Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào loại hình du lịch homestay tại Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày nay, du lịch cộng đồng đang nhận được nhiều sự đồng thuận trong chiến lược phát triển du lịch không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn có ở nhiều quốc gia khác với mục tiêu mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, đặc biệt cho cộng đồng các làng quê xa xôi ở nông thôn.
Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại nhiều lợi ích thực sự về mặt kinh tế cho người dân ở các vùng nông thôn. Nhân tố chính đóng góp cho sự thành công của loại hình du lịch này chính là cộng đồng địa phương. Họ có mối quan hệ mật thiết trong vấn đề khai thác tài nguyên du lịch để hình thành nên các hoạt động, loại hình và sản phẩm du lịch. Vì thế, việc phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển hợp lý ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Đặc biệt, khi triển khai loại hình du lịch homestay, việc kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương càng cần được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, trong giới hạn bài viết này, nhóm tác giả bước đầu mô tả và phân tích vấn đề tổ chức và khai thác loại hình du lịch homestay gắn với sự tham gia của cộng đồng địa phương tại vùng du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó nhóm tác giả đưa ra những đề xuất kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương trong mối liên hệ với các tác nhân khác nhằm triển khai loại hình du lịch homestay ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn.
1. Cơ sở lý luận về phát triển du lịch cộng đồng
Từ lâu, khái niệm “du lịch cộng đồng” (DLCĐ) đã được đề cập rộng rãi tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cụ thể:
Ở Thái Lan khái niệm Community-Based Tourism – Du lịch dựa vào cộng đồng được định nghĩa: “DLCĐ là loại hình du lịch được quản lý và có bởi chính cộng đồng địa phương, hướng đến mục tiêu bền vững về mặt môi trường, văn hóa và xã hội. Thông qua DLCĐ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức về lối sống của cộng đồng địa phương” (REST, 1997).
Khái niệm này cũng được nhắc đến trong chương trình nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội trên thế giới. Pachamama (Tổ chức hướng đến việc giới thiệu và bảo tồn văn hóa bản địa khu vực Châu Mỹ) đã đưa ra quan điểm của mình về Community-Based Tourism như sau: “DLCĐ là loại hình du lịch mà du khách từ bên ngoài đến với cộng đồng địa phương để tìm hiểu về phong tục, lối sống, niềm tin và được thưởng thức ẩm thực địa phương. Cộng đồng địa phương kiểm soát cả những tác động và những lợi ích thông qua quá trình tham gia vào hình thức du lịch này, từ đó tăng cường khả năng tự quản, tăng cường phương thức sinh kế và phát huy giá trị truyền thống của địa phương”. Còn Istituto Oikos (Tổ chức hướng đến việc hỗ trợ các nghiên cứu, huy động nguồn lực tài chính trong công tác bảo tồn về mặt sinh thái tự nhiên và nhân văn cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới, ra đời tại Ý, 1996) lại đề cập đến nội dung của DLCĐ theo hướng: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà du khách từ bên ngoài đến và có lưu trú qua đêm tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương (thường là các cộng đồng ở nông thôn hoặc các cộng đồng nghèo hoặc sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn). Thông qua đó du khách có cơ hội khám phá môi trường thiên nhiên hoang dã hoặc tìm hiểu các giá trị về văn hóa truyền thống, tôn trọng tư duy văn hóa bản địa. Cộng đồng địa phương có cơ hội thụ hưởng các lợi ích kinh tế từ việc tham gia vào các hoạt động khám phá dựa trên các giá trị về tự nhiên và văn hóa xã hội tại khu vực cộng đồng địa phương sinh sống”. Trong khi Tổ chức mạng lưới du lịch cộng đồng vì người nghèo đã nêu: “DLCĐ là một loại hình du lịch bền vững thúc đẩy các chiến lược vì người nghèo trong môi trường cộng đồng. Các sáng kiến của DLCĐ nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện giảm nghèo và mang lại thu nhập thay thế cho cộng đồng. Các sáng kiến của DLCĐ còn khuyến khích tôn trọng các truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên.”
