển ở cấp địa phương. Phát triển cộng đồng có thể được định nghĩa là “xây dựng các cộng đồng năng động và bền vững dựa trên pháp luật và tôn trọng lẫn nhau” (Gilchrist, 2003, p. 22). Như vậy, phát triển cộng đồng rõ ràng đã tìm cách dỡ bỏ các rào cản về cơ cấu, sự tham gia và phát triển các phản ứng tập thể nhằm giải quyết các vấn đề địa phương. Việc xây dựng và phát triển năng lực của cộng đồng sẽ đảm bảo tính hợp lý trong việc tiếp cận với các nguồn lực tự nhiên để đáp ứng nhu cầu không chỉ của khách du lịch mà còn của chính cộng đồng. Từ góc độ quản lý, việc chia sẻ lợi ích cân bằng trong cộng đồng cũng đặt ra các thách thức đáng kể trong hệ thống quản lý và điều phối hoạt động du lịch cũng như sự quan tâm sâu sát của chính phủ và các tổ chức phát triển. Với cộng đồng, không đơn giản chỉ là việc nâng cao nhận thức mà quan trọng là họ phải thực sự tìm được cảm hứng và đam mê trong việc khai thác du lịch từ đó hình thành ý thức tôn trọng với chính những giá trị văn hóa và tự nhiên mà họ đang có.
Một đặc điểm chung đối với các khu vực vùng sâu vùng xa và nông thôn đó là người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trình độ dân trí chưa cao. Vì vậy, nếu đưa khai thác du lịch vào một cách thụ động thì mức độ thương mại hóa sẽ diễn ra nhanh hơn bởi họ được tiếp cận với cách làm không bền vững và tốc độ phát triển nóng trong du lịch. Nhằm đảm bảo sự ổn định và lâu dài, cần chuẩn bị cho cộng đồng đủ kiến thức và kỹ năng để phục vụ du lịch đồng thời cần có những cam kết ràng buộc nhất định về mặt pháp luật để họ có ý thức tốt hơn đối với các giá trị tài nguyên.
Trong hoạt động kinh doanh du lịch, yếu tố thị trường luôn là yếu tố quyết định. Việc này đối với các cộng đồng thường được nhìn nhận khá đơn giản thông qua hoạt động mua và bán. Cộng đồng có xu hướng “bắt chước” các sản phẩm của nhau trong khi bỏ qua những yếu tố được khách du lịch cho là “duy nhất” tại mỗi điểm đến. Giúp cho cộng đồng nhìn rõ những nhu cầu của khách hàng chưa được đáp ứng và xác định các khoảng trống trên thị trường hay nói một cách khác đó là cộng đồng tìm ra phân khúc thị trường ngách cho riêng mình chính là cách thức đảm bảo việc khai thác hiệu quả. Mỗi yếu tố khác biệt sẽ giúp cho cộng đồng tìm được cơ hội trong hoạt động du lịch.Tuy nhiên, họ cần nhìn nó với một tầm nhìn xa hơn để không chỉ thỏa mãn các nhu cầu hiện tại mà có thể tạo ra sự thay đổi khi khách du lịch tự thay đổi và thích nghi với điểm đến để tạo nên giá trị trải nghiệm mới. Để làm được điều này, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các viện nghiên cứu về du lịch và các tổ chức phát triển là hết sức cần thiết trong việc thu thập, phân tích thông tin, định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm… để cùng với cộng đồng từng bước xác định các cơ hội thích hợp với địa phương. Bên cạnh đó, cần thấy rõ vai trò của cộng động cần được khẳng định trong việc lựa chọn và ra quyết định.
Về cơ bản, đối với việc phát triển du lịch cộng đồng có thể xem xét các vấn đề về đối tác, thị trường, sản phẩm và các quy định của nhà nước. Các giải pháp cần xem xét các yêu tố mang tính chất cụ thể, rõ ràng không chung chung. Đặc biệt, tránh tình trạng kinh doanh cục bộ, không tính tới lợi ích lâu dài dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh và việc phát triển trở nên manh mún, chắp vá. Các giải pháp phải thể hiện tầm nhìn, đảm bảo bảo tồn các giá trị tài nguyên và kịch bản cho những rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng.
