Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Giải pháp đưa Đờn ca tài tử đến với du khách và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào Đờn ca tài tử

       Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Việt Nam đã không ngừng bồi tụ, giao lưu-tiếp biến, trở thành một nền văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thống nhất trong đa dạng mà biểu hiện là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu vừa được UNESCO công nhận năm 2013 đó là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Yêu cầu đặt ra là việc bảo tồn, phát huy những giá trị tinh túy văn hóa của dân tộc nói chung và đờn ca tài tử nói riêng đang trở thành nhiệm vụ chiến lược và cấp bách nhằm phát huy nội lực mềm và sức mạnh tổng thể cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

       Du lịch được xem là ngành công nghiệp mà trụ cột dựa trên những giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành di sản, mang bản sắc riêng của dân tộc, vùng, miền, địa phương. Toàn cầu hóa đang diễn ra đồng thời với xu hướng tôn vinh giá trị địa phương (globaly vs. localy). Trong xu hướng ấy, di sản đờn ca tài tử-tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào Nam bộ-đang trong quá trình nhào nặn cấu thành sản phẩm du lịch độc đáo đến với du khách, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Với ý nghĩa đó, bài viết gợi ý một số giải pháp đưa đờn ca tài tử đến với du khách và qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch vùng Nam bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

    HT-ĐCTT

       1. Giá trị nào của Đờn ca tài tử hấp dẫn du khách?

       Các chuyên gia về văn hóa, nghệ thuật, sử học hay đờn ca tài tử học… sẽ có đủ những phương pháp, cứ liệu minh chứng và lột tả tất thảy những giá trị vô tận của nghệ thuật đờn ca tài tử mà qua chiều dài lịch sử hình thành và phát triển ông cha ta đã để lại ngày hôm nay. Tuy nhiên, dưới góc độ du lịch, cụ thể là sự mong đợi của du khách có thể cảm nhận được những giá trị của đờn ca tài tử lại rất hữu hạn và cần được truyền tải thông qua hình thức, phương pháp nhất định. Muốn đưa đờn ca tài tử đến với du khách thì trong muôn vàn những giá trị tinh hoa của đờn ca tài tử, trước hết phải nhận diện được những giá trị cụ thể của đờn ca tài tử có sức hấp dẫn và sẽ thỏa mãn sự mong đợi của du khách.

       • Giá trị nghệ thuật biểu diễn độc đáo: đó là việc nhạc công sử dụng các nhạc cụ (đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, đàn tỳ bà, sáo, song loan, sau nay có thêm đàn ghita phím lõm) diễn tấu và đệm cho người hát với hệ thống bài bản, giai điệu rất phong phú, giàu cung bậc tình cảm, nhiều kỹ thuật phức tạp, điêu luyện-tính cộng đồng trong nghệ thuật dân gian nói chung.
       ==> Sự tinh tế trong lời ca, điệu nhạc, tính cộng đồng trong biểu diễn hiện văn hóa cộng đồng của người dân Nam Bộ- đoàn kết, phóng khoáng, dân dã, đôn hậu, thật thà…chính là tổng hòa những giá trị đặc biệt, độc đáo khiến cho Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản văn hóa thế giới phi vật thể, đồng thời cũng chính là điểm nhấn, điểm nổi bật có sức hấp dẫn du khách, tạo cho du khách những cảm xúc trở về với quá khứ, hòa mình với không gian văn hóa vùng Nam bộ và hiểu sâu hơn vùng đất và con người, lối sống nơi đây trong quá khứ và hiện tại.

       • Giá trị nghệ thuật âm nhạc: Đờn ca tài tử thể hiện sự phức tạp về số lượng thang âm, kỹ thuật chơi nhạc điêu luyện, phương pháp âm điệu; sự độc đáo, khác biệt mới lạ làm cho du khách hứng thú khi thưởng thức, tìm hiểu. Những cung, bậc, điệu nhạc của đờn ca tài tử là có một không hai trên thế giới mà du khách khi có cơ hội sẽ nảy sinh nhu cầu thưởng thức và hiểu biết thêm những giá trị mới, độc đáo trong kho tàng âm nhạc của nhân loại.

       • Giá trị nghệ thuật thẩm mỹ: đó là những nét đẹp đơn sơ mộc mạc gần gũi của con người thể hiện trong nội dung lời ca, câu truyện của cuộc sống, vẻ đẹp trong quan hệ tình người… điển hình như “dạ cổ hoài lang” nổi tiếng và bất diệt của Cao Văn Lầu về vẻ đẹp trong quan hệ vợ chồng đã làm nức lòng du khách gần xa. Giá trị thẩm mỹ thể hiện những nét đẹp trong nội dung lời hay, ý đẹp, con người thể hiện, khung cảnh chân thực sống động gắn với cuộc sống giản dị đời thường.

       • Giá trị đạo đức nhân văn: dùng lời ca, điệu ngạc, hình thức, phong cách biểu diễn để diễn tả nội dung những giá trị đạo đức, nhân văn, những chuẩn mực cuộc sống, tạo không gian sức sống cộng đồng, đưa con người gần nhau hơn bằng tính nhân văn trong quan hệ người với người, giữa người dân địa phương với du khách; phân biệt yêu-ghét rõ ràng để hình thành những giá trị chân-thiện-mỹ, tạo cho con người và cả du khách hướng thiện, hướng tới những giá trị cuộc sống đầy tính nhân văn.

       • Giá trị vật thể và phi vật thể liên quan khác: Sự tinh tế, độc đáo của nhạc cụ, hệ thống tư liệu về các bản nhạc cổ, về quá trình hình thành và phát triển, các địa danh gắn với nghệ sĩ nổi tiếng, lễ hội, những câu truyện, giai thoại về cuộc sống… Đây sẽ là nguồn cảm hứng thu hút, hấp dẫn du khách có nhu cầu tìm hiểu khám phá về nghệ thuật này.

       Những giá trị hiện hữu kể trên chứa đựng trong đờn ca tài tử sẽ là nguồn cảm hứng vô tận để nhào nặn thành những hoạt động biểu diễn, trưng bày, thuyết minh trong quá trình thiết đãi khách. Trên cơ sở đó sản phẩm du lịch được hình thành phục vụ từng loại khách khác nhau, từng thời điểm khác nhau, ở từng không gian khác khau với diễn xuất của từng nhóm cộng đồng dân cư khác khau hoặc thông qua mạng lưới các nhà hát, câu lạc bộ đờn ca tài tử.

       2. Du khách mong đợi gì ở Đờn ca tài tử?

       Khẳng định rằng văn hoá là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch Việt Nam, tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam. Chính tính sự độc đáo-duy nhất và mới lạ của văn hóa Việt quyết định đến sự hấp dẫn du khách và trở thành động cơ hay lý do để du khách lựa chọn sản phẩm du lịch nào đó, điểm đến nào đó ở Việt Nam. Vậy đến với đờn ca tài tử Nam bộ, du khách mong đợi được thụ hưởng những gì:

       • Muốn được xem/thưởng thức biểu diễn toàn thể hay trích đoạn các bài ca, vở diễn, tác phẩm đờn ca tài tử, có thể tại nhà hát, câu lạc bộ, cộng đồng dân cư thôn ấp, trên cánh đồng, miệt vườn, trên các con thuyền, ghe… Với hoạt động này du khách muốn được đắm mình vào không gian văn hóa Nam bộ thông qua nghệ thuật biểu diễn đờn ca tài tử. Ở đây du khách còn có nhu cầu hiểu nội dung, cốt chuyện, khung cảnh ra đời, nghệ sỹ sáng tác hay tác phẩm dân gian, nghệ sỹ biểu diễn hay sinh họat cộng đồng… Như vậy bên cạnh việc thưởng thức biểu diễn cần có những diễn giải phụ họa làm cầu nối để du khách hiểu hơn về ý nghĩa, nội dung triết lý của tác phẩm.

       • Muốn tìm hiểu thêm một bước về nghệ thuật độc đáo này: được nghe thuyết trình, giới thiệu, xem phim… về lịch sử hình thành và phát triển gắn với các tác phẩm nổi tiếng, nghệ sỹ nổi tiếng, cấu tạo và vai trò của từng nhạc cụ…muốn được chiêm ngưỡng những nhạc cụ, hình ảnh về các sự kiện, hoạt động diễn hát trong lịch sử và ở các địa phương; được xem trưng bày những sự việc, hình ảnh, con người gắn với loại hình nghệ thuật này

       • Muốn được giao lưu, hòa mình trong không gian văn hóa, cuộc sống của người dân nơi có nghệ thuật độc đáo này; du khách thích được hỏi chuyện, được nghe kể về những câu truyện, giai thoại trong bài hát, được biết sự tích cổ xưa mà liên quan đến ngày nay; muốn được sống chung, được tham gia lễ hội, được uống trà, ăn cơm cùng người dân, giao lưu, hát cùng người dân có sự trợ giúp của nghệ sỹ…

       • Muốn có những dấu ấn, lưu giữ những kỷ niệm và tự hào về chuyến đi với những trải nhiệm, sự am hiểu về nghệ thuật độc đáo này để kể cho bạn bè và người thân cũng như lưu giữ cho chính mình. Vật lưu niệm về nhạc cụ, băng đĩa lời bài ca đã được dịch ra ngôn ngữ mẹ đẻ, chụp hình, sách viết về đờn ca tài tử…là những gì mà du khách mong có được khi đến với đờn ca tài tử.

       • Muốn được thể hiện mình với tình yêu âm nhạc, yêu con người và cuộc sống nơi đây và có nguyện vọng đóng góp vào việc bảo tồn và tôn vinh nghệ thuật truyền thống độc đáo này cho con cháu mai sau, các thế hệ du khách trong tương lai.

       Còn rất nhiều những giá trị khác nữa trong quá trình thiết đãi du khách người ta phát hiện ra những chi tiết có thể rất nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn và tạo ấn tượng đặc biệt sâu sắc đối với du khách. Đối với mỗi loại khách khác nhau mà có mong đợi khác nhau. Khách đi theo Tour du lịch đến với di sản văn hóa phi vật thể có hoạt động tới tham quan làng quê, hay địa danh-nơi gắn với quá trình hình thành và phát triển di sản, các nhà hát, câu lạc bộ, hoặc nghệ sĩ-nhân vật nổi tiếng của di sản; được tặng hoặc mua các sản phẩm của văn hóa đương đại (phim, ảnh, tư liệu sách…) ghi lại di sản văn hóa một cách chân thực. Khách du lịch với mục đích nghiên cứu mong muốn được trải nghiệm, nghiên cứu di sản văn hóa để phục vụ sở thích hay công việc. Họ không chỉ dừng lại ở việc quan sát, cảm nhận, thưởng thức các giá trị di sản, họ kỳ vọng được thực hành, trải nghiệm, đi sâu và nghiên cứu tính khoa học, độc đáo của di sản qua nhiều hoạt động tiếp cận di sản sống động và chân thực. Trong quá trình tham quan, có sự kết nối quá khứ với cuộc sống đương đại thông qua học tập, nghiên cứu.

       3. Giải pháp đưa Đờn ca tài tử đến với du khách

       Về phía cộng đồng điểm đến, trên cơ sở phân tích những giá trị hấp dẫn du lịch của đờn ca tài tử, tính đến những kỳ vọng, mong đợi của du khách khi đến với đờn ca tài tử, thì những ý tưởng hành động dưới đây cần xem xét, đầu tư và triển khai để thu hút khách và mang lại những trải nghiệm cho du khách đúng với mong đợi của họ.

       a) Sưu tầm, phục hồi, tạo dựng tư liệu, biên tập nội dung, làm sáng tỏ giá trị, tái hiện lịch sử hình thành phát triển của loại hình nghệ thuật này; nhấn mạnh tính độc đáo, khác biệt và hấp dẫn của nó nhằm thông tin quảng bá, giới thiệu loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với thị trường du lịch, thu hút khách. Đây là nhiệm vụ đầu tiên mà các cấp chính quyền, cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm có chính sách, định hướng, hỗ trợ; tổ chức xã hội, đoàn thể đồng hành cùng cộng đồng dân cư chủ động triển khai trước khi quá muộn khi bị mai một, mất đi vĩnh viễn những giá trị di sản còn lại. Nhiệm vụ này nhằm bảo tồn kho tàng giá trị di sản đờn ca tài tử, để có “cái” thiết đãi khách. Đồng thời với việc bảo tồn là việc truyền dạy và phổ biến sinh hoạt đờn ca tài tử khắp các địa phương trở thành món ăn tinh thần, niềm tự hào trong đón tiếp và thiết đãi du khách.

       b) Tổ chức các hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử trong khuôn khổ các lễ hội địa phương; đầu tư phát triển mạng lưới các nhà hát, câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng… trở thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử thường xuyên và vào các sự kiện nổi bật trong năm. Lịch trình biểu diễn này là cơ sở để “chào hàng” tới các hãng lữ hành xây dựng chương trình du lịch đến với đờn ca tài tử hoặc du khách tự tìm kiếm thống tin đi du lịch tới thưởng thức biểu diễn đờn ca tài tử. Trong vùng Nam bộ, đặc biệt là Bạc Liêu hoặc Long An cần đầu xây dựng thương hiệu Đờn ca tài tử Nam bộ với điểm nhấn là Nhà hát Đờn ca tài tử gắn với Điểm du lịch quốc gia Lưu niệm Cao Văn Lầu. Nhà hát có tầm cỡ quốc gia này sẽ là nơi hội tụ những sự kiện, nghệ sỹ, danh nhân, du khách gắn với các hội thi, lưu diễn…có tiếng vang toàn quốc về Đờn ca tài tử và các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian.

       c) Quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn Đờn ca tài tử trong toàn vùng gắn với các công trình dịch vụ công cộng, nơi sinh hoạt động đồng và hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch để tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận thuận lợi với đờn ca tài tử. Các địa điểm biểu diễn cần đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, phù hợp với không gian, an toàn, vệ sinh, tiện nghi và kết nối với các điểm du lịch, điểm dân cư. Ở mỗi địa phương điểm đến du lịch cần bố trí tạo 1 không gian công cộng để giao lưu giữa cư dân địa phương với du khách-nơi hội tụ đủ hấp dẫn-để có thể biểu diễn đờn ca tài tử định kỳ trong tuần. Trong các chương trình biểu diễn cần lưu ý hạn chế xu hướng sân khấu hóa mà cần thể hiện những giá trị chân thực, mộc mạc, giản dị của loại hình nghệ thuận âm nhạc độc đáo này. Tại các điểm biểu diễn cần kết nối thuận tiện với các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu niệm và các loại hình dịch vụ khác. Đặc biệt kết nối hiệu quả giữa đờn ca tài tử với văn hóa ẩm thực Nam bộ; đờn ca tài tử với văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long; đờn ca tài tử với hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng (MICE).

       d) Xây dựng bảo tàng, triển lãm, tượng đài, khu trưng bày, nhà lưu niệm… để trưng bày các nhạc cụ, tư liệu về bản nhạc cổ, tranh, ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng để làm sáng tỏ giá trị, tôn vinh hình ảnh nghệ thuật, nghệ nhân gắn với Di sản Đờn ca tài tử để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu thưởng ngoạn của khách du lịch trong và ngoài nước; tạo cơ hội cho các gia đình, dòng họ tham gia trưng bày, cống hiến vật trưng bày cho bảo tàng, triển lãm.

       e) Thiết kế sản xuất các vật dụng, sản vật địa phương, biểu tượng, tài liệu, địa nhạc, đĩa hình, nhạc cụ, sách ảnh giới thiệu…trở thành hàng lưu niệm mang dấu ấn địa danh, danh nhân đi liền với nghệ thuật đờn ca tài tử.

       f) Định kỳ 2 năm một lần tổ chức các Festival đờn ca tài tử trở thành sự kiện quốc gia cho đồng bào cả nước tụ hợp về các tỉnh Nam bộ để cùng nhau diễn xướng đồng thời là thời gian tập trung các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với đờn ca tài tử để cho du khách khắp nơi nô nức đổ về thưởng thức.

       4. Giải pháp phát triển sản phẩm du lich đặc thù dựa vào đờn ca tài tử

       Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm “…phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc… phát huy lợi thế quốc gia về văn hóa dân tộc, thế mạnh các vùng, miền… liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch…”. Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới được UNESCO vinh danh thì Đờn ca tài từ giờ đây là tài nguyên vô cùng đặc sắc để các doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam bộ (bao gồm vùng du lịch Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).

       Trên cơ sở những cố gắng của chính quyền và cộng đồng điểm đến trong việc bảo tồn và đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến với du khách như trình bày ở trên thì giải pháp đối với các doanh nghiệp lữ hành cần phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào đờn ca tài tử, nên chăng:

       • Khai thác những giá trị nổi bật và hấp dẫn du lịch của Đờn ca tài tử để xây dựng các chương trình du lịch đưa du khách đến thưởng thức đờn ca tài tử tại những địa danh gắn với nhiều tên tuổi lớn như: Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Mộng Vân… Tổ chức các tuyến du lịch nội vùng hoặc liên vùng tới Đồng bằng sông Cửu Long-cái nôi sinh ra đờn ca tài tử, đặc biệt là 2 tỉnh Bạc Liêu và Long An. Xác định thời gian, địa điểm, không gian thưởng thức đờn ca tài tử trở thành 1 trong những hoạt động chính không thể thiếu trong chương trình du lịch đến các tỉnh Nam bộ. Tuy nhiên, để đơn ca tài tử đủ hấp dẫn và trở thành hoạt động không thể thiếu trong chương trình du lịch thì phải có cố gắng nỗ lực đầu tư cả từ phía lữ hành và phía các địa phương, các cơ sở biểu diễn. Làm sao để mong đợi của du khách được thỏa mãn và tạo ra những trải nghiệm thú vị.

       • Thiết kế chương trình du lịch mà ở đó kết hợp tinh tế đờn ca tài tử với các điểm du lịch sinh thái, nơi nghỉ dưỡng, gắn đờn ca tài tử với ẩm thực, với văn hóa Ốc eo Nam bộ, văn hóa sông nước, miệt vườn, với du lịch khuyến thưởng… Hình thành các tour đến các nhà hát, câu lạc bộ đờn ca tài tử, các điểm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức cho khách giao lưu trải nghiệm và tham gia đờn ca cùng cư dân địa phương.

       • Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ cộng đồng dân cư về điều kiện phục vụ khách du lịch bên cạnh hoạt động đờn ca tài tử trong du lịch cộng đồng như hỗ trợ thông tin, kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách, điều kiện vệ sinh, an toàn và các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống, hướng dẫn tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương.

       • Doanh nghiệp đầu tư phát triển đội ngũ hướng dẫn viên về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về đờn ca tài tử để truyền tải tối đa những giá trị vốn có của đờn ca tài tử cho du khách.

       • Nhà nước có chính sách và chương trình hành động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù đến vùng Nam bộ gắn với đờn ca tài tử.

       • Nhà nước khuyến khích và bù giá cho doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình du lịch mang tính giáo dục lịch sử, du lịch về nguồn gắn với di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử cho đối tượng học sinh, sinh viên trong cả nước;

       Kết luận và kiến nghị

       Với những giá trị đặc sắc và vô tận, Đờn ca tài tử-di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang trở thành “món ăn” độc đáo và không thể thiếu đối với các chương trình du lịch đưa khách đến vùng Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Khai thác những giá trị nổi bật và hấp dẫn du lịch của Đờn ca tài tử cần có sự cố gắn nỗ lực cả từ phía chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong mối liên hệ mật thiết với văn hóa Nam bộ. Đón bắt những kỳ vọng và mong đợi của du khách, doanh nghiệp lữ hành cùng với cộng đồng điểm đến, các điểm biểu diễn và các cơ sở dịch vụ du lịch đang nỗ lực đưa đờn ca tài tử đến với du khách và dần hình thành sản phẩm du lịch đặc thù Nam bộ dựa vào đờn ca tài tử.

       Tuy nhiên, để những giải pháp đưa đờn ca tài tử đến với du khách và phát triển sản phẩm đặc thù dựa vào đờn ca tài tử được thực thi, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên thì nhất thiết Nhà nước cần có chính sách, chương trình khuyến khích, hỗ trợ và bảo đảm môi trường, điều kiện cần thiết để bảo tồn giá trị đích thực và toàn vẹn đối với di sản đờn ca tài tử; tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, hướng cho nhân dân thụ hưởng những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá cho di sản; Nhà nước cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ở đó lấy bảo tồn làm trọng và đi trước một bước; đồng thời lấy phát triển làm động lực bảo tồn; lấy du lịch có trách nhiệm với di sản là phương thức hữu hiệu để phát huy giá trị di sản bền vững, trong đó có đờn ca tài tử./.

    Tham luận tại Hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ” diễn ra ngày 23/04/2014 tại TP. Bạc Liêu.

     

    Bài cùng chuyên mục