Đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2010: “Nâng cao hiệu quả hợp tác liên kết phát triển trong khu vực ASEAN đối với phát triển du lịch Việt Nam”
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 bởi Tuyên bố Băng-cốc, Thái Lan, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực. Khi mới thành lập ASEAN gồm 5 nước là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Năm 1984 ASEAN kết nạp thêm Bru-nây Da-ru-xa-lam làm thành viên thứ 6. Ngày 28/7/1995 Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Ngày 23/7/1997 kết nạp Lào và Mi-an-ma. Ngày 30/4/1999, Căm-pu-chia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á, một ASEAN của Đông Nam Á và vì Đông Nam Á.
ASEAN có diện tích hơn 4.5 triệu km2 với dân số khoảng 575 triệu người; GDP khoảng 1281 tỷ đô la Mỹ và tổng kim ngạch xuất khẩu 750 tỷ USD. Các nước ASEAN có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các khu vực khác trên thế giới, và được coi là tổ chức khu vực thành công nhất của các nước đang phát triển.
Tuy nhiên mức độ phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN không đồng đều. Myanma hiện là nước có thu nhập quốc dân tính theo đầu người thấp nhất trong ASEAN, chỉ vào khoảng hơn 200 đôla Mỹ. In-đô-nê-xi-a là nước đứng đầu về diện tích và dân số trong ASEAN, nhưng thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ vào khoảng trên 600 đôla Mỹ. Trong khi đó, Xingapore và Bruney là hai quốc gia nhỏ nhất về diện tích và về dân số nhưng lại có thu nhập theo đầu người cao nhất trong ASEAN, vào khoảng trên 30.000 đô la Mỹ/năm.
Cùng với xu hướng phát triển của Du lịch trên thế giới, Du lịch của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các thành viên trong khối ASEAN, vài năm gần đây đã phát triển mang tính chất “bùng nổ” và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhiều nước trong khối ASEAN đã và đang coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2009, ASEAN đã đón gần 63 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch nội khối chiếm 40% lượng khách du lịch quốc tế tới khu vực. Tổng thu nhập du lịch của các nước ASEAN năm 2009 đạt 57 tỷ đôla đóng góp 4% GDP của cả nước.
Riêng đối với Việt Nam, hiện lượng khách đến từ các nước ASEAN chiếm gần 17% tổng lượng khách hàng năm, chiếm 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam và con số này sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lượng khách quốc tế giảm, Việt Nam và các nước trong khu vực đều xác định mục tiêu lấy thị trường gần là trọng tâm. Ngay trong năm 2010, ngành du lịch Việt Nam cũng coi trọng tăng cường đầu tư cho thị trường gần, thị trường khu vực. Vì vậy, phát triển du lịch ASEAN có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Sự phát triển du lịch của du lịch Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN cũng đang đối đầu với một số thách thức lớn như kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tại dịch bệnh, cơ sở hạ tầng du lịch và trình độ đội ngũ nguồn nhân lực du lịch không đồng đều giữa các quốc gia thành viên… Những thách thức lớn đang đặt ra cho Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nhiều để đảm bảo thực hiện cam kết hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh có sự khác nhau về cơ cấu kinh tế và cách biệt về trình độ phát triển.
Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác du lịch với ASEAN và Hiệp định hợp tác song phương với từng nước trong khối, nhằm hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch. Thông qua hợp tác Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch từ các quốc gia, đồng thời qua đó giới thiệu quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến với người dân và du khách trong khối ASEAN. Hợp tác ASEAN đã tạo ra nhiều dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khách sạn của Việt Nam.
Hợp tác du lịch giữa các nước ASEAN đã đem lại lợi ích ít nhiều cho các bên tham gia hợp tác, lợi ích mà Việt Nam có được trong hợp tác du lịch với các nước ASEAN thực sự là không nhỏ, tuy nhiên làm thế nào để đánh giá hiệu quả hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch giữa Việt Nam – ASEAN và giữa Việt Nam với các nước trong khối thì đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong phát triển du lịch.
Chính vì vậy đề tài “Nâng cao hiệu quả hợp tác liên kết phát triển trong khu vực ASEAN đối với phát triển du lịch Việt Nam” là thực sự cần thiết, để có được đánh giá mang tính khoa học, qua đó có các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả trong hợp tác phát triển du lịch của Việt Nam với ASEAN và các nước trong khối.
2. Mục tiêu của đề tài
– Góp phần nâng cao khả năng hợp tác phát triển du lịch Việt Nam với các nước trong khối ASEAN
3. Nhiệm vụ của đề tài
– Đánh giá hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam với ASEAN và các nước trong khối ASEAN.
– Xây dựng một số tiêu chí cụ thể phục vụ đánh giá hiệu quả hợp tác.
– Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.
4. Giới hạn nghiên cứu
– Về nội dung: Phạm vi nghiên cứu chính của đề tài trong khuôn khổ hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN.
– Trong phạm vi đề tài cơ sở: Chỉ nghiên cứu hiệu quả mang lại cho du lịch Việt Nam khi hợp tác với ASEAN và các nước trong khối.
– Về Thời gian: sử dụng số liệu hiện trạng từ năm 2005 đến năm 2009
5. Phương pháp nghiên cứu
– Tổng hợp tài liệu, số liệu;
– Phương pháp tổng hợp, phân tích;
– Phương pháp chuyên gia.
QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU
Toàn văn Báo cáo tổng hợp đề tài: