Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nội

    minh hoa
       Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, được nhiều tạp chí du lịch quốc tế uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và là một trong 10 điểm đến du lịch đang nổi trên thế giới. Sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội đến từ những giá trị văn hoá, lịch sử của một thủ đô cổ kính, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, cùng nét hiện đại, tiện nghi của một đô thị lớn. Với hệ thống di tích lịch sử phong phú cùng những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, Hà Nội đang khai thác phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa rất hấp dẫn, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, với vai trò là thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa – chính trị – kinh tế, Hà Nội là một thành phố năng động, với hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch tiện nghi, cơ sở vui chơi giải trí mua sắm phong phú, đã và đang thu hút khách du lịch nội địa với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch MICE, du lịch vui chơi giải trí, mua sắm…
       Thực tế cho thấy, du lịch Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận theo đúng định hướng của Thủ đô và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Du lịch đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ đô thị và làm thay đổi bộ mặt Thủ đô. Thời gian qua, du lịch Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể, tính đến năm 2015, Hà Nội đã đón gần 3,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 8% so với năm 2014) và trên 16,4 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 6%), tổng thu từ khách du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng (tăng 10%). Tuy vậy, so sánh với những điểm đến là thủ đô của một số nước trong khu vực như Bangkok – Thái Lan (đón 21,9 triệu khách quốc tế năm 2015), Singapore – Singapore (11,8 triệu khách quốc tế), Kuala Lumpur – Malaysia (11,3 triệu), Phnom Pênh – Campuchia (3,7 triệu)[5]…  thì sự phát triển của du lịch Thủ đô Hà Nội vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chưa xứng tầm là một điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam .

       Một nguyên nhân lớn là những tiềm năng và lợi thế du lịch chưa thực sự được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn của Hà Nội. Khách du lịch dường như vẫn chỉ coi đây là điểm dừng chân, trung chuyển bởi có đường bay quốc tế và nội địa lớn trước khi tới với những điểm đến khác ở Việt Nam. Du lịch Hà Nội đang dần mất đi lợi thế này khi các địa bàn trọng điểm du lịch đang hoàn thiện các sân bay quốc tế và hạ tầng giao thông đường bộ thuận tiện. Ngoài ra, du lịch Hà Nội thời gian qua cũng đã phát triển nhưng còn nhạt nhoà, không có sản phẩm đặc trưng, thiếu điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì vậy, trước khi mất đi những lợi thế và để phát huy được những tiềm năng, Hà Nội cần chú trọng đầu tư vào xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù và đa dạng hoá để thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú tại thành phố.
       Định hướng của thành phố đối với phát triển sản phẩm du lịch cũng đã được xác định rõ tại Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm và du lịch nông nghiệp. Cụ thể:
    Du lịch văn hóa: Phát triển các loại hình tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, tham quan phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng.
    – Du lịch sinh thái: Tập trung vào các sản phẩm tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì; khu danh thắng Hương Sơn; khu vực núi Sóc – hồ Đồng Quan.
    – Du lịch vui chơi giải trí: Hình thành các khu vui chơi giải trí gồm tổng hợp ở Sóc Sơn; Khu vui chơi giải trí mang tính khám phá thiên nhiên tại Ba Vì; Khu vui chơi giải trí thể thao ở khu vực Ba Vì hoặc Sóc Sơn; Khu vui chơi giải trí thế giới nước Hồ Tây; Khu Thiên đường Bảo Sơn.
    – Du lịch MICE khai thác các sự kiện chính trị quốc tế; các sự kiện văn hóa thể thao lớn được tổ chức thường xuyên; các sự kiện du lịch: hội chợ du lịch, festival du lịch…
    – Du lịch nghỉ dưỡng: Tập trung phát triển ở Ba Vì, Sóc Sơn.
    – Du lịch mua sắm: Phát triển tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; các điểm du lịch làng nghề truyền thống nổi tiếng.
    – Du lịch nông nghiệp: Phát triển ở các vùng ngoại thành bổ sung cho các chương trình du lịch nội đô.[4]

       Có thể thấy, định hướng phát triển sản phẩm này được đưa ra phù hợp với những tiềm năng sẵn có và những hướng phát triển sắp tới của du lịch Hà Nội, cũng như định hướng phát triển chung của cả nước [1]. Việc tập trung phát triển hệ thống sản phẩm này cần những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có thể dần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đồng thời để đảm bảo phát triển bền vững, cần xác định một số yêu cầu trong phát triển sản phẩm du lịch của Hà Nội:

    Xác định rõ sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội: cần xác định sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội để tạo điểm nhấn và thương hiệu cho du lịch thành phố. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Hà Nội nên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm Du lịch Văn hóa trở thành sản phẩm đặc thù, đồng thời phát triển những sản phẩm bổ trợ để gia tăng sự phong phú cho hệ thống sản phẩm. Những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của thủ đô đã được nghiên cứu và xác định tại Quy hoạch như Du lịch văn hóa với những trải nghiệm lịch sử về một cố đô Việt cổ tại Công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành Thăng Long; Du lịch văn hóa kết hợp tham quan và nghỉ dưỡng tại quần thể danh thắng Hương Sơn; Du lịch vui chơi giải trí tại quần thể khu du lịch Sóc Sơn; Du lịch nghỉ dưỡng, cuối tuần với những trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng tại Khu du lịch làng quê Việt (Cổ Loa – Vân Trì); Du lịch đô thị trong không gian phố cổ Hà Nội…
    Phát triển sản phẩm du lịch gắn với thị trường khách mục tiêu: phát triển sản phẩm phải phù hợp với từng thị trường khách mục tiêu, từ đó có những chiến lược, kế hoạch xúc tiến thị trường hiệu quả. Các thị trường được xác định tại Hà Nội là thị trường khách du lịch quốc tế (bao gồm khách quốc tế và khách là người Việt Nam ở nước ngoài), khách du lịch nội địa (khách là người Việt Nam và khách là người nước ngoài sống ở Việt Nam).

    Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính liên kết cao: liên kết sản phẩm du lịch chính với sản phẩm bổ trợ để tạo nên những sản phẩm tổng hợp mang lại giá trị gia tăng cao và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Một số liên kết có thể tạo ra như: Văn hóa – Sinh thái – Nghỉ dưỡng; Sinh thái – Nghỉ dưỡng; Văn hóa – Vui chơi giải trí; Nghỉ dưỡng – Vui chơi giải trí; MICE – Văn hóa – Vui chơi giải trí…
    Từ những định hướng và yêu cầu trên, một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nội được đề xuất, tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.
    Giải pháp về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch
    – Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Thủ đô Hà Nội – Du lịch Văn hoá: Xác định văn hoá là điểm nhấn trọng tâm trong phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến của Hà Nội; đầu tư phát triển nâng cao chất lượng thăm quan các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp thành phố (hướng dẫn viên tại điểm, thuyết minh viên, hệ thống chỉ dẫn cung cấp thông tin…); đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề văn hoá truyền thống, làng cổ (chương trình thăm quan, hướng dẫn viên địa phương, các hoạt động tại làng…); đầu tư xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại biểu diễn trên đường phố, tại các nhà hát; đầu tư bảo tồn hệ thống di tích văn hoá lịch sử, đặc biệt khu vực phố cổ Hà Nội…
    – Tập trung đầu tư phát triển xây dựng các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch trọng điểm theo đúng quy hoạch đề ra để tạo sản phẩm điểm nhấn cho du lịch thành phố.
    – Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch: phát triển hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với từng loại hình sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đảm bảo tính đa dạng về loại hình ẩm thực đồng thời nhấn mạnh giới thiệu ẩm thực Hà Nội; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ phục vụ khách du lịch (hạ tầng viễn thông, điện, nước, y tế, ngân hàng…); xây dựng các công trình vui chơi giải trí, nhà hát, trung tâm hội nghị triển lãm với quy mô và tầm cỡ quốc tế, quốc gia.
    – Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, thân thiện với người tàn tật.
    – Đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử; bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác an ninh an toàn cho khách du lịch và người dân thành phố, triển khai hoạt động của nhóm cảnh sát du lịch, tăng cường hỗ trợ của đường dây điện thoại nóng cho khách du lịch.
    Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch
    – Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh sản phẩm du lịch theo định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà đầu tư chiến lược của thành phố (cơ chế hỗ trợ về giá điện nước, thuế đất; tạo diễn đàn công-tư để tiếp nhận giải quyết các khó khăn, rào cản trong kinh doanh của doanh nghiệp…)
    – Xây dựng cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa ngành du lịch và các ngành liên quan (giao thông, văn hoá, nông nghiệp, truyền thông, thương mại…); tạo cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý phát triển du lịch từ cấp thành phố tới cấp quận/huyện, ban quản lý khu/điểm du lịch; tạo cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa Hà Nội và các điểm đến du lịch nổi bật trong vùng (Hà Nội – Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Lào Cai, Điện Biên…), trên cả nước (Hà Nội – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Tp. Hồ Chí Minh…), quốc tế (với các thủ đô các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Nga, Châu Âu…).
    Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
    – Xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch (quy định cho cơ sở lưu trú, điểm du lịch, cơ sở ăn uống, cơ sở kinh doanh lưu niệm, công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch, điểm dừng chân) và tổ chức triển khai áp dụng cho toàn thành phố, thành lập Ban đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch.
    – Áp dụng các biện pháp quản lý cưỡng chế chống bán phá giá, chống độc quyền, chống sao chép sản phẩm du lịch; biện pháp khuyến khích quản lý chất lượng du lịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, đảm bảo chất lượng cam kết với thương hiệu xây dựng.
    – Tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong thực hiện, tham gia các quy chuẩn ngành về chất lượng sản phẩm du lịch; tăng cường vai trò của Hiệp hội du lịch Hà Nội trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm du lịch.
    – Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý du lịch cấp quận/huyện, ban quản lý các khu/điểm du lịch trong hỗ trợ khách du lịch đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường du lịch.
    – Đánh giá, kiểm soát các dự án phát triển du lịch theo đúng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của thành phố để đảm bảo phát triển sản phẩm du lịch đúng trọng tâm, tránh trùng lắp; thường xuyên rà soát tính phù hợp của quy hoạch, thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển.
    Giải pháp đẩy mạnh thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch
    – Thúc đẩy phát triển thị trường khách quốc tế đến và thị trường khách nước ngoài sống tại Việt Nam: xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp với từng thị trường trọng điểm; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế chung của cả nước; xây dựng hệ thống thông tin du lịch (website, bản đồ, chỉ dẫn, quầy thông tin du lịch, tờ rơi…) tiện ích, đa dạng thông tin, bằng những ngôn ngữ quốc tế chính; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Hà Nội ra quốc tế (quảng cáo trên các kênh truyền hình/tạp chí du lịch nước ngoài, tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn, quảng bá du lịch Hà Nội trong các sự kiện quốc tế…); đơn giản hoá các thủ tục đối với khách du lịch là nước ngoài.
    – Coi trọng thị trường khách du lịch nội địa: nghiên cứu phân đoạn thị trường nội địa để có những chiến dịch xúc tiến quảng bá phù hợp, hiệu quả; kết hợp xúc tiến tại các địa phương liên kết phát triển du lịch thu hút trao đổi khách du lịch; phát triển thương hiệu Du lịch Thủ đô từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp hấp dẫn khách du lịch nội địa; có những chính sách kích cầu đối với thị trường nội địa.

    – Thúc đẩy phát triển thương hiệu du lịch gắn với những sản phẩm du lịch nổi bật và đã được nhìn nhận tốt trên thị trường như Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu – Quốc tử giám, phố cổ Hà Nội, ẩm thực Hà Thành…; sử dụng chiến lược phân biệt trong xúc tiến quảng bá để tận dụng nguồn lực tập trung vào các thị trường trọng điểm.
    Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch
    – Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp tốt; phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn thành phố, khuyến khích các cơ sở đào tạo tư nhân được quản lý chất lượng; ưu tiên phát triển hệ thống đào tạo tại chỗ của các doanh nghiệp; tăng cường các chương trình tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý du lịch, phổ biến chính sách phát triển du lịch bền vững của thành phố; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho lao động du lịch chất lượng cao làm việc tại Hà Nội
    – Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phát triển sản phẩm du lịch: tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch đối với các địa bàn phát triển du lịch cộng đồng; phát triển lực lượng thuyết minh viên tại điểm là người địa phương đối với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, làng cổ thông qua chương trình tập huấn, hỗ trợ người dân; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đạo đức kinh doanh du lịch của các hộ kinh doanh cá thể dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố; phổ biến áp dụng bộ Quy tắc ứng xử với khách du lịch.
       Trên đây là một số đề xuất giải pháp góp phần phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội để mang lại tính cạnh tranh cho du lịch thành phố. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến phát triển du lịch. Những ý tưởng về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch trên đây nếu được thực hiện hiệu quả trong thực tế thì đó sẽ là động lực cho sự phát triển du lịch, để đến năm 2020, du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường [4]./.

    Tài liệu tham khảo:
    [1] Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
    [2] Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
    [3] Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
    [4] Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
    [5] Master Card Asia Pacific Destination Index 2015.

    Hoàng Mai – QLKH

    Bài cùng chuyên mục