Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030

    cho noi mini    Nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì không ai không nhắc tới những đặc trưng mang đến sự khác biệt cho toàn bộ khu vực là sông nước miệt vườn. Những giá trị về tài nguyên sông nước cùng những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này tạo ra sự nhận diện cơ bản để xây dựng thương hiệu riêng cho cả vùng nhưng cũng chính là một trong những khó khăn do sự tương đồng quá lớn về tài nguyên giữa các tỉnh dẫn đến sự trùng lắp giữa các sản phẩm. Từ thực tiễn đó, nhiều nghiên cứu, hội thảo khoa học, các đoàn khảo sát đã được thực hiện nhằm có những định hướng và giải pháp tạo sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch. Đề án phát triển du lịch ĐBSCL của Bộ VHTTDL có những định hướng quan trọng cho phát triển du lịch toàn vùng. Đến nay, việc phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL vẫn đang làm một trăn trở của các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương. ĐBSCL là một trong những địa bàn quan trọng, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và nội địa. Tuy vậy thì số lượng khách tới vùng ĐBSCL vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cả khu vực. 

        Căn cứ các định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL tại đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020; Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; thực tiễn công tác triển khai và các yếu cầu phát triển của vùng, các định hướng thu hút thị trường và phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL cần thực hiện gồm:
        1. Định hướng thu hút và phát triển thị trường khách du lịch
        1.1. Chiến lược thu hút thị trường
       a) Đối với thị trường khách du lịch quốc tế
        Duy trì và thúc đẩy tăng trưởng các thị trường truyền thống
        Các thị trường này thuộc các nước: Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc. Cần tập trung đẩy mạnh do các thị trường này đã có được bước đầu sự định vị về du lịch ĐBSCL, có khả năng duy trì và phát triển, dễ dàng thực hiện chuyển tải thông tin truyền miệng và các hình thức xúc tiến quảng bá.
        Đẩy mạnh thu hút các thị trường tiềm năng
        Trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng thị trường, các xu hướng phát triển, trong thời gian tới cần tập trung vào một số thị trường tiềm năng, bao gồm: Thị trường các nước ASEAN đặc biệt Campuchia, Thái Lan; Thị trường các nước Tây Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sỹ; Thị trường khách Đông Âu đặc biệt là khách Nga.
        Thị trường các nước ASEAN trong thời gian tới với các chính sách và định hướng hợp tác phát triển khu vực sẽ có sự thuận lợi thu hút đáng kể. Thị trường này cũng như thị trường các nước Tây Âu, Đông Âu cũng nằm trong định hướng chung về phát triển thị trường khách quốc tế của cả nước trong Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
        Tập trung thu hút theo phân đoạn thị trường
    Chiến lược này đặt yêu cầu tập trung thu hút và tổ chức các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu theo phân đoạn thị trường. Ngoài định hướng chung theo vị trí địa lý của thị trường khách nguồn thì cần chú trọng từng nhóm khách đến từ các nước này với nhu cầu, sở thích riêng biệt để ưu tiên thu hút hiệu quả.
        b) Đối với thị trường khách du lịch nội địa
        Duy trì các thị trường nguồn truyền thống gần
        Thị trường khách du lịch nội địa đến ĐBSCL hiện tại có cơ cấu luồng khách phù hợp với vị trí địa lý, nhu cầu, sở thích, khả năng tham gia du lịch tại địa bàn của các thị trường nguồn. Thị trường khách từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh nội vùng và các tỉnh Đông Nam Bộ là các thị trường có nhu cầu du lịch cao, đặc biệt phù hợp với các sản phẩm vùng ĐBSCL, có sự thuận lợi trong tiếp cận, thu hút và phát triển, đây cũng là thị trường có sức mua lớn.
        Phát triển thị trường đối với các thị trường khách xa
        Thị trường khách từ khu vực phía Bắc và duyên hải miền Trung hiện nay tham gia không nhiều. Trong thời gian tới, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường khách du lịch nội địa trên toàn quốc thì ĐBSCL là một điểm đến quan trọng và hấp dẫn. Các chính sách giảm giá của các hãng hàng không tại Việt Nam, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL làm thu hẹp thời gian tiếp cận các điểm du lịch quan trọng của vùng là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển mở rộng thu hút các thị trường này.
        Tập trung thu hút và đáp ứng thị trường theo các phân đoạn
       Tập trung thu hút các phân đoạn thị trường phù hợp từ các thị trường kể trên, sử dụng tiêu chí phân đoạn là mục đích đi du lịch. Các thị trường có mục đích cụ thể tham gia du lịch tại vùng sẽ có khả năng đáp ứng cung cấp sản phẩm phù hợp hơn, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận xúc tiến quảng bá.
        1.2. Phân đoạn thị trường mục tiêu và đặc điểm thị trường
        Trên cơ sở chiến lược với các hướng ưu tiên thu hút thị trường, mỗi nhóm thị trường cần thu hút theo đúng các phân đoạn phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn, tránh dàn trải.
        a) Khách quốc tế
        – Thị trường truyền thống duy trì phát triển: Các thị trường truyền thống được định hướng ưu tiên phát triển có sự năng động trong việc tìm kiếm thông tin du lịch, thuận lợi cho các hình thức xúc tiến du lịch khác nhau, có các đường bay thẳng tới cửa ngõ Tp. Hồ Chí Minh. Cụ thể trong từng thị trường, ưu tiên các phân đoạn sau:
        – Thị trường khách Nhật: Ưu tiên các nhóm từ 30-50 và trên 60. Đi đôi và theo đoàn lớn. Ưa thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên và văn hóa, thưởng thức ẩm thực. Khả năng chi trả cao.
        – Thị trường khách Mỹ: Ưu tiên các thanh niên và trung niên đi cùng bạn bè, đi đôi, một mình, đi tự do, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, mua tour từng phần.
        – Thị trường khách Úc: Ưu tiên thanh niên đi một mình và đối tượng cùng gia đình, ưa thích khám phá thiên nhiên, tham gia nhiều hoạt động du lịch, năng động, ưa thích các hoạt động cộng đồng.
         – Thị trường khách Hàn Quốc: Ưu tiên khách theo đoàn, thanh niên hoặc hưu trí. Ưa thích tham gia khám phá thiên nhiên và văn hóa.
        – Thị trường khách Pháp: Uu tiên nhất nhóm từ 40 – 50 tuổi, thu nhập trung bình cao, đến từ các thành phố lớn, đi đôi, vào Việt Nam theo cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất, ưa thích các hoạt động chính là thưởng thức cảnh quan và các hoạt động tham quan trên sông, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, tham gia lễ hội, thưởng thức ẩm thực.
        Thị trường khách Trung Quốc: Ưu tiên thị trường khách từ các thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải; có nhiều kinh nghiệm đi du lịch; ưa thích ẩm thực; chỉ trả cao; đi theo đoàn.
        – Thị trường tiềm năng cần đẩy mạnh phát triển: Là các thị trường xa có xu hướng khám phá thiên nhiên hoặc thị trường gần khoảng cách hợp lý có thể tiếp cận qua đường bộ; có sự tương đồng nhất định; có những nét đặc thù khác biệt muốn khám phá. Ưu tiên các phân đoạn thị trường sau:
        – Thị trường khách ASEAN (Campuchia, Lào, Thái Lan): Ưu tiên các nhóm thanh niên bạn bè, gia đình đi nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ, đi đường bộ; ưa thích tham gia nhiều hoạt động du lịch và tìm hiểu văn hóa, ẩm thực.
        – Thị trường khách Nga: Ưu tiên khách đi cùng gia đình có con cái, nghỉ dưỡng và khám phá nhiều giá trị trong chuyến du lịch chung; có khả năng chi trả cao; thời gian lưu trú dài hơn, ưa thích ẩm thực.
        – Thị trường khách Châu Âu khác (Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ): Ưu tiên phát triển ở diện rộng các nhóm đối tượng thị trường: thanh niên, đi đôi, theo đoàn tham gia du lịch theo một chuyến dài ngày ở Việt Nam hoặc chỉ riêng khu vực phía nam.
       b) Khách nội địa
        – Thị trường gần cần duy trì: đây là thị trường có khoảng cách gần; có khả năng đi du lịch nhiều lần, khám phá và tìm hiểu kỹ các giá trị tiềm năng du lịch; nhiều nét văn hóa tương đồng, dễ khai thác. Tập trung thu hút các phân đoạn sau:
        – Khách đi tour tham quan, nghiên cứu: Ưu tiên theo tour của các công ty lữ hành hoặc theo nhóm tự tổ chức; sinh viên, học sinh và công nhân viên chức thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi từ 30 – 55 tuổi, thu nhập trung bình cao.
        – Khách du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh: Ưu tiên những khách cũng đi theo nhóm tự tổ chức, thu nhập trung bình, thuộc lứa tuổi trung niên và về hưu, tầng lớp lao động tiểu thủ công, buôn bán…
        – Khách đi nghỉ cuối tuần: Ưu tiên những khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lớn ở trong vùng và thuộc vùng Đông Nam Bộ; thu nhập trung bình trở lên; trình độ văn hóa trung bình và cao; nhiều loại lứa tuổi; các gia đình, cặp vợ chồng trẻ cùng con cái; nhóm tự tổ chức hoặc đi lẻ…
        – Thị trường xa cần đẩy mạnh phát triển: Các thị trường này có mục đích rõ rệt tới vùng ĐBSCL, có khả năng chi trả cao, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng trung bình cao. Sản phẩm của vùng có sức hấp dẫn lớn do có sự khác biệt lớn với địa bàn xuất phát. Các phân đoạn ưu tiên thu hút gồm:
        – Khách thương mại, công vụ: Ưu tiên những khách có thu nhập trung bình trở lên, đi lẻ không qua các tour trọn gói của các công ty lữ hành, lứa tuổi từ 30 – 55 tuổi.
        – Khách đi nghỉ mát biển đảo: Thị trường cao cấp với các sản phẩm du lịch biển đảo của Phú Quốc – Hà Tiên.
        – Khách đi tour tham quan, nghiên cứu: Ưu tiên khách tự tổ chức; đi theo gia đình có con cái; nghỉ nhiều ngày; thu nhập trung bình cao.
    Trên cơ sở định hướng ưu tiên chung chung và từng phân đoạn cụ thể cần tiếp cận khai thác, các địa phương cần có hướng đầu tư khai thác trúng và hiệu quả thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, phù hợp đặc điểm của từng phân đoạn để có thông tin và các biện pháp xúc tiến thị trường phù hợp, cũng như chào bán các sản phẩm phù hợp là hết sức quan trọng.
        2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030
        2.1. Định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch
        Phù hợp các định hướng phát triển của Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đề án phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; nhu cầu thị trường, xuất phát từ thực trạng và định hướng các thị trường mục tiêu; tiềm năng phát triển du lịch của từng địa phương và thế mạnh và lợi thế của vùng; đối với ĐBSCL có những chiến lược phát triển sản phẩm du lịch như sau:
        – Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của cả vùng và theo đặc trưng từng khu vực thuộc ĐBSCL: gồm các sản phẩm đặc thù chính và các sản phẩm chuyên đề có tiềm năng phát triển ở các khu vực với mục tiêu làm rõ nét sản phẩm du lịch của cả vùng.
        – Phát triển các loại liên kết sản phẩm du lịch khu vực ĐBSCL: trên cơ sở phát huy mọi hình thức liên kết phục vụ phát triển sản phẩm du lịch: Liên kết theo loại hình sản phẩm chuyên đề; tạo sản phẩm du lịch đa dạng – sản phẩm du lịch tổng hợp; theo không gian: không gian tương đồng; liên vùng; kết trong Tiểu Vùng Mekong; Liên kết các loại hình dịch vụ tạo sự khác biệt; các lĩnh vực có thế mạnh xây dựng những sản phẩm du lịch tiềm năng.
        a) Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng khu vực thuộc ĐBSCL
        Phát triển có trọng điểm các sản phẩm đặc thù sẽ tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của toàn vùng. Các dòng sản phẩm du lịch đặc thù chính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là:
        – Du lịch tham quan miệt vườn, sông nước, du lịch cộng đồng
        – Du lịch tìm hiểu văn hóa
        – Du lịch sinh thái
        Ngoài ra, trong từng cụm thuộc vùng ĐBSCL còn có các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng mang tính độc đáo của vùng như:
        – Du lịch lễ hội, tín ngưỡng
        – Du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng
        – Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo
        Với tiềm năng phát triển, vị trí địa lý, các điều kiện về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như để đáp ứng nhu cầu thị trường, vùng ĐBSCL cũng có thể phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch chuyên đề như:
        – Du lịch thương mại, công vụ (MICE)
        – Du lịch nông nghiệp, nông thôn
        – Du lịch thể thao
        Đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và chuyên đề cần thiết có chiến lược tập trung để làm nổi bật các giá trị và sự khác biệt của sản phẩm du lịch vùng. Đặc biệt với thực trạng nhiều khu vực trong vùng ĐBSCL có tài nguyên du lịch khá tương đồng, những sản phẩm do các địa phương khác nhau phát triển sẽ dễ bị trùng lặp nên cần thống nhất kế hoạch phát triển chung và tập trung đầu tư phát triển từng loại hình sản phẩm tại một vài điểm có tài nguyên nổi bật nhất và có các điều kiện phát triển nhất thuận lợi nhất.
        Du lịch tham quan miệt vườn, sông nước, du lịch cộng đồng:
        Đây là sản phẩm đặc thù quan trọng nhất của miền Tây, đặc trưng cho hình ảnh ĐBSCL và cũng là sản phẩm thường gặp và lặp lại nhiều nhất ở miền Tây. Hiện nay sản phẩm này được khách du lịch ưa chuộng sử dụng tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang. Các hoạt động chính trong sản phẩm gồm tham quan miệt vườn, đi thuyền tham quan chợ nổi và các khu du lịch do người dân tự đầu tư, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức cây trái, ẩm thực, tham quan các công đoạn làm bánh tráng, nấu rượu, đan lộp, đan lưới, làm kẹo dừa mang tính trình diễn phục vụ du lịch. Mặc dù so sánh với các vùng còn lại trên toàn quốc cũng như với khu vực và quốc tế, đây có thể coi là sản phẩm du lịch rất đặc trưng, khác biệt và hấp dẫn, nhưng sự tổ chức lặp lại ở nhiều địa phương với điều kiện tự nhiên tương đồng, lại mang tính chất thương mại, trình diễn cao nên sản phẩm du lịch ĐBSCL bị cho là đơn điệu và nhàm chán.
        Sản phẩm này là loại hình hấp dẫn hàng đầu và cần được tiếp tục thực hiện, trên cơ sở đầu tư tập trung và phân loại đáp ứng theo các nhóm thị trường khách. Cần tổ chức cho khách theo các đoàn lớn, khách đại trà sản phẩm nêu trên, tại những khu vực được tổ chức quy củ, có đủ điều kiện đón tiếp. Các khu vực phù hợp cung cấp sản phẩm là: Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Phụng và bảy xã ven sông (Châu Thành, Bến Tre) gắn với chợ nổi Cái Bè, cù lao An Bình, như tại khu vực nhà ông Sáu Giáo và vườn ông Năm (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) và khu vực Phong Điền với làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ) và cồn Ấu gắn với các chợ nổi Phong Điền, Cái Răng, Phụng Hiệp.
        Các đoàn khách nhỏ hoặc các nhóm khách lẻ tập trung khai thác các khu vực khác ít mang tính thương mại hơn, gần gũi với đời sống thực của người dân như tại cồn Ốc (Hưng Phong, Giồng Trôm, Bến Tre), cồn Quy và cồn Tiên (Châu Thành, Bến Tre), cồn Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), làng Chăm Phũm Xoài (An Giang).
        Du lịch tìm hiểu văn hóa:
        Các địa phương trong vùng có nền văn hóa tương đồng, tuy nhiên chỉ tập trung đẩy mạnh phát triển những nơi có tài nguyên đặc sắc nhất, đặc trưng nhất cho vùng và có điều kiện phát triển thuận lợi nhất. Tập trung chính cho các sản phẩm tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân trên các cồn (Hưng Phong, Tân Lộc), tham quan làng Việt cổ tại Long Tuyền Cần Thơ (nơi đây còn giữ lại được nhiều ngôi nhà cổ với các vật dụng quí giá từ đầu thế kỷ 20), tham quan tìm hiểu đời sống, truyền thống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer (tại Sóc Trăng và Tịnh Biên – An Giang), đồng bào Chăm tại Châu Đốc và Hà Tiên gắn với dòng họ Mạc. Ngoài ra còn sản phẩm du lịch gắn với tham quan nghiên cứu di tích khảo cổ tài thành cổ Óc Eo (An Giang) cũng là một sản phẩm đặc sắc của An Giang và cả vùng. Bảo tàng Khmer tại Sóc Trăng nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ là một điểm du lịch hết sức hấp dẫn của vùng. Viện lúa ĐBSCL hiện là một điểm tham quan hấp dẫn của Cần Thơ.
    Du lịch sinh thái
        Vùng ĐBSCL với các tài nguyên tự nhiên phong phú, có các hệ sinh thái đặc thù có giá trị nổi trội chính: Hệ sinh thái đất ngập nước nội địa: Đồng Tháp Mười; Hệ sinh thái rừng ngập mặn (chủ yếu tại phía Tây và Nam bán đảo Cà Mau) và hệ sinh thái biển đảo: Phú Quốc.

    Phu Quoc

    Chiều trên đảo Phú Quốc, Kiên Giang

        Ba khu vực này là ba khu vực có tài nguyên khác biệt, có đặc thù riêng, hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều thị trường khách và là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái, tạo sự phong phú và đặc thù về du lịch sinh thái của vùng. Các sản phẩm du lịch chính bao gồm: Du lịch sinh thái tại các sân chim, rừng tràm ngập nước nội địa vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu BTTN Láng Sen; Du lịch sinh thái tại các sân chim, rừng tràm, rừng đước ngập mặn bán đảo Cà Mau; Du lịch sinh thái biển đảo tại Phú Quốc (lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển đảo: san hô, các loài thủy sinh, bò biển…)
        Du lịch lễ hội, tín ngưỡng:
        Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lễ hội được biết đến rộng rãi. Hàng năm khách du lịch lễ hội chiếm lượng không nhỏ trong tổng số khách tới vùng. Đặc biệt như tại các lễ hội: Lễ hội vía bà chúa Xứ (An Giang) thu hút hàng triệu khách du lịch nội địa trong dịp lễ; Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) thu hút hàng chục ngàn khách; Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo Sóc Trăng; Lễ hội nghinh ông Nam Hải (Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh; Lễ Chon Chnam Thmay (lễ đón năm mới của người Khmer); Lễ hội trái cây (Bến Tre)…
        Trong đó lễ hội vía bà chúa Xứ là lễ hội thu hút khách nội địa lớn nhất. Các lễ hội Ok Om Bok, đua ghe ngo và đua bò Bảy Núi là những lễ hội được đánh giá là có khả năng thu hút khách quốc tế cao.
        Du lịch lễ hội, tín ngưỡng là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt của từng vùng miền, đặc biệt với những lễ hội thu hút đông đảo khách tham dự như các lễ hội tại ĐBSCL thì cần thiết tổ chức khai thác tốt phục vụ khách nội vùng, ngoại vùng và khách du lịch quốc tế.
    Du lịch tham quan di tích lịch sử, cách mạng:
        Miền Tây Nam bộ gắn liền với lịch sử khai mở, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước trong thời kỳ cận đại và hiện đại.
        Các di tích trong thời kỳ chống Pháp chống Mỹ bao gồm các chiến khu, trong đó nổi trội nhất là căn cứ Năm Căn tại Cà Mau, khu căn cứ Trung ương cục miền Nam (tại Hoa Mai, U Minh Thượng, Kiên Giang), xứ ủy Nam kỳ (tại Bến Tre), các chiến trường nổi tiếng như Ấp Bắc (Tiền Giang), chiến thắng Tầm Vu (Hậu Giang), di tích Đồng Khởi (Bến Tre), các nhà tù nơi địch giam giữ đồng bào, chiến sỹ trong đó nổi tiếng nhất là nhà tù Phú Quốc, nhà tưởng niệm các lãnh tụ (Bác Hồ, Bác Tôn, bà Nguyễn Thị Định, đồng chí Võ Văn Kiệt…), rừng tràm Mỹ Phước (Sóc Trăng).
    Các di tích thời kỳ cận hiện đại có thể kể đến chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, lăng mộ Trương Định (Tiền Giang), đền thờ Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang), lăng Cửu Mạc (Kiên Giang)..
        Du lịch tìm hiểu văn hóa – lịch sử vẫn là một trong những sản phẩm du lịch truyền thống tại hầu hết các địa bàn trên toàn quốc nhưng tại mỗi vùng miền lại gắn liền với những đặc trưng lịch sử riêng. Các điểm tham quan di tích văn hóa – lịch sử tại ĐBSCL phục vụ mục đích tìm hiểu truyền thống cách mạng. Cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề tìm hiểu chiến trường xưa hoặc kết hợp trong các sản phẩm du lịch tổng hợp.
        Ngoài các sản phẩm du lịch có tính đặc thù cao thì ĐBSCL có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề.
        Du lịch thương mại, công vụ:
        Du lịch MICE là sản phẩm tiềm năng của vùng, phù hợp tổ chức tại Cần Thơ và Phú Quốc. Với vị trí là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội, của một vùng rộng lớn, đông dân, trù phú, các điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận hàng không, đường bộ và đường sông thuận tiện, Cần Thơ là địa điểm phù hợp phát triển du lịch MICE. Phú Quốc có sự hấp dẫn của hòn đảo biệt lập, có môi trường trong lành, nguyên sơ, với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phù hợp với việc tổ chức các sự kiện, hội thảo quốc tế, các chuyến khuyến thưởng. Đây chính là thế mạnh đặc biệt của Phú Quốc và thực tế thời gian qua rất nhiều các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức các hoạt động này tại Phú Quốc. Trong tương lai Phú Quốc hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh thị trường này với các điểm đến khác trong khu vực.
        Du lịch nông nghiệp, nông thôn:
        Mặc dù nhiều hoạt động du lịch của các sản phẩm du lịch đặc thù như tham quan miệt vườn, thu lượm trái cây v.v. đều mang đậm màu sắc của du lịch nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên với tiềm năng phong phú của vùng đồng bằng trù phú, vựa lúa, vựa thủy sản được khai thác và nuôi trồng lớn nhất cả nước thì nhiều hình thức phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể được hình thành.
        Du lịch thể thao:
        Các hoạt động du lịch đi xe đạp, bơi thuyền, đua thuyền là những hoạt động được khách du lịch, đặc biệt khách du lịch quốc tế ưa thích tham gia. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các loại hình này cần được nghiên cứu phát triển.
        b) Phát triển các loại liên kết sản phẩm du lịch khu vực ĐBSCL
        Liên kết theo loại hình sản phẩm chuyên đề
        – Du lịch nghiên cứu tìm hiểu văn hóa dân tộc: các chương trình du lịch có thể kết hợp tham quan nghiên cứu văn hóa người Chăm vùng sông nước với văn hóa người Khmer, người Hoa và người Việt tại các địa điểm đặc trưng nhất cho từng nền văn hóa.
        – Du lịch sinh thái: kết hợp tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái khác nhau tại ĐBSCL như hệ sinh thái ngập nước nội địa, hệ sinh thái đất ngập mặn, hệ sinh thái biển đảo tại ĐBSCL. Du lịch tham quan nghiên cứu các sân chim.
        – Du lịch nông nghiệp: kết hợp hoạt động tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác nhau trong vùng: lúa nước ở Cần Thơ, lúa ma ở Đồng Tháp, ruộng khô ở Tịnh Biên và trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.
    Liên kết tạo sản phẩm du lịch đa dạng – sản phẩm du lịch tổng hợp
        Đây là dạng liên kết nhằm tạo các ra sản phẩm có nhiều hoạt động đa dạng, để du khách có thể tham quan, tìm hiểu nhiều lĩnh vực, nhiều điểm du lịch, tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong một chương trình du lịch. Hiện nay, hầu hết các tour du lịch được tổ chức trên 2 ngày đều thuộc sản phẩm du lịch tổng hợp. Tuy nhiên, sự kết hợp chưa đa dạng, các sản phẩm du lịch vẫn có nhiều sự tương đồng nên sức hấp dẫn chưa cao. Chưa thu hút được sự tham gia nhiều lần của khách du lịch. Cần nghiên cứu hình thành một số sản phẩm du lịch theo dạng liên kết tổng hợp phù hợp với vùng ĐBSCL như: Liên kết giữa tìm hiểu văn hóa và phương pháp canh tác với tham quan di tích lịch sử. Liên kết các hoạt động tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển vùng. Liên kết các sản phẩm du lịch “đồng bằng” với “hải đảo”. Liên kết hoạt động tham quan rừng tràm ngập nước nội địa với đặc thù đời sống người dân “mùa nước nổi”. Liên kết các sản phẩm gắn với “rừng” và “ruộng”.
        Với hệ thống các sản phẩm nguồn đặc thù được phát triển hoàn thiện, nhiều phương thức liên kết cần được nghiên cứu thêm để tạo ra những sản phẩm du lịch liên kết tổng hợp góp phần hình thành những chương trình du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Đối với những sản phẩm du lịch tổng hợp này cũng cần chú trọng đến khả năng tiêu dùng sản phẩm, khả năng hưởng thụ của khách du lịch, tránh tình trạng đưa quá nhiều hoạt động và mục đích trong một thời gian tham quan ngắn. Việc đó một mặt làm giảm khả năng trải nghiệm của du khách đối với từng hoạt động mặt khác không tạo được các điểm nhấn trong từng chi tiết sản phẩm.
        Liên kết theo không gian: không gian tương đồng; liên kết liên vùng; liên kết trong Tiểu Vùng Mekong
        Theo định hướng tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp phát triển du lịch Đề án xác định có 4 cụm chính với là các cụm: cụm trung tâm, cụm Cà Mau, cụm Đồng Tháp và cụm duyên hải. Trong phạm vi từng cụm với các không gian, điều kiện tiếp cận tương đồng có thể tập trung khai thác các sản phẩm du lịch liên kết hấp dẫn bám theo các tuyến, trục du lịch của từng cụm, như: Liên kết VQG Tràm Chim, Khu BTTN Láng Sen và Xẻo Qu‎ít tại hai tỉnh Đồng Tháp, Long An. Liên kết các cồn trên sông Tiền (Long Lân Quy Phụng) tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Liên kết các chợ nổi và khu du lịch dọc kênh Xáng và sông Cần Thơ tại Cần Thơ và Hậu Giang. Liên kết Hà Tiên và Rạch Giá trong phạm vi trọng điểm du lịch biển đảo Tây Nam Bộ. Liên kết Châu Đốc – Tịnh Biên – Hà Tiên dọc kênh Vĩnh Tế. Liên kết Cần Thơ – Long Xuyên – Châu Đốc trên sông Hậu.
        Liên kết theo không gian để phát triển sản phẩm là sự liên kết rất phù hợp, có sự đơn giản hóa do sự tương đồng về tài nguyên và văn hóa, có các điều kiện phát triển tương đồng. Các liên kết trong cụm thường tạo ra các sản phẩm chuyên đề. Ngoài liên kết theo cụm, trong phạm vi cả vùng, cách liên kết sản phẩm có thể thực hiện dọc các tuyến du lịch quốc gia, vùng theo các tuyến quốc lộ và các tuyến sông lớn của vùng. Với tính chất khá khác biệt của từng cụm trong vùng ĐBSCL, việc thực hiện liên kết vùng lại tạo ra sự bổ sung phù hợp, tạo sức hấp dẫn. Liên kết liên vùng có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chuyên đề và tổng hợp khác nhau.
        Bên cạnh đó, liên kết với với TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ cũng là liên kết quan trọng. Hiện nay hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đã có những liên kết hợp tác phát triển du lịch với Tp. Hồ Chí Minh, đầu mối phân phối khách lớn tới vùng. Tp. Hồ Chí Minh là thị trường nguồn nội địa lớn đến ĐBSCL và cũng là cửa ngõ lớn đón khách quốc tế gửi tới vùng. Sự liên kết với các tỉnh Tây Nam Bộ tạo ra sự kết hợp bổ sung và làm nhấn mạnh sự khác biệt và tăng tính hấp dẫn của hai vùng liền kề nhưng có sản phẩm khác nhau.
        Trong các liên kết sản phẩm quốc tế, có thể thấy hiện thực và hấp dẫn nhất hiện nay chính là chương trình du lịch dọc sông Mekong từ ĐBSCL qua Phnompenh, lên Siem Reap (qua biển Hồ) quay lại sông và vượt qua Champasak tới Luang Prabang ở Thượng Lào. Với những thị trường đặc biệt, chương trình có thể đa dạng hơn với nhiều loại hình phương tiện khác nhau kéo tới Vân Nam và vùng Hạ Tạng thuộc Trung Quốc, tìm tới thượng nguồn của dòng sông.
        Với sự thuận lợi ngày càng lớn trong giao thông đường bộ giữa các nước trong khu vực, các chương trình kết nối bằng đường bộ giữa ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan và Myanmar sẽ ngày càng có điều kiện phát triển. Các đoàn khách lẻ tự tổ chức cũng như các đoàn khách lớn di chuyển bằng caravan cùng có thể thực hiện các chuyến du lịch theo đường bộ. Khi tuyến đường sắt xuyên Á hình thành, đây sẽ là loại hình du lịch liên kết hết sức hấp dẫn. Về đường biển, hiện đã có các chuyến tàu du lịch cao cấp kết nối Phú Quốc với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hồng Kông. Đây là dạng liên kết quốc tế truyền thống. Với sự cởi mở về các quy định xuất nhập cảnh, loại hình du lịch này sẽ có triển vọng lớn trong khu vực. Về hàng không, theo quy hoạch hàng không, các sân bay Cần Thơ và Phú Quốc sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế. Đó là thuận lợi lớn cho phát triển du lịch ĐBSCL cũng như cho việc phát triển các sản phẩm liên kết với các quốc gia trong khu vực.
    Liên kết các loại hình dịch vụ tạo sự khác biệt
        Ngày nay, lý thuyết du lịch hiện đại đề cập yếu tố mới trong cấu thành của sản phẩm du lịch, đó là yếu tố trải nghiệm. Sự trải nghiệm ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận và hình ảnh của du khách về sản phẩm du lịch. Cần nghiên cứu các phương thức kết hợp các loại hình dịch vụ nhằm tạo ra sự phong phú trong trải nghiệm của du khách, mang lại ấn tượng và sự khác biệt của du lịch ĐBSCL. Hình thức kết hợp đa dạng loại hình vận chuyển như đi ô tô, đi thuyền, đi xe đạp, đi xuồng, ghe.. trong một chuyến du lịch là một trong những dạng liên kết phù hợp.
        Việc đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch đồng thời có kế hoạch xây dựng chất lượng dịch vụ đặc thù khu vực giữa các địa phương trong vùng, tạo ra mặt bằng chung và thống nhất các yếu tố đặc biệt trong dịch vụ mà có thể gọi là “dịch vụ giá trị gia tăng”.
        Liên kết với các ngành, lĩnh vực có thế mạnh để xây dựng những sản phẩm du lịch tiềm năng chuyên biệt
    Có thể thấy các ngành như nông nghiệp, thủy sản là những thế mạnh của vùng ĐBSCL. Vận dụng những cơ sở và đặc thù của các ngành này để nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp mới là một hướng khai thác hiệu quả. Các quy trình đánh bắt, nuôi trồng, các cơ sở chế biển thủy sản cũng là đối tượng tham quan lý thú của nhiều nhóm du khách.
        Trên cơ sở các định hướng chiến lược chung này, cần có sự thống nhất triển khai chung trong vùng và tại từng địa phương, lên kế hoạch chi tiết phát triển sản phẩm – thị trường cho từng sản phẩm cụ thể theo định hướng chung. Kế hoạch chi tiết cần cụ thể hóa từng phân đoạn thị trường cho từng sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên đề và liên kết để một mặt xây dựng sản phẩm sát với nhu cầu thị trường, đúng đối tượng khách sử dụng, mặt khác nhằm thực hiện các biện pháp xúc tiến, quảng bá thị trường đúng tới từng đối tượng. Kế hoạch này cũng chỉ rõ các sản phẩm cụ thể cần phát triển của từng địa phương để thống nhất và hướng dẫn chung cho từng địa phương cũng như cùng các địa phương khác liên kết thực hiện.
        2.2. Lộ trình phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL
        Ngoài ra, như đã đề cập cần thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm theo giai đoạn. Trước tiên với quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phải tập trung làm nổi rõ những mũi nhọn sản phẩm, là những sản phẩm đặc thù của vùng để định hình được sản phẩm du lịch ĐBSCL đối với thị trường khách. Giai đoạn này cần rà soát các sản phẩm hiện tại, có chính sách đầu tư cho các địa bàn được xác định cho phát triển sản phẩm đặc thù và có kết hoạch tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm này. Giai đoạn sau có nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch theo mảng không gian, theo chuỗi sản phẩm v.v. trên cơ sở các liên kết được đề cập.
        Định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm
         Giai đoạn trước mắt, 2014 – 2017: phát triển theo trọng tâm, tập trung phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng nền móng cho các hình thức và loại sản phẩm liên kết. Các địa phương cần rà soát thực tế phát triển sản phẩm du lịch so với các định hướng, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể và kế hoạch chung toàn vùng, các địa phương là trọng điểm của việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù toàn vùng và đặc trưng các cụm cần đẩy mạnh triển khai trước; các địa phương có thể khai thác các sản phẩm chuyên đề tập trung theo hướng này. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn các địa phương trong vùng cam kết trong kế hoạch phát triển chung và các cam kết liên kết giữa các tỉnh có các hướng phát triển sản phẩm liên kết trong tổng hòa kế hoạch chung này.
         Giai đoạn 2017 – 2020: phát triển theo mảng; phát huy từng nhóm liên kết để tạo sản phẩm du lịch theo diện rộng. Sau quá trình phát triển theo mũi nhọn của các sản phẩm đặc thù và các sản phẩm chuyên đề, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm liên kết để có sự đa dạng hóa mạnh mẽ về sản phẩm du lịch. Tăng cường nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc thù và sản phẩm chuyên đề, kéo theo sự phát triển của từng cụm.
         Giai đoạn 2020 – 2025: các sản phẩm du lịch đặc thù của cả vùng được hình thành rõ và được thì trường quan tâm và đón nhận. Mỗi cụm hình thành rõ nét hơn về sản phẩm đặc trưng các cụm và sự đa dạng trong các sản phẩm liên kết giữa các cụm và các địa phương. Hình hành dần thương hiệu của các sản phẩm du lịch liên kết, hình thành sự đa dạng trong các lựa chọn cho khách du lịch và sự trải nghiệm sâu sắc hơn về các giá trị tài nguyên du lịch.
         Giai đoạn 2025 – 2030: các địa phương đã có được năng lực rõ rệt về việc định hướng, quản lý và phát triển sản phẩm du lịch cũng như sự nhịp nhàng trong liên kết trong và ngoài cụm, trong và ngoài vùng, cũng như quốc tế; các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng từng cụm, các sản phẩm liên kết được hình thành rõ nét. Hệ thống sản phẩm du lịch được hình thành rõ rệt và cần được rà soát để củng cố về chất lượng cũng như mở rộng các sản phẩm chuyên đề tiềm năng và các hướng khai thác các giá trị mới.
        Kết luận. ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng và có các tài nguyên độc đáo cho phát triển du lịch tuy nhiên còn có nhiều khó khăn, hạn chế sự phát triển của vùng. Để đưa ĐBSCL nhanh chóng phát triển tương xứng với tiềm năng thì cần sự quan tâm của Chính phủ, ban ngành và đặc biệt của các địa phương trong việc quyết tâm phát triển du lịch như một hướng đi vững vàng, kéo theo sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Một số giải pháp quan trọng cần được triển khai thực hiện như: đầu tư quyết liệt hơn cho phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường; có chính sách hấp dẫn về thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt để thực hiện các định hướng phát triển sản phẩm và thu hút thị trường thì các tỉnh trong vùng cần có sự cam kết mạnh mẽ và soạn thảo kế hoạch chung, có sự thống nhất chặt chẽ để thực hiện từng bước phát triển theo các định hướng phát triển trọng tâm và có lộ trình nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và gây dựng thương hiệu chung cho cả vùng.

     

    TS. Đỗ Cẩm Thơ – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục