Hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2015
Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch xanh vùng Đồng Bằng sông Cửu Long năm 2015, ngày 29/06/2015 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch, cơ quan thông tấn báo chí cùng với sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, một số Bộ ngành và Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, TP. HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh, hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững với trọng tâm là phát triển “Du lịch xanh”, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với sự tham gia của các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên phát biểu tại hội thảo
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất rộng lớn, trù phú và đông dân của Việt Nam, có vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Vì vậy, phát triển du lịch ĐBSCL có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phát triển du lịch cả nước. Bên cạnh đó, ĐBSCL có nhiều lợi thế về giá trị cảnh quan sông nước miệt vườn và hệ sinh thái đất ngập nước cùng những nét độc đáo về tài nguyên văn hóa độc đáo như các lễ hội truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, và đặc biệt là đờn ca tài tử – Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận… để phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.
Phó Viện trưởng Viện NCPTDL Phạm Trung Lương giới thiệu đại biểu và chương trình hội thảo
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn phát biểu đề dẫn
Năm 2014, vùng ĐBSCL đón hơn 22,4 triệu lượt khách, với 1,83 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập du lịch đạt 6.360 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho xã hội, qua đó góp phần tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.
Đẩy mạnh phát triển “Du lịch xanh” không chỉ là phương thức tiếp cận về mặt lý luận cho phát triển bền vững ở vùng ĐBSCL mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của vùng đã được xác định trong Đề án “Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020” được Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2010 và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015. Các nội dung chính của Đề án đã được phổ biến tại Hội thảo tạo ra kim chỉ nam cho việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới của các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt nhấn mạnh tới các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù là “Tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sông nước” và “Du lịch sinh thái” phù hợp với yêu cầu phát triển Du lịch xanh. Đề án cũng làm rõ yêu cầu hình thành và đi vào hoạt động của Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL cùng một số cơ chế hoạt động và kế hoạch hành động thời gian tới.
TS. Đỗ Cẩm Thơ phổ biến Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long”
Bên cạnh đó, tại Hội thảo các đại biểu cũng đã thảo luận và làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn như: Du lịch xanh; Phát triển du lịch xanh với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Phát triển công nghiệp xanh trong nông nghiệp ở vùng ĐBSCL gắn với nhu cầu hàng hóa, sản vật và quà lưu niệm phục vụ du lịch; Thiết kế công trình dịch vụ du lịch xanh vùng ĐBSCL; Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL; Liên kết các tuyến, điểm phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL…
Kết luận tại hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã tuyên bố thông điệp chung và các giải pháp về phát triển “Du lịch xanh” vùng ĐBSCL để các địa phương trong vùng nghiên cứu triển khai tại địa phương trong mối liên kết chung phát triển Vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.