Tại Việt Nam, hàng loạt khái niệm về DLCĐ đã được đề cập. Tác giả Trần Thị Mai (2005) đã xây dựng nội dung cho khái niệm này như sau: “DLCĐ là hoạt động tương hỗ giữa các đối tác liên quan, nhằm mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ được môi trường và mang đến cho du khách kinh nghiệm mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương có dự án.”. Cùng có quan điểm nhấn mạnh vai trò của phương thức phát triển DLCĐ trong công tác bảo tồn môi trường tự nhiên và nhân văn, tác giả Võ Quế (2006) đã nhìn nhận: “Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên.” Bên cạnh nội dung xem xét phát triển DLCĐ là phương thức góp phần đẩy mạnh tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, tác giả Bùi Thị Hải Yến (2012) còn đề cập đến việc tham gia của cộng đồng địa phương, với cách nhìn về DLCĐ: “DLCĐ có thể hiểu là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như chính phủ và nhận được phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn khai thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong phú, có chất lượng cao và hợp lý của du khách.”
Tựu chung lại, khái niệm DLCĐ chứa đựng các nội dung chủ yếu như sau:
– Du khách là tác nhân bên ngoài, là tiền đề mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể.
– Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương.
– Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách.
– Cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình.
2. Khái quát về loại hình du lịch homestay tại Việt Nam
Hơn mười năm trở lại đây, loại hình du lịch homestay đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Với lợi thế về tự nhiên và sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa, Sa Pa được xem như là một điển hình cho sự thành công của mô hình homestay tại Việt Nam. Mặc dù phát triển sau so các địa phương khác, song việc khai thác du lịch homestay tại làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh) cũng đã mang lại một số thành công nhất định, góp phần nâng cao đời sống hàng ngày cho người dân tại đây. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Thừa Thiên – Huế và Hội An. Hai địa phương đang dành được nhiều sự quan tâm của du khách bởi vẻ dân dã của nó. Chỉ trong một khoảng thời ngắn tại các homestay, du khách vừa có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của di sản văn hóa thế giới, vừa có thể hiểu thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt cũng như nét văn hóa của cư dân địa phương.
Qua đó có thể thấy, homestay là một loại hình du lịch gắn với cộng đồng theo xu hướng tích cực khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân bản xứ. Loại hình homestay không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn đang có tác động sâu sắc đến xã hội như: tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân bản địa và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân; sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng người dân. Đồng thời, loại hình du lịch này cũng có tác động đến kinh tế như: thu hút các nhà đầu tư vào du lịch và các lĩnh vực khác như: hệ thống giao thông, trường học, mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử… tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình nghèo; góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nhìn rộng hơn ở tầm kinh tế vĩ mô, loại hình du lịch homestay cũng là cách thức tạo nên tính độc đáo trong bức tranh kinh tế du lịch của địa phương. Hay nói cách khác, homestay hứa hẹn tạo nên diện mạo riêng để dần hình thành nên sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời khi xây dựng và triển khai loại hình du lịch homestay cũng là cách thức có tính khả thi và đem lại hiệu quả từ việc nhận thức homestay là một hình thái tích cực của du lịch cộng đồng.
3. Khái quát thực trạng khai thác loại hình du lịch homestay tại đồng bằng sông Cửu Long
Trên thực tế, du lịch homestay ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu được biết đến từ sau chương trình tàu Thanh niên Ðông Nam Á, cập cảng lần đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995. Tham gia homestay tại đồng bằng sông Cửu Long, du khách không chỉ hòa vào không gian sống và sinh hoạt của người dân vùng sông nước mà du khách còn được trải nghiệm với các hoạt động thường ngày của người dân nơi đây như tát ao, bắt cá, thu hoạch trái cây, đi chợ nổi, cùng chủ nhà nấu những món ăn dân dã, nghe và được thử hát đờn ca tài tử cùng với các “nghệ nhân nông dân” theo phương châm 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Bên cạnh các hoạt động mà khách du lịch tham gia cùng với gia đình các chủ nhân homestay, các công ty lữ hành cũng phối hợp với các homestay để tổ chức một số tour đậm chất miền Tây như: “Về quê tát mương bắt cá” tại Cồn Phụng (Bến Tre), “Một ngày làm nông dân” ở Cái Bè (Tiền Giang), “Tây ở nhà ta” (Vĩnh Long),…
Có thể nói, loại hình homestay ở đồng bằng sông Cửu Long đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch đến đây. Như Simon Kapitza (nữ du khách người Đức) đã từng chia sẻ: “Chỉ homestay mới giúp trải nghiệm, nắm bắt sâu hơn nhịp sống, khát vọng sống đầy sáng tạo và mãnh liệt của vùng đất này”, khi nhìn những chiếc xuồng câu bé nhỏ dập dềnh giữa mùa nước nổi mênh mông trắng xóa đầu nguồn An Giang.
Đối tượng khách du lịch của các homestay tại đồng bằng sông Cửu Long khá đa dạng, không chỉ có “Tây ba lô” như nhiều người thường nghĩ mà ngay cả giới du khách nhà giàu và có địa vị cao trong xã hội như: doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư đến từ Pháp, Bỉ, Ðức, Hà Lan, Nhật,… cũng sẵn sàng tham gia loại hình du lịch này.
Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng các hoạt động homestay ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhỏ lẻ, theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản. Tám Lộc, một chủ homestay ở cù An Bình (Vĩnh Long) thừa nhận: “Ban đầu, khách ghé thăm miệt vườn cù lao có yêu cầu các dịch vụ, dần dần gia đình mới đáp ứng chứ trước đó chúng tôi chỉ bán trái cây thôi”. Hơn nữa, cái đích cuối cùng của homestay là “3 cùng”. Nhưng có một tồn tại mang tính phổ biến, một số chương trình homestay chỉ dừng lại ở tham quan vườn, nghỉ vườn, “ăn, nghỉ xong là xong”. Đây là khiếm khuyết khá rõ ở hầu hết các điểm homestay ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó cho thấy hoạt động tại các homestay mới chỉ khai thác được tiềm năng sông nước, miệt vườn còn hoạt động lưu trú vẫn đang gặp khó khăn. Hơn nữa, phần lớn nguồn khách đến đây phụ thuộc vào các đơn vị lữ hành lớn tại thành phố Hồ Chí Minh như: Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Bến Thành…
Một hạn chế khác trong việc phát triển homestay ở đồng bằng sông Cửu Long là đều “na ná” trong khâu tổ chức. Các hoạt động du lịch phổ biến thường là tham quan cù lao, ngắm cảnh sông nước, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, ghé thăm nhà cổ, thăm các lò sản xuất kẹo dừa, mật ong, rồi đi thăm chợ nổi… Với lộ trình quen thuộc đó, du khách sẽ nhận thấy không có sự khác biệt khi đến homestay ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre hay Cần Thơ nên khó có thể làm du khách quay lại lần thứ hai và đang tạo bước lùi cho ngành du lịch khu vực này.
Xét về khía cạnh quản lý nhà nước, hiện tại vẫn chưa có bộ tiêu chí hay quy định cụ thể nào để áp dụng cho loại hình du lịch này trong việc khẳng định chất lượng các homestay tại Việt Nam. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để nâng cao chất lượng của các hoạt động và sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch homestay đang được triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với đa số các chủ homestay tại đồng bằng sông Cửu Long – “những nông dân làm du lịch” là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và khả năng ngoại ngữ để giới thiệu “cái hay, cái đẹp” của địa phương mình cho du khách. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, phát huy ý kiến, năng lực tổ chức trong các chương trình homestay tại đây còn thụ động, mang tính hình thức. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch này song đa số người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến với địa phương mình. Họ chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền tham quan kênh rạch, đánh xe ngựa đưa khách di chuyển trên các cù lao, phục vụ các bữa ăn. Còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn cho các món ăn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan thuộc quyền của các đơn vị lữ hành.
Như vậy, có thể thấy rằng tính bền vững trong việc phát triển du lịch homestay tại đồng bằng sông Cửu Long đang là một thách thức lớn không chỉ trong thời điểm hiện nay mà con cả trong thời gian tới.
4. Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng loại hình homestay
Để loại hình du lịch này phát triển tương xứng với tiềm năng và tránh được các xung đột giữa cơ quan quản lý, các đơn vị lữ hành và cộng động địa phương như trường hợp Đường Lâm (Hà Nội), cần có những biện pháp nhằm dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa các nhóm đối tượng sau: cộng đồng địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành và các cấp quản lý.
Cộng đồng địa phương là “nhân tố cốt lõi” xâu chuỗi và chuyển tải các giá trị của sản phẩm du lịch đến du khách. Từ đó, cộng đồng địa phương, đặc biệt là các hộ dân tham gia trực tiếp phải tự ý thức một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng, đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách.
Chất lượng của sản phẩm du lịch được du khách cảm nhận một cách tinh tế về mặt tinh thần và sự thụ hưởng các giá trị vật chất. Sự cảm nhận tốt và ấn tượng từ du khách cần được bắt đầu từ chính thái độ tiếp đón ân cần, sự am hiểu về môi trường sống cả tự nhiên lẫn nhân văn, cách làm minh bạch từ chính cộng đồng địa phương. Giao tiếp tạo sự gần gủi và thân thiện chưa phải là hiệu quả tốt nhất trong quá trình tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương. Sự hiệu quả trong quá trình giao tiếp giữa du khách và cộng đồng còn cần được tính đến sự diễn đạt thông tin một cách chính xác và súc tích. Vì vậy, rào cản về mặt ngoại ngữ cần được khắc phục từ chính sự nỗ lực của những hộ dân khi triển khai các hoạt động và sản phẩm du lịch từ chính gia đình mình trong quá trình đón tiếp các du khách quốc tế. Văn hóa bản địa là yếu tố tạo nên tính độc đáo và có nhiều sức nặng tạo ấn tượng tốt cho du khách. Việc gìn giữ, bảo tồn và thực hiện các thói quen văn hóa một cách rất đời thường chứ không phải là “văn hóa diễn” là nội dung cần được cộng đồng nhận thức một cách thấu đáo để tạo nên những giá trị văn hóa đích thực của đời sống hàng ngày để du khách hiểu đủ và hiểu đúng những gì đang diễn ra. Nên nhận diện lại những điều kiện cơ sở vật chất tại chính gia đình để có kế hoạch đầu tư làm mới hoặc tu bổ nhằm đảm bảo những điều kiện tối thiểu về mặt sinh hoạt đời thường cho du khách nhưng cũng tránh việc làm mới lại hoàn toàn một cách máy móc gây nguy hại cho những giá trị vật chất truyền thống của gia đình hoặc gây nguy hại đến bố cục không gian nói chung của địa phương.
Các đơn vị kinh doanh lữ hành là “cầu nối” tạo cơ hội kép cho du khách và cộng đồng địa phương. Cơ hội kép được nhắc đến ở đây trước tiên là cơ hội mà các đơn vị kinh doanh lữ hành dành cho du khách. Thông qua các đơn vị kinh doanh lữ hành các hoạt động và sản phẩm du lịch gắn liền với loại hình du lịch homestay được xuất hiện trên thị trường như một kênh cung ứng nhằm đa dạng hóa sản phẩm để du lịch vừa giúp đối tượng du khách đại trà biết thêm về loại hình du lịch homestay, trên cơ sở đó có thể sẽ thực hiện hành vi tiêu dùng trong tương lai hoặc từ thông tin mà các đơn vị lữ hành cung cấp sẽ đáp ứng các nhu cầu sẵn có của một bộ phận du khách đã và đang quan tâm đến việc thụ hưởng loại hình du lịch homestay. Vì vậy, các thông tin quảng bá cần được đẩy mạnh từ các đơn vị kinh doanh du lịch để hình thành thị trường gửi khách thường xuyên. Tuy nhiên, các thông tin quảng bá cần rõ ràng, chuẩn xác tránh lạm dụng kĩ xảo marketing quá mức để khiến du khách hụt hẫng khi tiếp cận các sản phẩm không diễn ra đúng với những gì được giới thiệu lúc ban đầu. Cơ hội kép tiếp theo được đề cập chính là cơ hội cho cộng đồng địa phương tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình để nâng cao thu nhập thông qua việc đón tiếp du khách từ việc liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành. Để sản phẩm được chuyển tải một cách hoàn hảo nhất, các đơn vị kinh doanh lữ hành nên thường xuyên cung cấp các thông tin của du khách: tâm lý, nhu cầu tìm hiểu, mong đợi khi tiếp cận các sản phẩm du lịch để cộng đồng địa phương hình thành các hoạt động và sản phẩm du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, việc liên kết này cần được chú ý vận hành theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích một cách rõ ràng ngay từ ban đầu với những cam kết rõ ràng nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ cho du khách.
Vai trò tiếp theo để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch homestay là các cấp quản lý. Đây là “đòn bẩy” quan trọng trong quá trình hỗ trợ cho cộng đồng địa phương và các đơn vị kinh doanh lữ hành nhằm hoàn chỉnh và hiện thực hóa các hoạt động và sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách.
Xét ở tầm vĩ mô, các cấp chính quyền cần chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá các homestay đến với du khách trong nước và quốc tế. Với đa phần khách du lịch nước ngoài tham gia loại hình du lịch homestay tại đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên cho hoạt động quảng bá là xây dựng được trang web để giới thiệu về chất lượng, hình ảnh và các hoạt động của các homestay. In ấn các brochure để giới thiệu tại các trung tâm du lịch ở sân bay, nhà ga, khách sạn hay trong các hội chợ, hội thảo về du lịch. Tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu sản phẩm cho các công ty lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa. Tăng cường quảng bá homestay ở đồng bằng sông Cửu Long trên các báo, tạp chí, truyền hình trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài ra, có thể giới thiệu các homestay qua các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Google Plus hoặc Youtube…
Xét ở tầm vi mô, các cấp có thẩm quyền cần phối hợp khảo sát và đánh giá đúng năng lực của các hộ dân nhằm phân cấp và dán nhãn chất lượng cho các gia đình đăng ký kinh doanh loại hình du lịch homestay. Công tác này cần được tiến hành một cách thường xuyên. Để đảm bảo tính công bằng khi triển khai cần có một bộ tiêu chí phù hợp. Cho nên việc xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá và dán nhãn chất lượng cần được xúc tiến một cách nghiêm túc trên cơ sở tham khảo các mô hình thực hiện du lịch cộng đồng thông qua hình thức homestay trên thế giới và tại Việt Nam.
Tiếp đến, các cấp có thẩm quyền cần chú trọng đến việc hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các gia đình đủ năng lực triển khai loại hình homestay có nhu cầu vay vốn để hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Tuy nhiên cần đánh giá tính khả thi của việc hỗ trợ vốn vay một cách kỹ lưỡng.
Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành khi đưa khách đến địa phương, chính quyền địa phương cần quản lý một cách cặn kẽ các hoạt động và sản phẩm du lịch được triển khai nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực và chất chứa các nguy cơ gây tổn thương về mặt kinh tế văn hóa xã hội tại địa phương.
Thay lời kết
Với lợi thế về các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và sự đa dạng về phong tục tập quán vùng miền, du lịch “homestay” là một hình thức du lịch phù hợp và dễ phát triển tại đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy có thể thấy đây là một loại hình du lịch còn khá trẻ nhưng homestay hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương – “nhân tố cốt lõi”, các công ty lữ hành – “cầu nối” và các cấp chính quyền – “đòn bẩy”.
Tài liệu tham khảo
1. REST, 1997, Community Based Tourism: Principles and Meaning.
2. Trần Thị Mai, 2005., Du lịch cộng đồng – du lịch sinh thái: Định nghĩa, đặc trưng và quan điểm phát triển, Trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch Huế
3. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), 2012, Du lịch cộng đồng, NXB. Giáo Dục Việt Nam.
Website:
1. http://www.pachamama.org/community-based-tourism
2. http://www.communitybasedtourism.info/en/community-based-tourism/community-based-tourism.asp
3. http://www.community-tourism.org
4. http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2012/8/297239/
5. http://www.vietnamplus.vn/Home/Du-khach-say-long-voi-nhung-homestay-miet-vuon/20114/86222.vnplus
Nguyễn Văn Chất và Dương Đức Minh,Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch