Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ

    Du lịch biển đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn vừa qua có bước tăng trưởng nhanh, khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội của vùng. Tuy vậy, việc khai thác tài nguyên biển phục vụ du lịch vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế dẫn tới hiệu quả du lịch chưa cao, ẩn chứa nhiều nguy cơ sớm suy thoái tài nguyên. Qua phân tích  những chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2005-2010, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để nhận định những vấn đề đặt ra cần giải quyết. 8 giải pháp rút ra từ những bài học thực tiễn nhằm chỉ ra hướng phát triển bền vững  cho du lịch biển đảo Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.


    1. Khái quát tiềm năng du lịch biển, đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ

         Ban do duyen hai Nam Trung Bo

        Duyên hải Nam Trung bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận được xác định là vùng du lịch với đặc trưng cơ bản về du lịch biển, đảo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là vùng có tiềm năng to lớn về du lịch biển.
             Bãi biển là tiềm năng về tài nguyên du lịch biển vượt trội của vùng này. Các bãi biển nơi đây có nước biển trong, xanh, sạch và ấm quanh năm; bãi biển dài, cát trắng, mịn và đẹp như Non Nước, Cửa Đại, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Vân Phong, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né… Với khí hậu nhiệt đới, ôn hòa, nhiệt độ ấm áp quanh năm, bãi biển thoải, nền chắc và nước trong. Những bãi biển đẹp trở thành địa chỉ lý tưởng cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí biển và có thể đầu tư phát triển thành những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ.
    Hệ thống đảo gần bờ hầu như còn nguyên sơ, có giá trị đa dạng sinh học cao với hệ động, thực vật đa dạng và các loài quý hiếm. Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, các bãi biển trên đảo đặc biệt giữ được vẻ nguyên sơ vì vậy có giá trị đặc biệt đối với du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển. Các đảo ven bờ có diện tích đủ lớn và điều kiện có thể phát triển du lịch như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Tre, Hòn Tằm (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận)… Gía trị cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và sự nguyên sơ tách biệt của các đảo tạo sự hấp dẫn đặc biệt đối với du lịch. Mỗi hòn đảo đều có thể trở thành thiên đường nghỉ dưỡng đối với khách du lịch.
             Hệ thống vũng vịnh như vịnh Quy Nhơn, Xuân Đài, Nha Trang, Vân Phong là nơi hội tụ không gian biển giao thoa với đời sống văn hóa ven biển tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng của mỗi điểm du lịch. Hệ sinh thái ven bờ, trên vịnh và các đảo với sự đa dạng sinh học cao, có nhiều loài quý hiếm có giá trị tham quan, lặn biển, khám phá rạng san hô, câu cá và giải trí thể thao biển, du thuyền… đều tạo sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ.
    Ngoài tiềm năng tự nhiên, các giá trị nhân văn gắn với văn hóa miền biển, văn hóa Sa Huỳnh với bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời tạo lên phong cách, lối sống riêng của vùng này cũng tạo sức hấp dẫn diệu kỳ thu hút khách du lịch. Bề dày của nền văn hóa Chăm và văn hóa miền biển tạo đặc trưng riêng trong phong cách dịch vụ nơi đây. Phố cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn, Tháp Chàm Phan Rang, các trung tâm văn hóa của vùng tại các đô thị ven biển, các lễ hội truyền thống như lễ hội Tháp Bà Ponaga, lễ  hội Nghinh Ông, lễ hội cầu ngư, lễ hội Katê.. làng nghề truyền thống và các di sản vật thể và phi vật thể khác tạo nên quần thể tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, hấp dẫn, đặc sắc riêng có của vùng có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch.  

    2. Thực trạng phát triển du lịch biển, đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ
                Những năm qua, du lịch biển, đảo ở Quảng Ngãi và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng đã biết nắm lấy lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn và đang khai thác ngày càng có hiệu quả, thu hút luồng khách quốc tế và nội địa đến du lịch gắn với biển. Gần đây du khách đến từ xứ lạnh, đặc biệt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nga… là những thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Khách du lịch nội địa đến từ miền Bắc cũng tăng mạnh. Sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch biển luôn đi liền với các trung tâm văn hóa lớn của vùng như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn. Các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Sơn Trà, Hòn Tre, Hòn Tằm, Phú Quý… đang thu hút đầu tư du lịch trở thành những viên ngọc, những ngôi sao tỏa sáng hấp dẫn khách du lịch.

