Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Tiêu chí xây dựng các mô hình khu du lịch sinh thái vùng Tây Bắc

       1. Đặt vấn đề

       Vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hòa Bình. Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình trùng điệp và hệ sinh thái đa dạng độc đáo. Đây còn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến. Những đặc điểm này tạo nên một lợi thế to lớn cho vùng Tây Bắc để phát triển du lịch sinh thái, loại hình du lịch hướng đến phát triển bền vững, dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa.

       2. Một số vấn đề khái niệm về du lịch sinh thái và khu du lịch sinh thái

       a) Du lịch sinh thái

       Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về du lịch sinh thái. Tại Việt Nam, Luật Du lịch (2005) xác định “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”. Theo quy chế hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN, ngày 27/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai”.

       Nhìn chung, các khái niệm về du lịch sinh thái đều nhấn mạnh về các yếu tố: là loại hình du lịch có tính bền vững, dựa vào thiên nhiên, có hoạt động bảo tồn thiên nhiên, có hoạt động giáo dục môi trường, và có sự tham gia của cộng đồng. Để đảm bảo được các yếu tố này, phát triển du lịch sinh thái cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

       – Bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái

       Đây là nguyên tắc hàng đầu trong phát triển du lịch sinh thái vì loại hình du lịch này dựa vào tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu. Phát triển du lịch không chú trọng đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên có thể dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học tại điểm du lịch, đi ngược lại yếu tố đầu tiên của du lịch sinh thái.

       – Bảo tồn và tổ chức khai thác hợp lý các giá trị văn hóa bản địa

       Văn hóa bản địa cũng là yếu tố cấu thành hệ sinh thái chung trong khu du lịch sinh thái. Toàn bộ lối sống, canh tác, tập tục, tín ngưỡng dân gian gắn với sinh thái tự nhiên làm nên giá trị chung cho khu du lịch sinh thái cần được bảo tồn và tổ chức khai thác để hình thành các sản phẩm du lịch.

       – Tổ chức các hoạt động giáo dục và diễn giải môi trường, hệ sinh thái

       Đây là nguyên tắc để phân biệt du lịch sinh thái với các loại du lịch dựa vào thiên nhiên khác. Để đảm bảo nguyên tắc này, khu du lịch sinh thái cần thiết lập cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái và đa dạng sinh học, có khu vực trưng bày như Trung tâm thông tin du khách, đào tạo kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên.

       – Tổ chức để có sự tham gia của cộng đồng

       Thực hiện việc tham gia của cộng đồng là yêu cầu chung trong phát triển du lịch hiện nay, đối với du lịch sinh thái, yêu cầu này cần được nhấn mạnh hơn thành nguyên tắc.

       b) Khu du lịch sinh thái

       + Khái niệm khu du lịch sinh thái

       Khu du lịch có thể hiểu là tên gọi chung của một đơn nguyên khu vực du lịch có loại hình du lịch khác nhau. Khu du lịch còn được xác định là đơn vị cơ bản để làm quy hoạch và quản lý du lịch, là không gian khu vực môi trường đẹp, cảnh vật tương đối tập trung, là thể tổng hợp địa lý lấy chức năng du lịch làm chính và nội dung quy hoạch, quản lý để triển khai các hoạt động du lịch. Luật Du lịch (2005) quy định khu du lịch là “nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phá triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường”.

       Khu du lịch sinh thái theo một nghiên cứu của Viện NCPT Du lịch “là một đơn vị lãnh thổ có quy mô nhất định, có hoặc tổ chức khai thác tài nguyên du lịch sinh thái (theo các đặc điểm và nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái), có định hướng, quy hoạch phát triển, có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, thỏa mãn được nhu cầu chuyên biệt của khách du lịch sinh thái”.

       + Các yếu tố cấu thành khu du lịch sinh thái: Các yếu tố cấu thành một khu du lịch sinh thái bao gồm:

       – Tài nguyên du lịch sinh thái

       Để hình thành một khu du lịch sinh thái trước hết phải có điểm hấp dẫn du lịch sinh thái – tài nguyên du lịch sinh thái, hệ sinh thái điển hình hay mang nhiều nét đặc thù với tính đa dạng sinh học cao, ví dụ như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu hệ sinh thái hồ hay sông suối đặc thù.

       – Tổ chức không gian

       + Đối với quy hoạch tổ chức không gian: căn cứ lượng khách để có giới hạn sử dụng không gian phù hợp với khu vực, cũng như đảm bảo được sự an toàn và thuận tiện cho khách du lịch;

       + Đối với kiến trúc công trình: Các công trình được xây dựng cần bảo đảm ảnh hưởng ít nhất đến sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái tự nhiên. Các công trình không được làm thay đổi thiên nhiên xung quanh cũng như không làm giảm giá trị tự nhiên của khu vực.

       – Hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch: bao gồm giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc. Đối với khu du lịch sinh thái, vấn đề cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch phải có tiêu chuẩn riêng.

       – Hệ thống các kế hoạch, quy định, hướng dẫn: đảm bảo hoạt động và phát triển của khu du lịch sinh thái, hệ thống dữ liệu để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho du khách.

       – Đối tượng tham gia: nhà quản lý, nhà cung cấp, doanh nghiệp lữ hành, du khách và cộng đồng địa phương và những tổ chức có liên quan khác. Tất cả những đối tượng trên phải có cùng một mối quan tâm chung là phát triển bền vững hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa bản địa, cùng chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch.

       + Nguyên tắc phát triển khu du lịch sinh thái

       – Bảo tồn tính toàn vẹn sinh thái và văn hóa bản địa và đóng góp cho công tác bảo tồn

       Giống như nguyên tắc của du lịch sinh thái, nguyên tắc đầu tiên khi xây dựng khu du lịch sinh thái là phải bảo đảm tính toàn vẹn của hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của các loài động thực vật, môi trường sống của con người. Không những thế, khu du lịch sinh thái phải bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương tại bởi các giá trị của văn hóa bản địa là một bộ phận không thể tách rời trong các giá trị môi trường của hệ sinh thái tự nhiên khu vực, là một trong những sản phẩm của du lịch sinh thái.

       – Được quy hoạch và tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch

       Khu du lịch sinh thái phải được quy hoạch và tổ chức thực hiện đúng quy hoạch là một nguyên tắc quan trọng. Quy hoạch tạo ra văn bản và cơ sở pháp lý, định hướng cho sự phát triển của khu du lịch. Nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra phát sinh thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền để được tư vấn và điều chỉnh khi cần thiết.

       – Tổ chức không gian phù hợp, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ hệ sinh thái, sử dụng tài nguyên vốn có của khu vực trong xây dựng công trình.

       Những công trình dịch vụ trong khu du lịch sinh thái cần phù hợp với cảnh quan chung, về hình thức phải thiết kế hài hòa với không gian, môi trường khu vực. Trong xây dựng, tốt nhất là nên sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, tránh lạm dụng bê tông, kính. Kiến trúc phải là đơn vị cân bằng sinh thái cho một khu du lịch. Ngoài ra, kiến trúc còn là sản phẩm của nền văn hóa dân gian, phản ánh đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư bản địa.

       – Có sự tham gia tích cực của cộng đồng

       Trong suốt quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái, từ khâu quy hoạch cho đến khâu quản lý, giám sát hoạt động đều phải có tham khảo cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để công đồng tham gia vào công việc của khu du lịch. Cộng đồng dân cư mới thực sự là chủ nhân của tài nguyên, cuộc sống của họ từ ngàn xưa đã gắn liền với hệ sinh thái khu vực. Và một mục tiêu của du lịch sinh thái là để bảo tồn và hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.

       – Thỏa mãn nhu cầu của du khách về trải nghiệm du lịch sinh thái

       Du khách tham gia hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch sinh thái phải đạt được các mục đích của chuyến đi như được thư giãn, gần gũi với thiên nhiên, được nâng cao hiểu biết về tính đa dạng sinh học.

       + Yêu cầu trong xây dựng và phát triển khu du lịch sinh thái

       – Yêu cầu về quy hoạch

       Việc quy hoạch nhằm xác định về mặt pháp lý, ranh giới của khu du lịch. Đặc biệt là quy hoạch chi tiết, quy định những khu vực phát triển các chức năng khác nhau, định hướng và các giải pháp phát triển. Đây là một điều kiện để quản lý bền vững hoạt động của khu du lịch.

       – Yêu cầu nghiên cứu sức chứa cụ thể

       Đây là yêu cầu cần thiết đối với một khu du lịch sinh thái. Bởi vì du lịch sinh thái là hoạt động du lịch đặc thù không thể thu hút khách bằng mọi cách. Cần phải xác định được sức chứa của khu du lich, trên cơ sở đó có kế hoạch quản lý khách đến một cách khoa học, đảm bảo không tác động xấu đến khu du lịch và đáp ứng tốt các yêu cầu của du khách.

       Tính sức chứa cho một khu vực hoạt động chung cũng rất khó khăn, đối với khu du lịch sinh thái càng khó khăn hơn. Sức chứa sẽ khác nhau tùy theo mối quan hệ của nó với du lịch, bao gồm:

       + Sức chứa tâm lý: mức độ hài lòng của du khách với những trải nghiệm của mình và tạo ý muốn quay lại.

       + Sức chứa sinh học: là khả năng không ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đến sự tồn tại và phát triển bình thường, bền vững của các loài động thực vật và con người tại điểm du lịch.

       + Sức chứa xã hội: là mức độ đồng ý của cộng đồng với hoạt động du lịch và chấp nhận du khách.

       + Sức chứa hạ tầng: là điều kiện của cơ sở hạ tầng nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách du lịch sinh thái.

       – Yêu cầu nghiên cứu đánh giá tác động môi trường

       Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường nhằm xách định những tác động đến tự nhiên và môi trường sinh thái một khi hoạt động du lịch được tổ chức. Đồng thời nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cũng xác định những giải pháp cho việc xử lý những vấn đề môi trường trong hoạt động du lịch.

       – Yêu cầu về đội ngũ nhân lực làm du lịch sinh thái

       Đối với hoạt động du lịch sinh thái, yêu cầu về đội ngũ nhân lực rất cao. Đối với những nhà quản lý phải có được những kiến thức quản lý bền vững và những kiến thức sâu rộng về hệ sinh thái, về đa dạng sinh học cũng như những kiến thức về bảo tồn. Đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên cần phải tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ, có kiến thức tốt về hệ sinh thái, đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, đội ngũ làm du lịch sinh thái cũng cần được trang bị tốt những kỹ năng xử lý trong các trường hợp đặc biệt.

       – Yêu cầu đối với du khách và cộng đồng địa phương

       Đối với du khách, cần phải nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, trách nhiệm của mình khi tham gia du lịch sinh thái. Đối với cộng đồng, yêu cầu phải hợp tác tốt với các nhà quản lý, có trách nhiệm trong bảo vệ những giá trị thiên nhiên và văn hóa của mình. Có thái độ thân thiện giúp đỡ du khách.

       3. Khái quát tài nguyên du lịch sinh thái vùng Tây Bắc

       Vùng Tây Bắc được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều cảnh quan đẹp, tài nguyên nổi bật để phát triển du lịch sinh thái. Mỗi tỉnh trong vùng Tây Bắc lại có những đặc điểm và nét đẹp riêng, đóng góp vào tiềm năng và sức thu hút của cả vùng.

    TB

       * Tỉnh Cao Bằng

       Cao Bằng có địa hình chủ yếu là đồi núi, với núi đá ở miền Đông, núi đất xen núi đá ở miền Tây và núi đất với rừng nguyên sinh ở phía Tây Nam. Cao Bằng còn có hệ thống sông suối phong phú. Địa hình đa dạng đã tạo nên nhiều cảnh quan, hang động đẹp, có giá trị du lịch cao. Một số danh thắng của tình như thác Bản Giốc nằm trên sông biên giới hai nước Việt – Trung, khu du lịch động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen với 36 hồ lớn nhỏ trên núi và nhiều hang động kỳ vỹ. Tại Cao Bằng còn có khu du lịch sinh thái Phia Oắc – Phia Đén, nơi đây có hệ sinh học đa dạng, khí hậu quanh năm mát mẻ; có bản dân tộc Dao với nhiều nét văn hóa đặc sắc.

       * Tỉnh Hà Giang

       Hà Giang có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái. Hệ thống danh thắng, cảnh quan như Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) Thác Tiên – Đèo Gió (Xín Mần), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…; các khu vực lòng hồ như hồ Quang Minh, Nậm An (Bắc Quang), Sông Chừng (Quang Bình) và đặc biệt hồ Na Hang tại Bắc Mê. Hà Giang hiện đã có các khu sinh thái suối khoáng nóng nghỉ dưỡng như Quảng Nguyên (Xín Mần), Thanh Hà (Vị Xuyên). Rừng nguyên sinh đèo Gió (Xín Mần), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, Du Già – Minh Sơn, quần thể di sản cây Chò Chỉ 600 năm (xã Phú Nam – Bắc Mê) là những khu vực rừng có nhiều tiềm năng phát triển. Trong tỉnh còn có một số lễ hội nổi bật như lễ hội Khâu Vai (Mèo Vạc), Lễ cấp sắc của dân tộc Dao (Quản Bạ, Hoàng Su Phì); lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn.

       * Tỉnh Lạng Sơn

       Lạng Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như núi Mẫu Sơn, khu di tích Nhị Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc,… Lạng Sơn là quê hương của nhiều dân tộc ít người vùng núi Đông Bắc Việt Nam với đặc trưng văn hóa riêng thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, các làn điệu dân ca, ẩm thực… trong đó điển hình là bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng tạo thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn có sức hấp dẫn khách du lịch.

       * Tỉnh Lào Cai

       Tỉnh Lào Cai cũng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, mang những nét đặc trưng độc đáo kể cả về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Thiên nhiên đã tạo nên các khu danh thắng đẹp ở Lào Cai như Khu Hàm Rồng (Sa Pa), hay đỉnh Fansipan hùng vĩ – nóc nhà Đông Dương, vườn quốc gia Hoàng Liên – một bảo tàng sống, sinh động đa dạng về các loài động, thực vật đặc hữu. Các giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao và ruộng bậc thang như ruộng bậc thang Sapa, Y Tý, đang tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho Lào Cai.

       * Tỉnh Điện Biên

       Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đa dạng, nhiều sông, hồ và những cảnh quan đẹp… có tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú như: Hồ Pa Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Pha, các điểm suối khoáng nóng Hua Pe, U Va (huyện Điện Biên), bản Sáng (huyện Tuần giáo), hồ thủy điện Sơn La.. là những điểm du lịch hấp dẫn. Với 19 dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc như: thiết chế Bản Mường, những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, lễ hội của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng Tây Bắc.

       * Tỉnh Lai Châu

       Trên địa bản tỉnh Lai Châu có nhiều địa danh phát triển du lịch sinh thái như các suối nước nóng phục vụ chữa bệnh Mường So, Vàng Bó (Phong Thổ), Nà Đon (Tam Đường), hang Dơi (Nậm Nhùn); các hồ thủy điện Nậm Hàng (Nậm Nhùn); Bản Chát, Huổi Quảng (Than Uyên) là tài nguyên du lịch sinh thái vùng lòng hồ. Khu danh lam thắng cảnh Pusamcap là một quần thể hang động đẹp có độ cao từ 1300-1700m, thảm thực vật và hệ động vật phong phú, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Hồ Thầu, Pa Pe (huyện Tam Đường) là khu vực có tiềm năng du lịch tổng hợp với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng Tây Bắc, suối khoáng nóng, khí hậu mát mẻ trong lành, bản dân tộc với lễ hội truyền thống Tủ Cải hấp dẫn du khách.

       * Tỉnh Sơn La

       Sơn La có nhiều danh lam thắng cảnh: cao nguyên Mộc Châu có khí hậu mát mẻ trong lành với nhiều cảnh đẹp như: thác nước, đồng cỏ, đồi chè; công trình thủy điện Sơn La gắn với các hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, hệ thống hang động, thác nước trên sông Đà, các mỏ nước khoáng nóng cũng là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Sơn La; các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của 12 dân tộc như: tập tục cưới xin, tế lễ, nhiều lễ hội đặc sắc, kiến trúc nhà, các sản phẩm thủ công như nghề làm gốm, đan lát, dệt vải… những tiềm năng đó là điều kiện xây dựng phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.

       * Tỉnh Yên Bái

       Tỉnh Yên Bái có thiên nhiên đa dạng và phong phú, có hồ Thác Bà diện tích trên 23.400 ha; có các vùng sinh thái như: ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đồi chè cổ Suối Giàng ở độ cao trên 1.300m, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Chế Tạo với những cánh rừng nguyên sinh đa dạng phong phú về hệ động thực vật, đáng chú ý là quần thể danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải là điểm nhấn hấp dẫn và thu hút khách du lịch gần xa.

       * Tỉnh Tuyên Quang

       Cũng giống như các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Tuyên Quang có phong cảnh thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như hồ thủy điện Tuyên Quang, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tát Kẻ – Bản Bung, nguồn suối khoáng nóng Mỹ Lâm, rừng quốc gia ở Hàm Yên, các hang động, thác nước, sông, hồ kỳ thú… đang thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Sản phẩm du lịch sinh thái có thể tập trung khai thác tại khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, hồ thủy điện Chiêm Hóa, các làng văn hóa dân tộc thiểu số.

       * Tỉnh Bắc Kạn

       Là tỉnh vùng núi cao, có cấu tạo địa chất đặc biệt với những dãy núi đá vôi điển hình đã tạo cho Bắc Kạn nhiều hang động, thác ghềnh, hồ nước đẹp như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, thác Đầu Đẳng, thác Bản Vàng (vườn quốc gia Ba Bể); động Nàng Tiên, thác Nà Đăng (huyện Na Rì), thác Nà Khoang (huyện Ngân Sơn), thác Bạc – Áng Toòng (thành phố Bắc Kạn). Vườn quốc gia Ba Bể với diện tích hơn 23 nghìn ha, với những cánh rừng già nguyên sinh và những dãy núi đá vôi hùng vĩ đã tạo ra những hang động tự nhiên, thác nước đẹp, hệ động, thực vật rất đa dạng, phong phú, đã được công nhận là di sản quốc gia, di sản ASEAN, khu RAMSAR.

       * Tỉnh Hòa Bình

       Hòa Bình có địa hình đa dạng gồm nhiều sông, suối, đồi, núi đá vôi đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh, hang động đẹp được công nhận là di tích danh lam, thắng cảnh quốc gia như: Hồ sông Đà, khu hang động Núi đầu Rồng (Cao Phong), Động Hoa Tiên… Hòa Bình có 4 khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động, thực vật phong phú: Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Tân Lạc và Lạc Sơn); Pu Canh (Đà Bắc); Thượng Tiến (Kim Bôi); Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu). Hòa Bình còn được thiên nhiên ưu đãi nguồn suối khoáng nóng huyện Kim Bôi có nồng độ khoáng cao là điều kiện phát triển tắm, nghỉ dưỡng chữa bệnh và hồi phục sức khỏe của con người. Ngoài r,a Hòa Bình còn có các hệ thống các sông hồ khác. Hòa Bình đã có một số khu, tuyến, điểm du lịch văn hóa, sinh thái được đầu tư đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch như: khu du lịch hồ Hòa Bình, điểm du lịch sinh thái Vịt cổ xanh, Thác Thăng thiên, Cửu thác Tú Sơn.

       4. Đề xuất các tiêu chí xây dựng khu du lịch sinh thái vùng Tây Bắc

       Từ những phân tích ở trên có thể nhận thấy vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, du lịch sinh thái ở vùng sông hồ và trên núi cao. Những khu du lịch sinh thái này mang những nét đặc thù riêng so với các khu du lịch sinh thái khác như du lịch sinh thái biển đảo, du lịch sinh thái miệt vườn. Một số tiêu chí xây dựng khu du lịch sinh thái vùng Tây Bắc bao gồm:

       + Nhóm các tiêu chí về tài nguyên

       * Nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, duy trì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái;

       – Sự đa dạng về các loài động thực vật
       – Số lượng động vật hoang dã
       – Số lượng các loài cây cỏ quý hiếm
       – Số lượng các loài bản địa, đặc hữu
       – Số lượng các loài di cư
       – Số lượng các loài bị đe dọa
       – Cảnh quan môi trường và nét đẹp độc đáo của tự nhiên
       – Mức độ xói mòn đất, tình trạng phục hồi thiên nhiên

     * Nhằm bảo tồn văn hóa bản địa

       – Sự phổ biến các món ăn, trang phục truyền thống địa phương, ngôn ngữ
       – Sự tham gia của người dân địa phương trong hoạt động du lịch
       – Số lượng các hoạt động liên quan đến văn hóa địa phương
       – Các hoạt động nghề thủ công truyền thống
       – Các lễ hội dân gian địa phương
       – Thái độ đón tiếp của cộng đồng địa phương đối với du lịch

       + Nhóm các tiêu chí về quy mô, quy hoạch và kiến trúc cảnh quan

       – Về quy mô diện tích

       Phạm vi của khu du lịch sinh thái phải được quy hoạch, tính toán cụ thể, thường bao gồm toàn bộ vùng tài nguyên du lịch sinh thái và vùng đệm. Đối với các khu du lịch sinh thái nằm trong các tài nguyên như trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn phải tuân thủ theo quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, quy chế quản lý rừng.

       – Về quy hoạch, tổ chức không gian

       Khu du lịch sinh thái có nhiều thành phần chức năng khác nhau và tổng diện tích xây dựng các khu chức năng không quá 20% tổng diện tích khu vực. Các khu chức năng chính của khu du lịch sinh thái bao gồm:

       – Khu trung tâm đón tiếp, điều hành, dịch vụ công cộng (kết hợp giáo dục, diễn giải môi trường)

       Đối với các khu du lịch sinh thái nằm trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm đón tiếp điều hành du lịch thường gắn với khu trung tâm hành chính của vườn. Chỉ tiêu mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất được đề xuất như sau:

    tieuchisinhthaiTB

       – Khu vực lưu trú

       Các hình thức lưu trú du lịch sinh thái cần đảm bảo các tiêu chí sau đây:

       + Kiểu kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với tiêu chí về môi trường, không tạo ra sự cạnh trạnh giữa môi trường tự nhiên và xây dựng nhà cửa. Nhà nghỉ được xây dựng ở chỗ kín đáo, không bố trí xây dựng ở những khu vực động vật hay qua lại.

       + Thiết kế của nhà nghỉ phải phù hợp với kiểu dáng kiến trúc nhà của người dân bản địa. Nên xây dựng bằng các nguyên vật liệu địa phương, sử dụng các hình ảnh văn hóa bản địa.

       + Yêu cầu mật độ xây dựng khu lưu trú phụ thuộc vào loại hình lưu trú, yếu tố tự nhiên khu vực quy hoạch và có thể áp dụng theo bảng sau:

    tieuchisinhthaiTB1

       Đối với các khu du lịch sinh thái nằm trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì khu vực lưu trú chỉ được xây dựng ở phân khu dịch vụ hành chính và phải bố trí biệt lập so với khu quản lý điều hành của Vườn quốc gia hay Khu bảo tồn thiên nhiên.

       – Các công trình chuyên biệt cho hoạt động du lịch sinh thái

       + Đường mòn diễn giải : Đường mòn là những lối đi khám phá trong Vườn quốc gia và Khu bảo tồn. Chúng đóng vai trò trong việc giúp du khách di chuyển bên trong khu vực mà vẫn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên và vẫn cung cấp cho du khách một cơ hội học tập thú vị.

       Phương pháp xây dựng dựa vào loại địa hình và mật độ sử dụng. Đối với đường mòn có ít hơn 10.000 người sử dụng mỗi năm và ở những nơi có địa hình hơi dốc, không làm đường mòn bằng bê tông. Cần xây dựng những đoạn đường cong, chứ không nên chỉ có những đường thẳng để làm con đường thêm hấp dẫn Con đường phải được xây dựng sao cho giảm tối đa mức độ ảnh hưởng tới thực vật. Nên thiết kế một đường mòn khép kín để du khách trở về điểm xuất phát mà không quay lại một điểm nào đó hai lần.

       + Tháp quan sát : Là công trình được xây dựng để phục vụ du khách quan sát đặc tính các loài thực vật, tập tính các loài động vật hoang dã trong rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, kết hợp sử dụng cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tháp quan sát phải được xây dựng, đặt ở những vị trí đảm bảo hoạt động quan sát không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động thực vật hoang dã, được xây dựng bằng các vật liệu hài hòa với môi trường tự nhiên.

       + Nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng – kỹ thuật du lịch

       Cơ sở hạ tầng trong khu du lịch sinh thái cần phải hài hòa với cảnh quan môi trường và không được can thiệp nhiều vào môi trường sinh thái tự nhiên. Khu du lịch sinh thái cần đạt được các tiêu chí sau:

       – Đường tại các khu đón tiếp, dịch vụ được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường và có bề rộng 7,5m (tối đa 2 làn đường), còn đường nội bộ tham quan du lịch cần thiết kế chiều rộng tối đa 3,5m.

       – Việc di chuyển, vận chuyển trong khu du lịch chỉ được dùng những phương tiện thân thiện với môi trường, không gây ồn, không xả khí thải.

       – Đối với những khu vực lõi cần được bảo vệ và hạn chế tham gia du lịch như tại các vườn quốc gia, chỉ được phép thiết kế các đường mòn, hoặc đường nổi bằng vật liệu tự nhiên chủ yếu phục vụ các tour trekking, quan sát thảm thực vật hay các loài thú hoang dã.

       – Hệ thống cung cấp điện, nước cần được thiết kế ngầm.

       + Nhóm các tiêu chí về bảo vệ môi trường

       Nhóm các tiêu chí về bảo vệ môi trường được thể hiện trong bảng sau:

    Báo cáo đánh giá tác động

    Có xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho khu du lịch sinh thái

    Hệ thống giám sát và báo động sự cố môi trường

    Hệ thống giám sát và xử lý kịp thời các sự cố môi trường

    Quản lý năng lượng

    Tiết kiệm sử dụng điện

    Tận dụng năng lượng mặt trời

    Tận dụng năng lượng gió

    Quản lý nước

    Tiết kiệm nước tiêu thụ (kiểm tra hệ thống, trồng cây cần ít nước tưới)

    Tận dụng nước mưa

    Quản lý chất thải

    Có hệ thống giám sát lượng rác thải

    Có hệ thống phân loại rác

    Sử dụng phân hữu cơ làm phân bón

    Có điểm thu thập và chôn rác

    Quản lý nước thải

    Có hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải

    Quản lý tiếng ồn và ô nhiễm không khí

    Không xây dựng các công trình vui chơi giải trí có tiếng ồn trong khu du lịch sinh thái

    Có điều phối số lượng các nhóm khách tham quan du lịch

       + Nhóm tiêu chí về tổ chức quản lý và tham gia cộng đồng

       – Có Ban quản lý khu du lịch sinh thái trong đó thể hiện rõ mối quan hệ giữa các ban ngành địa phương có liên quan.

       – Có Ban điều phối để kiểm soát lượng khách tham quan, nghiên cứu trong khu vực tài nguyên.

       – Có chủ trương và chính sách, kế hoạch, quy định, quy chế… liên quan đến hoạt động phát triển du lịch sinh thái.

       – Có quỹ tài trợ cho hoạt động du lịch sinh thái, đóng góp cho bảo tồn hệ sinh thái.

       – Sự tham gia tích cực và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương :

       + Có những chính sách thỏa đáng chia sẻ lợi ích với cộng đồng, ví dụ như chính sách hỗ trợ kinh tế địa phương. 

       + Tận dụng việc sử dụng lao động địa phương vào các hoạt động dịch vụ du lịch như : hướng dẫn địa phương, trông coi và sửa chữa phương tiện đi lại của khách, bán hàng lưu niệm, …

       + Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình quy hoạch du lịch, đề xuất các phương án thực hiện; cư xử thân thiện với du khách. 

       Kết luận, Vùng Tây Bắc có các hệ sinh thái vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái ở các vùng sông, hồ và núi cao, là những khu vực có tiềm năng hấp dẫn khách du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những khu vực này cũng là những khu vực nhạy cảm do tính đa dạng sinh học cao, đòi hỏi việc xây dựng khu du lịch sinh thái cần được lập quy hoạch, bảo đảm thực hiện theo quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Trong quá trình lập quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, cần có sự hợp tác, giám sát, điều chỉnh của các chuyên gia quy hoạch du lịch sinh thái với các cấp, các ngành có liên quan, chính quyền và cộng đồng địa phương. /.

       TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1.Kỷ yếu Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Đoàn Ngoại giao (2014). Thành phố Điện Biên Phủ. 

       2.Luật Du lịch (2005). Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.

       3.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang (2015). Tiềm năng thế mạnh, quan điểm và định hướng phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020. Hội thảo “Phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”.

       4.Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2007). Đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam”. 

    Bài cùng chuyên mục