Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long

    timelesscharm

    Trong bối cảnh phát triển hiện tại của xu hướng hội nhập quốc tế và sự gia tăng các phương thức cạnh tranh, sự khẳng định qua thương hiệu là phương thức phát triển và cạnh tranh tối ưu. Các điểm đến trên khắp thế giới đang ngày đang ngày càng nhận thức cao về tầm quan trọng và giá trị của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, như một công cụ trong cạnh tranh quốc tế. Các quốc gia đều nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch với mục đích tạo khả năng phân biệt và nhận dạng cho điểm đến một cách rõ ràng, tối ưu nhất để thu hút hiệu quả và bền vững các thị trường khách du lịch quốc tế.

    Theo Tổ chức Du lịch thế giới, thương hiệu điểm đến là sự tổng hợp những nhận thức, cảm giác và thái độ đối với điểm đến, dựa vào việc du khách đã trải nghiệm điểm đến hoặc điểm đến được hình thành như thế nào trong con mắt của du khách. Mục đích phát triển thương hiệu là để tạo khả năng nhận dạng cạnh tranh, với những nét nhận biết mà điểm đến khác biệt và nổi trội so với những điểm đến khác và có khả năng thu hút khách du lịch tiềm năng.

    Đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù lớn về hệ thống kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28.000km, tạo thành một vùng châu thổ trù phú với cảnh quan hữu tình và tính đa dạng sinh học cao, là tiềm năng du lịch độc đáo không chỉ riêng Việt Nam mà cả với thế giới. Với quá trình phát triển, Vùng đã có những bước đầu liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh trong thị trường. Đây là lúc cần có những định hướng rõ ràng và triển khai các giải pháp để phát triển thương hiệu du lịch Vùng rõ nét hơn trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

    Các yếu tố hình thành giá trị thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL

    Các giá trị thương hiệu du lịch cho điểm đến, ở đây là phạm vi lãnh thổ một vùng được xác định dựa trên những giá trị nổi trội nhất, dễ dàng ghi nhớ nhất và mang đến cho khách du lịch những cảm xúc đặc biệt so với những vùng miền khác. So với nhiều vùng khác thì vùng ĐBSCL có thuận lợi hơn trong việc xác định các yếu tố tham gia xây dựng thương hiệu bởi đặc trưng, khác biệt so với các vùng khác. Cũng vậy, do Vùng cũng đã được đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” xác định rõ các sản phẩm đặc thù cho Vùng.

    Tài nguyên du lịch phong phú của vùng ĐBSCL có nhiều nét đặc thù, khác biệt, là các giá trị cạnh tranh cao, có thể xem xét đối với việc phát triển thương hiệu:

    Vựa lúa, vựa trái cây. ĐBSCL là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, được coi là vựa lúa của cả nước. Với điều kiện thời tiết thuận hòa, đất đai trù phú đây cũng là vùng sản xuất cây trái lớn nhất của nước ta.

    Sông nước, miệt vườn là những hình ảnh, ấn tượng lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long với cả nước cũng như trên thế giới với hình ảnh những làng cây ăn trái đặc sắc đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du lịch tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, đặc biệt là trên các cồn, cù lao trên sông Mekong. Cũng vậy, đó là hình ảnh về hệ thống chợ nổi độc đáo của ĐBSCL.

    Hệ sinh thái đất ngập nước nội địa tại vùng Đồng Tháp Mười, hệ sinh thái rừng tràm nước lợ tại Cà Mau, rừng dầu Phú Quốc… Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng có nhiều sân chim, vườn cò trải từ Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang tới Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây cũng là những điểm tham quan thú vị, độc đáo của vùng.

    Ẩm thực cũng là nét đặc biệt của vùng, với đặc thù gạo trắng, nước trong, thiên nhiên ưu đãi, người dân địa phương đã sử dụng những nguyên liệu hết sức bình dị, dân dã tạo nên những món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn.

    Di sản văn hóa. Vùng ĐBSCL cũng có những nét đặc sắc không nơi nào có được, đó là các giai điệu đơn ca tài tử, cải lương, cho tới câu chuyện về Bác Ba Phi (Cà Mau); các giá trị văn hóa dân tộc Khmer và Chăm trên nền đất với nhiều di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo…

    7.1

    Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” do Bộ VHTTDL phê duyệt tại quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2015 đã xác định các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng. Đây cũng có thể coi là những giá trị chính để phát triển thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL. Các sản phẩm du lịch đặc thù được xác định gồm:

    – Sản phẩm du lịch tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sông nước

    – Sản phẩm du lịch sinh thái

    – Sản phẩm tìm hiểu và trải nghiệm các di sản văn hoá

    Việc xác định các giá trị thương hiệu và hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu cần được quan tâm và thực hiện bài bản. Bởi ở nhiều nơi, vệc xây dựng thương hiệu rất có thể bị ngả theo hướng chủ quan và lý chí của địa phương hoặc cơ quan quản lý du lịch địa phương. Trong khi đó, trong hầu hết các mô hình xây dựng thương hiệu đều phải đề cập đến việc xác định các giá trị, cảm xúc mang lại cho các đối tượng thị trường là thị trường phù hợp với các sản phẩm của vùng. Đối với mỗi loại thị trường các giá trị lại có những ý nghĩa khác nhau do đặc điểm tâm lý, thị hiếu, do nhu cầu du lịch, nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Thêm nữa, thương hiệu điểm đến được xây dựng hiệu quả là khi nhận thức của khách du lịch và của người dân địa phương có sự đồng nhất và phù hợp với những thông tin xúc tiến quảng bá về những giá trị thương hiệu của điểm đến. Như vậy, những giá trị thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL phải được xác định vừa phù hợp với mong muốn, cảm nhận và tạo cảm xúc khác biệt cho khách du lịch lại vừa phải thân thiện, phù hợp với suy nghĩ và cảm nhận của người dân địa phương nam bộ và cả nước khi nghĩ về Vùng.

    2. Định hướng xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL

    a. Vai trò và quan điểm phát triển thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL

    Du lịch vùng ĐBSCL trong định hướng phát triển du lịch cả nước

    Là một trong những vùng giàu tiềm năng du lịch, Vùng ĐBSCL được xác định là một trong bảy vùng du lịch quan trọng của du lịch Việt Nam, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với các sản phẩm đặc trưng nhất về du lịch sinh thái và tìm hiểu sông nước, miệt vườn.

    Trong 3 dòng sản phẩm du lịch chính được xác định tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và triển khai áp dụng mở rộng thêm hiện nay trên 4 dòng sản phẩm là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch đô thị thì vùng ĐBSCL là vùng được định hướng phát triển dòng sản phẩm du lịch quan trọng là du lịch sinh thái.

    Các vùng du lịch khác có định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái là vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía bắc. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL phát triển du lịch sinh thái gắn với sông nước, miệt vườn với nét đặc trưng, độc đáo, khác biệt hoàn toàn và có sức cạnh tranh cao.

    Như vậy, phát triển thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung, làm rõ thương hiệu các dòng sản phẩm du lịch chính của Việt Nam.

    Vai trò của việc phát triển thương hiệu du lịch Xanh đối với vùng ĐBSCL

    Đây là giai đoạn quan trọng đối với vùng ĐBSCL về liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Việc phát triển sản phẩm cần gắn chặt và đi liền với công tác phát triển thương hiệu.

    Thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL cần có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hình ảnh chung của Vùng trên bình diện cả nước và cả ra quốc tế.

    Quan điểm và mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch Xanh vùng ĐBSCL

    Các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, các nét đặc trưng tiêu biểu của vùng đều gắn với các giá trị sinh thái, sông nước, miệt vườn. Chính vì vậy, thương hiệu du lịch của Vùng gắn liền với du lịch sinh thái và nhiều yếu tố liên quan đến du lịch Xanh.

