Thu hút phát triển nhân lực chất lượng trong du lịch
Tóm tắt
Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các địa phương, khẳng định vai trò, vị thế du lịch ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt của các điểm đến du lịch trong nước và quốc tế nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch đòi hỏi mỗi vùng, địa phương cần có hướng đi mới, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để có thể nắm bắt được cơ hội, đối diện với những khó khăn, thách thức để biến tiềm năng du lịch đang có tạo thành những sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, tạo nên lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Bài viết bàn về một số vấn đề trong việc thu hút phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng trong du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Từ khoá: Du lịch; nhân lực du lịch chất lượng (NLDLCL); Việt Nam.
- Đặt vấn đề
Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về nhân lực du lịch chất lượng. Nếu theo cách tiếp cận định tính thì nhân lực du lịch chất lượng là một bộ phận cốt lõi của nguồn nhân lực du lịch, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc trong hoạt động du lịch, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp du lịch nói riêng và cho quốc gia, vùng, các địa phương nói chung, cùng lôi kéo cộng đồng và toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Nếu tiếp cận theo định lượng thì NLDLCL có thể hiểu là những người lao động đã qua đào tạo về du lịch (nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học…), và với những đối tượng này NLDLCL sẽ có sự phân cấp bởi các loại hình đào tạo các bậc khác nhau. Vì vậy, trong quá trình phát triển du lịch cần có cách hiểu cũng như tiếp cận đúng để phục vụ công tác ban hành cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng NLDLCL phù hợp với nhu cầu, mang lại hiểu quả thiết thực cho ngành du lịch.
Có thể nói, nhân lực chất lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặc biệt dưới tác động của sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0. Việc phát triển nguồn nhân lực đã được Đảng quan tâm và đề cập từ rất sớm, trong đó việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Đối với lĩnh vực du lịch, điều này cũng đã được thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế then chốt, định hướng chiến lược để góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó NLDLCL đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đồng thời tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, đẳng cấp. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới, trong đó, một trong những định hướng quan trọng là phát triển nguồn nhân lực vừa đảm bảo đủ số lượng, và về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Do đó, ngành du lịch trong cả nước đều quan tâm xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút NLDLCL nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực hiện tại và cho các giai đoạn phát triển về sau.
Vì vậy, công tác thu hút, phát triển nguồn nhân lực du lịch nói chung và NLDLCL đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành phải được xem như là công tác thường xuyên, liên tục, xem đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá, yếu tố quyết định trong quá trình phát triển du lịch của đất nước, việc hoạch định và thực hiện tốt về NLDLCL sẽ góp phần không những mang lại giá trị trực tiếp đối với ngành du lịch mà còn góp phần phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các ngành, các địa phương trong phạm vi nhất định, nâng cao trình độ quản lý, nhận thức đối với vai trò của ngành du lịch trong sự phát triển chung về kinh tế – xã hội.
- Nhân lực du lịch chất lượng ở Việt Nam, một số vấn đề trong hiện trạng thu hút phát triển
* Bối cảnh nhân lực du lịch chất lượng ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 2,25 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước và chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ, trong đó, lao động trực tiếp khoảng hơn 750.000 người, và thường tập trung tại các khu vực du lịch trọng điểm ở những địa phương có du lịch phát triển như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà… Ngoài về vấn đề chuyên môn du lịch thì một trong những khó khăn của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu ngoại ngữ và công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 30% – 40% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tua và 70% – 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ, và còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ, tiện ích về du lịch đến du khách, khi mà thời đại bùng nổ về công nghệ, nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, công nghiệp hoá – hiện đại hoá và tích cực hội nhập khu vực cũng như kinh tế quốc tế, nhằm bắt kịp làn sóng phát triển đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế, phát huy các tiềm lực về văn hoá, du lịch, tạo dựng thế mạnh cạnh tranh quốc gia.
* Một số vấn đề đặt ra trong việc thu hút phát triển nhân lực du lịch chất lượng ở Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn tồn tại một số vấn đề trong công tác thu hút phát triển NLDLCL ở Việt Nam
Thứ nhất, chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa đầy đủ. Mặc dù Chính phủ, Ngành du lịch đã quan tâm đến hoạt động phát triển du lịch nói chung, tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới chưa thực sự được quan tâm đúng mức, như thiếu chính sách thu hút, đãi ngộ cho lao động du lịch, đặc biệt là NLDLCL; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch…
Thứ hai, Hệ thống đào tạo chưa gắn với thực tiễn. Thực trạng về công tác đào tạo du lịch ở các trường hiện nay với chương trình đào tạo về lý thuyết nhiều, chưa tập trung phân bổ hợp lý giữa chương trình đào tạo lý thuyết và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thực hành thực tế cho người học. Cùng với đó, sự phối hợp, quan hệ giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo ra chưa đáp ứng được ngay các vị trí công việc cũng như yêu cầu công việc thực tiễn mà cần phải trải qua một thời gian hướng dẫn, đào tạo lại.
Thứ ba, Môi trường làm việc. Hiện nay môi trường làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đang còn tình trạng mất cân bằng về số lượng và chất lượng, có nơi thừa và thiếu nhân lực du lịch. Nơi thừa nhân lực là số lượng nhân lực tuy đủ về số lượng nhưng thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ chưa được qua đào tạo; nơi thiếu nhân lực do cả yếu tố khách quan và chủ quan về chế độ đãi ngộ thấp, áp lực công việc về thời gian, sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu ổn định lâu dài… dẫn đến hiệu quả thực hiện công việc thấp, nhiều vị trí công việc chưa hoặc không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong đó như về hoạch định chiến lược, chính cách phát triển du lịch, quản lý du lịch, vận hành hoạt động kinh doanh, quảng bá, chăm sóc, phục vụ khách du lịch… phù hợp với xu hướng phát triển.
Thứ tư, Về cơ cấu ngành nghề. Theo số liệu thống kê năm 2023, ước tính khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 11,96%, trong đó chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 37,12%, như về thực phẩm, dệt may, da dày, cơ khí, vật liệu xây dựng, công nghệ; khu vực dịch vụ chiếm 42,54% chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng… Về đóng góp của các lĩnh vực trong phát triển kinh tế – xã hội vùng đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là khu vực dịch vụ, tuy nhiên đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch chiếm tỷ lệ còn thấp, phần nào ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và định hướng nghề nghiệp của lao động du lịch trong tương lai. Sự chênh lệch về mức thu nhập giữa các ngành nghề, tính ổn định về công việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng.
- Một số giải pháp thu hút phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong du lịch
Thứ nhất, có cơ chế, chính sách phù hợp trong thu hút phát triển NLDLCL
– Tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là NLDLCL, ưu tiên lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang ngành dịch vụ – du lịch.
– Dựa trên nhu cầu phát triển du lịch trong nước và xu hướng phát triển du lịch quốc tế, cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ cho nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong đó bao gồm cả nhân lực là chuyên gia, lao động du lịch làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp về du lịch.
– Tăng cường cơ bản về chế độ lương, thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế phù hợp.
– Xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, giúp người lao động du lịch có định hướng phát triển lâu dài; khuyến khích nhân sự tham gia các chương trình đào tào chuyên môn, nghiệp vụ và cơ hội thăng tiến.
– Chính sách thu hút nhân lực chuyên gia là người nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực khách sạn cao cấp, nhà hàng, quản lý doanh nghiệp du lịch…; vận dụng các kinh nghiệm về các mô hình quản lý nhân sự tiên tiến từ các nước du lịch phát triển để cải thiện hiệu quả quản lý, quản trị nhân lực tại Việt Nam.
Thứ hai, Cần cải thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực nâng cao chất lượng đầu ra
– Cần đổi mới chương trình đào tạo: xây dựng chương trình học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tập trung phát triển kỹ năng mềm và ngoại ngữ, công nghệ thông tin; tích cực hợp tác giữa nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp để phối hợp chặt chẽ việc đào tạo lý thuyết, thực hành, tổ chức thực tập – thực tế đáp ứng được về khoa học lý thuyết và yêu cầu công việc thực tiễn, yêu cầu về số lượng và về chất lượng.
– Liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế: tăng cường hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế để nâng cao chuẩn mực giảng dạy và cung cấp cơ hội học bổng du học về chuyên ngành du lịch, nhằm nâng cao, tiếp cận kho tàng kiến thức mới; thường xuyên tổ chức các khoá học chuyên sâu về du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch.
Thứ ba, Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp
– Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, trong đó về văn hoá làm việc cơ quan, đơn vị, hoạt động cộng đồng gắn kết tạo động lực làm việc; thiết lập, điều chỉnh giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi hợp lý giảm áp lực cho nhân viên.
– Đảm bảo nơi làm việc có đầy đủ trang thiết bị phù hợp với từng vị trí yêu cầu công việc; áp dụng công nghệ vào quản lý và vận hành để giảm tải một phần công việc cho người lao động du lịch.
– Xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng, ổn định lâu dài, đề xuất các vị trí quản lý dựa trên năng lực, sở trường về công việc thay vì thâm niên; tạo môi trường làm việc dân chủ, nơi ý kiến của nhân viên, người lao động được lắng nghe và được giải quyết nhanh chóng.
– Định kỳ tổ chức các khoá học chuyên môn, kỹ năng mềm (giao tiếp, xử lý tình huống), ngoại ngữ và tin học để nâng cao năng lực cho người lao động; chú trọng đào tạo các kỹ năng liên quan đến công nghệ du lịch (như sử dụng phần mềm quản lý về khách sạn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý dịch vụ); kết nối, gửi nhân viên tham gia các chương trình trao đổi hoặc học tập tại các quốc gia có ngành du lịch phát triển.
– Tạo môi trường làm việc xanh, sạch và giảm thiểu ô nhiễm, từ đó tạo cảm giác thoải mái cho người lao động.
Thứ tư, Tăng cường sử dụng công nghệ số
– Xây dựng nền tảng tuyển dụng trực tuyến: phát triển hệ thống tuyển dụng chuyên biệt cho ngành du lịch, kết nối nhà tuyển dụng với nguồn nhân lực chất lượng; sử dụng thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng các tình huống thực tế trong ngành du lịch, giúp người lao động làm quen với môi trường làm việc trước.
– Sử dụng phần mềm để quản lý nhân sự, theo dõi hiệu quả và đánh giá năng lực một cách khách quan, minh bạch.
Thứ năm, thu hút phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững
– Xây dựng chiến lược phát, chương trình, kế hoạch triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó chú trọng yếu tố nguồn lực con người, để có sự ưu tiên, phân bổ nguồn lực phát triển phù hợp.
– Nâng cao nhận thức chung cho cộng đồng, người dân, đặc biệt là ở khu vực phát triển du lịch thay đổi tư duy, nhận thức đúng về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội, gìn giữ và bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch, từ đó nhận được sự tham gia ủng hộ cũng như tham gia tích cực từ cộng đồng, người lao động trong việc học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, pháp luật về du lịch để từng bước xây dựng nên những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, để công tác phát triển NLDLCL cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, về xây dựng chính sách, chiến lược về phát triển nguồn nhân lực du lịch ngành, về công tác đào tạo, cùng với đó vừa chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, quy hoạch hạ tầng, đô thị… nhằm kêu gọi sự tham gia và ủng hộ của các bên liên quan, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo điều kiện và môi trường chuyên nghiệp cho người lao động được làm việc, phát huy sở trường góp phần vào nâng cao đời sống, ổn định sinh kế người dân, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
- Kết luận
Có thể nói, con người là yếu tố quyết định mọi hoạt động, và để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển về du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế du lịch Việt Nam, cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch thu hút phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng mang tính dài hạn, đảm bảo chuẩn về chuyên môn, tay nghề về phục vụ du lịch, về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin vừa đảm bảo được về mặt số lượng, chế độ làm việc mới có thể phát huy tối đa tiềm lực cũng như tranh thủ được các thời cơ thuận lợi trong điều kiện mới. Vì vậy, việc thu hút, phát triển nhân lực chất lượng trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng trong thời gian tới là thực sự cần thiết, không ngừng nâng cao vị thế, hình ảnh du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;
- Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, theo Quyết định số 147/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020;
- Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6/2024 Phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045;
- http://vietnamtourism.gov.vn.
Trần Doãn Cường, Phòng NCTTSPĐT&QLKH