Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam

    Từ khóa: Du lịch nông thôn, Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Giới thiệu chung về bài viết

    Phát triển du lịch nông thôn là định hướng lớn của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, thông qua phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

    Định hướng phát triển du lịch nông thôn được cụ thể hóa tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phê duyệt tại QĐ 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn nhằm huy động sự tham gia cộng đồng dân cư làm du lịch ở địa phương, phát huy bản sắc, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để từ đó hướng tới phát triển nông thôn hiện đại, văn minh, tăng thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

    Mặt khác, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

    Để triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu quả, đồng thời cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo định hướng đã được Đảng và Chính phủ đề ra, thì ngành du lịch và các địa phương trên cả nước cần phải triển khai một số giải pháp đồng bộ trong phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam, một số giải pháp cụ thể sau:

    Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về phát triển du lịch nông thôn, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của từng địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, trong đó phát triển du lịch nông thôn là giải pháp chính trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

    Thứ hai: Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương; các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển du lịch nông thôn theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn.

    Thứ ba: Cần phải rà soát, bổ sung và tích hợp quy hoạch du lịch nông thôn vào trong hệ thống quy hoạch ngành du lịch, ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Trên cơ sở đó xác định lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái… để xúc tiến đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch nông thôn phục vụ khách du lịch.

    Thứ tư: Cần chuẩn hoá du lịch nông thôn thông qua hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn, là cơ sở đánh giá kết quả phát triển du lịch nông thôn tại các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn tại mỗi tỉnh, thành phố, địa phương. Đảm bảo các điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái và các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Phát triển du lịch nông thôn cần gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đây được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn.

    Thứ năm: Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững và bao trùm, kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch với sự tham gia hiệu quả của người dân bản địa, đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế và thu nhập để du lịch thực sự trở thành một động lực phát triển bền vững của địa phương.

    Thứ sáu: Các địa phương và cơ quan quản lý du lịch tăng cường chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Ngành du lịch phối hợp với các địa phương và ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời để thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn.

    Thứ bảy: Hiện nay, khách du lịch ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch…Do đó, các nhà quản lý, nghiên cứu du lịch cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng để kịp thời nghiên cứu về phát triển du lịch tại các vùng nông thôn của Việt Nam, kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học để các địa phương hình thành và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hỗ trợ cộng đồng địa phương có phương thức phát triển du lịch tại các vùng nông thôn để mang lại hiệu quả kinh tế cho các vùng nông thôn của Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo thân thiện, hài hòa đối với môi trường.

    Thứ tám: Để phát triển du lịch nông thôn, nhất thiết phải trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch không chỉ là tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương, đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương. Tăng cường công tác dân vận, vận động người dân tham gia tích cực trong phát triển du lịch nông thôn của địa phương theo nguyên tắc tự nguyện là chính.

    Thứ chín: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó việc phát triển du lịch nông thôn cần chú trọng đến sự hợp tác, liên kết giữa các ngành, các bên liên quan tại từng đại phương, đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn.

    Cuối cùng: Ngành du lịch và các cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện phát triển du lịch nông thôn ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình phát triển du lịch nông thôn.

    Kết luận 

    Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu đó, các bộ ngành và địa phương trên cả nước cần phải cụ thể hóa các mục tiêu thành các nhiệm vụ cụ thể, phân công, bố trí các nguồn lực hiệu quả và triển khai thực hiện đồng thời 10 giải pháp đồng bộ nêu trên, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương./.

    Tác giả: Nguyễn Quốc Hưng

    Phòng: CS,QH & MTDL




    Bài cùng chuyên mục