                  Tuy nhiên thành tựu phát triển du lịch biển đảo những năm qua thể thiện qua những chỉ tiêu cơ bản về lượng khách, thu nhập, cơ sở lưu trú, dịch vụ… cho thấy du lịch biển đảo duyên hải Nam Trung bộ mới khởi đầu phát triển.

    a) Về lượng khách quốc tế và nội địa:  Khách đến Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ tăng liên tục trong những năm qua. Số liệu bảng 1 và bảng 2 chỉ rõ, năm 2010 toàn vùng đón tiếp và phục vụ 2,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 11,2% năm; 8,4 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng trưởng bình quân 18,3% năm. Với tốc độ tăng trưởng về lượng khách trên 2 con số cho thấy sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ của vùng và hoạt động du lịch đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên quy mô khách so với cả nước (16,1% khách quốc tế và 11,5% khách nội địa) cho thấy du lịch biển, đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ vẫn còn khiếm tốn và trong giai đoạn đầu tăng trưởng.

     

                    

    Đặc biệt, phân tích sâu hơn một bước cho thấy, độ dài lưu trú trung bình (LTTB) tại mỗi tỉnh đối với khách quốc tế là 1,6 ngày, đối với khách nội địa là 1,8 ngày và chung cho cả vùng từ 4-4,5 ngày (khách quốc tế) và 3-3,2 ngày (khách nội địa) như vậy còn thấp. Điều này cho thấy hoạt động du lịch còn đơn sơ chưa đa dạng thu hút khách lưu lại dài ngày; hệ thống dịch vụ du lịch và dịch vụ đi kèm chưa phát triển.
    Đối với Quảng Ngãi, năm 2010 đón 23.000 lượt khách quốc tế, tăng trung bình 15,1%/năm (giai đoạn 2005-2010) và 307.000 lượt khách nội địa tăng trung bình 14,2%/năm (giai đoạn 2005-2010); ngày lưu trú trung bình 1,2 ngày (khách quốc tế) và 1,4 ngày (khách nội địa). Những chỉ số trên đều thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng cho thấy du lịch Quảng Ngãi còn tiềm tàng, chưa phát triển và đang hứa hẹn những triển vọng phát triển trở thành điểm đến mới của vùng. 

    b) Về doanh thu du lịch: năm 2010 doanh thu du lịch toàn vùng đạt trên 6,8 ngàn tỷ đồng trong đó tập trung chủ yếu ở 3 cổng thu hút khách đường không và đường bộ (Đà Nẵng-Quảng Nam, Khánh hòa, Bình Thuận). Quảng Ngãi cũng như các tỉnh khác do vị trí xen giữa các điểm đến lớn nên lượng khách đến còn ít, doanh thu chiếm tỷ trọng nhỏ. Tuy vậy, tốc độ tăng doanh thu trung bình 24,9%/năm trong cả giai đoạn 2005-2010 (cá biệt có tỉnh như Bình Thuận tỷ lệ tới 62%/năm, Quảng Nam 31,1%/năm) cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh của ngành kinh tế du lịch biển của vùng.

     

                                 

    c) Về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: thể hiện qua cơ sở lưu trú du lịch cho thấy số lượng cơ sở và buồng lưu trú tăng nhanh trong thời gian qua 10,1% và 13,8%/năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng về khách du lịch. So với quy mô cả nước, tỷ trọng số buồng ngủ cao hơn tỷ trọng cơ sở lưu trú cho thấy quy mô của mỗi cơ sở lưu trú lơn hơn mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt tỷ trọng các cơ sở cao cấp (4 và 5 sao) cao hơn hẳn mặt bằng chung. Điều này khẳng định vùng duyên hải Nam Trung bộ có cơ sở vật chất có khả năng đón và phục vụ khách du lịch cao cấp.
    Đối với Quảng Ngãi thu nhập du lịch năm 2010 đạt 200 tỷ đồng, 65 cơ sở lưu trú du lịch với 2000 buồng, trong đó chủ yếu là cơ sở thấp cấp chưa được xếp hạng (chỉ có duy nhất 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao và chưa có khách sạn 5 sao). Những con số trên cho thấy Du lịch Quảng Ngãi mới bước đầu phát triển, còn khiêm tốn so với mặt bằng chung của vùng.


     

    3. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) đối với du lịch biển đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ
    Trên cơ sở đánh giá những chỉ tiêu cơ bản về phát triển du lịch Quảng Ngãi và vùng duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn vừa qua có thể thấy những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức chủ yếu đối với phát triển du lịch biển đảo của Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ:

    a) Điểm mạnh
    + Phải khẳng định có định hướng đúng và sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương xác định phát triển du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; toàn vùng có cơ chế huy động nguồn lực hợp lý và có chính sách linh hoạt thu hút đầu tư du lịch.
    + Có thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn gắn với biển. Các tỉnh đã xác định được thế mạnh về tài nguyên du lịch biển đảo; đã biết khai thác giá trị tài nguyên gắn với biển để phục vụ du lịch.
    + Sự năng động tích cực của các tỉnh, sự chủ động của khu vực tư nhân đã nhanh chóng huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào khai thác thế mạnh của du lịch biển.
    + Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn được tăng cường; các di sản văn hóa, giá trị truyền thống được tôn trọng.
    + Kết quả phát triển du lịch mang lại thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, tạo việc làm và nâng cao đời sống xã hội. Qua đó ngành Du lịch biển đảo Nam Trung bộ đã thể hiện bước tăng trưởng nhanh và khẳng định rõ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội của vùng.
    + So với mặt bằng chung của cả nước, quy mô hoạt động du lịch không ngừng tăng trưởng, mở rộng.
    + Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao và từng bước góp phần cải thiện diện mạo và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và quốc tế.  
     
    b) Điểm yếu
    + Hạn chế lớn nhất có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, thể hiện ở thu nhập du lịch còn thấp, độ dài lưu trú ngắn, sản phẩm du lịch chưa phong phú đa dạng.
    + Tiếp đến là việc quản lý quy hoạch, khai thác tài nguyên du lịch biển (bãi biển, đảo..) chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Một số nơi do quy hoạch chậm, quản lý yếu kém cùng với nhận thức chưa đầy đủ dẫn tới phá vỡ không gian du lịch, lãng phí tài nguyên và nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung ứng du lịch và giữa các địa phương.
    + Điểm yếu bao trùm là điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém và nhận thức du lịch ở hầu hết các địa phương chưa sâu sắc. Khả năng tiếp cận điểm đến còn hạn chế, mới chỉ có cảng biển Đà Nẵng có thể đón tàu du hành và vẫn chưa có cảng, bến tàu du lịch thực thụ.
    + Trình độ chuyên nghiệp trong quản lý và kỹ năng nghề nghiệp của nhân lực du lịch hạn chế và thiếu đồng bộ dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa đạt chuẩn.
    + Nghiên cứu thị trường chưa quan tâm đúng mức; xúc tiến quảng bá chưa theo đuổi thị trường mục tiêu dẫn tới việc đáp ứng nhu cầu các thị trường thiếu trúng đích và không tối đa hóa được thu nhập du lịch.
    + Sự phối hợp giữa các ngành các cấp, các đối tượng tham gia chưa chặt chẽ; sự gắn kết du lịch biển với không gian văn hóa miền biển, các di tích, lễ hội, làng nghề… chưa nhuần nhuyễn.
    + Nguồn lực đầu tư về tài chính, công nghệ từ trong nước còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ bên ngoài.
    + Việc bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh du lịch còn nhiều bất cập dẫn tới nguy cơ sản phẩm du lịch bị suy thoái nhanh.

