Khảo sát đánh giá xu hướng phát triển du lịch lễ cưới ở Ninh Bình
Thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ TXTCN năm 2024 “Xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, từ ngày 3/7/2024 – 4/7/2024, đoàn công tác Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dưới sự chỉ đạo của Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa đã tiến hành khảo sát và làm việc với Sở du lịch Ninh Bình để tìm hiểu về tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch lễ cưới của tỉnh Ninh Bình.
Tiềm năng tài nguyên du lịch tổ chức lễ cưới ở Ninh Bình đều gắn liền với thiên nhiên tươi đẹp, có núi, có sông, có đồng lúa và rừng quốc gia và các khu bảo tồn (khu bảo tồn biển và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long). Trong đó, phải kể đến thắng cảnh đầm Vân Long được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn, Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Tràng An nằm trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Ninh Bình. Đây là di sản hỗn hợp duy nhất của nước ta được UNESCO công nhận. Quần thể di sản này gồm liên khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động – cố đô Hoa Lư – rừng đặc dụng Hoa Lư. Với những dãy núi đá vôi và bãi lau sậy hoang sơ, đây là địa điểm thu hút nhiều cặp đôi vãn cảnh và chụp ảnh cưới. Khu du lịch sinh thái Thung Nham thuộc vùng lõi của quần thể Di sản thế giới Tràng An và nằm ngay cạnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Thung Nham có nghĩa là thung lũng có vách đá dựng đứng, hiểm trở bao quanh đã mô tả đúng đặc điểm sinh thái với sự kết hợp hài hòa giữa sự hùng vỹ và vẻ nên thơ. Toàn bộ khu du lịch có tổng diện tích hơn 300ha, trong đó 334,2ha là rừng ngập nước. Đây là nơi cư trú của 109 loài thực vật, 150 loài động. Khu du lịch Thung Nham hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn, xứng đáng là điểm đến cho việc tổ chức lễ cưới của các cặp đôi.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Ninh Bình, trong 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.281,7 nghìn lượt khách, tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,76% so với kế hoạch năm 2024, số lượt khách đến cơ sở lưu trú đạt trên 1.184 nghìn lượt, gấp gần 1,8 lần; Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đạt trên 5.936,8 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,96% so với kế hoạch năm 2024, trong đó: Lĩnh vực lưu trú đạt trên 446 tỷ đồng, tăng 39,50%; lĩnh vực nhà hàng đạt trên 2.945,3 tỷ đồng, tăng 49,22%; lĩnh vực vận chuyển đạt trên 726 tỷ đồng, tăng 41,23%; vé tham quan đạt trên 387,2 tỷ đồng, tăng 37,49%; bán hàng hóa, quà lưu niệm đạt trên 685,2 tỷ đồng, gấp hơn 1,9 lần; các dịch vụ khác doanh thu đạt trên 746,7 tỷ đồng, gấp hơn 1,8 lần.
Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu đa dạng về du lịch lễ cưới của khách du lịch. Có thể kể đến nhiều như: Emeralda Resort, khách sạn Ninh Bình Legend, Hoàng Sơn Peace, The Reed, Hidden Charm Hotel & Resort… Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 643 cơ sở lưu trú với tổng số 7.781 buồng, trong đó có 42 khách sạn xếp hạng từ 1 đến 4 sao.
Đoàn cũng đã đến khảo sát thực địa và làm việc trực tiếp với các cán bộ quản lý tại các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch chuyên tổ chức lễ cưới – các resort, khách sạn trên địa bàn khảo sát như khu du lịch Emeralda, khu du lịch Thung Nham, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khu du lịch Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm…
Qua đó, có một số vấn đề nổi bật cần đề cập tới trong việc hoạt động và phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới như:
- Thiếu đơn vị tổ chức đám cưới chuyên nghiệp
- Quy định về visa, nhập cảnh đối với đoàn khách đông khi đến Việt Nam cũng gây ảnh hưởng chung đến du lịch Việt Nam và du lịch lễ cưới nói riêng trong đó Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng chung bởi yếu tố này;
- Các đơn vị chưa có định hướng khai thác du lịch lễ cưới một cachs bài bản, lâu dài ;
- Một số lễ cưới có tính tôn giáo đặc thù (như đám cưới đạo hồi) cần đầu tư, trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật dụng…
- Sự cạnh tranh lớn giữa các điểm đến du lịch lễ cưới của các nước trong khu vực và của các tỉnh thành trong toàn quốc;
- Sự thiếu hụt đối với nguồn nhân lực tại chỗ cùng các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho lễ cưới;
Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn công tác đã thu thập được một số những tài liệu cần thiết, cũng như nắm bắt được hiện trạng chung của việc phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới của tỉnh Ninh Bình. Đây là đợt khảo sát thứ 3 trong tổng số 03 đợt khảo sát của nhiệm vụ. Sau chuyến khảo sát này, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp tất cả tài liệu, số liệu thu thập được từ 3 chuyến khảo sát thực địa trên toàn quốc để đánh giá một cách trung thực nhất về hiện trạng phát triển du lịch lễ cưới ở Việt Nam và đặc biệt hơn là tại các tỉnh mà đoàn khảo sát đã đi thực địa. Các tài liệu và kết quả khảo sát thu được sau các chuyến khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để tổng hợp báo cáo nhiệm và làm rõ hiện trạng phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới ở Việt Nam hiện nay, cũng như là căn cứ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp với điều kiện phát triển du lịch Việt Nam hiện nay, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong thời gian tới./.
Tin & Ảnh: Lan Trần