Cùng với các giải pháp phát triển, các yếu tố liên kết để quảng bá, xây dựng mạng lưới và phát triển mở rộng thị trường, sản phẩm ngay trong chính những người tham gia tại địa phương với tinh thần hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Ngoài sức mạnh tự có, cộng đồng có thể huy động các đối tác bên ngoài bao gồm các cộng đồng lân cận, sự hỗ trợ của chính phủ và đặc biêt khối doanh nghiệp du lịch, khách sạn cũng như các tổ chức quốc tế. Việc liên kết sẽ giúp cho cộng đồng nâng cao hiểu biết và có thể tiếp cận với những cách thức làm du lịch mới hợp pháp, hiệu quả hơn. Trong quá trình tiến hành hoạt động việc đánh giá và điều chỉnh luôn cần được xem xét cho phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh.
Một số kinh nghiệp phát triển mô hình du lịch cộng đồng
Một trong những mô hình với kết quả rõ rệt trong việc cải thiện đời sống của dân bản khu vực vùng sâu vùng xa miền núi đó là “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang tại xã Ta Bhing năm 2012 -2013. Điểm nổi bật trong dự án này là tập trung xây dựng tính chủ động của cộng đồng bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của việc kết nối nhiều thành phần tham gia. Hiệu quả của mô hình này đã đem lại những hiệu quả đáng phấn khởi. Trong thời gian từ 5/2012 đến 6/2013 các làng bản ở đây đã đón được 20 đoàn khách với tổng lượng khách là 260 người, chủ yếu là khách nước ngoài đến từ châu Âu, Nhật Bản. Hoạt động du lịch tập trung vào việc tham quan và trải nghiệm đới sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu trong khu vực. Thu nhập của địa phương đã đạt con số 93 triệu đồng. Điều này cho thấy cho thấy triển vọng khả quan trong việc triển khai tiếp theo. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu đó là việc duy trì cơ chế hoạt động và giám sát công đồng khi dự án chấm dứt. Việc kết nối với các đối tác phải thực sự dựa trên năng lực của cộng đồng và việc điều phối hoạt động cùng cơ chế phân chia lợi nhuận.
Một ví dụ thứ 2 về mô hình phát triển du lịch cộng đồng đang được coi là điển hình gần đây với sự hỗ trợ kỹ thuật của chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU) với định hướng và lộ trình cụ thể:
Cách thành phố Lai Châu 28 km, bản Nà Củng có 114 hộ gia đình với gần 600 đồng bào dân tộc Thái trắng sinh sống, bản Nà Củng được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện tốt cho du lịch. Nhằm giúp cho Tỉnh Lai Châu có một điển hình về du lịch cộng đồng, Dự án EU đã cùng với người dân bản tiến hành từng bước nhằm tạo bước chuyển biến chắc chắn cho quá trình phát triển. Việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây hướng tới việc nâng cao đời sống dân bản nhưng phải giữ gìn được bản sắc văn hóa và phong tực truyền thống và bảo vệ môi trường thiên nhiên, không để phát triển tự phát, riêng lẻ. Các sản phẩm du lịch đều được xây dựng một cách hợp lý dựa trên việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và năng lực cung cấp của địa phương bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch một cách đồng bộ. Cách kêu gọi đầu tư nhỏ hoặc kết hợp với công ty du lịch để mở rộng, nâng cấp homestay và khu dịch vụ tắm suối, ngâm thảo dược là một cách làm khá mới mẻ để đảm bảo yếu tố gắn kết giữa cộng đồng và doanh nghiệp.
