Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”
1. Đặt vấn đề
Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi về biển. Lãnh thổ đất liền của Việt Nam được bao bọc bởi bờ biển Đông trải dài trên 3.200 Km trên 3 hướng : Đông, Nam và Tây Nam. Trung bình cứ 100 Km2 diện tích đất liền Việt Nam có 1 Km bờ biển, tỷ lệ vào loại cao so với tỷ lệ trung bình của thế giới (600 Km2 đất liền mới có 1 Km bờ biển). Bờ biển của Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam vì thế biển có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Biển Đông với diện tích khoảng 3,4 triệu km2 được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Phillipine, Malaysia, Bruney, Indonesia, Thailand, Campodia và Singapore, là một biển lớn có tầm quan trọng thứ 2 trên thế giới sau biển Địa Trung Hải; là một bộ phận quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là một đầu mối giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch giữa Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và giữa các nước Châu Á với nhau. Khu vực này được đánh giá là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Việt Nam nằm ở trung tâm Biển Đông, vì vậy Biển Đông có vị trí vô cùng quan trọng đối với Việt Nam về các mặt chiến lược, kinh tế, an ninh quốc phòng trước mắt và lâu dài. Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, trong đó trước hết là cá biển với trữ lượng khoảng 3 triệu tấn, cho phép khai thác từ 1,2 đến 1,4 triệu tấn /năm; dầu khí với trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu, 250-300 tỷ m3 khí đồng hành. Với diện tích và vị trí địa lý thuận lợi về biển, biển Việt Nam vừa là điều kiện để liên kết kinh tế giữa các vùng, các miền trong nước, vừa là cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài các quần đảo Hoàng Sa (thuộc TP. Đà Nẵng) và Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) ở vùng biển khơi, hệ thống đảo ven bờ Việt Nam có khoảng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích phần đất nổi là 1.720 Km2, trong đó chủ yếu là các đảo nhỏ, chỉ có 84 đảo có diện tích từ 1,0 Km2 trở lên. Đảo Phú Quốc (558 Km2), đảo Cái Bàu (194 Km2), đảo Cát Bà (160 Km2) là những đảo ven bờ có diện tích lớn nhất.
Lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo nơi diễn ra du lịch biển, đảo và vùng ven biển (sau đây gọi tắt là du lịch biển), về mặt hành chính bao gồm 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với diện tích tự nhiên là 126.747 Km2,, dân số (2010) là 37,2 triệu bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước (Phụ lục 1). Lãnh thổ du lịch biển là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng và phong phú cho phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt là du lịch bởi trên lãnh thổ này hiện tập trung tới 07/13 di sản thế giới ở Việt nam; 06/08 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá – lịch sử; v.v.
Ở Việt Nam, du lịch biển có vai trò đặc thù và vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 đư¬ợc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong số đó đã có tới 5 khu vực là thuộc dải ven biển. Mặc dù cho đến nay, nhiều tiềm năng đặc sắc của du lịch biển, đặc biệt là hệ thống đảo, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng, cho dù ở dải ven biển hiện đã có tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48-65% lượng khách du lịch.Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch Việt Nam.
Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội dải ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu ng¬ười trong độ tuổi lao động và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.
Với không gian rộng lớn của dải ven biển với hàng ngàn đảo ven bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, du lịch biển với nhiều sản phẩm đặc thù, đóng vai trò rất quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Bên cạnh các dự án phát triển du lịch ở dải đất ven biển, các dự án quy mô lớn phát triển du lịch đảo sẽ là những điểm nhấn, là động lực chính phát triển du lịch biển Việt Nam.
Trong phát triển kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng hiện đang đứng trước những vấn đề lớn về môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm, tai biến và sự cố môi trường biển, và vấn đề mực nước biển dâng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu lồng ghép các mục tiêu phát triển du lịch biển trong mối quan hệ với môi trường nhằm đảm bảo được sự phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch biển là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh phát kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Trong bối cảnh trên, việc nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Viêt Nam đến năm 2020” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xác định rõ các định hướng phát triển chủ yếu của du lịch biển trong mối quan hệ với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; với các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế biển; đảm bảo khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế về du lịch biển gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế.
2. Mục tiêu và giới hạn của Đề án
Mục tiêu của đề án là xác định những định hướng dài hạn và tổng hợp, toàn diện về du lịch biển thời kỳ đến năm 2020, góp phần đưa du lịch biển trở thành ngành mũi nhọn của kinh tế biển vào năm 2020 góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh” (Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020) và góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của đất nước.
Giới hạn về lãnh thổ nghiên cứu của Đề án là vùng biển quốc gia, hải đảo (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng đất ven biển thuộc 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có biển
Tuy nhiên do hoạt động du lịch biển diễn ra chủ yếu ở không gian của 138 thành phố (thuộc tỉnh), huyện/thị có biển (sau đây được gọi là dải ven biển), và 12 huyện đảo (Phụ lục 2), việc nghiên cứu, đặc biệt là phân tích các nguồn lực phát triển du lịch biển, những vấn đề tác động đến du lịch biển, sẽ được tập trung nhiều hơn đối với dải ven biển, vùng nước biển ven bờ và hệ thống các đảo.
Về mặt thời gian, Đề án này bao quát chủ yếu cho thời kỳ 10 năm từ 2011 – 2020. Tuy nhiên tuỳ thuộc từng vấn đề, do yêu cầu phát triển, đòi hỏi có tầm nhìn xa hơn tới 30 – 50 năm.
Thời gian để phân tích hiện trạng tập trung vào thời kỳ 2000 – 2008.
3. Phương pháp xây dựng Đề án
Các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu xây dựng Đề án bao gồm:
– Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp cơ bản và quan trọng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển. Nghiên cứu về phát triển du lịch có quan hệ chặt chẽ với các điều kiện tự nhiên, các điều kiện về văn hóa và kinh tế – xã hội, vì vậy phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng đề án. Tính hệ thống còn được thể hiện ở việc kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình có liên quan.
– Phương pháp điều tra thực địa: Công tác thực địa có mục đích cơ bản là kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu; đối chiếu và lên danh mục cụ thể từng đối tượng nghiên cứu; sơ bộ đánh giá mức độ ảnh hưởng của các điều kiện có liên quan đến phát triển du lịch biển.
– Phương pháp thống kê: Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình ; đối chiếu so sánh biến động về tài nguyên, môi trường du lịch, hoạt động phát triển du lịch với biến đổi các điều kiện liên quan. Ngoài ra, phương pháp thống kê còn được vận dụng nghiên cứu trong đề án để xác định hiện trạng hoạt động du lịch biển thông qua các chỉ tiêu phát triển ngành cơ bản.
– Phương pháp sơ đồ, bản đồ: Đây là phương pháp cần thiết trong quá trình nghiên cứu biến động liên quan đến tổ chức lãnh thổ du lịch biển. Bản đồ được sử dụng chủ yếu theo hướng chuyên ngành để phân tích sự phân bố của các đối tượng trong không gian; đánh giá khả năng phát triển du lịch với phân bố tài nguyên du lịch của lãnh thổ.
– Phương pháp chuyên gia: Ngoài các phương pháp được đề cập ở trên thì phương pháp chuyên gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình nghiên cứu đề án. Bản thân du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có liên quan đến nhiều lĩnh vực, do vậy muốn đảm bảo cho các đánh giá tổng hợp các điều kiện liên quan đến phát triển du lịch biển đòi hỏi cần có sự tham gia của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan.
4. Căn cứ pháp lý thực hiện Đề án
– Luật Du lịch (44/2005/QH11 ngày 15/6/2005) và Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 1/6/2007 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều tại Luật Du lịch;
– Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều tại Luật Di sản Văn hóa;
– Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) và các văn bản dưới luật có liên quan;
– Luật Bảo vệ môi trường (2005) và các văn bản dưới luật có liên quan;
– Luật Đa dạng sinh học (2008) và các văn bản dưới luật có liên quan;
– Luật Đất đai (2003) và các văn bản dưới luật có liên quan;
– Luật Tài nguyên nước (1998) và các văn bản dưới luật có liên quan
– Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
– Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;
– Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo;
– Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020;
– Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
– Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010;
– Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHTT Phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010;
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 1482/QĐ-BVHTTDL ngày 21/4/2009 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc giao nhiệm vụ lập Đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020;
– Quyết định số 160/QĐ-TCDL, ngày 29/4/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí thực hiện Đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020.
Ngày 15/8/2013, Bộ trưởng Bộ VHTT & DL đã ký Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL Về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Toàn văn quyết định: QĐ_PD_Biển_Đảo.pdf
Toàn văn đề án được đính kèm và có thể xem và download tại đây