Thực trạng phát triển loại hình du lịch Farmstay tại Việt Nam
Từ khóa: Du lịch farmstay, thực trạng hoạt động, khung pháp lý về loại hình du lịch Farmstay.
Giới thiệu chung
Du lịch Farmstay đang trở thành xu hướng du lịch được nhiều nhiều địa phương quan tâm và khách du lịch lựa chọn. Tại Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình kinh doanh du lịch farmstay, các mô hình farmstay đã và đang tạo ra nhiều giá trị tích cực cho du lịch của nhiều địa phương cũng như tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động du lịch Farmstay hiện nay cho thấy hầu hết các quy định của pháp luật liên quan tới du lịch Farmstay đang còn nhiều bất cập, cơ chế – chính sách nhằm khuyến khích phát triển loại hình này chưa thực sự rõ ràng, chưa có một khung pháp lý cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư khai thác giá trị tiềm năng thế mạnh của loại hình du lịch Farmstay tại Việt Nam. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh loại hình du lịch Farmstay đối với sự phát triển du lịch tại các vùng nông nghiệp – nông thôn thôn Việt Nam, tác giả bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng phát triển du lịch Farmstay hiện nay, trên cơ sở những bất cập, khó khăn, thách thức trong phát triển loại hình du lịch Farmstay tại Việt Nam, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị để phát triển loại hình du lịch Farmstay góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng nông nghiệp – nông thôn tại Việt Nam.
Thực trạng phát triển du lịch Farmstay tại Việt Nam
Du lịch Farmstay lần đầu tiên xuất hiện tại Italia vào năm 1980 là loại hình Lưu trú tại trang trại sau đó lan rộng tại nhiều quốc gia và gần đây đang được quan tâm khá nhiều tại Việt Nam tại các địa phương, vùng nông thôn.
Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng rất thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Chính vì vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ và ngành du lịch xác định là một định hướng quan trọng trong các chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường sinh thái, trải nghiệm hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp là một trong những xu hướng rất được ưa thích hiện nay.
Tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta rất phong phú và đa dạng, trải dài từ vùng miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…hiện nay đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Một trong những mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn mới nổi trong mười năm trở lại đây đó là mô hình du lịch Farmstay.
Tại Việt Nam, du lịch Farmstay hiện là một trong những mô hình khá phổ biến của du lịch nông nghiệp. Mô hình farmstay tại Việt Nam hiện nay có những đặc trưng cơ bản: (1) Địa điểm du lịch tập trung tại các nông trại, trang trại. (2) Có sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp tại các trang trại và kinh doanh du lịch. (3) Du khách tại các Farmstay sẽ được tận hưởng không gian đồng quê thoáng mát, yên tĩnh và được tham gia các hoạt động trải nghiệm liên quan tới sản xuất nông nghiệp, được trực tiếp trải nghiệm, được hướng dẫn kinh nghiệm làm nông nghiệp – trang trại và thưởng thức các đặc sản nông nghiệp tại mỗi điểm đến.
Qua khảo sát và trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương và người làm du lịch Farmstay cho thấy chưa có sự thống nhất về mặt khái niệm, định nghĩa, phương thức quản lý và thu hút đầu tư phát triển loại hình du lịch Farmstay. Tại một số địa phương các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch homestay có kết hợp với tham quan vườn hoa, cây trái, chụp ảnh… mà thiếu các dịch vụ hoạt động trải nghiệm thực tế, dịch vụ lưu trú của du khách cũng được nhiều nhà đầu tư gọi là mô hình du lịch Farmstay điều này chưa thực sự đúng với định nghĩa về du lịch Farmstay. Mặt khác, cũng có nhiều loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn làng xã, du lịch sinh thái…cũng được một số nhà đầu tư gắn tên với loại hình du lịch Farmstay nhằm mục đích thu hút khách du lịch.
Kết quả nghiên cứu và khảo sát các mô hình du lịch Farmstay về thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch của loại hình này do nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện, cho thấy việc quản lý hoạt động du lịch Farmstay hiện nay tại các Farmstay chủ yếu là giới thiệu cho khách du lịch tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm nghề nông, hòa mình với thiên nhiên là chính, đồng thời cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ vui chơi tìm hiểu thiên nhiên cho học sinh và các cháu nhỏ. Một số Farmstay lại chỉ phục vụ khách tham quan du lịch là chính. Cũng có một số mô hình du lịch Farmstay đã đa dạng hóa các hoạt động du lịch phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, check in những cảnh đẹp, kiến trúc văn hóa lịch sử, giao lưu văn hóa, văn nghệ với cộng đồng địa phương, khám phá nền văn hóa đặc sắc. Đầu tư các khu ẩm thực phiên chợ quê, các món ăn mang nét đặc trưng địa phương khá hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ lưu trú tại các Farmstay hiện nay phần lớn chưa được cấp phép, hoặc đang hoạt động chui.
Hầu hết các mô hình du lịch hiện nay được các nhà đầu tư đặt tên là loại hình du lịch Farmstay chủ yếu vẫn là loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn chứ chưa thực sự hình thành một mô hình du lịch Farmstay đúng nghĩa. Hiện chỉ có duy nhất tỉnh Lâm Đồng khi chưa có cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động du lịch Farmstay trên địa bàn, tỉnh đã có văn bản có tính pháp lý tạm thời về quản lý và thu hút đầu tư loại hình du lịch canh nông (tương tự với loại hình du lịch Farmstay) để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đó là Quy chế tạm thời tại Quyết định 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 trên cơ sở phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông tại Quyết định 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015. Chính nhờ có quy chế tạm thời này mà tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn. Các hoạt động trải nghiệm du lịch nông trại khá đa dạng, có dịch vụ lưu trú cho khách du lịch tại các Bungalow bằng gỗ riêng biệt, tiện nghi cùng với không gian nhà hàng rộng rãi, đồng thời khách du lịch được cung cấp đầy đủ các dịch vụ trải nghiệm thực tế tại trang trại nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều mô hình kinh doanh du lịch Farmstay hiện nay mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, thu hút phần lớn khách du lịch gia đình và nhóm du lịch nhỏ, chưa có chiến lược phát triển bài bản và lâu dài. Kỹ năng giao tiếp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm du lịch tại các Farmstay còn hạn chế, sản phẩm chưa rõ tính đặc trưng thế mạnh về nông nghiệp trang trại và chưa thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, các điểm đến thiếu sự liên kết và còn rời rạc. Không ít mô hình còn sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, mô hình kinh doanh du lịch Farmstay hiện nay đang phát triển thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao, chưa đóng góp được nhiều cho phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Những bất cập, khó khăn trong phát triển loại hình du lịch Farmstay tại Việt Nam
Du lịch Farmstay hiện đang còn tồn tại một số bất cập, như: (1) Du lịch Farmstay phát triển ở quy mô nhỏ, đơn lẻ, chưa được quy hoạch phát triển tổng thể, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. (2) Các quy định của pháp luật liên quan đến tính pháp lý, điều kiện kinh doanh loại hình du lịch Farmstay hiện vẫn còn thiếu, chưa có định hướng và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình du lịch Farmstay. (3) Du lịch Farmstay đa số chỉ dừng lại ở tham quan là chính, chưa gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, trang trại, chưa tạo được đặc trưng riêng so với những loại hình du lịch nông nghiệp khác.
Cũng chính vì những tồn tại nêu trên mà trong thực tế nhiều cơ quan quản lý du lịch tại một số địa phương chưa thể cấp phép cho hoạt động kinh doanh du lịch Farmstay do chưa có hệ thống cơ sở pháp lý và các điều kiện quy định cụ thể. Những yếu tố này đã làm cho các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong đầu tư vào loại hình du lịch Farmstay.
Mặt khác, các nhà đầu tư loại hình du lịch Farmstay cũng gặp khó khăn trong trong việc hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch. Một thí dụ điển hình tại tỉnh Đồng Tháp muốn hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp theo quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ hỗ trợ đầu tư loại hình du lịch Farmstay với 4 điều kiện đó là: (1) Phải đảm bảo chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn…tuy nhiên hiện chưa có tiêu chuẩn về du lịch Farmstay; (2) Nằm trong danh mục địa điểm phát triển du lịch cộng đồng được UBND tỉnh phê duyệt… du lịch Farmstay khác với loại hình du lịch cộng đồng; (3) Cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký…hiện chưa thể cấp phép cho kinh doanh du lịch Farmstay do chưa có hệ thống cơ sở pháp lý và các điều kiện quy định cụ thể; (4) Đảm bảo an ninh, an toàn (phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm…), môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Qua khảo sát và trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư du lịch, các nhà đầu tư cho biết sẽ rất khó để có thể nhận được hỗ trợ đầu tư loại hình du lịch Farmstay khi phải đảm bảo đủ 4 điều kiện trên.
Bên cạnh những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục để kinh doanh loại hình du lịch Farmstay. Nhiều chủ đầu tư cũng vướng mắc về thủ tục pháp lý kinh doanh lưu trú cũng như đầu tư các hạng mục dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp, các chủ đầu tư loại hình du lịch này hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư dịch vụ du lịch cũng như tổ chức hoạt động du lịch tại các Farmstay. Đây cũng chính là lý do hiện nay loại hình du lịch Farmstay chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ chứng nhận kinh doanh lưu trú du lịch tại các Farmstay.
Loại hình du lịch Farmstay cũng gặp phải một số điều kiện khó khăn về thủ tục để được công nhận là điểm du lịch tại các địa phương, khi phải đảm bảo có giấy chứng nhận về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phải có hệ thống đường giao thông tiếp cận đảm bảo xe 50 chỗ ra vào và phải có hướng dẫn viên nông nghiệp…là những khó khăn cho việc công nhận điểm du lịch tại các Farmstay hiện nay.
Một số khuyến nghị để phát triển loại hình du lịch Farmstay
Tại Việt Nam, Farmstay hiện nay đứng trước thực trạng phát triển tràn lan, chưa có quy hoạch và thiếu cơ chế để quản lý dẫn tới rủi ro tiềm ẩn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường du lịch Farmstay. Để phát triển loại hình du lịch Farmstay tại Việt Nam, theo ý kiến tác giả cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Cần phải hoàn thiện khung pháp lý về loại hình du lịch Farmstay. Du lịch Farmstay hứa hẹn mang lại những nguồn lợi cho nền kinh tế và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để Farmstay thực sự phát triển và phát triển một cách bền vững, việc khai thác và quản lý Farmstay hiệu quả, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư và hạn chế rủi ro tiềm ẩn cho thị trường du lịch thì việc hoàn thiện khung pháp lý về Farmstay là yếu tố cốt lõi. Do đó, trong Luật du lịch 2017, cần bổ sung loại hình du lịch Farmstay là điều cần thiết, vì đây là một loại hình du lịch mới, đặc thù, nhiều tiềm năng phát triển. Việc ghi nhận và quy định du lịch Farmstay sẽ là tiền đề để hiểu đúng, hiểu rõ về bản chất du lịch Farmstay. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển loại hình du lịch này phù hợp với điều kiện và nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp của từng địa phương, từ đó tăng nguồn thu cho người nông dân và tạo thêm cơ hội việc làm ở các vùng nông thôn của Việt Nam.
Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung loại hình cơ sở lưu trú du lịch Farmstay vào quy định của pháp luật để thống nhất quản lý. Kinh doanh dịch vụ lưu trú là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Mô hình Farmstay kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp tại trang trại và cơ sở lưu trú nên tạo ra cơ chế đặc thù riêng so với các loại hình lưu trú khác đã được Luật Du lịch công nhận. Đồng thời, cần có các quy định cụ thể về các điều kiện để loại hình du lịch Farmstay được kinh doanh lưu trú, như: điều kiện để loại hình du lịch Farmstay có thể kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các trang trại, nông trại, điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các Farmstay… với mục tiêu nhằm bảo đảm thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện. Các chủ thể kinh doanh du lịch Farmstay cũng có một quy chuẩn được pháp luật quy định rõ để tuân thủ. Qua đó, thiết lập một môi trường kinh doanh Farmstay chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, đóng góp cho phát triển du lịch và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển loại hình du lịch Farmstay một cách tổng thể từ trung ương tới địa phương, đảm bảo sự liên kết giữa các cơ quan, ban ngành, các lĩnh vực nhằm bảo đảm phát triển đồng bộ, phù hợp với quy hoạch của ngành du lịch và nông nghiệp. Xây dựng cơ chế đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện và tuân thủ đầy đủ các điều kiện kinh doanh loại hình du lịch Farmstay. Khai thác sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở những khu vực khác nhau, kết hợp nét đặc trưng văn hóa ở địa phương, bản sắc cộng đồng và điều kiện cảnh quan, khí hậu, thời tiết… để phát triển loại hình du lịch Farmstay, khắc phục tình trạng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, thiếu hiệu quả.
Thứ tư, đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho du lịch, như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe…
Thứ năm, phát huy vai trò của cơ quan nhà nước vừa quản lý vừa tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, như: tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương trong phát triển nông nghiệp – du lịch trang trại, chế biến nông sản, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, ưu đãi thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… nhằm khuyến hích và kêu gọi đầu tư du lịch vào các trang trại, nông trại để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thứ sáu, Ngành du lịch và Nông nghiệp hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất nông nghiệp được kết hợp nhiều mục đích sử dụng để bảo đảm việc phát triển loại hình du lịch Farmstay phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng về mục đích sử dụng đất đối với hình thức kinh doanh du lịch Farmstay, quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm đồng bộ với xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch Farmstay tại các trang trại, nông trại.
Cuối cùng, Ngành du lịch cần tăng cường công tác nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch cho loại hình du lịch Farmstay. Cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và doanh nghiệp về định hướng và cách thức phát triển loại hình du lịch nông nghiệp trong đó có du lịch Farmstay tại các nông trại, trang trại tại Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] | Luật Du lịch Việt Nam (2017), Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017 |
[2] | Luật Đất đai năm 2013 |
[3] | Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. |
[4] | Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2023), Đánh giá hiện trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách. |
[5] | Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông tại Quyết định 2644/QĐ-UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 10/12/2015. |
[6] | Báo cáo của các Sở Du lịch, VHTTDL tại các đại phương về hoạt động du lịch Farmstay trên địa bàn. |
Tác giả: Nguyễn Quốc Hưng
Phòng: Chính sách, QH & MTDL