Từ năm 2013 tới nay, cùng với sự hỗ trợ tích cực của dự án, bản Nà Củng đã là một địa chỉ tham quan khá hấp dẫn đối với khách du lịch nói chung. Với những định hướng rõ ràng trong công tác xúc tiến quảng bá tại điểm và liên kết để tạo thêm ấn tượng về điểm đến. Cụ thể, ngoài thông tin về bản du lịch cộng đồng Nà Củng lên trang Web du lịch Lai Châu và Web du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, bản du lịch cộng đồng này cũng được giới thiệu cho Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm- RTC (CLB các công ty lữ hành quốc tế chuyên tổ chức du lịch sinh thái và cộng đồng), câu lạc bộ người nước ngoài tại Hà Nội Giới thiệu về bản du lịch cộng đồng Nà Củng trong các hội chợ du lịch thông qua gian hàng của Sở VH,TT&DL Lai Châu. Đặc biệt hệ thống biển giới thiệu và chỉ dẫn về các bản du lịch cộng đồng trong thành phố Lai Châu, hoặc tại một số điểm du lịch các tỉnh lân cận như các điểm tham quan tại Điện Biên, khu du lịch Đền Hùng…
Cũng với các mô hình phát triển du lich cộng đồng trong cả nước, dự án phát triển làng du lịch cộng đồng tại xã Mai Hịch, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng là một ví dụ điển hình. Mô hình được phát triển trên cơ sở dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững ở xã Mai Hịch do Trung tâm Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (gọi tắt là COHED) thực hiện. Bằng phương pháp hỗ trợ tích cực cho cộng đồng trong khu vực, kết hợp giữa hỗ trợ về kỹ thuật và một phần tài chính của nước ngoài, lựa chọn mô hình đơn giản, chuyên nghiệp, trong đó tận dụng tối đa năng lực, nguyên vật liệu, kỹ thuật phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của người dân bản địa tạo ra một ấn tượng khác biệt so với các khu vực homestay khác trong tỉnh Hòa Bình. Với tôn chỉ “hiệu quả lớn được tạo ra từ sự thay đổi nhỏ”, cách thức tiếp cận du lịch được phổ cập ở mức đơn giản nhất từ đó xây dựng ý thức làm du lịch chuyên nghiệp cho cộng đồng.
Điểm tích cực của mô hình này đó là sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các nhà đầu tư cũng có những bước chuẩn bị tích cực cho các phương án khai thác và cạnh trong trong tương lai. Ngoài ra, để đảm bảo duy trì tính bền vững của mô hình, các chuyên gia cũng cân nhắc và yêu cầu quản lý tốt việc thu nhập và cơ chế phân chia lợi ích cho các thành viên tham gia bên cạnh việc cam kết duy trì chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Các chuyên gia cũng tin rằng các hoạt động của mô phù hợp với chiến lược “tăng trưởng xanh” của Chính phủ và sẽ được nhân rộng trong khu vực trong tương lai.
Một mô hình khác, khá đặc biệt không đi theo hướng tiếp nhận sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Mô hình du lịch cộng đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch cộng đồng (CBT Travel) tại Bến Tre. Từ việc nhận thức và thực tế công việc, các chuyên gia của công ty đã nhận thấy: “…Homestay là dạng du lịch mà sự bền vững về môi trường, văn hóa – xã hội được quản lý và sở hữu bởi chính cộng đồng, cho cộng đồng với mục đích giúp khách tham quan khám phá môi trường sống cũng như tận mắt chứng kiến văn hóa, nghi lễ và tập quán bản địa. Thông qua các hoạt động lữ hành kết nối du lịch cộng đồng, văn hóa bản địa được duy trì, các ngành nghề truyền thống được khôi phục, các sản phẩm lưu niệm từ nguyên liệu địa phương được phát triển. Các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân tộc, các dịch vụ sử dụng các kiến thức bản địa được khôi phục và đưa vào cùng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ thực hiện các mô hình homestay, người dân nhận thức rõ việc giữ gìn, phát huy bản sắc cộng đồng và môi trường sống là tiêu chí để thu hút và duy trì du khách. Thu nhập càng tăng, tác động xã hội càng lớn. Đem lại nhiều công việc, thu nhập cho người dân, đời sống văn hóa cũng tinh tế hơn, giới thiệu cho mọi người” .
Điểm đặc biệt của việc triển khai hệ thống homestay tại 3 xã Nam thành phố Bến Tre là Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An và Phú Nhuận của CBT Travel là việc không áp dụng một cách cứng nhắc các vấn đề lý thuyết và thực tế ở nước ngoài mà nội địa hóa mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương trên cơ sở phân tích tâm lý du khách để thay đổi nhận thức của người dân trong khu vực với sự chân thành và cầu thị trong phục vụ để tạo ra ấn tượng “ Homestay – made in Vietnam”.
Theo báo cáo, loại hình homestay này không chỉ tập trung vào các trải nghiệm mang tính cộng đồng mà du khách còn có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện tủy theo sở thích và khả năng. Theo dự tính năm 2016, nhóm CBT dự kiến sẽ đón trên 50 ngàn lượt khách đến lưu trú, trong đó hơn 70 % từ các tập đoàn lữ hành quốc tế.
Trên thực tế, ở Việt Nam theo thống kê không đầy đủ của các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch hiện nay có khoảng 219 mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Các mô hình này về cơ bản tồn tại dưới hai hình thức:
+ Do tổ chức quốc tế khởi phát và điều phối: điểm tích cực trong các mô hình này là sự hỗ trợ tích cực cả về vật chất lẫn kỹ thuật (như 3 mô hình đầu tiên đã nêu). Tuy nhiên nhược điểm của nó là thời gian hoạt động ngắn và các hoạt động chỉ thông suốt khi còn dự án. Theo đánh giá của các chuyên gia, thì do thời gian triển khai thường từ 3-5 năm nên việc trao quyền và nâng cao năng lực của cộng đồng để tiếp tục khai thác du lịch là điều khó đạt được. Vì thế, tính hiệu quả chưa thực sự thuyết phục về tầm nhìn lâu dài.
+ Do tự phát: Đứng trước nhu cầu của khách du lịch, cộng đồng và doanh nghiệp với kiến thức và kinh nghiệm của mình tự thiết lập và triển khai mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với năng lực của mình (như ví dụ 3 nêu trên). Về cơ bản, đây là điểm hết sức tích cực vì nó xuất phát từ chính khả năng của vùng và được tiến hành dựa trên sự thỏa thuận và tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, điểm chưa tích cực của mô hình này là không có tính thống nhất giữa các điểm đến và gặp khó khăn trong công tác điều phối giám sát do mang tính tự phát nên khó duy trì và đảm bảo chất lượng mặc dù có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về việc tạo cơ chế và môi trường hoạt động thông thoáng. Theo tính toán. Mô hình này chiếm khoảng 80% trên tổng số mô hình trong cả nước.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần có một cơ sở thống nhất trong việc phát triển du lịch cộng đồng một cách có hệ thống và đồng đều trong cả nước dù địa phương đó có được phát triển theo mô hình nào. Cần có một cơ chế để có thể điều tiết và giám sát hoạt động nhằm tạo ra một diện mạo mới với quy mô và tính thống nhất giữa các mô hình. Đây cũng chính là điều mà Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đang trăn trở và mong muốn xây dựng một mạng lưới chung cho lĩnh vực du lịch cộng động. Với hy vọng có thể là cầu nối kết nối các địa phương, kết nối thị trường, kết nối các doanh nghiệp, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tạo một môi trường tích cực thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. A critical look at community based tourism, Kirsty Blackstock, Community Development Journal • January 2005;
2. ASEAN Community-based Tourism Standard;
3. Community-based tourism: A Success, Harold Goodwin and Rosa Santilli, ICRT, Occational Paper 11, 2009;
4. Du lịch cộng đồng trong mắt chuyên gia, 6/2016, Thạch Thảo, Báo đồng khởi điện tử;
5. Tài liệu đào tạo chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU);
6. www.dulichlangson.com.vn;
7. www.itdr.org.vn.
Chú thích:
[i] Tài liệu đào tạo chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU)
[ii] A critical look at community based tourism, Kirsty Blackstock, Community Development Journal • January 2005
[iii] ASEAN Community-based Tourism Standard
[iv] Du lịch cộng đồng trong mắt chuyên gia, 6/2016, Thạch Thảo, Báo đồng khởi điện tử
Lan Hương – QLHKH