    Vùng ĐBSCL là vùng phù hợp nhất và cần đi tiên phong nhất trong việc thúc đẩy phát triển du lịch Xanh, việc phát triển thương hiệu du lịch vùng gắn với du lịch Xanh là cần thiết, có thể coi là chiến lược có tính giai đoạn của việc phát triển thương hiệu du lịch Vùng.

    Để phù hợp với yêu cầu phát triển thương hiệu du lịch Vùng gắn liền với quan điểm phát triển du lịch Xanh thì công tác quản lý và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng cần phải bám chặt và thể hiện được các quan điểm này.

    Phát triển thương hiệu du lịch Xanh nhằm một mặt phát huy các lợi thế du lịch của Vùng tạo ra sự nhận diện, khả năng cạnh tranh cho du lịch Vùng và du lịch cả nước, mặt khác thu hút sự hợp lực của các đơn vị quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trong cả Vùng cùng liên kết thực hiện phát triển du lịch Xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

    b. Định hướng xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Xanh vùng ĐBSCL

    + Hình ảnh và thương hiệu du lịch vùng

    – Hình ảnh chủ đạo của vùng: thuyền nhỏ lách theo kênh rạch dưới các hàng dừa nước xanh mướt.

    – Giá trị cốt lõi thương hiệu: “sông nước mênh mông hiền hoà giữa màu xanh bát ngát trù phú”

    – Kiến trúc thương hiệu:

    Thương hiệu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, nằm trong nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái Việt Nam, là một trụ cột quan trọng và là thương hiệu nhánh của thương hiệu du lịch sinh thái của Việt Nam.

    Thương hiệu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn là một thương hiệu độc lập chính nằm ngang với thương hiệu du lịch sinh thái núi cao Tây bắc và Tây Nguyên.

    Thương hiệu du lịch Vùng ĐBSCL bao trùm lên và được xây dựng trên cơ sở thương hiệu 3 dòng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng là: tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sông nước, du lịch sinh thái, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị di sản văn hoá. 

    4.2

    + Hình ảnh và thương hiệu các dòng sản phẩm

    Ngoài thương hiệu chính của du lịch vùng, hình ảnh và thương hiệu của các dòng sản phẩm chính trong vùng cần được xây dựng.

    – Sản phẩm du lịch tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sông nước: là một thương hiệu quan trọng, đặc biệt với thị trường khách du lịch quốc tế. Thiên nhiên trù phú và nhiều sản vật, đời sống trên sông với các sinh hoạt độc đáo là những yếu tố hình ảnh hết sức phong phú và hấp dẫn để hình thành thương hiệu. Sản phẩm đặc trưng này có sự khác biệt lớn với các sản phẩm các vùng khác nên sẽ thuận lợi cho việc hình thành thương hiệu. Cần có những biện pháp thúc đẩy để quảng bá cho thương hiệu sản phẩm du lịch này nằm trong hệ thống thương hiệu vùng và đặc trưng trên cả nước.

    Sản phẩm du lịch sinh thái: hình ảnh về vườn cò rợp bóng, rừng đước ngút ngàn, thuyền chèo đi giữa đầm ngập mặn là những yếu tố đặc thù của du lịch sinh thái vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, sinh thái nông nghiệp với những hình ảnh về trải nghiệm những mùa lúa, những miệt vườn đầy cây trái, những đầm sen bát ngát cũng hoàn toàn khác biệt tạo nên thương hiệu du lịch của Vùng. Thương hiệu du lịch sinh thái vùng ĐBSCL với hai sản phẩm lớn và quan trọng là tham quan vườn quốc gia, khu BTTN và sinh thái nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hình thành thương hiệu du lịch Vùng, đặc biệt trong giai đoạn phát triển thương hiệu du lịch Xanh. 

    Sản phẩm du lịch tìm hiểu, trải nghiệm di sản văn hoá: với thiên nhiên trù phú và nhiều sản vật quý, hình ảnh của các sản vật, sản phẩm của địa phương giữa văn hóa, đời sống và thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ là những yếu tố hình ảnh hết sức phong phú và hấp dẫn để hình thành thương hiệu. Mỗi địa điểm sinh thái nông nghiệp là một thương hiệu để hình thành thương hiệu sản phẩm sinh thái nông nghiệp. Thương hiệu sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ là những thương hiệu nhánh hỗ trợ cho hình ảnh và thương hiệu chính của vùng.

    Trong giai đoạn này, thương hiệu du lịch Vùng sẽ tập trung vào du lịch Xanh nên các dòng sản phẩm du lịch sinh thái và tìm hiểu trải nghiệm sông nước cần được chú trọng hơn.

    Hình ảnh và thương hiệu du lịch cũng cần dựa vào các yếu tố quan trọng khác hình thành giá trị thương hiệu, đó là những hình ảnh đã quen thuộc đối với thị trường trong nước gắn với thơ ca như “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen…”, “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, “Vựa lúa miền Nam…”. Cũng vậy, sự đa dạng và đặc trưng của ẩm thực vùng ĐBSCL cũng cần bổ sung trong giá trị thương hiệu du lịch Vùng, thể hiện trong sản phẩm du lịch tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sông nước.

    3. Một số giải pháp phát triển thương hiệu du lịch xanh vùng ĐBSCL

    + Nâng cao nhận thức

    Ngay từ quá trình bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển thương hiệu cần xây dựng ngay nhận thức thương hiệu trong những người làm quản lý và kinh doanh du lịch tại các địa phương trong Vùng và trong cộng đồng trước khi có các kế hoạch xúc tiến ra bên ngoài thị trường. Thông qua các hình thức tuyên truyền trong nước, trong cộng đồng kiều bào ngoài nước, qua các hội thảo…nhằm tạo dựng niềm tin, tự hào dân tộc, hiểu biết sâu sắc về các giá trị nổi bật của Vùng được sử dụng trong chiến lược thương hiệu. Đặc biệt cần phải phổ biến, tuyên truyền về các hình thức phát triển du lịch Xanh, những ứng xử phù hợp với phát triển thương hiệu du lịch Xanh.

    Để thực hiện phát triển thương hiệu Du lịch xanh thì vai trò của các thành phần liên quan rất quan trọng. Cần có sự ủng hộ của các nhà quản lý thuộc các cơ quan ban ngành liên quan đến du lịch để có sự đồng nhất, hợp sức xây dựng và thể hiện hình ảnh, thông điệp nhất quán về thương hiệu. Các doanh nghiệp du lịch và liên quan cũng có vai trò rất tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu Vùng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng của Vùng. Dân cư địa phương cũng là một chính thể quan trọng, họ là người làm chủ các tài sản, các giá trị du lịch, là người tiếp nhận khách du lịch, những gì họ thể hiện là một phần của thương hiệu, sự hiểu biết và nhận thức kỹ lượng, sự tự hào về các giá trị thương hiệu mà họ có và có khả năng truyền tải lại cho du khách là một phần của thương hiệu.

    + Tổ chức triển khai có bài bản công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu

    Để triển khai thực hiện quảng bá thương hiệu du lịch Vùng gắn với du lịch xanh, các địa phương cần liên kết, thống nhất trong hoạt động xúc tiến quảng bá. Thống nhất xây dựng và sử dụng biểu trưng, thông điệp chung đi kèm biểu trưng, khẩu hiệu du lịch của mỗi địa phương. Các địa phương có sản phẩm trong cùng một dòng cần tham gia chung các hoạt động xúc tiến thị trường và có các thông điệp cụ thể hơn cho dòng sản phẩm đó. Biểu trưng và các hoạt động xúc tiến quảng bá khi triển khai phải thống nhất với mục tiêu thương hiệu và thể hiện đúng bản chất thương hiệu, các giá trị thương hiệu. Các địa phương cần tận dụng một cách có kế hoạch và thống nhất các phương thức truyền thông thương hiệu, trên các phương tiện truyền thông, trong các chiến dịch xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, tại các sự kiện văn hóa, festival trong và ngoài nước. Hoạt động xúc tiến quảng bá phải được thực hiện trong sự nhất quán để xây dựng thương hiệu. Các chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển thương hiệu và xúc tiến quảng bá phải đặt thành trọng tâm và có sự xuyên suốt. Các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cần tham khảo các Đề án do Bộ VHTTDL ban hành và gửi tham khảo ý kiến các địa phương khác để nắm bắt rõ và có sự nhất quán.

    Thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong sử dụng nhất quán biểu trưng, thông điệp và triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá. Đặc biệt các doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng cần đi tiên phong trong xúc tiến quảng bá tinh thần thương hiệu du lịch Vùng.

    Thương hiệu được xây dựng và định vị không những trong thị trường khách du lịch quốc tế mà trước hết trong từng người dân, người khách du lịch trong nước. Khách đi du lịch trong nước, kiều bào về du lịch trong nước trải nghiệm, cảm nhận và hiểu biết kỹ lưỡng về các giá trị nổi bật của các vùng miền, địa phương, có được sự tự hào dân tộc sẽ quảng bá giới thiệu cho bạn bè và thể hiện đầy đủ giá trị và tinh thần thương hiệu Du lịch.

    + Quản trị thương hiệu

    Bên cạnh các định hướng và chiến lược phát triển thương hiệu thì việc quản trị phát triển thương hiệu có vai trò rất quan trọng. Mô hình hình thành Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL được đề xuất tại Đề án phát triển du lịch sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL do Bộ VHTTDL ban hành khi được triển khai sẽ là đơn vị phù hợp để liên kết các địa phương trong công tác phát triển thương hiệu du lịch của vùng và đứng ra thực hiện công tác quản trị thương hiệu.

    Ban điều phối cần tổng hợp các kế hoạch xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch của các địa phương để tạo ra sự thống nhất; triển khai các hoạt động xúc tiến xây dựng thương hiệu; tổ chức nghiên cứu thị trường, đánh giá hiệu quả phát triển thương hiệu để điều chỉnh định kỳ.

    + Phát triển và kiểm soát phát triển sản phẩm, dịch vụ

    Thương hiệu hình thành được là từ thực tế của chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ các yếu tố tiềm năng được phát huy tối đa. Các hình thức quảng bá thương hiệu chỉ có thể giới thiệu và mang tới thị trường những thông tin gần nhất với thương hiệu, nhưng để có được thương hiệu thực sự và bền vững thì cần có sự nỗ lực để phát triển sản phẩm, dịch vụ tương ứng, cần có hướng tiếp thị để thị trường đón nhận thương hiệu từ những hình ảnh này.

    Cần có hướng dẫn phát triển sản phẩm du lịch xanh kèm theo các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm. Từ những giải pháp ứng dụng công nghệ xanh đến các hoạt động du lịch sinh thái và bền vững, những hoạt động bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất sản phẩm, sản vật đến các phương thức tiêu dùng xanh, cũng như những nguyên tắc ứng xử phù hợp với môi trường. Các doanh nghiệp có sáng kiến và áp dụng phù hợp cần được biểu dương và đi đầu hướng dẫn cho các doanh nghiệp khác, đồng thời cũng tham gia như những thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu trong thương hiệu du lịch xanh của Vùng.

    Phát triển và quảng bá thương hiệu cũng là để khuyến khích và quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch và tạo dựng hình ảnh tích cực và bền vững về Du lịch vùng ĐBSCL.

    Như vậy, phát triển thương hiệu du lịch Xanh vùng ĐBSCL là một trong những bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà các địa phương đang triển khai tích cực công tác liên kết phát triển du lịch, góp phần nhanh chóng xây dựng Vùng như một điểm đến chung hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Phát triển thương hiệu du lịch xanh vùng ĐBSCL cũng là hướng đi quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn này./.

     

    TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục