Phát triển du lịch biển đảo bền vững tại vịnh Bái Tử Long – Thực trạng và giải pháp
Vịnh Bái Tử Long (vịnh BTL) ôm chọn huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được xác định sẽ nằm trong vùng được trở thành một trong ba đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt (gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).Với vị trí, địa lý chiến lược, Vân Đồn có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với an ninh, quốc phòng mà còn đối với phát triển kinh tế – xã hội đối với vùng Đồng Bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Bộ, mà còn cả nước. Nói đến Vân Đồn phải nói đến tài nguyên biển, đảo; nhờ có tiềm năng này đã thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế trong đó có du lịch và du lịch biển đảo ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội trên địa bàn. Trước sức ép phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch đã làm cho môi trường tự nhiên, xã hội đang đứng trước thách thức phát triển du lịch bền vững biển đảo. Vậy bài viết này nhằm trao đổi về phát triển du lịch và gắn với bền vững biển đảo tại vịnh Bái Tử Long.
1. Đặt vấn đề
Trước sức ép phát triển kinh tế – xã hội ngày càng tăng, đặc biệt là sự gia tăng dần số nhu cầu phát triển kinh tế, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt và khó khăn trong việc khai thác tài nguyên trên cạn dẫn đến trào lưu khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển và ở ven, trên biển càng nhiều, nhưng các phương thức khai thác thiếu tính bền vững. Các họat động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, hoặc không có hoặc thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cộng với cơ chế quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cấp các ngành và trình độ dân trí, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cộng đồng dân cư còn thấp, bên cạnh đó tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất dẫn đến môi trường biển có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện nay, trước áp lực phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các ngành khai thác tài nguyên và gia tăng dân số ven biển đặt ra nhiều thử thách đối với phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo tại nhiều khu vực, trong đó có vịnh Bái Tử Long tại Quảng Ninh.
Vịnh Bái Tử Long là một vùng biển có nhiều đảo, chủ yếu các đảo nằm trọn trong huyện đảo Vân Đồn và có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vịnh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng phát triển khu vực này trở thành khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 1296-QĐ/TTg, 2009) với mục tiêu: Phát triển biển đảo du lịch bền vững, chú trọng phát triển du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng sân bay, cảng biển, dịch vụ và phát triển công nghiệp sạch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Cũng theo quy hoạch, đến 2015 sẽ dành 47,3 km2 cho đất du lịch; 3,33 km2 đất thương mại; 6,2 km2 đất công nghiệp; 30,95 km2 đất xây dựng đô thị. Đất xây dựng công trình và các đầu mối kỹ thuật trong đó có sân bay Vân Đồn rộng 695 ha với công suất 500.000-800.000 khách/năm; bãi đáp trực thăng trên các đảo rộng 5 ha; cảng biển tổng hợp 170 ha; mạng lưới đường giao thông 350 ha; đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật 80 ha (Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Vân Đồn, 2012)
Vây, mục tiêu phát triển du lịch biển đảo bền vững tại vịnh Bái Tử Long được đặt ra trong giai đoạn tới không ngoài mục tiêu để xây dựng huyện đảo Vân Đồn trở thành khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt của cả nước theo định hướng của Chính Phủ. Vì vậy nghiên cứu thực trạng đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch gắn liền với biển đảo và bền vững tài nguyên và môi trường trong khu vực vịnh BTL là một yêu cầu cấp thiết đối với tỉnh Quảng Ninh.
2. Đánh giá điều kiện tự nhiên và tiềm năng tài nguyên biển đảo đối với phát triển du lịch.
2.1. Điều kiện tự nhiên và Tiềm năng tài nguyên biển đảo.
* Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên:
Vịnh Bái Tử Long là một vịnh của Việt Nam, nằm trong vịnh Bắc Bộ, ở vùng Đông Bắc với toạ độ từ 20040’ đến 21012’ vĩ độ Bắc và từ 107019’ đến 107042’ kinh độ Đông; phía Đông giáp với vùng biển của huyện đảo Cô Tô, phía Tây giáp Vịnh Hạ Long và thành phố Cẩm Phả, phía Nam là toàn bộ mặt biển, phía Bắc và Đông Bắc giáp với huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Trên Vịnh có hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ với điện tích đất tự nhiên là 551,33 km2 chiếm 9,3% diện tích của tỉnh Quảng Ninh. Phần vùng biển rộng 1.620,83km², được hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (còn gọi là Kế Bào) và quần đảo Vân Hải.
Vịnh có địa hình hết sức đa dạng, có rừng, có biển, có đảo đá, đảo đất, các đảo lớn gần đất liền có núi cao trên 300m, các đảo nhỏ chỉ có núi cao dưới 200m. Địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình là 40m so với mặt biển. Chính những kiểu địa hình ấy đã tạo cho cảnh quan thiên nhiên vịnh có những nét đặc trưng, hấp dẫn và đặc biệt và là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch.
Vịnh BTL nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có khí hậu phân hóa 2 mùa rõ rệt mang tính chất hải đảo rõ rệt nóng ẩm, mưa nhiều, mùa hạ nóng ẩm, và mùa đông khô lạnh. Nhiệt độ trung bình năm từ 15°C- 25°C; lượng mưa vào khoảng từ 170.000 mm – 2.500mm /năm.
* Tài nguyên tự nhiên biển đảo:
– Tài nguyên tự nhiên về cảnh quan: Hệ thống các đảo nằm trong đới địa chất duyên hải Bắc Bộ, hướng cấu trúc kiến tạo Đông Bắc – Tây Nam, song song với bờ biển của đất liền. Các đảo của vịnh thường là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, là địa hình có tuổi kiến tạo địa chất khoảng 300 triệu năm, do quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển, quá trình carxtơ bào mòn, phong hóa tạo ra những hình thái cảnh quan đặc biệt như một bức tranh thủy mặc trên các đảo và cụm đảo nổi tiếng như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn, Hòn Ỏn, Hòn Ba Sao, núi Chân Nghĩa…và các đảo đá như Trà Ngọ Lớn, Ba Mùn, Hòn Mặt Quỷ, Hòn Đũa, Hòn Thiên Nga, Hòn Ấm,..là những cảnh quan đặc biệt và là điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách đến khám phá và thưởng ngoạn. Trên vịnh còn có các tài nguyên cảnh quan giá trị như: cảnh quan tùng áng, Áng Dơi, Áng Ba Mùn,… ;Tài nguyên cảnh quan san hô giá tập trung tại các đảo: Cống Tây, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thẻ Vàng,…. Ngoài ra trên vịnh còn có tài nguyên rừng gập mặn nguyên sinh Ba Mùn (Vườn quốc gia Bái Tử Long) là nơi lưu trữ và bảo tồn đa dạng sinh học lớn của cả nước.
– Tài nguyên bãi tắm: Vịnh BTL là vịnh có số lượng bãi tắm tự nhiên tập trung nhiều nhất của tỉnh Quảng Ninh bao gồm các bãi: Bãi Dài, bãi tắm Việt Mỹ (nằm trong quần đảo Cái Bầu); Bãi tắm Sơn Hào (bãi Sơn Hào 1 và Sơn Hào 2), bãi Quan Lạn, bãi Minh Châu, bãi Ngọc Vừng và bãi tắm Ba Trái Đào (thuộc quần đảo Vân Hải)… Đây đều là những bãi tắm còn hoang sơ, với bãi cát trắng muốt và nước biển trong xanh vô cùng hấp dẫn du khách.
– Tài nguyên về đa dạng sinh học: Vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới. Hệ thực vật gồm 780 loài, 468 chi, 135 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; trong đó có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam như Báo lửa, Cầy hương, Rái cá, Khỉ vàng, Tắc kè và nhiều loại cây dược liệu quý như: Ba kích, Ngũ da bì, Đằng đằng. Hệ sinh thái trên cạn tại vịnh Bái Tử Long tập trung tại VQG Bái Tử Long được coi là khu bảo tồn rừng và biển, với diện tích mặt biển chiếm 2/3 diện tích vườn quốc gia và là nơi lưu giữ nhiều mẫu gen động thực vật quý hiếm nhiều loài được ghi vào sách đỏ.
* Tiềm năng tài nguyên nhân văn
– Di chỉ thời thời tiền sử: Tại hang Soi Nhụ là di chỉ khảo cổ học quan trọng của văn hóa Hạ Long bao gồm các tàn tích thức ăn, công cụ lao động, đồ gốm…; Tại hang Hà Giắt: Có khoảng 70 hiện vật là đồ đẽo và công cụ có niên đại cách ngày nay khoảng 14.000 năm vào khoảng trung kỳ đá mới; Di chỉ Ngọc Vừng: Gồm rìu đá, bôn đá vừa có vai vừa có nấc, chì lưới, bàn mài có rãnh, hòn kê là những di sản của người nguyên thủy đã sinh sống ở Ngọc Vừng đặt tên di chỉ đồ đá ở đây là “Nền văn hóa Danh-Dô- La” (Đỗ Văn Ninh, 2004).
– Di tích lịch sử, văn hóa: Vịnh Bái Tử Long gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam với địa danh nổi tiếng là thương cảng Vân Đồn, một vùng trên bến dưới thuyền sầm uất thời Lý bao gồm các di tích bến thuyền cổ như: Bến Cống Đông, bến cái Làng, bến Cống Cái, đảo Thắng Lợi…. Tại vịnh BTL đây còn là nơi tưởng nhớ chiến công oai hùng năm 1288 của danh tướng Trần Khánh Dư cùng ba anh em họ Phạm, người đảo Quan Lạn đã đánh tan đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ (Đỗ Văn Ninh, 2004). Ở Bái Tử Long có các hệ thống đền, đình, chùa cổ nổi tiếng như: Đền Cặp Tiên (còn gọi đền cửa suốt) và Đền Cửa Ông; Đền Tĩnh Hải, (trên đảo Ngọc Vừng); Đình Quan Lạn; Chùa Vân Quan tự; Chùa Lấm; Chùa 100 gian (ở đảo Thắng Lợi) cũng đều là những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Gần đây trên vịnh BTL còn có chùa Cái Bầu (nằm trên quần đảo Cái Bầu) mới được đầu tư xây dựng nguy nga không kém chùa Bái Đính trên một địa thế độc đáo ngày càng thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, vản cảnh.
– Tài nguyên du lịch phi vật thể. Vịnh BTL là nơi dân cư sinh sống khá đông đúc trong đó có nhiều người bản địa. Qua quá trình sinh sống họ đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa mang tính đặc thù như lễ hội và các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng biển đảo Đông Bắc tổ quốc như: Lễ hội Vân Đồn; Lễ hội đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên; Lễ hội Ngọc Vừng…và một số điệu hò biển khá hấp dẫn và đặc trưng
Như vậy: Với vị trí chiến lược cùng với các tiềm năng về tài nguyên biển đảo phong phú khá nổi trội và đặc sắc của vịnh BTL cho thấy đây là một trong những điều kiện thuận lợi quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch biển đảo và đưa vịnh BTL trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đồng thời là tiền đề để xây dựng Vân Đồn trở thành khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt của cả nước trong tương lai không xa.
2.2. Hiện trạng phát triển du lịch tại vịnh Bái Tử Long trong giai đoạn 2009-2013.
2.2.1. Về khách du lịch.
* Về số lượng khách du lịch. Tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch đến vịnh giai đoạn 2007 – 2013 đạt 15,34%; tốc độ tăng trưởng bình quân khách có lưu trú là 16,55%, khách tham quan là 13,96%. So sánh khách có lưu trú cho thấy tốc độ tăng trường bình quân khách quốc tế có lưu trú là 36,87%, khách nội địa là 16,22%. Tỷ trọng khách tham quan chiếm 43% so với tổng số khách, có nghĩa là khách lưu trú tại vịnh chỉ đạt 57%. Năm 2012 có số lượng khách tăng đột biến cả khách lưu trú và khách tham quan.
* Về số ngày khách lưu trú. Ngày lưu trú trung bình của khách du lịch có lưu trú trên địa bàn giai đoạn 2007 – 2013 là 1,59 ngày/khách, trong đó đối với khách du lịch quốc tế có lưu trú trung bình là 2,01 ngày/khách, khách du lịch nội địa là 1,17 ngày/khách. Tổng số ngày khách lưu trú đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 18,34%, cụ thể năm 2007 số ngày khách của vịnh đạt 189,38 ngàn ngày, năm 2011 đạt 375,65 ngàn ngày khách và đến năm 2013 số ngày khách của vịnh đạt đạt 513,38 ngàn ngày gấp 2,7 lần năm 2007 (Bảng số 2).
Nhìn chung số lượng ngày khách du lịch lưu trú hàng năm tăng lên theo sự tăng trưởng của số lượng khách du lịch đến vịnh, nhưng số ngày khách lưu trú trung bình của vịnh chỉ đạt 1,59 ngày/khách với mức tăng trưởng bình quân thấp chỉ đạt 2,56%. So sánh với vịnh Hạ Long ngay liền kề thì số này thấp hơn đáng kể so với số ngày khách lưu trú bình quân khi đến khi đến vịnh Hạ Long là 1,9 ngày/ khách (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, 2013). Điều này phản ảnh một phần chất lượng dịch vụ du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo chưa phong phú và thực tế cho thấy việc khai thác phát triển du lịch biển đảo tại Vịnh BTL còn ở mức khởi phát , chưa thành hệ thống, chưa đồng bộ, quy hoạch còn manh mún chưa có nhiều dịch vụ để níu giữ chân du khách nhiều ngày.
* Phân tích về thị trường khách du lịch. Đối với khách du lịch quốc tế tại vịnh BTL có xu hướng tăng nhanh vào các năm 2012-2013, đặc biệt sau khi vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan mới của thế giới số lượng khách đến vịnh Hạ Long tăng cao tác động đến vịnh BTL; khách du lịch quốc tế đến vịnh rất đa dạng và nhiều thành phần chủ yếu là thị trường truyền thống từ các nước ở Tây Âu, Đông Bắc Á và ASEAN; cơ mục đích tham quan là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thám hiểm. Thời gian khách đến tham quan tập trung của thị trường khách này từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Thị trường khách du lịch nội địa cũng do các công ty lữ hành của các tỉnh lân cận tổ chức cho khách du lịch đến tham quan hoặc là khách tự tổ chức; số lượng khách tăng nhanh hơn khách đến vịnh Hạ Long do đây là địa điểm mới, có nhiều đảo, có VQG nơi có nhiều điểm có thể tham quan, nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ còn mới so với các điểm du lịch trên địa bàn. Đặc điểm thị trường khách nội địa là công nhân, người dân, cán bộ của các tỉnh, thành phố liền kề , thuộc mọi lứa tuổi. Thời gian tham gia du lịch chủ yếu là tháng hè từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Sản phẩm tiêu thụ là du lịch tắm biển, tham quan hệ sinh thái tại VQG và có kết hợp tham quan các điểm du lịch về đình chùa trên địa bàn.
* Mức chi tiêu: Mức chi tiêu của khách tại vịnh có sự khác biệt so với các địa bàn có tài nguyên biển đảo tương đồng thể hiện mức chi tiêu của khách quốc tế tại đây thường ổn định, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2013 thấp chỉ đạt 4,9%,trong khi đó của khách du lịch nội địa là 8,3%. Năm 2013 có mức chi tiêu bình quân cao nhất trong thời kỳ nghiên cứu, chi tiêu của khách du lịch quôc tế theo tỷ giá quy đổi là 1,103 triệu đồng/ngày; và khách nội địa là 0,658 triệu đồng/ngày (Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Đồn, 2013);
Một đặc điểm khác biệt chi tiêu của khách du lịch tại vịnh BTL là tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho ăn uống chiếm cao nhất chiếm từ 31% – 32%; Chi tiêu cho vận chuyển và chi tiêu cho lưu trú chiếm tỷ lệ gần bằng nhau chiếm từ 25%-26%, chi tiêu cho vé tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí và một vụ bổ sung khác chiếm tỷ trọng khá thấp (Tổng hợp điều tra của tác giả, 2013). Qua đây cho thấy trên 80% mức chi tiêu của khách dành cho các dịch vụ thiết yếu ăn uống, ngủ nghỉ, đi lai, còn chi cho các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm hàng hóa không đáng kể, từ đó nói nên rằng hện trạng dịch vụ vui chơi giải trí tại vịnh còn nghèo nàn, kém phát triển chưa được đầu tư, rất ít về số lượng, đơn điệu về nội dung. Tại vịnh hiện nay chỉ có các dịch vụ vui chơi đơn giản cho khách như chèo thuyền, tắm biển, và các dịch vụ đốt lửa trại, các quán Kraoke về đêm…. Nhiều điểm đến của vịnh chưa có các dịch vụ vui chơi giải trí nên đã ảnh hưởng đến mức độ thu hút khách du lịch, cũng như việc kéo dài thời gian lưu trú của khách. Do vậy để phát triển du lịch biển đảo tại vịnh BTL xứng tầm với tài nguyên biển đảo đã được thiên nhiên ban tặng cho vịnh, và đem lại nhiều nguồn thu thu từ du lịch, làm cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương thì cần phải đầu tư thích đáng hơn nữa phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo, các dịch vụ vui chơi giải trí, các sản phẩm hàng hóa đặc thù để thu hút sư chi tiêu và níu chân du khách dài ngày.
2.2.2.Thu nhập và đóng góp của du lịch vịnh Bái Tử Long.
Tốc độ tăng trưởng bình quân thu nhập từ du lịch (GDP du lịch) trong giai đoạn nghiên cứu đạt 30,6%, trong đó tăng trưởng thu nhập từ khách lưu trú đạt 31,0%, từ khách tham quan đạt 25,1% (Bảng số 3). Đến năm 2013 thu nhập từ du lịch đã đạt 335 tỷ đồng gấp 4,85 lần so với năm 2007 và đã đóng góp 26,7% vào GDP của địa phương. Đây là chỉ tiêu quan trọng khẳng định vị trí, bước tiến quan trọng của du lịch vịnh BTL đối với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
2.2.3. Về cơ sở lưu trú và lao động.
* Về cơ sở lưu trú: Tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú trên địa bàn vịnh BTL giai đoạn 2007-2013 là 16,9%, tăng trưởng về số lượng phòng là 20,4%, số cơ sở lưu trú ngày càng tăng cả về số lượng lẫn quy mô cụ thể: Năm 2007 trên địa bàn vịnh chỉ có 44 cơ sở lưu trú với 495 phòng đến năm 2013 đã tăng lên 109 cơ sở lưu trú với 1.437 phòng gấp 2,5 lần về số cơ sở lưu trú, gấp 2,9 lần về số phòng so với năm 2007.
Chất lượng cơ sở lưu trú đến năm 2013 trên địa bàn vịnh có 40 cơ sở lưu trú đã đạt chuẩn với 624 phòng trong đó có 8 cơ sở đã đạt tưg 1 đến 2 sao với 172 phòng, không có cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao. Số cơ sở chưa phân loại 69 chiếm 63,3% với 813 phòng; công xuất sử dụng phòng trung bình hàng năm đạt 40%, các cơ sở lưu trú tại vịnh hầu hết chỉ là các nhà nghỉ, và có nhiều nhà nghỉ bình dân, tập trung lớn tại bán đảo Cái Bầu và một số đảo như Minh Châu, Quan Lạn…Dịch vụ lưu trú tại còn thấp thiếu các cơ sở lưu trú hiện đại đạt tiêu chuẩn cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự thu hút khách du lịch có mức chi tiêu cao đến lưu trú tại các địa điểm tham quan.
* Lao động trong du lịch: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về lao động trong gian đoạn 2007 – 2013 là 9,33%, trong đó lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch du lịch là 10,29%, lao động gián tiếp là 8,97%. Đến năm 2013, lao động du lịch vịnh BTL có 1.487 người, trong đó lao động trực tiếp là 518 người và lao động gián tiếp là 968 người. Về trình độ lao động từ trung cấp trở lên tính đến năm 2013 chiếm 37,06%, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ còn khá cao 40,34%.
Nhìn chung, chất lượng đội ngũ lao động du lịch trực tiếp tại vịnh BTL còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm phục vụ, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ kém, đặc biệt là đội ngũ lao động phụ vụ tại các nhà hàng, các trung tâm lữ hành. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có lao động thấp nhất, thiếu cả về số lượng và chất lượng đặc biệt là trình độ nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ của hướng dẫn viên.
2.2.4. Sản phẩm du lịch.
– Sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng gắn liền với tài nguyên biển và đảo chiếm vị trí quan trọng đối với du lịch tại vịnh Bái Tử Long. Qua phân tích động cơ mục đích khách du lịch đến tham quan vịnh cho thấy: 58% khách du lịch đến đây là đều gắn liền với tắm biển và nghĩ dưỡng tại các bãi biển, còn 20% đi tham quan du lịch sinh thái, 10% tham quan tài nguyên văn hóa (Tổng hợp điều tra của tác giả, năm 2013). Sản phẩm du lịch gắn liền với biển đảo gồm sản phẩm liên quan đến cơ sở lưu trú, các khu du lịch hầu hết được đầu tư tại các khu vực có bãi biển, gần biển và trên một số đảo lớn có người; sản phẩm gắn liền với dịch vụ vui chơi giải trí trên các bãi biển như tắm biển, lặn biển, thuyền, ca nô, dịch vụ cảm gác mạnh… Sản phẩm dịch vụ đi lại trên biển để tham quan các đảo hoặc đến các đảo bằng các phương tiện tầu cao tốc, ca nô, thuyền buồm, thuyền máy… Dịch vụ ăn uống cho khách du lịch, khách đến vịnh thường sử dụng ít nhất một món có liên quan đến hải sản biển như tôm, cua, cá…
– Sản phẩm du lịch sinh thái. Số lượng khách đến vịnh có đi tham quan hệ sinh thái biển và VQG có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và tần xuất số lần đến.
– Sản phẩm du lịch văn hóa. Số lượng khách hành hương vào đầu năm đến các di tích trên địa bàn có tăng nhưng chủ yếu vào các ngày lề hội hoặc đầu xuân.
2.3. Các vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững biển đảo vịnh Bái Tử Long
2.3.1. Ô nhiễm môi trường từ chất thải du lịch tại vinh Bái Tử Long.
Theo Viện nghiên cứu và Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch và các Dự án về du lịch cho thấy lượng rác trung bình (hệ số thải) đối với nhân viên lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 0,3 kg/người/ngày và đối với khách du lịch đến vịnh là 3kg/người/ngày. Từ cơ sở này cho thấy tổng số lượng rác thải năm 2013 từ hoạt động du lịch thải ra vịnh được tính: Lượng rác thải từ khách du lịch là 460.680 ngày khách/năm x 3 kg = 1.382,04 tấn/ năm; Lượng rác thải từ lao động trực tiếp là 518 người x 0,3 kg/ngày/ người x 240 ngày/ năm (tính trung bình mỗi tháng lao động làm 20 ngày, tương ứng 240 ngày/năm) = 37,296 tấn/năm. Như vật tổng số lượng rác thải từ hoạt động du lịch ra vịnh là 1.419,336 tấn/năm, thành phần rác thải chủ yếu là bao bì giấy bánh kẹo, vỏ chai nhựa, bao bì nilon, các loại bao bì nước giải khát, thức ăn thừa. Hiện trạng về công tác thu gom đối với rác thải và rác từ lá cây… ở trên bờ, đất liền thì do các công nhân môi trường đô thị tại các đảo thu gom, tuy nhiên một số lượng rác thải do khách hay do tác động của thiên nhiên rơi xuống nước biển thì không được thu gom do tại vịnh Bái Tử Long rộng lại nằm chia cắt bởi các đảo nên chưa có đội thu gom rác thải như trên vịnh Hạ Long.
Nước thải. Nước thải từ du lịch tại vịnh Bái tử Long chủ yếu là nước thải từ các cơ sở lưu trú còn các dịch vụ khác có liên quan đến nước thải như nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí có nhưng só lượng không đáng kể so với các khu vực khác. Qua công tác điều tra khảo sát các cơ sở lưu trú trên địa bàn vịnh cho thấy các cơ sở lưu trú chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, chủ yếu sử dụng phương pháp xử lý thô qua hệ thống lắng đọng bể chứa và nước thải tự thẩm thấu qua đât hoặc chảy tràn ra các hệ thống nước thải công cộng và chảy ra biển hoặc môi trường xung quang. Theo Viện nghiên cứu Và phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch và tính toán của các chuyên gia về du lịch, cho thấy tiêu chuẩn định lượng về nước sinh hoạt cấp cho mỗi khách du lịch khoảng từ 250 lít/ngày và lao động từ 70 lít/ngày và lượng nước thải ra môi trường bằng 80% lượng nước cấp. Như vậy lượng nước cấp cho hoạt động du lịch năm 2013 là: Lượng nước đối với khách du lịch là 460.680 ngày khách/năm x 250 lít/ngày khách = 115,170 triệu lít nước cấp; đối với lao động trực tiếp là 518 người x 240 ngày/ năm x 70lit/ ngày = 8,7024 triệu lít/ năm. Vậy tổng lượng nước cấp cho hoạt động du lịch 1 năm là là 123,8724 triệu lít nên tổng lượng nước thải từ hoạt động du lich ra môi trường vịnh vào khoảng 99,1 triệu lít chưa được thu gom và xử lý triệt để.
2.3.2. Phá hủy nơi cư trú tự nhiên của hệ sinh thái tại VQG Bái Tử Long và hệ sinh thái biển.
Qua khảo sát các nhà hàng và các điểm phục vụ ăn uống tại các đảo cho thấy hầu hết các món ăn đều có sử dụng tài nguyên biển, thậm chí một số hệ sinh thái quý hiếm để phục vụ yêu cầu khách. Do khai thác hải sản quá mức và không hợp lý để phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản biển cho du khách dẫn đến các cư dân tại vịnh đã sử dụng một số dụng cụ để tăng năng suất đánh bắt, nhất là các hoạt động đánh bắt ven bờ có độ sâu dưới 30 m tại các đảo như sự dụng kích điện để đánh bắt tôm, cá, sử dụng các dụng cụ hiện đại để soi sá sùng tại các bãi triều và hiện tượng khai thác các loại hải sản chưa đến tuổi trưởng thành chiếm khá cao đã làm nguy cơ cạn kiệt và bảo tồn nguồn giống hải sản và các sinh vật quý hiếm tại vịnh. Một số địa điểm và một số khu vực nạn khai thác san hô phục vụ cho du lịch tại số chợ và điểm bán hàng dẫn đến phá hủy hệ sinh thái san hô thông qua sử dụng thuốc nổ để lấy san hô đã làm cạn kiệt nguồn tôm giống và các đàn cá gần bờ và ảnh hưởng lớn đến môi trường biển.
Trên một vài địa điểm các cơ sở bán hàng mỹ nghệ từ hải sản phục vụ khách du lịch: đây là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt một số loài san hô, trai ốc, tôm hùm và đồi mồi. Việc buôn bán cá cảnh biển phát triển ở một số trung tâm du lịch kéo theo việc đánh bắt cá quá mức trên các rạn san hô. Sự khai thác quá mức và không hợp lý ở vùng biển ven bờ đang là mối đe dọa lớn cho nhiều loài sinh vật biển, đó cũng là nguyên nhân làm mất cân bằng tự nhiên của các quần xã ven bờ.
Hoạt động tham quan, du lịch cũng làm ảnh hưởng đến số lượng, nơi cư trú và sinh sản của một số loài chim sinh sống ở các khu rừng ngập mặn, VQGBTL, vùng đất ngập nước ven bờ, các hoạt động du lịch ở rừng ngập mặn như tham quan đi bộ trong rừng, ngắm cảnh, chụp ảnh, săn bắn, khám phá,… gây ra tiếng động mạnh hay phá hủy một số nơi cư trú của một số loài động, thực vật ở nơi đây, làm thay đổi tập tính và đời sống của chúng.
Môi trường ven bờ của các đảo trên vịnh đang chịu sự tác động của những nguồn ô nhiễm từ đất liền do chất thải sinh hoạt của du khách vãng lai, các chất thải này có nguy cơ làm thay đổi chất lượng nước, các hệ sinh thái vùng ven bờ. Từ đó dẫn đến mất đa dạng sinh học do ô nhiễm và phá hủy môi trường sống. Sự thay đổi của một số hợp phần tự nhiên hoặc sự mất đi của một số loài sinh vật cấu thành nên hệ sinh thái nào đó dưới tác động của con người sẽ là nguyên nhân làm thay đổi, thậm chí mất đi hệ sinh thái đó và kết quả là tài nguyên sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Các chất thải rắn từ hoạt động du lịch nếu không được quản lý tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường vùng ven bờ.
Hầu hết các khách du lịch đến vịnh Bái Tử Long đều sử dụng phương tiện tàu để cho chuyến tham quan dẫn đến việc gia tăng số lượng các chuyến tàu ra đảo; các tàu tham gia vận chuyển khách du lịch tại vịnh chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, chất lượng kém hơn so với các tàu tại vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó ý thức của các thuyền viên trên tàu chưa được tập huấn về công tác bảo vệ môi trường nên dẫn đến các hiện tượng xả thải cặn dầu, nước thải xuống biển dẫn đến hiện tượng váng dầu nổi lên tại các tàu và điểm neo đậu của tàu.
Do nhiều bãi biển tại vịnh Hạ Long không còn vị trí cho các dịch vụ nên xu hướng nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm các bãi mới tại vịnh BTL để xây dựng các bãi tắm, các cơ sở dịch vụ mới để phục vụ khách dẫn đến việc xây dựng các công trình du lịch trên cát cồn cát nhạy cảm thường gây ra xói mòn, thay đổi tính chất bờ biển và dần dần mất đi một số loài sinh vật phát triển trên một số hệ sinh thái cát ven biển tại mộ số đảo.
Tóm lại, tác động của du lịch ở vùng vịnh BTL đang có nguy cơ đến phát triển bền vững biển đảo tại khu vực. Vậy cần có giải pháp vừa phát triển du lịch biển đảo bền vững tại vịnh cần dựa vào các nguyên lý của sự bền vững; cần phải có sự cân đối giữa phát triển du lịch và bền vững thiên nhiên và môi trường; cần có sự tham gia có trách nhiệm của các chủ thể đối với tài nguyên tại vịnh.
3. Giải pháp phát triển du lịch biển đảo bền vững.
3.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch:
– Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông đường không, đường bộ, đường biển và nâng cấp các cửa khẩu quốc tế để tạo thuận lợi phát triển du lịch tại các trọng điểm phát triển du lịch.
– Nhà nước ưu tiên sách đầu tư hạ tầng đến tận ranh giới quy hoạch của các khu du lịch vì đây là khu du lịch quốc gia theo quy định của Luật du lịch.
– Ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện môi trường tại khu du lịch.
– Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng thay thế; tiết kiệm năng lượng và nước; triển khai công nghệ “3R” trong hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt hoạt động trên các đảo.
– Thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch để huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
– Áp dụng biện pháp ưu đãi (về thuế, lệ phí, tiền sử dụng đất, cho vay vốn…) đối với các dự án, lĩnh vực ngành nghề thuộc khu vực vùng ven biển, hải đảo.
3.2. Cơ chế, chính sách về thuế:
– Ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn nhằm thu hút đầu tư, làm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ tại các đảo, ven biển của Vịnh.
– Ưu tiên, miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án ưu tiên đã được xác.
– Có chế độ hợp lý về thuế, đặc biệt đối với thuế thuê đất đối với những không gian cảnh quan mở rộng; về giá điện, nước khu vực Vinh.
3.3. Giải pháp bảo vệ môi trường đối với hoạt động kinh doanh du lịch.
+ Đối với dịch vụ lưu trú du lịch
Bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch thực chất là thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Xây dựng cơ sở lưu trú phải thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành Du lịch và của địa phương, không xây dựng tràn lan; phải đảm bảo tiêu chuẩn xếp hạng và quy chuẩn xây dựng, tránh lãng phí;
– Công trình xây dựng cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần quan tâm tới thiết kế, xây dựng phù hợp với môi trường xung quanh về độ cao, màu sắc trang thiết bị nội thất, phải đảm bảo yêu cầu thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải độc hại, tăng cường sử dụng vật liệu địa phương và nhân công địa phương; khuyến khích chiếu sáng, thông gió tự nhiên;
– Quản lý tốt công tác xây dựng: sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, lao động, quản lý chất thái, tiếng ồn, an ninh, trật tự để không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
– Cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần phải có kế hoạch đầu tư mua sắm trang thiết bị, nguyên vật liệu, thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, tố chức, triển khai áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường;
– Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên (đất, nước…), năng lượng (điện, gas…), nguyên vật liệu thực phẩm; khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên (năng lượng mặt trời) cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của khách sạn;
– Quản lý và xử lý rác thải, nước thải, khí thải hợp vệ sinh;
– Quản lý tiếng ồn;
– Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, đối tác, khuyến khích du khách và cư dân xung quanh cơ sở lưu trú du lịch thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường;
– Phổ biến thông tin, tập huấn, đào tạo và tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức và kinh nghiệm báo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch;
– Hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường;
– Gây quỹ môi trường để đầu tư thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường.
+ Đối với các phương tiện vận chuyển.
– Tăng cường nâng cao chất lượng phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Chất lượng tàu này không chỉ đảm bảo tải lượng thải đảm tiêu chuẩn mà còn đảm bảo chất lượng an toàn và tính thẩm mỹ cho khách. Hiện nay, các tàu khai thác đang còn lẫn lộn giữa tàu vận chuyển, tàu hàng hóa đưa phục vụ khách du lịch nên cần phải có đăng kiểm riêng cho loại tàu du lịch riêng.
– Tăng cường kiểm tra xả thải. Cần quản lý chặn chẽ nguồn thải dầu cặn của các thuyền và số lượng nước thải Lacanh trên các tàu tham gia hoạt động trong vùng vịnh.
– Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho đội ngũ thuyền viên. Ý thức của thuyền viên góp phần quan trọng đối với bảo vệ môi trường biển, nâng cao họ không chỉ đối với cá nhân họ và còn thông qua các thuyền viên này để quản lý bảo vệ tài nguyên trên vịnh. Hình thức nâng cao là mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, bồi dưỡng về hình thức xử lý các tai nạn rủi ro liên quan đến môi trường như tràn dầu, cháy nổ…
3.4. Giải phát phát triển sản phẩm du lịch biển đảo.
3.5. Giải pháp quy hoạch du lịch và quản lý quy hoạch.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Văn Ninh (2004), Thương cảng Vân Đồn. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
2. Huyện ủy Vân Đồn (2010), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vân Đồn tại đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2010 – 2015.
3. Huyện ủy Vân Đồn (2013), Báo cáo kiểm điểm 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đaị hội Đảng bộ huyện Vân Đồn lần thứ XXII.
4. Phòng Kinh tế – Hạ tầng, huyện Vân Đồn (2012), Thuyết minh báo cáo quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn
5. Phòng Văn hóa Thông tin (2013), Tổng hợp các chỉ tiêu phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vân Đồn giai đoạn 2007-2013.
6. Quyết định số 1296-QĐ/TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 về “Phê duyệt quy hoach chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
7. Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các năm từ 2007 đến 2013.