    c) Cơ hội
    + Đảng và nhà nước tiếp tục quan tâm và có chính sách đổi mới trong phát triển du lịch; Phát huy thành tựu tăng trưởng giai đoạn trước, Chiến lược phát triển du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ được triển khai trong đó đặt trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch biển đảo. Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến 2020 đã được xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi triển khai sẽ tạo ra chuỗi các sản phẩm du lịch gắn với biển, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển, giải trí và thể thao biển sẽ làm nổi bật hình ảnh du lịch Việt Nam. Hiệu quả hoạt động du lịch sẽ được nâng lên rõ rệt nhờ hệ thống sản phẩm du lịch biển đa dạng có chất lượng cao, có thương hiệu nổi bật được thị trường mến mộ. Du lịch biển Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu lớn có sức cạnh tranh trong khu vực.
    + Xu hướng du lịch từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam đang là thời cơ cho du lịch Việt Nam là điểm đến mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năng động và hấp dẫn. Du lịch biển Việt Nam sẽ trở lên hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến từ Đông Bắc Á và Châu Âu. Một trong những lợi thế so sánh trong cạnh tranh khu vực đó là vị thế đặc biệt của Việt Nam trong quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Đông Âu và Nga. Những thị trường mới nổi có tiềm năng và dễ tính này sẽ tìm thấy sự hài lòng ở một Việt Nam là thiên đường của sự ấm áp và kỳ thú. Mặt khác, sự thoái trào của các khu du lịch biển nổi tiếng ở Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và Caribe đang tạo cơ hội to lớn cho những khu du lịch biển mới nổi ở Việt Nam, là điểm đến mới lạ và được thiết kế theo phong cách mới gắn với bản sắc địa phương.
    + Vùng duyên hải Nam Trung bộ trong đó có Quảng Ngãi tiếp tục là địa chỉ lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao và giải trí gắn với sinh thái biển và văn hóa miền biển. Các nguồn lực đầu tư vào du lịch biển của vùng tiếp tục tăng cùng với các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể.     

    d) Thách thức
    + Thách thức lớn nhất đối với du lịch biển đảo Việt Nam là sự lồng ghép phong vị địa phương trong từng chi tiết sản phẩm du lịch với yêu cầu tính hiện đại, tiện nghi và chuyên nghiệp cao trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở những vùng biển chưa đáp ứng được.
    + Cạnh tranh ngày càng mạnh về giá và chất lượng dịch vụ (đúng lúc, đúng chỗ, nhanh, chính xác, “sạch” … ) đang thách thức đối với quản lý và ứng dụng công nghệ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Cạnh tranh trong khu vực và quốc tế ngày càng gia tăng.
    + Mực nước biển dâng và những tác động bất lợi, khó lường của biến đổi khí hậu sẽ thách thức lớn đối với các vùng du lịch biển còn kém năng lực thích ứng.
    Từ việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức nêu trên, vấn đề đặt ra đối với du lịch biển đảo Quảng Ngãi và vùng duyên hải Nam Trung bộ là việc khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế về tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch biển theo hướng bền vững và tạo sức bứt phá mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho vùng.


    4. Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển đảo Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ

    Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển du lịch biển đảo thời gian qua cũng như vận dụng tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới đồng thời cũng là những giải pháp đáng quan tâm đối với phát triển bền vững du lịch biển đảo của Quảng Ngãi và duyên hải Nam Trung bộ:

    Thứ nhất, phải thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Kiên quyết bác bỏ quan điểm ngắn hạn trong khai thác tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch. Như vậy vừa khai tác hợp lý, vừa phải quan tâm tới bảo tồn và phát huy giá trị. Với tính chất nhạy cảm của tài nguyên du lịch biển, việc khai thác càng đòi hỏi phải có nhận thức đúng, xử sự đúng mực, tôn trọng giá trị tự nhiên và giá trị truyền thống, giá trị nhân văn. Quan điểm dài hạn đòi hỏi công tác quy hoạch và nghiên cứu thị trường phải đi trước một bước để đặt mục tiêu phát triển phù hợp với đặc điểm tài nguyên, không gian và sức chứa của vùng.

    Thứ hai, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch thông qua tiếp thu kinh nghiệm về cách tiếp cận chu kỳ sống của sản phẩm đối với du lịch biển, bắt đầu bằng sản phẩm, khu du lịch cao cấp với các chính sách phân biệt. Tiếp đến là các quá trình liên tiếp làm mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để kéo dài chu kỳ sống, tạo sức hấp dẫn kéo dài kỳ nghỉ, nâng cao giá trị gia tăng và kích thích tiêu dùng du lịch. Đối với mỗi đoạn thị trường (loại khách) cần có quan điểm mới và chính sách riêng biệt về sản phẩm; có phong cách thụ hưởng dịch vụ du lịch riêng biệt, độc đáo của văn hóa địa phương nhưng đồng thời với chất lượng, tiện nghi cao cấp, hiện đại.

     – Thứ ba, vai trò quyết định trên hết là yếu tố con người tức nguồn nhân lực du lịch, từ việc hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh cho tới quy trình phục vụ du lịch và hình thành giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Giải pháp về tăng cường đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng về du lịch, nâng cao nhận thức du lịch cho mọi đối tượng là cần thiết phải thực hiện cả trước mắt và lâu dài. Đầu tư vào các cơ sở đào tạo du lịch trong vùng và tăng cường đào tạo tại chỗ là những biện pháp kèm theo. Tập trung đầu tư tăng cường năng lực cho trường du lịch tại Đà Nẵng, Nha Trang và tiếp đến tại Bình Thuận. Tiến hành đào tạo theo địa chỉ và khuyến khích, hỗ trợ công nhận kỹ năng nghề cho việc tự đào tạo tại doanh nghiệp.

    Thứ tư, bài học về huy động nguồn lực theo mô hình tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội, đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng địa phương trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm du lịch. Tăng cường huy động nguồn lực trong khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển du lịch; Tăng cường phối hợp đối tác Công-Tư bằng nhiều hình thức (BOT, BT); phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của các tài nguyên du lịch biển; hỗ trợ họ trở thành tác giả tạo nên những giá trị thụ hưởng du lịch mang đến cho khách.

    – Thứ năm, Tài nguyên du lịch biển phải gắn kết nhuần nhuyễn với phong cách dịch vụ và văn hóa, lối sống địa phương. Ở đâu có sự kết hợp tốt đó thì hoạt động du lịch trở lên hấp dẫn, phong phú và hiệu quả cao hơn. Có thể thấy rõ sự kết hợp hiệu quả như du lịch biển Cửa Đại với phố cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn; biển Đà Nẵng với Bà Nà; Hòn Tre với thành phố Nha Trang; biển Mũi Né gắn với thành phố Phan Thiết… Vì vậy trong thiết kế sản phẩm, quy hoạch các khu du lịch… phải tính đến yếu tố văn hóa bản địa để tạo tính đặc thù của sản phẩm.

    – Thứ sáu, sự mênh mông, bao la của biển cả nhưng không phải là vô tận. Với sự nhạy cảm của môi trường du lịch thì việc bảo vệ môi trường sinh thái gắn với sinh kế của cộng đồng và mối liên quan với các ngành kinh tế khác đòi hỏi việc quy hoạch, thẩm định các dự án phát triển luôn phải tính đến tác động tới hoạt động du lịch. Sự suy thoái nhanh, sự biến mất giá trị hấp dẫn của điểm du lịch, một bãi biển hay một hòn đảo… sẽ xảy ra nếu có sự xung đột mục đích sinh kế trong cùng một không gian có hoạt động du lịch. Kinh nghiệm về những dự án phát triển có xung đột với phát triển du lịch thời gian vừa qua sẽ không tái diễn.

    – Thứ bảy, các giải pháp về phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, sử dụng năng lượng sạch trong phát triển du lịch biển đảo, đặc biệt ở những đảo xa bờ thiếu nguồn nước ngọt, tự cấp nguồn năng lượng. Việc sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng vừa góp phần giảm chi phí vừa đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và thỏa mãn nhu cầu của khách. Phát triển du lịch “xanh” gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

    – Thứ tám, tăng cường năng lực và có sự chuẩn bị thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu về mực nước biển dâng, những dị thường về thời tiết và tác động của thiên tai như lũ quyét, sóng thần… Đối với việc quy hoạch, thiết kế các khu nghỉ dưỡng biển ở vùng duyên hải Nam trung bộ nhất thiết phải tính tới yếu tố mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu; trang bị điều kiện cần thiết để ứng phó và giảm nhẹ tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

               Một số gợi ý về giải pháp nêu trên mang tính định hướng trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Mỗi địa phương trong vùng, mỗi bên tham gia cần có chương trình hành động cụ thể, hưởng ứng tích cực những chính sách chung hướng tới phát triển du lịch biển đảo Nam Trung bộ bền vững hơn, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của vùng và của đất nước./.

    Bài cùng chuyên mục