Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Vai trò của cửa khẩu và giao thông đối với phát triển du lịch lưu vực sông Hồng

    1. Tổng quan về du lịch các tỉnh lưu vực sông Hồng của Việt Nam
       Sông Hồng có tổng chiều dài xấp xỉ 1.150 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam có chiều dài khoảng 510 km.
    Dòng chính (chủ lưu) của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Chi lưu phía Đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân (Vân Nam, Trung Quốc). Chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái, Di, Cáp Nê (Việt Nam gọi là người Hà Nhì). Đến biên giới Việt – Trung, sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 km. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung (huyện Bát Sát), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định).
    Đồng bằng châu thổ sông Hồng trong đó có khu Dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở hạ lưu con sông này.
       Các phụ lưu chính của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam có thể kể đến là sông Đà, sông Lô (với phụ lưu là sông Chảy và sông Gâm), ngòi Phát, ngòi Bo, ngòi Nhù, ngòi Hút, ngòi Thia, ngòi Lao, sông Bứa. Sông Hồng có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại thuộc Hải Dương và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Cao (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Hai sông này nối sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình. Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang hay Ninh Cơ), nối sông Hồng và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và sông Nam Định. Ở Trung Quốc, các sông như sông Lý Tiên (tức sông Đà), sông Đăng Điều (tức sông Nậm Na), sông Bàn Long (tức sông Lô) và sông Phổ Mai (tức sông Nho Quế) cùng một số sông nhỏ khác như sông Mễ Phúc, sông Nam Khê chảy qua biên giới hai nước vào Việt Nam.
       Vì vậy, có thể nói lưu vực sông Hồng (kể cả sông Thái Bình rộng khoảng 87.840 km2) được xác định bao gồm tất cả các tỉnh Bắc Bộ của Việt Nam. Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lưu vực sông Hồng gồm các tỉnh thuộc 2 vùng du lịch là vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
    Đứng về góc độ du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc có tài nguyên du lịch nổi bật là tài nguyên du lịch nhân văn gắn với văn minh sông Hồng và du lịch tự nhiên gắn với biển, châu thổ sông Hồng (mà đặc trưng là hệ sinh thái thuộc khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng). Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với thế mạnh tài nguyên du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây và Đông Bắc Việt Nam; với văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Đông và Tây Bắc, hệ sinh thái Trung du thuộc các tỉnh giáp ranh vùng Đồng bằng sông Hồng và tài nguyên du lịch biên giới gắn với gần 1.400 km biên giới đường bộ Việt Nam và Trung Quốc.
       Thời gian qua, du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc phát triển mạnh với vai trò là động lực của ngành du lịch Việt Nam. Du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với diện tích rộng lớn và tài nguyên sinh thái đặc trưng cũng đã được phát triển khởi sắc mang lại những hiệu quả nhất định.
       Trong hai vùng trên đã hình thành các Trung tâm du lịch lớn, có vai trò quan trọng đối với du lịch Việt Nam như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng (thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc); Lào Cai (thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ). Trong đó Hà Nội là thủ đô của cả nước và đóng vai trò là Trung tâm du lịch quốc gia, cũng là hạt nhân du lịch của các tỉnh lưu vực sông Hồng. Các Trung tâm du lịch khác đều nằm trên hành lang du lịch xuyên Á, dọc theo lưu vực sông Hồng.
       Có thể tham khảo một số chỉ tiêu phát triển du lịch sau đây:

    4.flex 2015 tl lvsh
       Với tiềm năng và thế mạnh đặc trưng phát triển du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng trên địa bàn các vùng trên 21 khu du lịch quốc gia, 12 điểm du lịch quốc gia, 03 đô thị du lịch quốc gia và nhiều khu, điểm du lịch quan trọng khác.
       Trong lãnh thổ các vùng sẽ phát triển các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế: Đường không (Hà Nội – Côn Minh), đường bộ theo các trục quốc lộ (AH1, AH14…) thông qua hệ thống cửa khẩu biên giới; đường sắt thuộc hành lang Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh, Hà Nội – Lạng Sơn – Quảng Tây và đường sông theo sông Hồng. Các tuyến du lịch này đều gắn liền với Chương trình “Hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc trên cơ sở khai thác hệ thống cửa khẩu biên giới và giao thông giữa hai quốc gia.
    2. Vai trò của cửa khẩu và giao thông đối với phát triển du lịch
       Về giao thông: Các địa phương thuộc lưu vực sông Hồng có hệ thống giao thông đường không, đường bộ, đường sắt và đường sông trong đó có mạng đường bộ và đường sắt khá phát triển. Các trục giao thông quan trọng gồm đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (thuộc AH14), đường bộ Hà Nội- Lạng Sơn (thuộc AH1); Đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh; Hà Nội – Hải Phòng Quảng Ninh; Hà Nội Lạng Sơn và các quốc lộ quan trọng như 2, 3, 4, 5, 6, 10, 12, 18, 34, 279…Các sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam), Cát Bi (Hải Phòng, Việt Nam), Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc).
       Hệ thống giao thông vận tải giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội trong đó có du lịch:
       – Đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân (trong đó có khách du lịch). Tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch. Đây là tiền đề tổ chức các tuyến du lịch, các chương trình du lịch cho các vùng của Việt Nam và hai nước.
       – Nhân tố quan trọng định hướng phát triển kinh tế và không gian du lịch.
       – Thúc đẩy hoạt động kinh tế – văn hóa trong đó có du lịch ở các vùng núi xa xôi như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
       – Củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
       – Giúp cho quá trình sản xuất xã hội (trong đó có phát triển du lịch) diễn ra liên tục, bình thường.
       – Tăng cường mối giao lưu kinh tế – xã hội trong đó có du lịch giữa các vùng, của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
       Về cửa khẩu biên giới: Cửa khẩu bao gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ được hiểu như là cửa ngõ của một quốc gia mà nơi đó diễn ra các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia đối với người, phương tiện, hàng hoá và các tài sản khác. Phát triển linh tế, thương mại và giao lưu văn hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới gắn liền với phát triển hệ thống giao thông đường bộ, ga hàng không, đường thuỷ, đường sắt liên thông giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
       Bên cạnh cửa khẩu là các khu kinh tế cửa khẩu.
       Về đại thể, cửa khẩu và khu kinh tế của khẩu được hình thành và phát triển gắn liền với: 1)Yếu tố tự nhiên; 2) Yếu tố lịch sử; 3)Trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các bên; 4) Chính sách đối ngoại và quan hệ kinh tế – chính trị giữa hai quốc gia.
       Các cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh trong đó có du lịch.
       – Là nơi để khách du lịch qua lại.
       – Cần thiết cho công tác quản lý các hoạt động của khách du lịch.
       Cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu có thể có những đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong đó có du lịch. Nó tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước nói chung và các tỉnh biên giới nói riêng. Đường biên giới hòa bình thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại, du lịch giữa các tỉnh biên giới nói riêng cùng như các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng nói chung.
       Trên dọc 1.400 km tuyến biên giới đường bộ Việt Nam và Trung Quốc có hơn 20 cửa khẩu lớn nhỏ khác nhau gắn liền với hệ thống giao thông đường bộ. Trong hệ thống đó nếu tính từ Tây sang Đông các cửa khẩu: Ma Lù Thàng (Lai Châu); Lào Cai (Lào Cai); Thanh Thủy (Hà Giang): Tà Lùng (Cao Bằng); Hữu Nghị (Lạng Sơn); Móng Cái (Quảng Ninh) gắn liền với các khu kinh tế cửa khẩu như: Ma Lù Thàng, Lào Cai, Thanh Thủy, Tà Lùng, Móng Cái có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch. Các cửa khẩu khác đều có ý nghĩa đối với mậu dịch đường biên giữa hai bên.
       Trong những năm gần đây và đặc biệt từ khi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Hà Khẩu thì lượng khách du lịch qua lại hệ thống các cửa khẩu biên giới đường bộ với Trung Quốc liên tục tăng và đạt tỷ trọng đáng kể trong tổng lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh biên giới (Chỉ tính riêng khách Trung Quốc du lịch bằng giấy thông hành qua các cửa khẩu biên giới chiếm khoảng 5% tổng lượng khách quốc tế đến các địa phương). Điều đó cho thấy, vị trí vai trò quan trọng của các cửa khẩu biên giới đối với phát triển du lịch.
       Sau phân giới cắm mốc và triển khai quản lý biên giới theo 03 văn kiện pháp lý, đường biên giới giữa hai nước Việt – Trung trở thành biên giới hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác, tăng cường giao lưu hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ và các ngành hữu quan hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm thúc đẩy, mở rộng lĩnh vực hợp tác, trong đó đi tiên phong là các tỉnh biên giới hai nước. Trong khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, cơ quan hữu quan của hai nước đã tổ chức nhiều hội nghị về hợp tác kinh tế giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai với Vân Nam, Trung Quốc. Thông qua các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh biên giới, tăng cường niềm tin, tình hữu nghị, tạo cơ sở tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và du lịch giữa các địa phương hai bên biên giới, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực biên giới Việt – Trung.
       Việc kết thúc phân giới cắm mốc và ký kết 03 văn kiện quản lý biên giới trong đó có Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu đã tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền đi vào hoạt động hiệu quả, một số cửa khẩu được nâng cấp và mở mới, cơ sở hạ tầng ở khu vực cửa khẩu biên giới Việt – Trung được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi hàng hóa và người ở khu vực biên giới nói riêng và lưu vực sông Hồng nói chung.
       Những năm đầu thế kỷ 21, đặc biệt từ sau phân giới cắm mốc, các địa phương liên quan của hai nước đang tích cực xúc tiến trao đổi ý tưởng về các khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Hai bên đã xác định các khu hợp tác kinh tế qua biên giới gồm: Móng Cái – Đông Hưng, Đồng Đăng – Bằng Tường, Lào Cai – Hà Khẩu, Tà Lùng – Thủy Khẩu, Trà Lĩnh – Long Bang. Hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan của hai nước đang tích cực hợp tác nghiên cứu tính khả thi về việc xây dựng và phát triển các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, trong đó nhấn mạnh, ưu tiên phát triển trước các khu Móng Cái – Đông Hưng, Đồng Đăng – Bằng Tường, Lào Cai – Hà Khẩu. (nguồn UB Biên giới Quốc gia Việt Nam).
       Tóm lại, hệ thống giao thông và cửa khẩu biên giới lưu vực sông Hồng giữ vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch và được phát triển gắn liền với “Hợp tác phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
       3. Một số giải pháp phát huy vai trò cửa khẩu biên giới và giao thông đường bộ đẩy mạnh phát triển du lịch các tỉnh lưu vực sông Hồng
       Xác định được vai trò quan trọng của hệ thống giao thông và cửa khẩu biên giới như vậy đối với với triển du lịch các tỉnh lưu vực sông Hồng  do đó để đẩy mạnh phát triển du lịch các tỉnh lưu vực sông Hồng cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của hệ thống giao thông và cửa khẩu giữa hai nước. Một số giải pháp trước mắt như sau:
       – Tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống giao thông liên hệ giữa các tỉnh, đặc biệt đối với hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó cần xác định các trục giao thông chính thuộc hành lang xuyên Á (Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai -Côn Minh) và các quốc lộ khác theo tính chất xương cá là hết sức quan trọng để khách du lịch tiếp cận thuận tiến đến các khu, điểm du lịch của các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng.
       – Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cửa khẩu biên giới: Tăng cường trang thiết bị ở một số cửa khẩu trên biên giới đất liền hai nước. Cải tiến thủ tục xuất cảnh người, xuất nhập khẩu hàng hóa và các thủ tục khác như kiểm dịch, lệ phí…tạo điều kiên thật thông thoáng cho khách du lịch qua lại.
       – Cải tạo môi trường, không gian cảnh quan dọc các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế cũng như các khu, điểm du lịch.
       – Xây dựng các trạm dừng chân với các dịch vụ chất lượng cao dọc tuyến giao thông đường bộ.
       – Tăng cường mở rộng và đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Mở rộng hợp tác phát triển du lịch Việt Nam với các nước trong không gian GMS.
       – Xây dựng một số chương trình du lịch dựa trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế để thu hút khách du lịch qua lịa giữa hai nước. Điển hình gồm các tuyến như sau:
        + Tuyến du lịch đường bộ theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Hà Nội – Lào Cai (qua cửa khẩu Lào Cai)- Côn Minh (kết nối với tuyến đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu của Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch theo đường sắt: Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai (qua cửa khẩu Lào Cai) – Côn Minh (Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch đường bộ theo quốc lộ IA (AH1): Hà Nội – Lạng Sơn (qua cửa khẩu Hữu Nghị) – Nam Ninh (Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch theo đường sắt: Hà Nội – Lạng Sơn (qua cửa khẩu Đồng Đăng) – Nam Ninh (Trung Quốc).
        +Tuyến du lịch đường bộ theo quốc lộ 2: Hà Nội – Hà Giang (qua cửa khẩu Thanh Thủy) – Côn Minh (Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch đường bộ theo quốc lộ 3: Hà Nội – Cao Bằng (qua cửa khẩu Tà Lùng) – Nam Ninh (Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch đường bộ theo quốc lộ 32: Hà Nội – Lai Châu (qua cửa khẩu Ma Lù Thàng) – Côn Minh (Trung Quốc).
        + Tuyến du lịch theo đường không Hà Nội – Côn Minh.
        + Tuyến du lịch đường bộ vành đai biên giới theo quốc lộ 4 (A,B,C,B).

    TS.KTS.Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục