Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Khảo sát các tỉnh miền núi phía Bắc của đoàn Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

     ksmnpb nhung  Tiếp theo chuyến khảo sát các tỉnh miền núi Tây bắc, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, dẫn đầu là Viện trường Nguyễn Anh Tuấn đã thực hiện cuộc khảo sát tại các tỉnh miền núi Đông bắc gồm các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ ngày 4/11 đến ngày 10/11/2015. Đây là cuộc khảo sát thứ hai nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu “Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng miền núi phía Bắc (Đông Bắc – Tây Bắc)” thuộc Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch do Tổng cục Du lịch giao cho Viện NCPT Du lịch thực hiện.

        Đoàn đã thực hiện khảo sát nhiều điểm du lịch đã và chưa khai thác, tìm hiểu các sản phẩm du lịch tiêu biểu tại khu di tích quốc gia Đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), núi đôi Quản Bạ, Dinh nhà Vương, nhà của Pao, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang), rừng Trần Hưng Đạo, núi Phia Đén (Cao Bằng), hồ Ba Bể, bản Pắc Ngòi (Bắc Kạn), huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đặc biệt, tháng 11 với mùa hoa tam giác mạch đang thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc đến với Hà Giang. Lượng khách du lịch đến các điểm đến nổi tiếng của Hà Giang như Dinh nhà Vương, nhà của Pao, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng cũng nhờ thế mà tăng gấp đôi, gấp ba so với các tháng khác.

    ksmnpb nhung2
     Ảnh: Từ đỉnh Mã Pì Lèng

       Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch tại khu phố cổ trung tâm huyện Đồng Văn, từ ngày 13 đến ngày 15/11/2015. Lễ hội gồm một chuỗi các  hoạt động văn hóa khác nhau thu hút khách du lịch đến tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp của hoa tam giác mạch và các điểm du lịch tại Hà Giang. Lượng khách du lịch đến Hà Giang trong mùa lễ hội là rất lớn, tuy nhiên các dịch vụ như ăn uống, lưu trú tại đây vẫn còn hạn chế và chưa thực sự phát triển. Để khắc phục điều này, hiệp hội du lịch tỉnh Hà Giang đã xây dựng khu vực lều trại tại trường nghề Đồng Văn với 160 lều trại, có sức chứa hàng ngàn du khách. Việc tập trung một lượng lớn người tại một điểm trong thời gian ngắn dễ gây phát sinh các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, vệ sinh và xử lý rác thải. Trên các website và trang mạng xã hội cũng đã có nhiều phản ánh về một số du khách có hành vi ứng xử không phù hợp khi chụp ảnh với hoa tam giác mạch tại Hà Giang, làm phá hoại cảnh quan. Đây sẽ là kinh nghiệm không chỉ cho Hà Giang mà còn cho các tỉnh thành khác trong việc tổ chức lễ hội và sự kiện trong các năm sau.

     ksmnpb nhung3
    Ảnh: Hoa tam giác mạch

       Một số trong những điểm đoàn Viện NCPT Du lịch đã tiến hành khảo sát và nhận định là những tài nguyên hết tiềm năng mới bước đầu được khai thác, đó là hang Lùng Khuýa (Hà Giang), rừng Phia Đén – Phia Oắc (Cao Bằng), đỉnh Nà Lay (Lạng Sơn). Tại Quản Bạ, Hà Giang, đoàn đã khảo sát hang Lùng Khúy, một hang động mới được phát hiện vào tháng 3/2015, nằm trong khuôn viên Cao nguyên đá Đồng Văn. Hang Lùng Khúy được đánh giá thuộc những hang động đẹp nhất trong địa bàn tỉnh. Đây là một hang động có giá trị to lớn về mặt địa đạo, địa chất và có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch. Đứng tại cửa hang còn có thể quan sát toàn bộ khu vực xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, khung cảnh vô cùng hùng vỹ. Hiện nay chính quyền huyện Quản Bạ đang tiến hành lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng và đường đi ở trong hang để mở cửa cho khách du lịch vào tham quan.
     

    ksmnpb nhung4

    Ảnh: Hang Lùng Khúy

       Rừng Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng) phân bố ở độ cao trừ 700m trở lên. Theo con đường nhỏ từ Phia Đén lên đỉnh Phia Oắc dài gần 20km, là cơ hội chiêm ngưỡng và nghiên cứu những giá trị sinh thái đặc trưng của vùng núi này.

        Bắc Sơn (Lạng Sơn) lại đang bước đầu phát triển du lịch cộng đồng. Đỉnh Nà Lay, ở độ cao khoảng 600m so với vực nước biển, có góc nhìn rộng và có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn từ trên cao với con sông uốn lượn và những cánh đồng lúa vàng rực vào mùa lúa chín.
     

    ksmnpb nhung5

    Ảnh: Quang cảnh từ trên đỉnh Nà Lay

            Bên cạnh nhiều điểm tài nguyên với giá trị đặc thù cao, đoàn khảo sát cũng đã đánh giá một số tài nguyên du lịch gắn với nông nghiệp rất tiêu biểu ở vùng miền núi phía bắc hoàn toàn có thể khai thác phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc thù cao – sản phẩm du lịch trải nghiệm các mùa nông nghiệp, mùa lúa, mùa hoa, mùa chè, mùa cam, mận, đào, quýt và du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với tìm hiểu quy trình canh tác chè, dược liệu, sản vật nông nghiệp địa phương.

    ksmnpb nhung6

    Ảnh: Vườn cam Hàm Yên – Tuyên Quang

         Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, đoàn của Viện đã phối hợp với Sở VHTTDL Hà Giang tổ chức một buổi tọa đàm tại thành phố Hà Giang nhằm lấy ý kiến về dự thảo nghiên cứu Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng miền núi phía Bắc (Đông Bắc – Tây Bắc). Nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi đã được trao đổi tại buổi tọa đàm giúp cho đoàn công tác có thêm những thông tin sát với tình hình thực tiễn.

    ksmnpb nhung1

    Ảnh: Buổi Tọa đàm – Hà Giang

         Nhìn chung, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống đã được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái nông nghiệp. Nghiên cứu về sản phẩm du lịch đặc thù các tỉnh miền núi phía Bắc của Viện NCPT Du lịch sẽ giúp các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc xác định và nhận diện các sản phẩm đặc thù, đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch.

    Ths. Đinh Thị Hồng Nhung – P.QLKH&HTQT

    Bài cùng chuyên mục