Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng ở Lý Sơn nhằm cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân huyện đảo
1. Khái niệm về du lịch cộng đồng
1.1. Khái niệm
Khái niệm du lịch cộng đồng xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một quan điểm thống nhất cho khái niệm này.
Do có những quan điểm nghiên cứu, góc nhìn khác nhau về vị trí của du lịch cộng đồng mà cho đến nay còn tồn tại khá nhiều ý kiến, khái niệm về vấn đề này, những khái niệm này được sử dụng khá linh hoạt và được thay đổi tùy thuộc vào tác giả, địa điểm và các dự án cụ thể, song các vấn đề về bền vững và cộng đồng địa phương (điển hình ở khu vực nông thôn, những người nghèo, và ở vùng sâu vùng xa) là những nội dung chính được đề cập, xem xét.
Theo Nicole Hausle và Wolffang Strasdas: “Du lịch cộng đồng là một hình thái du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”.
Theo Hsien Hue Lee, Đại học cộng đồng Hsin-Hsing, Đài Loan: “Du lịch cộng đồng là nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch tại các điểm du lịch đón khách vì sự phát triển du lịch bền vững dài hạn. Đồng thời khuyến khích và tạo ra các cơ hội tham gia của người dân địa phương trong du lịch”
Tại hội thảo “Chia sẻ Bài học Kinh nghiệm Phát triển Du lịch Cộng đồng” được Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hà Nội năm 2003 đã xác định: “Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng nhằm đảm bảo văn hóa, thiên nhiên bền vững, nâng cao nhận thức và tăng quyền lực cho cộng đồng. Cộng đồng được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch, nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế”
Ngoài ra còn nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau, tuy nhiên có thể thống nhất và hiểu du lịch cộng đồng là loại hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng địa phương. Du lịch cộng đồng là một cách tiếp cận nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất cho người dân địa phương, những người sử dụng du lịch như một công cụ tạo nguồn lợi kinh tế. Du khách phải trả tiền khi họ đến tham quan khu vực và khoản tiền này được sử dụng để bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên và giúp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó.
Căn cứ vào những nội hàm được đa số thống nhất, có thể đưa ra khái niệm chung về du lịch cộng đồng như sau:
“Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về bản sắc cộng đồng địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế – xã hội từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa của cộng đồng”.
1.2. Mức độ tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch
Mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch khác nhau tùy thuộc vào vai trò của cộng đồng:
– Mức độ thụ động: theo đó cộng đồng chỉ được xem là đối tượng du lịch (tài nguyên) và hầu như không có vai trò gì đối với hoạt động phát triển du lịch. Trong trường hợp này các công ty du lịch sẽ đưa điểm quần cư cộng đồng với những yếu tố chính là con người, lối sống cộng đồng, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc quần cư,v.v.) vào chương trình du lịch và coi đó là một điểm đến để đưa khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm về con người, văn hóa, lối sống của cộng đồng. Cộng đồng không có vai trò gì (tham gia thụ động) đối với kế hoạch phát triểnp du lịch và hầu như không được hưởng lợi ích từ hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch trong trường hợp cộng đồng tham gia một cách thụ động thường được gọi là “Du lịch tham quan cộng đồng”
– Mức độ có tham gia: theo đó cộng đồng tham gia cung cấp một số dịch vụ (bán hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, v.v.) tại điểm du lịch nơi cộng đồng sinh sống và qua đó được hưởng một số lợi ích về vật chất. Trong trường hợp này, ngoài vai trò là “tài nguyên” như trên, cộng đồng đã có vai trò nhất định trong hoạt động du lịch và được hưởng một phần lợi ích trong chuỗi giá trị du lịch. Hoạt động du lịch trong trường hợp này thường được gọi là “Du lịch có sự tham gia của cộng đồng”.
– Mức độ chủ động: theo đó cộng đồng là chủ thể tổ chức và cung cấp dịch vụ và qua đó sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm tốt về cộng đồng, về những giá trị tự nhiên và văn hóa nơi cộng đồng sinh sống. Trong trường hợp này các công ty du lịch sẽ chỉ đóng vai trò là đối tác của cộng đồng. Cộng đồng vừa có vai trò là “tài nguyên” vừa đóng vai trò là người tổ chức khai thác chính các giá trị “tài nguyên” đó. Trong trường hợp này hoạt động du lịch thường được gọi là “Du lịch dựa vào cộng đồng” hay “Du lịch cộng đồng”. Du lịch cộng đồng chính là hình thức nơi đảm bảo mức độ tham gia cao nhất của cộng đồng vào hoạt động du lịch.
2. Hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng đảo Lý Sơn
2.1. Dân cư và nguồn lao động trên đảo Lý Sơn
2.1.1. Dân cư
Dân số toàn huyện năm 2010 có 21.118 người, toàn bộ dân số của huyện sống trong khu vực nông thôn.
Mật độ dân số trung bình của huyện là 2.045 người /km2. Mật độ các xã trong huyện có sự chênh lệch khá lớn: cao nhất là xã An Vĩnh 2.664người /km2; An Hải 1.662 người /km2 và An Bình 936người /km2. Dân cư của huyện phân bố tại các xã như sau:
Dân số hiện nay trên 21.118 người (tháng 12 năm 2010), có khoảng 38,2% dân số lao động sống bằng nghề biển, 35,2% sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi) và 26,6% sống bằng dịch vụ buôn bán và các ngành nghề khác.
2.2.2. Nguồn lao động
Theo số liệu thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn trong năm 2010, trong tổng số 21.118 người trong huyện đảo thì có 13.289 người trong độ tuổi lao động. Qua đó chúng ta thấy lực lượng lao động huyện Lý Sơn rất dồi dào, đa dạng, phong phú, song tình trạng thiếu việc làm còn tương đối cao, phổ biến là thiếu việc làm trong những lúc nông nhàn của mùa vụ nông nghiệp hoặc những lúc người dân không thể đi biển để đánh bắt hải sản được.
– Cơ cấu lực lượng lao động theo ngành kinh tế
Theo như thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn thì số lượng người đang có việc làm trong lĩnh vực, nông lân ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao sau đó là đến ngành dịch vụ, và sau cùng là đến công nghiệp và xây dựng. Qua đó ta thấy được ngành dịch vụ ở trên đảo Lý Sơn chiếm thứ 2 chỉ sau ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Nếu Lý Sơn mà phát triển mạnh ngành du lịch thì chắc chắn sẽ tao ra rất nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư trên đảo, từ đó mà đờ sống mưu sinh của cộng đồng dân cư trên đảo sẽ được thay đổi, nhiều người sẽ làm từ nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch, đời sống sẽ được nâng lên thông qua việc hoạt động kinh du lịch du lịch và đặc biệt là du lịch cộng đồng (do chính cộng đồng đứng lên tự làm, tự kinh doanh…)
2.2. Hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng Lý Sơn
Lý Sơn không chỉ là đảo tiền tiêu, giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên vùng Biển Đông, mà còn là địa danh của hàng chục di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh…
Với địa hình trông xa như 5 ngọn núi nhô cao giữa biển với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như Giếng Tiền, Thới Lới, Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu, Lý Sơn là huyện đảo đang và sẽ phát triển mạnh về du lịch sinh thái biển, đảo.
Gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã đặt vấn đề với huyện Lý Sơn để đưa vào khai thác thêm loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. Đó là đưa du khách vào ở trong các nhà dân, nhà cổ (hiện tại trên đảo có khoảng 30 nhà cổ có thể đưa vào hoạt động cộng đồng), đồng thời tìm hiểu văn hóa lịch sử của huyện đảo.
Đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử trên núi Giếng Tiền, Thới Lới. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật quý giá của các nhóm cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm tại Xóm Ốc, Suối Chình…
Hàng năm vào giữa tháng ba âm lịch các tộc họ trên đảo tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – đây là một lễ thức rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn, mà cũng rất đặc trưng, không có nơi nào có được…
Lý Sơn được khẳng định là bảo tàng sống động về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay huyện đang xúc tiến để đưa vào khai thác loại hình du lịch lặn biển, ngắm san hô, câu cá ven đảo…
Sau khi huyện Lý Sơn khai trương tuyến du lịch biển đảo năm 2007 theo tuyến chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, miệng núi lửa, di tích lịch sử Hải đội Trường Sa-Hoàng Sa, Âm linh tự và một số ngôi nhà cổ, hoạt động du lịch của huyện đã khởi sắc đáng kể. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cũng được hình thành cùng với các dịch vụ xe đưa đón khách tham quan…
Nhờ vậy lượng khách đến với Lý Sơn ngày càng đông. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013 nơi này đã đón trên một vạn khách du lịch trong và ngoài nước.
Về mặt kinh tế, Lý Sơn đã và đang có những phát triển đáng kể, nhất là vài năm gần đây huyện đảo đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án lớn, điển hình như hồ chứa nước trên đỉnh núi Thới Lới, công trình bờ kè chống sạt lở và đường công vụ trên đảo. Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo…
Trong những năm qua ngư nghiệp từ lâu là ngành kinh tế mũi nhọn của người dân huyện đảo. Hiện nay toàn huyện có hàng nghìn lao động trực tiếp trên biển.
Năm 2012, tổng sản lượng khai thác hải sản của người dân trên đảo đạt gần 35.000 tấn với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện. Ngư dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán tàu cá có công suất lớn để vươn khơi bám biển, vừa nâng hiệu quả trong khai thác đánh bắt hải sản vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Lý Sơn còn được biết đến như một “vương quốc hành, tỏi.” Với đặc trưng riêng về thổ nhưỡng, khí hậu nên hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng với vị thơm, ngon không nơi đâu sánh được. Tháng 3/2009, hành, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền./
– Đánh gia chung về việc phát triển du lịch cộng đồng:
Du lịch cộng đồng – một loại hình du lịch khá mới mẻ tại Lý Sơn nhưng đang được phát triển thành công tại đây
Với những giá trị văn hóa đặc sắc của Lý Sơn, những giá trị thiên nhiên độc đáo thì loại hình du lịch khám phá bằng hình thức trải nghiệm này chắc chắn sẽ thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các làng nông nghiệp trồng hành tổi, làm vỏ sò vỏ ốc, làm làm cá khô, nước mắm sẽ là những địa điểm phù hợp để mở rộng phát triển loại hình này. Hơn nữa, nó đã đem lại lợi ích cho nhiều đối tượng tham gia, gồm: người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Vì vậy phát triển hơn nữa bằng việc mở rộng các địa điểm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng là hướng đi hợp lý cho du lịch Lý Sơn nhất là trong điều kiện huyện đảo đang dần bị quá tải.
3. Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng ở Lý Sơn
– Giải pháp về cơ chế chính sách, tổ chức quản lý
Huyện cần có chính sách ưu đãi đối với việc vay vốn cho các hộ gia đình có nhu cầu tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng và muốn vay vốn để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất phục vụ và có chính sách phát triển đồng đều giữa các hộ gia đình trong huyện để tất cả người dân đều có cơ hội tham gia vào hoat động du lịch cộng đồng. Thực tế hiện nay cho thấy, loại hình du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn còn mang tính chất địa phương, manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Để hoạt động du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn thực sự phát triển thì điều nhất thiết phải làm hiện nay là hoàn thiện về ban quản lý, đẩy mạnh hoạt động ban quản lý, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên.
– Giải pháp về quy hoạch, đầu tư
Trên cơ sở những định hướng về tổ chức không gian phát triển du lịch cần phải có kế hoạch xây dựng quy hoạch chi tiết và xây dựng các dự án khả thi ở những cụm, điểm du lịch trọng điểm, làm căn cứ xem xét các dự án ưu tiên đầu tư để có kế hoạch huy động vốn thực hiện cho từng giai đoạn. Sau khi dự án quy hoạch tổng thể được Ủy ban Nhân dân Tỉnh phê duyệt, trong giai đoạn trƣớc mắt khi chưa có điều kiện lập dự án khả thi và đầu tư tại các khu điểm du lịch đã xác định thì cần có biện pháp để ngăn chặn việc xây dựng trái phép, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến quỹ đất, làm xuống cấp tài nguyên và môi trường du lịch, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm ƣu tiên đầu tư phát triển du lịch.
Việc đầu tư và quy hoạch khu điểm du lịch cũng là một trong những yếu tố làm nên sự phát triển của du lịch cộng đồng. Hầu như đối với loại hình du lịch cộng đồng thì việc xây dựng các công trình kiến trúc là vấn đề quyết định sự tồn tại của loại hình du lịch. Vì thế, nếu kịp thời bảo tồn và tôn tạo phát triển những nét kiến trúc riêng biệt mang tính truyền thống thì sẽ tạo ra sức hấp dẫn với du khách. Các cơ quan chuyên môn của huyện cần tạo điều kiện giúp đỡ địa phương xây dựng quy hoạch không gian và đưa ra mẫu kiến trúc truyền thống phù hợp.
– Giải pháp về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch
Để mô hình du lịch cộng đồng tiến hành thuận lợi trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cần thiết phải đưa hoạt động du lịch thành một trong những nội dung chính, đồng thời cần thiết phải xác định vị trí của hoạt động du lịch đối với việc giải quyết các vấn đề về kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương, trên cơ sở đó mà xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước, vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường du lịch tốt phục vụ du khách.
UBND huyện cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật – kỹ thuật du lịch cho nhân dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân và du khách, đồng thời cũng nâng cao trình độ và năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ và nhân dân. Một vấn đề cũng cần phải triển khai ngay đó là cho xây dựng đồng bộ các công trình vệ sinh côn cộng đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các điểm du lịch và các hộ gia đình trong dự án. Huyện cũng cần tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra vào quá trình phục vụ khách. Huyện cần có chính sách trongviệc vay vốn ưu đãi cho các hộ gia đình tại huyện có nhu cầu xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật cho mô hình du lịch cộng đồng. Do hạn chế về vốn nên việc đầu tư của một số hộ gia đình còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ không đáp ứng được nhu cầu của du khách làm mất cảnh quan môi trường. Ngoài việc đầu tư và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình văn hóa, huyện đảo Lý Sơn cần nâng cao chất lượng các cơ sở y tế sao cho đủ năng lực làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương và du khách. Tập trung giải quyết và đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch và hệ thống xử lý chất thải ở huyện đảo, đặc biệt quan tâm đến các khu, điểm du lịch.
Ưu tiên nâng cấp các tuyến đường, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước, các cơ sở dịch vụ bưu chính viễn thông đến các điểm du lịch đã được quy hoạch phát triển du lịch. Kết hợp với Trung ương triển khai nhanh việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Tỉnh để tạo ra không gian lưu thông và hành lang liên kết giữa thị xã và các huyện cân cận. Điều này cho phép tăng sự đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện đảo Lý Sơn và khai thác tốt các thị trường lớn trong khu vực lân cận.
– Giải pháp về quảng bá, xúc tiến
Trong hoạt động du lịch, công tác quảng bá và xúc tiến có mục tiêu là cung cấp những thông tin về tiềm năng du lịch giúp khách du lịch có những tin chính xác, kịp thời để có sự lựa chọn và thực hiện chuyến đi của mình được thuận tiện và có hiệu quả nhất, không chỉ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa dân tộc mà còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư và của khách tham quan đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Để đạt được hiệu quả cao trong quảng bá du lịch đòi hỏi cần có một chuyến lược marketing chuyên nghiệp mà trước mắt, tỉnh và huyện cần xác định rõ những nội dung cần quảng bá đến khách và những lợi thế cũng như tiềm năng của huyện để có kết hoạch marketing phù hợp nhất. Cùng với đó là phải xác định các nguồn khách du lịch tiềm năng của loại hình du lịch cộng đồng huyện đảo Lý Sơn. Việc xác định được các thị trường khách tiềm năng là cơ sở để đưa ra các chương trình du lịch cụ thể và hấp dẫn, chào bán ra thị trường.
Về giải pháp nhằm quảng bá các điều kiện về tài nguyên thiên nhiên và con người cũng như đời sống dân cư vùng đảo Lý Sơn, cần thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhiều hướng khác nhau. Trước hết là quảng bá qua các phương tiện truyền thông qua phương tiện in ấn như tập gấp, tờ rơi, các loại đĩa CD, VCD, báo in… giới thiệu các điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn. Để những hình ảnh và loại hình du lịch cộng đồng đến với du khách thì cần nâng cao công tác quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng: radio, truyền hình, báo mạng điện tử… giới thiệu về loại hình du lịch cộng đồng tại huyện. Để hoạt động du lịch tại đảo phát triển thì huyện cần phối hợp với tỉnh có các biện pháp nghiên cứu liên kết với các công ty quảng cáo, các báo cáo du lịch, tạp chí du lịch… Hiện nay, Lý Sơn đã làm các loại đĩa CD, VCD về du lịch Lý Sơn, và du lịch cộng đồng để chiếu cho khách xem mỗi khi khách ngồi trên tàu cao tốc, với thời gian 1 tiếng khách du lịch hầu nhƣ được hiểu rõ hơn về các tiềm năng vốn có của Lý Sơn.
Quảng bá du lịch qua internet đang là biện pháp hiện đại và hiệu quả nhất. Hiện tại nội dung thông tin về du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn chỉ có trên một số trang website của thành phố và huyện như: http://www.lyson.org hoặc http://quangngaitourist.com.vn còn khá nghèo nàn, không được cập nhập liên tục và liên kết website còn ít. Vì vậy, trong thời gian tới cần được cập nhập liên tục hơn, có giao diện đẹp và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó huyện cũng cần bổ sung các thông tin cần thiết, những nội dung mới để khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu được thông tin du lịch của huyện hơn. Huyện cũng cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch để có điều kiện tuyên truyền, tiếp thị những sản phẩm du lịch đặc tủng của đảo Lý Sơn
– Giải pháp về nhân lực
Con ngƣời là yếu tố quan trọng trong hoạt động du lịch. Nhìn chung du lịch đã thu hút sự quan tâm đối với cộng đống địa phương, đặc biệt là xã An Vĩnh. Du lịch đã trở thành nguồn sống của họ. Tuy nhiên, sự tham gia của họ mới chỉ là tự phát là nhiều cho nên người dân thực hiện tốt các quy định trong khu du lịch, có lòng nhiệt tình hơn trong công việc, có thể áp dụng những hình thức sau:
+ Giải pháp về giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ nhân viên, hướng dẫn viên. Tổ chức các chuyến tham quan học tập, giao lưu. Tổ chức các lớp học giáo dục cho cộng đồng địa phƣơng. Mở các lớp bồi dƣỡng, giáo dục về du lịch cộng đồng cho: người dân (phương thức làm du lịch, thái độ với khách du lịch, nghiệp vụ tiếp đón khách du lịch,…), khách du lịch (môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương…), và cho tất cả những cá nhân, tập thể làm du lịch.
+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài là nhiệm vụ có tính chiến lược. trọng tâm của công tác này là tập trung đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao cho đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch.
Phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn cần liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong Tỉnh có đào tạo chuyên ngành du lịch để thường xuyên mở các lớp đào tạo hướng dẫn viên, cộng đồng địa phương để nâng cao nghiệp vụ đón và phục vụ khách. Đối với lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp khuyến khích nhân viên trong ngành tập trung đào tạo tại các trường, các cơ sở đào tạo chính quy đảm bảo chất lượng.
+ Phát triển nhân lực với sự tham gia của cộng đồng địa phương: Cộng đồng địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển du lịch của địa phương. Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồn địa phương thì hoạt động du lịch khó có thể diễn ra được, nhất là đối với hoạt động du lịch cộng đồng thì sự tham gia của cộng đồng địa phương là yếu tố quyết đinh đến sự hình thành và tạo nên thành công cho loại hình du lịch này.
Do vậy, việc khai thác các giá trị văn hóa không chỉ hướng tới lợi ích của các doanh nghiệp lữ hành mà còn phải tính đến lợi ích của cộng đồng địa phương tại điểm du lịch. Điều đó có nghĩa là phải huy động cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Vì vậy, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch là một việc làm hết sức cần thiết.
Ban quan lý nên có chính sách thu phí các dịch vụ và các điểm tham quan du lịch tại đảo để Ban quản lý có thêm nguồn thu vào ngân sách của địa phương và dùng trong việc tôn tạo các điểm du lịch góp phần chỉ đạo công tác giữ gìn trật tự an ninh chính trị, an toàn xã hội và công tác giữ gìn cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên của địa phương. Từ đó, khuyến khích hơn nữa sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch và nhận thức được những lợi ích có thể đạt được khi họ tham gia vào loại hình du lịch cộng đồng.
Huyện Lý Sơn, ban quản lý dự án cũng cần xây dựng các chương trình du lịch có tính giáo dục về các giá trị đặc trưng của đảo về các giá trị văn hóa của địa phương để ngày càng nâng cao tri thức và lòng tôn trọng của cộng đồng địa phương đối với các di sản của họ, khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào bảo vệ các di tích ở địa phương mình cũng như nét văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc mình. Và điều quan trọng là để có thể lôi kéo được cộng đồng địa phương vào phát triển hoạt động du lịch thì vấn đề được quan tâm đó là các cấp quản lý khi xây dựng các đề án phát triển nên tham khảo ý kiến của nhân dân, cho họ quyền làm chủ, để có được sự đồng thuận của họ. Vì nhân dân hơn ai hết là người trực tiếp đón và phục vụ khách nên đối với du lịch cộng đồng thì sự tham gia đóng góp ý kiến của cộng đồng địa phương là rất cần thiết để phát triển bền vững bộ mặt cho đời sống nhân dân cũng như địa phương. Khi có sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch thì sẽ hạn chế được phần nào những tác động tiêu cực mà hoạt động du lịch mang lại cho đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương, đồng thời thúc đẩy cho hoạt động du lịch ngày càng đạt được hiệu quả cao.