Phát triển du lịch biển đảo trong tình hình mới: Một vài gợi ý đối với phát triển du lịch đảo Lý Sơn
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ tháng 5/2014 và dự báo sẽ còn kéo dài đang gây ra những tác động xấu và những hệ lụy khó lường. Đây là những biến động thất thường (chiến tranh, xung đột cục bộ, khủng bố, dịch bệnh, thiên tai…) đặt ra yêu cầu vượt qua thách thức và thích ứng trong tình hình mới đối với du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Đề án chỉ ra quan điểm, mục tiêu, các định hướng, giải pháp và các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện. Theo đó, quan điểm phát triển du lịch biển luôn gắn gới mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. Đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mọi phương án phát triển đều phải được lồng ghép với việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Bài viết phân tích một số nét chính trong Đề án phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trong tình hình mới căng thẳng và bất ổn kéo dài trên Biển Đông, đồng thời gợi mở một vài ý tưởng phát triển du lịch đối với đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
1. Định hướng phát triển du lịch biển đảo
Về quan điểm, chủ trương chiến lược chung: Đảng và Nhà nước đã xác định rõ vai trò của kinh tế biển và trong đó có du lịch biển trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc hòng, giữ vững chủ quyền quốc gia. Nghị quyết 03/NQ-TW của Bộ Chính trị (khoá VII), các Chỉ thị 339/TTg và 171/TTg của Thủ t¬ướng Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, đã xác định “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế để phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế-xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”. Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.
Du lịch là một trong 5 ngành kinh tế biển quan trọng được xác định trong “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (4 lĩnh vực khác: Khai thác, chế biến dầu, khí; Cảng biển, kinh tế hàng hải và công nghiệp đóng tàu; Hải sản; và Khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị dọc ven biển). Vì vậy, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 đã xác định hướng “..Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hoá và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển có tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới”
Về quan điểm phát triển du lịch biển đảo góp phần tích cực đảm bảo an ninh quốc phòng: với trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền) cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có hệ thống tài nguyên du lịch biển đồ sộ có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển. Mục tiêu phát triển du lịch biển gắn đảm bảo an ninh quốc phòng thực hiện theo 3 hướng: (1) du lịch biển kéo theo sự phát triển hệ thống hạ tầng, tạo điều kiện và phối hợp củng cố quốc phòng vùng ven biển và trên các đảo, quần đảo; (2) tăng cường thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự hiện diện của khách du lịch quốc tế và nội địa ở vùng biển và hải đảo, qua đó khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những khu vực có sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay; (3) du lịch tăng cường thu hút, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng dân cư ở vùng biển, đặc biệt trên các đảo vốn còn nhiều khó khăn, góp phần tích cực tạo dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển hậu phương vững chắc ở tuyến phòng thủ trên biển. Trong tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông với sự nhạy cảm cao về an ninh quốc phòng đòi hỏi du lịch biển thực sự đi vào chiều sâu khẳng định thương hiệu cũng chính là khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên các vùng biển, đảo có hoạt động du lịch.
Về định hướng phát triển các khu, điểm du lịch biển: Đề án phát triển du lịch Biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 xác định 4 không gian ven biển với các địa bàn trọng điểm là những khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch được tập trung đầu tư phát triển, đó là: Hạ Long, Vân Đồn-Cô Tô, Trà Cổ, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Cồn Cỏ, Cửa Tùng-Cửa Việt, Huế, Lăng Cô-Cảnh Dương, Đà Nẵng, Non Nước, Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Hoàng Sa, Hội An, Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Sơn Mỹ, Lý Sơn, Phương Mai, Xuân Đài, Bắc Cam Ranh, Trường Lũy, Trường Sa, Nha Trang, Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Mũi Né, Phan Thiết, Phú Quý, Long Hải-Phước Hải, Côn Đảo, Vũng Tàu, Cần Giờ, Phú Quốc, Hà Tiên.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, để tạo ra động lực phát triển các trung tâm du lịch biển đảo. Các khu, điểm du lịch biển trọng điểm sẽ tập trung đầu tư phát triển trở thành đầu tầu thu hút khách du lịch, thu đầu tư và hình thành những điểm đến có tầm cỡ và có thương hiệu nổi bật trong khu vực và trên thế giới.
