Phát huy lợi thế so sánh để phát triển du lịch Hà Giang
1. Lợi thế so sánh với phát triển du lịch
Trong phát triển du lịch, khả năng thu hút khách du lịch của một điểm đến luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, bởi cùng với lượng khách gia tăng là sự tăng trưởng về thu nhập từ du lịch, là cơ hội việc làm cho doanh nghiệp và cộng đồng được tăng lên, là sự lan tỏa của du lịch kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển, v.v.
Khả năng thu hút khách của một điểm đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến; mức độ giá trị của tài nguyên du lịch; mức độ hấp dẫn và đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch; mức độ đảm bảo về môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội); v.v. của điểm đến so với những điểm đến khác.
Khi đề cập đến “mức độ” khác nhau của những yếu tố tham gia vào khả năng thu hút khách của một điểm đến tức là đang xét đến những lợi thế so sánh của điểm đến so với những điểm đến khác. Đó là những đặc tính độc đáo/duy nhất hoặc nổi trội của tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch; tính độc đáo, sáng tạo hoặc sự nổi trội về chất lượng dịch vụ du lịch; và sự thuận lợi trong tiếp cận điểm đến.
Những lợi thế về tài nguyên du lịch của điểm đến có thể do thiên nhiên “ban tặng” song cũng có thể do chính con người tạo ra. Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cát Bà, v.v. là những điểm đến hàng đầu ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong đó giá trị đặc biệt về cảnh quan, về địa chất, về đa dạng sinh học đã được UNESCO công nhận là những giá trị tự nhiên mang tính toàn cầu. Những giá trị này không phải là điểm đến nào cũng có được và đó chính là lợi thế so sánh của Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cát Bà, v.v. mà thiên nhiên “ban tặng” cho những điểm đến đó để phát triển du lịch. Ngoài những lợi thế so sánh mang tính tài nguyên tự nhiên của điểm đến thì vị thế của điểm đến (vị trí địa lý, mức độ thuận lợi để mở rộng liên kết du lịch với điểm đến khác) cũng được cho là yếu tố tạo nên lợi thế so sánh của điểm đến đã được tự nhiên mặc định.
Song cũng có những lợi thế so sánh của điểm đến được tạo ra bởi chính con người. Singapore điểm đến có môi trường trong lành và sạch sẽ nhất khu vực và đây là một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn khách du lịch đến với Singapore; Hội An là điểm đến thu hút khách vào loại hàng đầu ở Việt Nam có được sự giao tiếp rất thân thiện giữa cộng đồng và khách du lịch; v.v. Đó là những ví dụ về lợi thế so sánh của điểm đến được tạo ra bởi chính con người khi ý thức được vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội và quyết tâm của chính quyền và cộng đồng người dân ở điểm đến đối với việc tạo ra lợi thế so sánh để thu hút khách du lịch.
Lợi thế so sánh của điểm đến cũng có thể có được khi điểm đến có sản phẩm du lịch được đặc thù. Đó là sản phẩm được xây dựng dựa trên những đặc tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.
Như vậy có thể thấy lợi thế so sánh là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút khách du lịch nói riêng và đối với phát triển du lịch nói chung. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập khi cạnh tranh thu hút khách giữa các điểm đến du lịch trở nên gay gắt. Phát triển du lịch Hà Giang với tư cách là một điểm đến ở vùng núi phía Bắc cũng không phải là ngoại lệ.
2. Định vị những lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang
Là một địa phương ở vùng núi phía Bắc, Hà Giang có sự tương đồng chung về các đặc điểm tự nhiên và văn hóa dân tộc so với các tỉnh trong vùng như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, v.v. Đây là yếu tố tạo nên tính trùng lặp về sản phẩm du lịch ở các vùng du lịch, tiêu biểu như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, v.v. nếu như các địa phương trong vùng không xác định được những lợi thế so sánh của mình để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù thì tình trạng trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương trong vùng sẽ là điều tất yếu và kết quả sẽ dẫn đến sự hạn chế về tính hấp dẫn du lịch của cả vùng nói chung, đặc biệt đối với những địa phương có điều kiện tiếp cận không thuận lợi từ trung tâm phân phối khách. Phát triển du lịch Hà Giang cũng không phải là ngoại lệ.
Khi được gợi ý lựa chọn Hà Giang là điểm đến, khách du lịch luôn thường có ý niệm về một tỉnh miền núi với khí hậu trong lành, cảnh quan hùng vĩ của vùng núi cao và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của khoảng 20 dân tộc, đặc biệt là các dân tộc H’Mông, Tày, Giao, Nùng, Lô Lô, Pu Péo, Giáy, v.v. Nhận thức này cũng đồng nghĩa với việc khách du lịch sẽ có xu hướng lựa chọn những điểm đến du lịch khác ở vùng núi phía Bắc có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cần làm rõ những lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang trên nền những đặc điểm chung về tự nhiên và văn hóa của vùng núi phía Bắc để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch đến với Hà Giang.
Vậy những lợi thế so sánh của Hà Giang là gì?
– Khí hậu: Hà Giang nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm song do địa hình cao nên mang nhiều sắc thái của khí hậu ô đới. Do đặc điểm địa hình và vị trí địa lý Hà Giang là điểm đến ít có những hình thái cực đoan về khí hậu song đây lại là địa phương được xem là “khô hạn” nhất ở vùng núi phía Bắc như Ninh Thuận trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong khi tính “ôn hòa” của khí hậu Hà Giang so với các địa phương trong vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, và các địa phương vùng núi Đông Bắc, đặc biệt là Lạng Sơn, Cao Bằng sẽ là yếu tố thuận lợi để tổ chức hoạt động du lịch thì tính chất “khô hạn” khá cực đoan của khí hậu trên nền địa hình núi đá, mặc dù gây rất nhiều khó khăn cho phát triển nông nghiệp cũng như cuộc sống người dân lại được xem là điều kiện thuận lợi để tổ chức loại hình du lịch thể thao – mạo hiểm cho những du khách ưu thích khám phá, trải nghiệm sự khắc nghiệt của thiên nhiên để khẳng định bản thân cũng như trải nghiệm các giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học của hệ sinh thái khô hạn trên vùng núi cao này. Chính vì vậy đây được xem là “lợi thế so sánh” của du lịch Hà Giang cần được nghiên cứu đầy đủ để tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch.
– Cao nguyên đá Đồng Văn: nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào năm 2010. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa như các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao.
Với những giá trị địa chất, sinh thái và văn hóa bản địa mang tính toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn thực sự là lợi thế đặc biệt của du lịch Hà Giang không chỉ so với các địa phương vùng núi phía Bắc mà còn với các địa phương khác trong cả nước. Lợi thế quan trọng này cần được nghiên cứu một cách đầy đủ làm căn cứ cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao không chỉ mang tính địa phương của du lịch Hà Giang mà còn mang tính vùng và quốc gia.
– Điểm cực Bắc của Tổ quốc: mỗi quốc gia đều có các điểm “cực” mà mỗi du khách, đặc biệt là khách du lịch nội địa đều mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến. Hà Giang với điểm đến cực Bắc của đất nước tại Lũng Cú, huyện Đồng Văn sẽ là một trong bốn địa phương trong cả nước là Khánh Hòa (với điểm cực Đông trên đất liền tại Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), Điện Biên (với điểm cực Tây tại cột mốc biên giới quốc gia A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) và Cà Mau (với điểm cực Nam tại Mũi Rạch Tàu, huyện Ngọc Hiển) có được lợi thế này đứng từ góc độ du lịch.
– Địa hình núi cao: địa hình núi cao của Hà Giang với nhiều đỉnh cao tiêu biểu như Tây Côn Lĩnh (2.419m), Kiều Liêu Ti (2.402m), v.v. được xem là khá đặc thù đại diện cho địa hình núi cao vùng núi phía Bắc. Địa hình núi Hà Giang khá chia cắt với độ dốc khá lớn, đặc biệt ở khu vực phía Bắc tạo nên những cảnh quan hùng vĩ vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Tiêu biểu là trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ từ đèo Mã Pì Lèng đem lại cho du khách những cảm xúc không thể có ở bất cứ nơi nào khác ở các địa phương vùng núi phía Bắc nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Chính vì vậy địa hình núi cao chia cắt được xem là lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang cần được khai thác để phát triển du lịch thể cao mạo hiểm, du lịch khám phá trải nghiệm thiên nhiên vốn đang được du khách phương Tây, đặc biệt là du khách trẻ ưa chuộng.
– Tính hoang sơ, ít bị tác động: do đặc điểm về vị trí địa lý và địa hình hiểm trở, Hà Giang là một trong số ít các địa phương trong cả nước còn ít chịu sự tác động của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Kết quả là nhiều giá trị về tự nhiên như cảnh quan, hệ sinh thái, v.v. và văn hóa dân tộc như các lễ hội (tiêu biểu là lễ hội “Vỗ mông”), sinh hoạt truyền thống (tiêu biểu là chợ tình Khâu Vai), kiến trúc công trình (tiêu biểu là nhà cổ Vua Mèo, nhà đất, tường đá), v.v.còn được bảo tồn khá nguyên vẹn gần với những giá trị gốc của mình. Và đây chính là lợi thế so sánh của Hà Giang bởi một trong những mục đích du lịch là được khám phá, trải nghiệm những giá trị nguyên bản về tự nhiên và văn hóa của điểm đến.
Hà Giang là địa phương đi sau so với nhiều địa phương trong phát triển du lịch, vì vậy đây chính là lợi thế quan trọng, là yếu tố thuận lợi để thu hút khách, tạo lợi thế cạnh tranh đối với những sản phẩm du lịch cùng loại. Tuy nhiên việc phát huy được lợi thế này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hà Giang trong việc bảo tồn những giá trị nguyên bản đó.
– Lễ hội chọi dê: loài dê được người dân địa phương coi là biểu tượng của sự dũng mãnh, chinh phục đỉnh cao, bản năng sinh tồn ở vùng núi. Chính vì vậy lễ hội chọi dê từ lâu đã được hình thành ở Hà Giang, đặc biệt ở các những khu vực có truyền thống nuôi dê như ở Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng, Ma Lé. Đây là lễ hội diễn ra vào mùa xuân và được xem là “đặc sản” của Hà Giang
3. Những giải pháp để phát huy lợi thế so sánh cho phát triển du lịch Hà Giang
Việc xác định được những lợi thế so sánh cho phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng đã là khó khăn, tuy nhiên sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi đi tìm lời giải cho câu hỏi “Làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh cho phát Các giải pháp có thể giống nhau về nguyên lý, tuy nhiên sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm của lãnh thổ cũng như hoàn cảnh cụ thể về năng lực của đối tượng phát triển. Chính vì vậy cần phải có nghiên cứu thấu đáo, có căn cứ khoa học cho việc đề xuất hệ thống giải pháp này để đảm bảo tính khả thi trong thực tế phát triển du lịch Hà Giang.
Tuy nhiên, dựa vào thực trạng phát triển du lịch Hà Giang trong mối quan hệ với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như trong mối quan hệ với phát triển du lịch của vùng du lịch Trung du và miền núi phía Bắc, bước đầu có thể đưa ra một số giải pháp mang tính gợi ý để có thể phát huy có hiệu quả những lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang bao gồm:
– Nâng cao nhận thức của các bên tham gia vào phát triển du lịch Hà Giang, đặc biệt là các nhà quản lý, doanh nghiệp về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát huy các lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang để nâng cao sức hấp dẫn và ính cạnh tranh của điểm đến, qua đó có thể tạo được những bứt phá cho du lịch Hà Giang trong giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở những gợi ý mang tính “định vị” về những lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang, cần triển khai tổ chức nghiên cứu để làm rõ hơn nội hàm cụ thể của những lợi thế này; tính nhạy cảm dễ bị biến đổi của những lợi thế này trước tác động của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có cả hoạt động du lịch. Đây là căn cứ khoa học để xác định mức độ ưu tiên đối với việc khai thác các lợi thế so sánh cũng như những vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là quản lý điểm đến theo “sức chứa”, hạn chế những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, văn hóa bản địa và đời sống của người dân do sự tập trung quá đông khách du lịch cũng như sự tăng giá dịch vụ sinh hoạt, đặc biệt trong các mùa du lịch và các sự kiện mà nhiều điểm du lịch trong vùng hiện đang phải đối mặt trong đó Sa Pa được xem là ví dụ điển hình.
– Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cần tổ chức xây dựng đề án phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Hà Giang trong đó chú trọng nghiên cứu đề xuất những sản phẩm du lịch đặc thù được phát triển dựa trên việc phát huy những lợi thế so sánh bước đầu đã được định vị. Đây được xem là phương thức tốt nhất để có thể phát huy được lợi thế so sánh cho phát triển du lịch Hà Giang.
– Trên cơ sở kết quả của Đề án phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù trong đó chú trọng đối với các sản phẩm liên quan trực tiếp khu du lịch quốc gia “Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được xác định trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cần nghiên cứu đề xuất một số chính sách khuyến khích đầu tư sẽ được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Giang. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ xã hội cho phát triển các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao dựa trên những lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang.
– Tăng cường hỗ trợ của nhà nước đối với phát triển hạ tầng du lịch Hà Giang, đặc biệt đối với việc trình Chính phủ xem xét phương án xây dựng sân bay Hà Giang với mục tiêu đến năm 2025 có thể đưa vào vận hành giai đoạn 1. Đây sẽ yếu tố đột phá góp phần quan trọng để khai thác/phát huy các lợi thế so sánh để phát triển du lịch Hà Giang ở một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình./.