Liên kết phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên-Duyên hải Nam Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2163/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch chỉ ra những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện, trong đó định hướng liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ và thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng.
1. Quan điểm phát triển du lịch vùng Tây Nguyên
Quan điểm phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên trước hết phải phù hợp với các quan điểm phát triển du lịch của cả nước trong “Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài ra, với đặc thù riêng, phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên theo các quan điểm cụ thể sau:
– Tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng.
– Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi…, trong đó lấy du lịch văn hóa với hạt nhân là giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch.
– Khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch xanh để tăng khả năng cạnh tranh.
– Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới.
– Phát triển du lịch vùng Tây Nguyên không thể tách rời với phát triển du lịch của các vùng phụ cận, mà trước hết là Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ với TP.Hồ Chí Minh; Phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên
a) Mục tiêu chung
Đến năm 2020, cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng, có thương hiệu.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể
– Về tổ chức không gian du lịch: Hình thành và phát triển 3 địa bàn trọng điểm du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng; 4 khu du lịch quốc gia; 4 điểm du lịch quốc gia; 1 đô thị du lịch; và các khu, điểm du lịch địa phương để tạo động lực phát triển du lịch cho các tỉnh và toàn Vùng.
– Về các chỉ tiêu phát triển ngành:
+ Khách du lịch
▪ Năm 2015 thu hút 450.000 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 13,8%/năm và khách du lịch nội địa là 7,0%/năm;
▪ Năm 2020 thu hút 800.000 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 12,2%/năm và khách du lịch nội địa là 6,0%/năm;
▪ Năm 2025 thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 5,1 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,5%/năm và khách du lịch nội địa là 5,5%/năm;
▪ Năm 2030 thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,0%/năm và khách du lịch nội địa là 5,0%/năm.
+ Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2015 đạt 5.330 tỷ đồng (tương đương 260 triệu USD); năm 2020 đạt 11.070 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD); năm 2025 đạt 17.835 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD); năm 2030 đạt 26.240 tỷ đồng (tương đương 1.280 triệu USD).
+ Đóng góp của du lịch trong GDP: Giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng 10,3%/năm và năm 2015 đạt 4.040 tỷ đồng (tương đương 197 triệu USD); giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng 13,2%/năm và năm 2020 đạt 7.524 tỷ đồng (tương đương 367 triệu USD); giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 9,4%/năm và năm 2025 đạt 11.770 tỷ đồng (tương đương 574 triệu USD); giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 7,2%/năm và năm 2030 đạt 16.600 tỷ đồng (tương đương 810 triệu USD).
+ Cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2015 có 22.000 buồng khách sạn; năm 2020 có 30.000 buồng khách sạn; năm 2025 có 37.000 buồng khách sạn; năm 2030 đạt 47.000 buồng khách sạn; chú trọng phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng cao.
+ Chỉ tiêu việc làm: Năm 2015 tạo 66.780 lao động (trong đó 22.260 lao động trực tiếp); năm 2020 là 117.630 lao động (trong đó 39.210 lao động trực tiếp); năm 2025 là 166.500 lao động (trong đó 55.500 lao động trực tiếp); năm 2030 là 225.600 lao động (trong đó 75.200 lao động trực tiếp).
3. Định hướng liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên gắn với Duyên hải Nam trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh
Sự phát triển của du lịch Tây Nguyên không thể tách rời với sự phát triển của du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Các tỉnh Tây Nguyên không có biển, trong khi du lịch biển giữ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch cả nước. Việc đẩy mạnh liên kết liên vùng và hợp tác hướng ra biển, trước hết các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện và cơ hội tổ chức cho người dân trên địa bàn đi du lịch và nghỉ dưỡng tham quan vùng ven biển. Việc đẩy mạnh mối liên kết hợp tác liên vùng, hướng ra biển của du lịch Vùng Tây Nguyên một mặt sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Tây Nguyên, mặt khác góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động du lịch, đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững. Đồng thời Tây Nguyên có thể khai thác thế mạnh về khí hâuk sinh thái cao nguyên và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên để thu hút khách từ miền biển.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên gắn liền với thị trường gửi khách chính của trung tâm phía Nam đó là thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh với thế mạnh là trung tâm đô thị hiện đại kết nối các thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, lưu lượng khách quốc tế đến Tây Nguyên chủ yếu thông qua cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh; khách nội địa đến Tây Nguyên cũng phần đông là người thành phố Hồ Chí Minh hoặc thông qua thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung liên kết tập trung vào liên kết phát triển sản phẩm du lịch thể hiện ở các tuyến du lịch liên kết; phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư:
– Liên kết phát triển sản phẩm du lịch: Trong khuôn khổ liên kết, hợp tác du lịch giữa Vùng Tây Nguyên với các vùng phụ cận cần quan tâm đến “Con đường di sản Miền Trung”. Đây là tuyến du lịch hết sức đặc sắc, được nối hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam trên một tuyến du lịch thống nhất. Đặc biệt hơn nữa, Tây Nguyên có di sản thế giới “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, do vậy trong mối liên kết và hợp tác này, “Con đường di sản Miền Trung” sẽ được kết nối với “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, với “Con đường Xanh Tây Nguyên”, hoặc với “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”… sẽ tạo thành một tuyến du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Các tuyến du lịch liên kết cần quan tâm:
+ Tuyến du lịch Đà Lạt-TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận: Được thực hiện bằng đường bộ theo quốc lộ 20 và quốc lộ 1A; hoặc bằng đường không từ Liên Khương (Đà Lạt) đến Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh
+ Tuyến du lịch Đà Lạt-TP.Hồ Chí Minh-Bà Rịa-Vũng Tàu-Long Hải (theo quốc lộ 20, 51 hoặc kết hợp cả đường không và đường bộ).
+ Tuyến du lịch Đà Lạt-Di Linh-Phan Thiết Mũi Né-Long Hải-Bà Rịa-Vũng Tàu (theo quốc lộ 20, quốc lộ 27, quốc lộ 1A, tỉnh lộ 712…).
+ Tuyến du lịch Đà Lạt-Phan Rang-Nha Trang-các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (theo quốc lộ 21 qua đèo Ngoạn Mục và quốc lộ 1A).
+ Tuyến du lịch Đà Lạt-Nha Trang-các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (theo quốc lộ tỉnh lộ 723 qua đèo Khánh Vĩnh, quốc lộ 1A).
+ Tuyến du lịch Buôn Ma Thuột-Nha Trang- các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (theo quốc lộ 26 và 1A).
+ Tuyến du lịch Pleiku-An Khê-Quy Nhơn-các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (theo quốc lộ 19 và 1A).
+ Tuyến du lịch Kon Tum-Kon Plông-Quảng Ngãi-các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (theo quốc lộ 24 và 1A).
+ Tuyến du lịch Kon Tum-Đắk Tô-Đắk Lây-Đà Nẵng-các tỉnh Miền Trung (theo quốc lộ 14 và 1A).
+ Tuyến du lịch Lâm Đồng-Buôn Ma Thuột-Gia Lai-Kon Tum-Đà Nẵng-các tỉnh Miền Trung (theo đường Trường Sơn Đông).
– Liên kết phát triển nguồn nhân lực: thực hiện liên kết trực tiếp giữa các cơ sở đào tạo du lịch Tây Nguyên với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh và của Duyên hải Nam trung Bộ; thực hiện hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, di chuyển lao động du lịch;
– Liên kết trong xúc tiến quảng bá du lịch: tham gia hội chợ ITE hàng năm; hội chợ du lịch biển Nha Trang; thu hút từ thành phố Hồ Chí Minh và Duyên hải Nam Trung Bộ tham gia lễ hội Hoa Đà Lạt, lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuật; thực hiện các chương trình quảng bá chung, các đoàn farm trip chung theo các tuyến du lịch liên kết; Xây dựng các kênh thông tin và quảng bá cho những sản phẩm, tuyến du lịch liên kết;
– Liên kết thu hút đầu tư du lịch: đồng chủ trì, luân phiên tổ chức các diễn đàn thu hút đầu tư du lịch; khai thác thế mạnh đặc thù của từng địa phương để thu hút đầu tư từ thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận
Tây Nguyên là vùng đất giầu tiềm năng du lịch với những giá tị đặc sắc về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đặc trưng bởi không gian văn hóa Công Chiêng và hệ sinh thái cao nguyên độc đáo. Tuy vậy, du lịch Tây Nguyên cho đến nay vẫn chưa phát triển, chưa khai thác được tiềm năng vốn có, mới chỉ tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Lâm Đồng và một phần ở Đắc Lăk. Những khó khăn, yếu kém về hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như công tác thông tin xúc tiến, quảng bá kết nối với các vùng du lịch khác đang là những rào cản đối với du lịch Tây Nguyên.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, trong đó chỉ rõ việc liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Liên kết phát triển sản phẩm trên các tuyến du lịch liên kết, liên kết phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư là những nội dung trọng tâm mà các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cần chủ động triển khai trong giai đoạn tới./.