Hình thành các tuyến du lịch biển và du lịch tàu biển xuất phát từ Hạ Long, Hải Phòng, Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Sa Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Tiên và kết nối với các đảo và bãi biển Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hoàng Sa, Hòn Tre, Hòn Tằm, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Tổ chức không gian du lịch biển tập trung tại các vịnh và đô thị du lịch biển như Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Xuân Đài, Vĩnh Hy, Phan Thiết-Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên.
Các chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo theo hướng chiến lược ưu tiên gồm:
- Chương trình nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch biển, đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
- Chương trình điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, bảo tồn tài nguyên biển, đặc biệt đối với hệ thống các đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa
- Chương trình đầu tư hạ tầng then chốt phục vụ du lịch biển, đặc biệt là hệ thống cảng du lịch, cầu tầu, bến neo đậu ven bờ, trên vịnh và trên các đảo.
- Chương trình phát triển sản phẩm du lịch đặc thù các miền biển, ưu tiên và hỗ trợ phát triển các tuyến du lịch đảo xa, đặc biệt là dự án phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
- Chương trình phát huy giá trị văn hóa biển, ẩm thực biển phục vụ phát triển du lịch
- Chương trình phát triển nhân lực cho phát triển du lịch biển, đảo
2. Du lịch biển đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình hình mới
Trước tình hình tranh chấp ở Biền Đông do Trung Quốc gây ra sẽ căng thẳng kéo dài, đặt ra thách thức với ngành du lịch Việt Nam, cần có những giải pháp thích ứng, đặc biệt đối với du lịch biển đảo.
Trước mắt, ứng phó với tình hình suy giảm khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần thẳng thắn nhận diện hiệu quả thực sự của sự tăng trưởng về lượng khách trong thời gian qua, đặc biệt đối với thị trường khách Trung Quốc mang lại hiệu quả thấp. Vì vậy, đây là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để quyết tâm chuyển hướng thị trường, hướng tập trung vào thị trường khách nghỉ dài ngày, chi tiêu cao, đặc biệt là khách nghỉ dưỡng biển như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, ASEAN và mở rộng khai thác các thị trường nghách mới như Trung Đông, giảm lệ thuộc vào sự chi phối của bất cứ thị trường nào. Để bù đắp cho số lượng khách Trung Quốc suy giảm thì tập trung khai thác phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao để nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch (tăng thu) vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu du lịch của khách, mang lại giá trị trải nghiệm cao hơn, mỹ mãn hơn, hài lòng hơn cho du khách và không hề “coi thường” nhu cầu khách nội địa ngày càng cao. Trong thời gian tới bộ sản phẩm du lịch biển sẽ đa dạng hơn, hấp dẫn hơn và có giá trị cao hơn, chất lượng hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu du lịch biển của các đối tượng khách trong và ngoài nước. Đó là định hướng cơ bản thích ứng với biến động bởi tình hình Biển Đông và cũng là định hướng chiến lược của du lịch Việt Nam.
Về lâu dài, du lich biển, đảo, các tuyến tàu biển trên biển đông sẽ chịu tác động sau việc suy giảm khách là chuỗi những khó khăn trong việc lập lịch trình sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch tàu biển và tiếp cận các đảo sẽ khó khăn hơn. Các tuyến du lịch sẽ gặp nguy cơ rủi ro cao nếu gặp phải xung đột bất ngờ; chi phí xây dựng chương trình du lịch, trang bị năng lực ứng phó và khắc phục hậu quả sẽ tăng lên, tốn kém hơn. Du khách sẽ bất an hơn và có tâm lý lo ngại khi quyết định đi du lịch qua các vùng biển…. Với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng đồng nghĩa với việc du lich Việt Nam quyết tâm và tăng cường “bám biển” với những định hướng hoạt động chủ yếu sau:
- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển. Nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng sân bay phù hợp với điều kiện ở các đảo; kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và quốc tế. Đầu tư hạ tầng về năng lượng điện và nước sạch trên các đảo để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên đảo. Ứng dụng khoa học công nghệ để giải bài toán cung cấp điện và nước ngọt trên đảo như điện mặt trời, điện gió, công nghệ lọc nước biển… để đảm bảo cho phát triển du lịch và phục vụ tốt cho nhu cầu dân của cư dân ven biển và trên các đảo (theo kế hoạch cuối năm 2014 Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hoàn thành dự án dưa điện lưới quốc gia ra đảo Lý Sơn) .
- Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, hỗ trợ về giá, thuế cho các tuyến du lịch ra đảo xa đặc biệt là đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ưu đãi tối đa trong khung quy định đối với đầu tư du lịch tại đảo xa. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bù đắp chi phí khi cần thiết do gặp phải rủi ro do tác động của tình hình Biển Đông; hỗ trợ giảm thiểu những chi phí do hủy đột ngột chương trình du lịch ra đảo, tuyến du lịch tàu biển do tác động bởi những biến cố không lường trước. Nhà nước hỗ trợ liên kết phát triển du lịch biển giữa doanh nghiệp du lịch với thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ, giao thông hàng hải, vận tải biển, dịch vụ hàng hải…
- Định hướng cho doanh nghiệp du lịch về sản phẩm du lịch biển hướng ra Biển Đông. Cho đến nay du lịch Việt Nam mới khai thác dịch vụ ven bờ và các bãi biển là chủ yếu. Các hoạt động du lịch trên mặt nước và dưới đáy biển, ngoài đảo xa còn rất hạn chế. Hướng tới phát triển về chiều sâu cần khai thác các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, thể theo trên mặt biển, dưới đáy biển và ngoài đảo xa để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Sản phẩm du lịch biển của Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… sẽ vươn xa ra Biển Đông để khai thác sự diệu kỳ của biển.
- Tôn vinh văn hóa biển, ẩm thực biển tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến các vùng biển, đảo của Việt Nam đồng thời khơi dậy sự tự tôn, lòng yêu nước của người dân miền biển, chăm lo giáo dục phát triển nhân lực miền biển để khai thác các tài nguyên biển một cách bền vững phục vụ dân sinh. Làm sao để người dân miền biển biết khai thác thế mạnh của biển để sống tốt hơn. Nhà nước có chương trình hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và thủy sản đối với nông dân và ngư dân ven biển và hải đảo.
- Về dự án du lịch Hoàng Sa, Trường Sa trong Đề án du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Quốc Phòng và các Bộ ngành liên quan như Giao Thông Vận Tải, Thông Tin Truyền Thông, Công Thương, Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Ủy Ban Thanh Niên để nghiên cứu xây dựng và triển khai dự án theo phương thức nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp tiên phong và phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân; hình thành tuyến du lịch Hoàng Sa và Trường Sa trở thành tuyến du lịch tâm linh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
3. Một vài gợi ý đối với phát triển du lịch đảo Lý Sơn
Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách cảng Sa Kỳ khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc. Với diện tích 10,3 km2, có trên 21.000 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và nông nghiệp trồng tỏi, hành. Lý Sơn vì thế còn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Lý Sơn có nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thờ chúa Nguyễn và Triều Nguyễn sau này, như Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa, nhà thờ Phạm Quang Ánh, nhà thờ Võ Văn Khiết… Nơi đây còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh và sự dung hòa giữa nền văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt và có nhiều thắng cảnh nổi tiếng gắn với giá trị địa chất độc đáo như: Chùa Hang, chùa Đục, đình làng An Hải, bảo tàng Hoàng Sa và hai miệng núi lửa là Giếng Tiên, Thới Lới, lễ hội đặc sắc khao lề tế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền… Với những giá trị đặc sắc đó Lý Sơn ở vị trí chiến lược quan trọng trên vùng Biển Đông có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch lý tưởng và là cầu nối đưa du lịch Việt Nam hướng ra đại dương.
Tuy nhiên du lịch Lý Sơn hôm nay vẫn mới manh nha những bước đi ban đầu, trong khi vẫn chưa thực sự hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển. Giao thông tiếp cận đảo chỉ có 01 chuyến tàu trong ngày, sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch hầu như chưa có. Toàn đảo chỉ có khoảng 70 phòng phục vụ lưu trú. Vì thế Lý Sơn chưa được nhiều du khách biết đến, năm 2012 có hơn 8.700 lượt khách đến Lý Sơn. Chỉ mới đây năm 2013, với sự kiện 20 năm thành lập Huyện đảo và Lễ Khao lề tế lính Lý Sơn bắt đầu được du khách để mắt tới. Năm 2013 lượng khách đến Lý Sơn tăng đột biến lên 28.000, gấp hơn 3 lần năm 2012. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch còn rất nhỏ, chủ yếu thu từ phòng nghỉ (1-2 đêm), ăn uống và từ bán tỏi, hành. Du lịch thực sự chưa tạo chuyển biến căn bản về cơ cấu sinh kế cho cư dân trên đảo.
Với tiềm năng về tài nguyên du lịch, đặc biệt vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, đảo Lý Sơn được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, là Điểm du lịch quốc gia. Một số gợi ý dưới đây về hướng phát triển du lịch Lý Sơn trở thành điểm đến ưa chuộng và là tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo hướng ra Biển Đông góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc:
– Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng có trọng điểm vào Lý Sơn, cụ thể là đầu tư cảng Sa Kỳ-Lý Sơn, nhà đón tiếp, phòng chờ và phương tiện để khách tiếp cận Lý Sơn thuận lợi, tiện nghi hơn. Đầu tư các công trình hạ tầng khác như điện, nước sạch, xử lý chất thải, hệ thống đường giao thông trên đảo phù hợp với đặc điểm sinh thái cảnh quan của đảo. Đặc biệt hệ thống kè biển, các công trình quốc phòng đảm bảo thân thiện với du khách. Cuối năm 2014 có hệ thống điện lưới quốc gia sẽ tạo ra hiệu ứng đồng bộ về hạ tầng phục vụ dân sinh đồng thời với việc phát triển các dịch vụ phục vụ du khách.
– Hỗ trợ người dân tăng cường năng lực để có thể tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, phục vụ du khách đồng thời với đánh bắt thủy sản và trồng hành, tỏi; giới thiệu cho du khách về văn hóa, lịch sử gắn với nghề thủy sản và trồng tỏi của ông cha. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đưa khách ra Lý Sơn bằng các chính sách hỗ trợ và quảng bá điểm đến Lý Sơn, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có cơ chế ưu đãi đặc thù thu hút đầu tư ra đảo Lý Sơn. Về tính chất kinh tế tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tính đặc thù có thể đưa Lý Sơn trở thành hòn đảo phi thuế quan phù hợp với chính sách ưu đãi đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
– Định hướng phát triển sản phẩm du lịch “đảo xanh huyền thoại”: tổ chức theo mô hình công viên sinh thái, sinh thái nông nghiệp với bộ sản phẩm như du khách được trải nghiệm cùng nông dân thu hoạch, trồng tỏi, cùng ngư dân đi thuyền thúng đánh bắt cá trải nghiệm cùng người dân thưởng thức những sản phẩm đánh bắt từ thiên nhiên. Đảo xanh huyền thoại hướng tới thiên đường nghỉ dưỡng sinh thái gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống mộc mạc của người dân Lý Sơn.
– Quảng bá khuyếch trương bộ sản phẩm du lịch “khám phá tầng núi lửa Lý Sơn” gắn với lịch sử hình thành cấu trúc vỏ trái đất hàng triệu năm, những dấu tích phun trào của núi lửa trên đỉnh Thới Lới, các tầng địa chất sườn núi và bờ biển, những lớp nham thạch có hình dạng kỳ thú, hồ nước ngọt trên đỉnh núi lửa, rạng đá ngầm xung quang đảo… là dấu ấn mà du khách không thể bỏ qua.
– Phát triển, định vị thương hiệu du Lý Sơn gắn với ấn tượng độc đáo về thiên đường nghỉ dưỡng với loại hình du lịch sinh thái lựa chọn gắn với văn hóa biển đảo; hình thành các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp vừa đảm bảo tiện nghi nhưng tuyệt đối gần gũi với thiên nhiên hoang sơ. Du khách có thể đi bộ, đi xe đạp trên đảo thanh bình và hoang sơ đồng thời giao lưu với người dân, trải nghiệm cuộc sống giản dị, chân thực với những giá trị văn hóa tâm linh trên đảo; tìm hiểu về lịch sử Lý Sơn gắn với chủ quyền biển đảo quốc gia thông qua bảo tàng Lý Sơn, Hải đội Hoàng Sa và các di tích trên đảo và trải nghiệm Lý Sơn là minh chứng cho lịch sử phát triển của vỏ trái đất với nhiều dấu ấn sinh hoạt của người tiền sử Việt cổ.
– Định hướng phát triển Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn và điểm chung chuyển khách đến nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác và vươn ra Biển Đông như Cù lao Chàm, Hoàng Sa, Trường Sa.
– Phát triển hệ thống dịch vụ trên đảo: đầu tư hình thành hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resorts), nhà nghỉ, hệ thống nhà dân có phòng cho du khách nghỉ (home stay), xây dựng khu trung tâm đón tiếp khách, hướng dẫn khách, hệ thống nhà hàng, quầy bar, quán ăn, quán cafe, nhà trưng bày, bảo tàng, các biển chỉ dẫn đường đi trên đảo và các điểm tham quan, di tích. Đặc biệt chú ý tới các giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường, giải pháp kiến trúc sinh thái phù hợp với đảo, giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường; kiểm soát nghiệm ngặt về mật độ xây dựng, phong cách kiến trúc nhằm bảo tồn và tôn vinh được các giá trị cảnh quan của biển, đảo Lý Sơn. Nghiên cứu sử dụng các dạng năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió. Phát triển dịch vụ ẩm thực mang phong vị Lý Sơn gắn với hải sản và tỏi, đưa thương hiệu Tỏi Lý Sơn trở thành ấn tượng của điểm đến.
Kết luận
Du lịch biển đảo là hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt nam. Trong tình hình mới hiện nay gắn với vấn đề Biển Đông, du lịch Việt Nam nói chung, du lịch biển đảo nói riêng đang có giải pháp thích ứng có tính chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc suy giảm khách cho tới những thiệt hại do biến động bất ngờ và rủi ro không lường trước. Đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã định hướng và chỉ ra các chương trình ưu tiên, trong đó đặc biệt quan tâm tới du lịch hướng ra Biển Đông bằng dự án phát triển du lịch ra Hoàng Sa và Trường Sa. Phát triển mạnh du lịch, chủ động về thị trường, tăng cường chất lượng và sức cạnh tranh là giải pháp phát triển du lịch hiệu quả góp phần đắc lực vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Một số gợi ý đối với phát triển du lịch đảo Lý Sơn là cơ sở để phát triển các đảo ven bờ và gần bờ trở thành điểm đến, thành trì và cầu nối đưa du lịch vươn xa ra đại dương. Một khi du lịch biển đảo phát triển thì đồng nghĩa với niềm tự hào, vinh quang trên từng tấc đất, vùng biển, vùng trời, hải đảo là chủ quyền thiêng liêng của quốc gia dân tộc./.