Áp dụng mô hình du lịch có trách nhiệm nhằm bảo tồn di sản văn hóa khèn H’Mông ở Sa Pa
Du lịch phát triển mang đến nhiều tác động tích cực về kinh tế văn hóa, và xã hội. Hoạt động du lịch ở nhiều nơi đã thực sự góp phần tích cực vào việc bảo tồn các di sản văn hóa. Thông qua hoạt động du lịch, các di sản văn hóa được duy trì, có cơ hội phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, các nguồn thu từ hoạt động du lịch qua nhiều hình thức cũng phục vụ công tác bảo tồn các di sản văn hóa này. Đây chính là một trong hướng phát triển bền vững của du lịch.
Thực tế, phát triển du lịch bền vững đang là mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cả giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020, tầm nhìn 2030 đều có quan điểm phát triển du lịch bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu về sự phát triển bền vững trong tương lai, các quốc gia tiến tới thực hiện nhiều kế hoạch, dự án phát triển khác nhau. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước được đặt ra đối với vấn đề phát triển du lịch bền vững, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường được xác định ra. Tại Việt Nam, Viện NCPT Du lịch đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước năm 2002 về “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” là một trong những căn cứ quan trọng cho việc đánh giá và định hướng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Tuy vậy thì thực tế trên thế giới, nhiều quốc gia đang gặp phải khó khăn trong việc làm thế nào để phát triển du lịch bền vững. Mục tiêu được xác định, các chỉ tiêu đánh giá cuối cùng được đặt ra, giải pháp thực hiện chỉ ra các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là việc phát triển du lịch thiếu bền vững vẫn diễn ra. Những người có trách nhiệm thực hiện hầu như tin tưởng vào chiến lược, chính sách, kế hoạch đã ghi và đều chờ cho những người khác thực hiện sự phát triển bền vững ấy. Đây là một trong những nhận định của học giả quốc tế. Và cũng bởi những bất cập chính đó thì khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” ra đời.
Du lịch có trách nhiệm thực tế là quan điểm, cách tiếp cận thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Cũng với các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển du lịch bền vững nhưng các hoạt động du lịch có trách nhiệm xác định ra để tiếp cận vào từng cá thể tham gia trong hoạt động du lịch với chức trách của mình để làm sao thúc đẩy, phát huy được sự ý thức thực sự trong trách nhiệm thực hiện công việc. Khi không ai chờ người khác mới là người làm cho du lịch trở thành bền vững nữa mà chính từng cá nhân thực hiện trách nhiệm của mình với ý thức cao nhất đối với kinh tế, xã hội và môi trường ở mỗi hoạt động du lịch, mỗi điểm du lịch thì du lịch mới có thể thực sự hướng tới sự phát triển bền vững được.
Cũng với cách tiếp cận như vậy thì một trong những tổ chức đi đầu trong các hoạt động này nhằm hỗ trợ hoạt động du lịch tại một số địa bàn ở Việt Nam là tổ chức SNV, tổ chức này đã hỗ trợ triển khai 3 dự án có liên quan đến phát triển du lịch có trách nhiệm, gồm: Dự án Doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam (RTV); Dự án phát triển Tuyến du lịch Cao nguyên phía Bắc (8 tỉnh tây bắc mở rộng); Dự án đào tạo kỹ năng nghề cho lao động phi chính thức trong ngành du lịch Việt Nam (HITT). Bên cạnh đó, các tổ chức như ILO, AECID cũng hỗ trợ các dự án phát triển khác tại một số địa bàn miền trung. Dự án ESRT (Chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) do EU tài trợ cũng với hướng tiếp cận này, hỗ trợ nhiều mảng trong hoạt động du lịch, nhằm thúc đẩy các khối công – tư, các địa bàn, các đối tượng khác nhau trong việc thực hiện phát triển du lịch có trách nhiệm.
Trong năm 2012, dự án về “Nâng cao năng lực thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do AECID tài trợ được thực hiện, trong đó có hoạt động “Nghiên cứu áp dụng du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam”. Hoạt động này của dự án đã nghiên cứu lịch sử hình thành, các vấn đề lý luận và thực tiễn của du lịch có trách nhiệm trong nước và kinh nghiệm quốc tế và đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển du lịch có trách nhiệm cũng như các nội dung cho cẩm nang hướng dẫn phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam.
Về cách tiếp cận thực hiện du lịch có trách nhiệm, dự án đã phát hiện được một số vấn đề chính của du lịch có trách nhiệm, trong đó bao gồm:
– Đối tượng chính của hoạt động du lịch có trách nhiệm tập trung vào 4 đối tượng của hoạt động du lịch: các nhà quản lý du lịch, kinh doanh du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư.
– Cần thúc đẩy, nâng cao ý thức và hành vi có trách nhiệm của các đối tượng trên.
– Để đảm bảo có thành công cần thực hiện dựa trên các cam kết trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi và quyền hạn hợp lý.
Trên cơ sở đánh giá thực tế phát triển du lịch, các dự án phát triển du lịch liên quan đến du lịch có trách nhiệm, chủ trương, chính sách của nhà nước, hiện trạng và xu hướng của các doanh nghiệp trong vấn đề phát triển du lịch có trách nhiệm, cũng như tìm hiểu nhu cầu thị trường và nhận thức của cộng đồng dân cư, dự án này cũng đã nhấn mạnh rằng phát triển du lịch có trách nhiệm hiện nay là điều cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một số kết luận chính trong thực tế phát triển và yêu cầu thực hiện phát triển du lịch bền vững được dự án đúc kế gồm:
– Thực trạng phát triển du lịch trong thời gian qua có nhiều vấn đề nảy sinh gây tác động tiêu cực mà đa phần do ý thức trách nhiệm của những người làm trong ngành du lịch.
– Áp dụng thực hiện quan điểm và các phương pháp phát triển du lịch có trách nhiệm là hết sức cần thiết và chỉ thông qua du lịch có trách nhiệm mới có thể thực hiện được quan điểm phát triển du lịch bền vững của Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn tới.
– Muốn hướng đến thực hiện du lịch có trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay thì cũng cần phải thực hiện nhiều giải pháp và có cách tiếp cận và triển khai phương pháp này trên từng đối tượng hoặc từng địa bàn.
– Việc nâng cao nhận thức được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất để từng bước thúc đẩy trách nhiệm thực hiện hoạt động du lịch.
Việc áp dụng phát triển du lịch có trách nhiệm vào thời điểm hiện tại là rất cần thiết và thuận lợi, đặc biệt do sự thúc đẩy và hỗ trợ của các dự án và tổ chức quốc tế.
Mặc dù du lịch có trách nhiệm cần được triển khai ở bất cứ đâu, trong mọi hoạt động du lịch nhưng để nhìn nhận rõ nhất và triển khai cụ thể nhất thường được áp dụng tại các địa bàn có hoạt động du lịch phát triển và gắn với cộng đồng địa phương, đặc biệt dân tộc thiểu số. Xuất phát từ thực trạng và định hướng của tỉnh, dự án đã có những nghiên cứu và đề xuất mô hình áp dụng du lịch có trách nhiệm trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa khèn H’Mông ở Sa Pa mà đi sâu vào là bản Sa Pả.
H’Mông là dân tộc thiểu số lớn nhất ở địa bàn Sa Pa và cũng là dân tộc thiểu số có nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc mà trong đó múa và thổi khèn là một trong những di sản văn hóa quan trọng. Trong quá trình phát triển du lịch và hội nhập ngày càng sâu rộng, bản sắc của di sản văn hóa này đang dần thay đổi theo nhiều chiều hướng tiêu cực, đó là mặc dù đây là nét văn hóa truyền thống mà người H’Mông tự hào và vẫn lưu truyền, nhưng không trau dồi các điệu nhạc truyền thống mà xoay quanh một vài bài đơn giản đủ để phục vụ kiếm tiền qua ngày. Với sự hấp dẫn của di sản văn hóa này, cộng đồng dân cư bản Sa Pả, đặc biệt là nam nữ thanh thiếu niên biểu diễn dạo kiếm tiền đã trở thành vấn nạn tại thị trấn Sa Pa. Các loại hình biểu diễn không đúng với tinh thần của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc mà rất nghèo nàn, đơn xơ không mang lại đầy đủ giá trị thưởng thức, gây mất trật tự và ngày càng làm mai một các giá trị nguyên bản của di sản văn hóa truyền thống này. Chính quyền địa phương đã có một số biện pháp khác nhau như tuyên truyền, vận động…nhưng không có hiệu quả. Ngược lại, thị trường khách du lịch rất mong muốn thưởng thức nghệ thuật trình diễn và tìm hiểu loại di sản văn hóa gắn với đồng bào dân tộc thiểu số này. Các doanh nghiệp trên địa bàn và doanh nghiệp gửi khách, đặc biệt từ Hà Nội đang thiếu sản phẩm và đặc biệt tìm kiếm các sản phẩm du lịch văn hóa bản địa mang tính chân thực sâu sắc cho du khách.
Mô hình du lịch có trách nhiệm áp dụng trong trường hợp này là một mô hình giúp gắn kết trách nhiệm của các bên trong nỗ lực bảo tồn loại hình di sản văn hóa này và thực hiện phát triển sản phẩm du lịch văn hóa bền vững. Mô hình du lịch có trách nhiệm – xây dựng và vận hành câu lạc bộ khèn H’Mông Sa Pa. Mô hình này rất phù hợp với nhu cầu quản lý của địa phương, từ ngành du lịch tỉnh Lào Cai đến chính quyền địa phương thị trấn Sa Pa. Hiện nay, mặc dù có đến trên dưới 50 thanh thiếu niên lang thang biểu diễn khèn trong thị trấn Sa Pa chủ yếu đến từ bản Sa Pả và mặc dù chính quyền địa phương đã có chủ trương, định hướng và thực hiện mô hình sân khấu ngoài trời nhằm giới thiệu và phục vụ chính thức loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống này thì vẫn phải tìm kiếm đội văn nghệ bản Cát Cát mà không thể huy động hoặc sử dụng được ở các bản Sa Pả do tại các tình trạng đã được nêu.
Việc xây dựng và vận hành Câu lạc bộ khèn Mông Sa Pa trên theo quan điểm phát triển du lịch trách nhiệm được triển khai với các mục tiêu:
– Giải quyết được những vấn đề xã hội và thực tế lộn xộn trong phát triển du lịch hiện nay trên địa bàn;
– Tạo ra nguồn thu nhập tốt hơn cho cộng đồng địa phương;
– Xây dựng được nhận thức sâu sắc cho cộng đồng địa phương; Khơi dậy được lòng tự hào dân tộc của cộng đồng địa phương, đi sâu vào cộng đồng bản Sa Pả, thị trấn Sa Pa;
– Khuyến khích được nhận thức trách nhiệm xã hội và kinh tế của các đối tác; Huy động được sự đồng tâm, hợp lực; Đề cao được tính cam kết của các đối tác này như chính quyền và cơ quan quản lý du lịch địa phương, các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp gửi khách từ các thị trường nguồn.
– Đáp ứng được nhu cầu thưởng thức di sản văn hóa trong không gian, thời gian phù hợp và đề cao tính nguyên bản của di sản.
Hội Khèn – Sáo Mông Sa Pa năm 2013
Về tính chất và hình thức quản lý, Câu lạc bộ khèn H’Mông Sa Pa là câu lạc bộ của cộng đồng dân cư làng Sa Pả, hoạt động độc lập và tự làm chủ, bao gồm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm CLB, các nghệ nhân (cao tuổi và các nghệ nhân nhí). Câu lạc bộ được hình thành trên cơ sở các thành viên mong muốn được tham gia, tự nguyện tham gia, hiểu biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ. Mặc dù là câu lạc bộ của cộng đồng dân cư nhưng có sự tham gia và hỗ trợ chặt chẽ của các bên gồm :
– Sở VHTTDL Lào Cai
– Phòng Văn hóa thông tin Sa Pa
– Trung tâm văn hóa thông tin du lịch Sa Pa
– Câu lạc bộ du lịch Sa Pa
– Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm Hà Nội .
Đây thể hiện rõ tính đặc trưng của du lịch có trách nhiệm. Vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng; khi hoạt động của Câu lạc bộ được đi vào nề nếp thì vai trò tự chủ của cộng đồng được đề cao nhưng các đối tác còn lại vẫn tiếp tục phải có vai trò tham gia trong hoạt động hỗ trợ và thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch.
Sơ đồ: Quan hệ trách nhiệm và hệ thống quản lý Câu lạc bộ Khèn Mông Sa Pa
Các đối tác này với các trách nhiệm cụ thể của mình sẽ có sự ủng hộ, hỗ trợ thiết thực để Câu lạc bộ có thể giúp các nghệ nhân truyền dạy đầy đủ các điệu khèn đủ tính nguyên bản cho các thanh thiếu niên, hình thành được một đội diễn văn nghệ chuyên nghiệp đại diện cho bản, có tiết mục đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tham gia như sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.
Tại hoạt động của dự án AECID, bước đầu câu lạc bộ đã được thành lập trên cơ sở họp cộng đồng dân cư bản Sa Pả, có sự chứng kiến và nỗ lực tập hợp thanh thiếu niên lang thang của Phòng Văn hóa thông tin Sa Pa. Cộng đồng đã bầu chọn ra Chủ tịch và các phó chủ tịch Câu lạc bộ và thống nhất các mục tiêu phát triển câu lạc bộ.
Dự án đã xây dựng các nội dung để hình thành Câu lạc bộ gồm :
– Quy chế hoạt động
– Tiêu chí kết nạp mới thành viên
– Giấy phép thành lập
– Quy định về việc sa thải thành viên
– Quy định về tài chính : phân chia lợi nhuận, phí vận hành, kinh phí cho đào tạo, duy trì bảo tồn văn hóa; hoạt động thu đối với việc tham gia trong sản phẩm du lịch.
– Thực hiện quy định của Phòng Văn hóa thông tin Sa Pa
– Nguyên tắc ứng xử của các thành viên câu lạc bộ.
Dự án cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn và thường xuyên trong Câu lạc bộ cũng như đề cập các hình thức giám sát triển khai thực hiện. Các nội dung giám sát về chất lượng đào tạo, thông tin giới thiệu phổ biến…
Các nội dung về quy tắc ứng xử đối với du khách cũng được đặt rõ, kế hoạch cùng các hoạt động cụ thể và mục tiêu năm cho hoạt động này cũng được nêu chi tiết. Cụ thể về các mục tiêu về kinh tế, về xã hội và môi trường.
Trách nhiệm chung của các đối tác chính được xác định rõ, đối với Sở VHTTDL Lào Cai, Phòng Văn hóa Thông tin Sa Pa, Câu lạc bộ du lịch có trách nhiệm, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn tại Sa Pa. Cụ thể như :
+ Sở VHTTDL Lào Cai
– Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho CLB khèn
– Định hướng hỗ trợ phát triển câu lạc bộ,
– Kết nối với các hoạt động du lịch trên địa bàn, doanh nghiệp, các dự án
– Định hướng hoạt động và hỗ trợ tiếp nối cho CLB Khèn
+ Phòng Thông tin Du lịch Sa Pa
– Quy tụ nghệ nhân, học viên
– Cùng các nghệ sỹ lên tiết mục
– Cử cán bộ chuyên trách tham gia vào ban quản lý CLB,
– Tổ chức tập, bố trí phòng tập tại bản,
– Đưa tiết mục vào chương trình sân khấu ngoài trời
– Quản lý, giám sát tại chỗ
– Cung cấp các hỗ trợ cần thiết khác cho CLB trong khả năng cho phép,
– Cam kết hỗ trợ về thu nhập cho các nghệ nhân trong giai đoạn đầu của dự án (khi thu nhập từ việc biểu diễn thông qua CBL chưa được tốt)
+ Hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án
– Chủ trì xây dựng CLB Khèn và kế hoạch chi tiết
– Sâu chuỗi các hoạt động, kết nối các đối tác
– Hỗ trợ kinh phí tập và một phần kinh phí tuyên truyền ban đầu
– Đề xuất hướng hoạt động nối tiếp khi bàn giao cho địa phương và CLB.
+ Câu lạc bộ RTC, các doanh nghiệp lữ hành & khách sạn tại Sapa
– Giới thiệu, thống nhất hỗ trợ sản phẩm trong các doanh nghiệp là thành viên CLB và tiếp tục mở rộng
– Đưa sản phẩm vào các chương trình tour.
– Thực hiện giới thiệu cho các điều hành tour về sản phẩm Khèn và áp dụng vào vận hành một tour đưa khách lên Sapa.
– Cung cấp đầy đủ các thông tin về CLB Khèn cho hướng dẫn viên để họ cung cấp đầy đủ cho khách và các quy tắc ứng xử dành riêng cho hướng dẫn viên.
– Cung cấp các đánh giá, gợi ý từ khách du lịch và doanh nghiệp.
Trách nhiệm cụ thể của các đối tác này được dự án đề cập xác định trong các kế hoạch chi tiết triển khai theo lộ trình hình thành và phát triển Câu lạc bộ.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch cụ thể từ hoạt động trình diễn nghệ thuật biểu diễn và tìm hiểu văn hóa thông qua khèn Mông Sa Pa của Câu lạc bộ cũng đã được dự án xây dựng chi tiết. Cam kết của các doanh nghiệp gửi khách đã được xây dựng trong Câu lạc bộ du lịch có trách nhiệm. Nhu cầu thị trường đã được tìm hiểu và phân tích. Với tính toàn diện của đề xuất này, mô hình của Câu lạc bộ hình thành và phát triển sẽ giúp bảo tồn di sản văn hóa và mặt khác đa dạng hóa và đặc trưng hóa sản phẩm du lịch ở Sa Pa.
Vì hạn chế của dự án do AECID tài trợ là thời gian thực hiện dự án trong vòng 1 năm (năm 2012) nên không đủ điều kiện tiếp tục hỗ trợ, giám sát chuyên môn và điều phối thực hiện việc phát triển Câu lạc bộ. Tuy nhiên, dự án đã bước đầu hình thành được mô hình, hỗ trợ ban đầu về kinh phí đào tạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, xác định được vai trò và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan và bước đầu gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của phòng Văn hóa Thông tin Sa Pa cũng như của Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm. Sự cam kết của các đối tượng tham gia hoạt động du lịch được thực hiện thông qua các biên bản cam kết lẫn nhau được ký kết.
Trở lại với bản chất của mô hình này như một mô hình du lịch có trách nhiệm, có nhiều người đặt ra câu hỏi về sự khác nhau giữa các khái niệm và các mô hình du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững. Ngay tại mô hình được đề xuất, câu hỏi này cũng có thể đặt ra bởi nó cũng là một loại của du lịch cộng đồng và nó cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Như đã phân tích ở phần đầu, du lịch trách nhiệm là quan điểm, phương pháp thực thi để đảm bảo các mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Vậy du lịch bền vững là mục tiêu hướng tới và du lịch trách nhiệm là cách làm cụ thể và cách làm này đi vào việc xác định rõ vai trò trách nhiệm và việc cần làm để có trách nhiệm cao hơn và gắn kết hơn trong hoạt động du lịch đối với cộng đồng dân cư mỗi điểm du lịch. Đó cũng là sự khác biệt với khái niệm du lịch cộng đồng khi du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch gắn với cộng đồng và cũng thường nhằm có các trách nhiệm với cộng đồng nhưng không nhấn mạnh vào việc xác định các mối quan hệ đối tác và trách nhiệm cụ thể các đối tác này, cũng có thể chỉ cần 2 đối tác trong số 4 đối tác chính này cũng có thể thực hiện du lịch cộng đồng. Du lịch có trách nhiệm lại tập trung vào việc gắn kết được cam kết và việc làm cụ thể và có trách nhiệm của cả 4 đối tác chính và hướng đến 3 mục tiêu của du lịch bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Câu lạc bộ khèn Mông Sa Pa đã được hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các bước triển khai và hoạt động trước mắt và lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển du lịch chung và của tỉnh Lào Cai, bước đầu có thể đi vào hoạt động. Để mô hình có thể triển khai liên tục và gắn kết trách nhiệm tối đa, cần đến sự quan tâm liên tục của Sở VHTTDL Lào Cai, chính quyền thị trấn Sa Pa và sự chung tay của các doanh nghiệp cũng như cộng đồng bản Sa Pả như đã cam kết. Cũng cần đến sự hỗ trợ tiếp tục của các dự án và các tổ chức quốc tế và trong nước để hỗ trợ triển khai, hướng dẫn cộng đồng thực hiện. Mô hình này tiếp tục vận hành sẽ từng bước gây dựng được ý thức và cách làm có trách nhiệm thực sự trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông cũng như giúp cho Sa Pa có thêm một sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thực sự có tính bền vững./.
TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện NCPT Du lịch