Đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2014: “Tổng quan hệ thống chính sách phát triển du lịch Việt Nam”
1. Sự cần thiết
Từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, du lịch Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí của một ngành kinh tế tổng hợp trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo toàn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng.
Trong 10 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao với số lượng khách quốc tế tăng trung bình gần 9%/năm. Năm 2013, Du lịch Việt Nam đón hơn 7,57 triệu lượt khách quốc tế, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 35 triệu, tổng thu từ du lịch ước đạt 200 nghìn tỷ đồng. Thương hiệu du lịch Việt Nam đã dần dần được định vị.
Để đạt được những kết quả đó, chính sách đóng vai trò cốt yếu, định hướng và chi phối đến mọi ngành nghề. Chính sách ra đời khẳng định vị thế của du lịch trong nền kinh tế quốc dân khiến du lịch từ tự phát và chỉ mang tính chất phục vụ cho chính quyền thuở sơ khai thành một ngành kinh tế mũi nhọn (Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011), đáp ứng xu thế và yêu cầu hội nhập thế giới của đất nước.
Xuất phát từ tính chất của ngành du lịch là một ngành liên ngành, liên vùng và có tính xã hội cao, các chính sách đối với ngành du lịch vì thế cũng mang tính phức tạp và đa dạng. Các chính sách phát triển du lịch không chỉ có những chính sách nội bộ trong ngành mà còn có sự tham gia của nhiều ngành khác có liên quan vì bản thân du lịch không thể tự phát triển du lịch nếu không có sự tham gia, hỗ trợ của các ngành khác. Tuy nhiên, các chính sách phát triển du lịch Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu tính đồng bộ và chưa có hệ thống, chưa có một cái nhìn tổng thể để có thể nhận thấy được những mặt ưu và nhược điểm của các chính sách đối với phát triển du lịch hiện nay. Vì vậy, đề tài “ Tổng quan hệ thống chính sách phát triển du lịch Việt Nam” là hết sức cần thiết nhằm hệ thống hóa các chính sách phát triển du lịch Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn chỉnh các chính sách phát triển du lịch Việt Nam.
2. Mục tiêu nghiên cứu
– Hệ thống hóa các chính sách phát triển du lịch Việt Nam
3. Nội dung nghiên cứu
– Tổng quan các lý luận cơ bản về chính sách và chính sách du lịch
– Hệ thống các chính sách phát triển du lịch
– Phân tích các mặt còn hạn chế của các chính sách đối với phát triển du lịch
– Đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch Việt Nam
4. Giới hạn nghiên cứu
– Đề tài tập trung nghiên cứu các chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch còn thời hạn hiệu lực.
– Thời gian: chủ yếu đối với các chính sách được ban hành từ năm 2005 đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp thu thập tài liệu: thu thập các tài liệu về chính sách liên quan đến phát triển du lịch Việt Nam.
– Phương pháp tổng hợp, phân tích dữ liệu: tổng hợp tài liệu, phân tích số liệu và các dữ liệu liên quan đến chính sách phát triển du lịch Việt Nam và các hạn chế của các chính sách đó.
– Phương pháp chuyên gia: tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các cán bộ nghiên cứu giảng dạy có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài để có được cái nhìn khách quan nhất và hiệu quả cao nhất.
Toàn văn Báo cáo tổng hợp đề tài: