Giải pháp tạo sự phát triển đột phá và bền vững của du lịch Bình Định
Bình Định là một trong 8 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, nơi biển xanh sóng vỗ dạt dào. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, từng là kinh đô của vương quốc Chămpa hùng mạnh từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, quê hương của những tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, đẹp cổ kính; Nơi núi non hùng vĩ ghi dấu bao chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, cuối thế kỷ XVIII mà lịch sử Việt Nam ghi nhận công lao to lớn ông và triều đại của ông với những đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước và những cải cách tiến bộ trong xây dựng đất nước; Đây cũng là nơi ghi lại những chiến công của quân và dân các dân tộc tỉnh Bình Định trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của thế kỷ XX; Nơi truyền thống thượng võ thấm sâu vào máu thịt người dân và tạo nên môn võ dân tộc được truyền bá rộng rãi trong và ngoài nước; Là nơi thăng hoa của nghệ thuật hát bội, bài chòi, nhạc Võ Tây Sơn; Nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng của nhiều danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc như Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến lan, Quách Tấn; Là quê hương của những làng nghề truyền thống như làng nghề rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè và là nơi lưu giữ những lễ hội truyền thống như lễ hội chợ Gò, lễ hội cư dân miền biển, lễ hội đổ giàn.., quê hương của những món đặc sản độc đáo với những phong tục, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Với bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như Quy Nhơn, Phương Mai, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi… tất cả đã tạo cho Bình Định là một trong những địa phương giàu tiềm năng và có những lợi thế cho phát triển du lịch.
Nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trên tuyến du lịch xuyên Việt, trong không gian du lịch “Hành lang Đông – Tây”, ở vị trí trung tâm của vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, cùng với những đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, cửa ngõ của vùng Tây Nguyên ra biển Đông, Bình Định có vị trí địa lý – kinh tế – chính trị quan trọng và thuận lợi trong giao thương, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch.
Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Bình Định đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Theo thống kê ước tính năm 2013, ngành du lịch Bình Định đón được gần 1.7 triệu lượt khách, tăng 16 % so với năm 2012 (trong đó khách du lịch quốc tế khoảng hơn 138.000 lượt, tăng15% và khách nội địa đạt 1.557.425 lượt, tăng 16 % so với năm 2012); Tổng thu du lịch đạt 603 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2012. Ngành du lịch Bình Định đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên xét về mặt tổng thể, sự phát triển ấy vẫn còn ở một chừng mực nào đấy chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng và lịch sử để lại. Những tiềm năng đấy vẫn như cô gái xinh đẹp ngủ trong rừng, vẫn còn tiềm ẩn, cần những giải pháp, những đột phá để được thức dậy đưa du lịch Bình Định cất cánh, phát triển trong tương lai.
Trong sự phát triển ấy, du lịch Bình Định cần tiếp tục duy trì và quán triệt quan điểm phát triển du lịch bền vững, đưa ra các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Bình Định có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, có thương hiệu và tính chuyên nghiệp, tính hiện đại trên cơ sở khai thác tối ưu các nguồn lực và lợi thế của địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, là thế mạnh của Bình Định và sản phẩm có tính cạnh tranh cao như du lịch biển, du lịch dựa trên nền tảng văn hóa – lịch sử địa phương; Tăng cường liên kết, hợp tác trong phát triển nhất là với các tỉnh trong vùng du lịch Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên để tạo thêm sức mạnh cho du lịch Bình Định;
Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng này du lịch Bình Định cần tập trung thực hiện một số giải pháp ưu tiên, mang tính đột phá.
1/ Tập trung xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao tạo dựng thương hiệu cho du lịch Bình Định.
Trên cơ sở tiềm năng du lịch của mình, Bình Định xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh cao, trong đó tập trung vào:
– Du lịch văn hóa, tâm linh: gắn với di tích lịch sử phong trào khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn, vua Quang Trung và những câu chuyện lịch sử, huyền thoại về các tướng lĩnh của triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ; Gắn với Đàn Tế trời đã được hoàn thiện về cơ bản tạo nên sự khác biệt và độc đáo cho du lịch văn hóa Bình Định;
Tạo dấu ấn cho du lịch Bình Định qua việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với sức sống mãnh liệt và ngày càng có sức lan tỏa của môn võ cổ truyền, với bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Tuồng với tư cách là các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
Cùng với đó, tạo thêm sự phong phú hấp dẫn cho sản phẩm du lịch qua những giá trị ẩm thực độc đáo của những món ăn dân dã đã trở thành đặc sản của địa phương và rất hấp dẫn du khách như bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè, nem chợ huyện, rượu Bàu Đá, bún Song Thằn với các món ăn hải sản biển tươi, ngon, bổ, rẻ…
– Du lịch nghỉ dưỡng tắm biển cao cấp: với những bãi biển đẹp, đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, môi trường còn nguyên sơ. Tập trung đầu tư các khách sạn, resort cao cấp, ưu tiên phát triển các khu vui chơi, giải trí, nghỉ biển chất lượng cao như các khu du lịch Hải Giang, Trung Lương, Vĩnh Hội… Bên cạnh đó phát huy thế mạnh của các hệ sinh thái biển có ý nghĩa cho phát triển du lịch như Đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Trà Ổ…
– Du lịch MICE: gắn với sự kiện thể thao của vùng đất khai sinh ra môn võ thuật Bình Định như Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền; Festival Tây Sơn – Bình Định;
Gắn với các sự kiện của vùng đất mang đậm chất nghệ thuật như “Đêm thơ Hàn Mạc Tử”, “Đêm thơ Xuân Diệu”; “Đêm nhạc Trịnh”…; festival sân khấu nghệ thuật Tuồng…tận dụng cơ hội, lợi thế của một điểm đến mới cho các sự kiện hội nghị, hội thảo, cuộc thi trong nước và quốc tế…
Các sản phẩm, hoạt động cần được xây dựng tổ chức chuyên nghiệp hơn, hướng tới việc tạo dựng thương hiệu du lịch Bình Định và cần tiến hành các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có trách nhiệm với các sản phẩm đặc trưng của Bình Định dựa trên cốt lõi là những giá trị văn hóa – lịch sử và giá trị của biển Bình Định, của biển Nam Trung Bộ.
Trước mắt cần đẩy nhanh việc hoàn chỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế Nhơn Hội để thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch tạo điểm sáng và động lực phát triển cho du lịch Bình Định. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, thu hút các công ty, tập đoàn du lịch lớn của trong nước và quốc tế đến đầu tư vào các điểm du lịch trên tuyến Phương Mai – Núi Bà nhằm sớm hình thành khu du lịch trọng điểm quốc gia theo đúng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030.
2/ Xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Định theo hướng chuyên nghiệp, có trách nhiệm và hướng vào các thị trường mục tiêu trọng điểm.
Bình Định cần tập trung thu hút thị trường khách du lịch nội địa từ 2 thị trường nguồn Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, khách nội vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khách nội tỉnh.
Các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm đến Bình Định là thị trường khách ASEAN, các thị trường khách Tây Âu (Pháp, Anh, Đức), Thị trường khách Nga, thị trường Mỹ và thị trường Đông Bắc Á.
Các thị trường này cần được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch của địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm…; Bình Định nên có kế hoạch cụ thể mời các đoàn FAM trip, các hãng lữ hành quốc tế đến khảo sát, xây dựng các tour chào bán cho du khách tại các thị trường mục tiêu này và cần tận dụng tối ưu các lợi thế cho phát triển du lịch Bình Định của Cảng biển Quy Nhơn, cảng Hàng không Quy Nhơn để nhanh chóng thu hút, mở rộng thị trường và tạo sản phẩm mới.
Tỉnh cần chủ động, đầu tư mạnh hơn cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch Bình Định thông qua nhiều kênh khác nhau (truyền thông đại chúng, tập gấp giới thiệu, sách hướng dẫn, vật phẩm quảng bá, mặt hàng lưu niệm của địa phương…). Và để làm tốt công tác xúc tiến quảng bá, du lịch Bình Đình phải tạo ra sức mạnh bằng liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giữa các ngành liên quan như thương mại, hàng không… và chắc chắn cần phải nằm trong một kịch bản tổng thể về xúc tiến của chính địa phương Bình Định, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước.
3/ Xây dựng môi trường du lịch văn minh, an ninh an toàn cho du khách.
Việc làm này cần phải đi trước, nó sẽ là điểm cộng cho du lịch Bình Định, tạo sức hấp dẫn và niềm tin của du khách trong và ngoài nước khi lựa chọn điểm đến và đến với Bình Định với vị thế của một điểm đến mới, thu hút các thị trường . Các cơ quan quản lý ở địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ nhất là giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định và Sở Tài nguyên Môi trường trong công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường du lịch xanh, sạch đẹp nhất là ở các bãi biển, các điểm du lịch, các đô thị.
Bên cạnh việc chỉnh trang môi trường cho các khu/điểm du lịch, đô thị thì cần tăng cường cả tính văn minh, hiện đại cho du lịch Bình Đình như xây dựng các hệ thống đèn trang trí, chiếu sáng nghệ thuật cho các di tích, danh thắng để tăng tính hấp dẫn nhưng lưu ý không được để dẫn đến việc ô nhiễm ánh sáng; nâng cao nhận thức cho người dân tại các khu điểm du lịch về phát triển du lịch; tăng cường giữ gìn trật tự trị an, phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch.
4/ Tham gia chủ động, tích cực hơn nữa vào các hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các chương trình liên kết hợp tác với một số tỉnh đặc biệt gần gũi, thuận lợi trong hợp tác phát triển như Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai… để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở ra khả năng kết nối sản phẩm trong vùng, tạo sản phẩm liên kết vùng có sức cạnh tranh cao trong các chương trình du lịch tổng hợp.
Cùng với đó Bình Định cần đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước như Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh hay triển khai chương trình liên kết với các tỉnh Nam Lào, đông bắc Thái Lan… nhằm tạo ra thị trường nguồn phong phú cho du lịch Bình Định.
Để có căn cứ thực hiện các giải pháp này, Bình Định cần sớm thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho phù hợp bối cảnh thực tế và xu hướng mới trong phát triển du lịch trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của quy hoạch giai đoạn trước và đề xuất các định hướng có đầy đủ cơ sở khoa học, đồng thời phù hợp với những định hướng phát triển sẽ được đặt ra trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà hiện Tổng cục Du lịch, Viện NCPT Du lịch đang triển khai xây dựng về các định hướng thị trường, sản phẩm, tổ chức không gian xác định các trọng điểm du lịch, khu/điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia, vùng … để phát huy thế mạnh từng khu vực, từng địa phương trong vùng. Và trên hết điều quan trọng nhất để thực hiện được các đột phá này là du lịch Bình Định phải có đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp du lịch. Nếu có sự chuyên nghiệp, lòng yêu nghề, trí tuệ về du lịch, tiêu chuẩn quốc tế trong kinh doanh và quản lý… du lịch Bình Định sẽ thực sự bứt phá, phát triển tương xứng với vị thế và nguồn lực của mình và chắc chắn sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam./.
Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Bình Định” – Tháng 3/2014