Xu hướng du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển
Du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh như Úc, New Zealand, Mỹ. Tại Việt Nam, loại hình du lịch này tuy đã hình thành nhưng còn khá mới mẻ và chưa có định hướng phát triển bài bản, hệ thống.
Du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước là gì?
Du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước là hoạt động thể thao diễn ra dưới nước nhưng có yếu tố mạo hiểm, tạo sự hưng phấn, kích thích người tham gia. Các hoạt động được biết đến nhiều nhất có thể kể đến như: lặn biển, lướt sóng, trượt ván cano, vượt thác, lướt ván diều, ván phản lực, ván bay. Trên thế giới còn có một số môn thể thao mạo hiểm dưới nước mà việt nam chưa khai thác khác như: lặn lồng, ván phản lực, ván tàu cánh ngầm,.
Du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước trên thế giới
Theo báo cáo của Future Market Insights, thị trường du lịch mạo hiểm dưới nước toàn cầu đạt doanh thu 156,9 tỷ USD năm 2022, dự kiến sẽ đạt 845,8 tỷ USD vào năm 2032. Tốc độ tăng trưởng dự kiến giai đoạn 2022 – 2032 đạt 16,9%. Đây là con số quá lớn để các quốc gia chú trọng phát triển du lịch hướng đến và đầu tư phát triển.
Khu vực Châu Âu, Úc là khu vực thị trường du lịch mạo hiểm dưới nước phát triển nhất. Lý do đầu tiên phải nói đến đó là chính phủ các quốc gia này định hướng phát triển du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm dưới nước. Chính phủ đầu tư bài bản cho công tác nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp an toàn cho sản phẩm du lịch này, vì lẽ đó khách du lịch quốc tế và nội địa đều tích cực hưởng ứng tham gia. Tất nhiên các quốc gia này có lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm dưới nước với các bờ biển đẹp, thác nước hùng vĩ, tiềm năng kinh tế mạnh với khả năng đầu tư lớn.
Một lý do khác lý giải sự phát triển nhanh chóng của du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước thời gian gần đây theo Future Market Insights đó là dịch Covid 19 khiến ngành du lịch toàn cầu dán đoạn 2 năm, sau một thời gian dài bị hạn chế, nhu cầu du lịch tăng cao. Bên cạnh đó con người có nhu cầu tìm kiếm, tham gia các hoạt động có khả năng giải tỏa áp lực tinh thần. Thể thao nói chung và hoạt động thể thao mạo hiểm nói riêng, tạo cảm giác hồi hộp, kích thích, giải phóng endorphin khiến con người hưng phấn, hạnh phúc.
Ngoài ra, phát triển và ứng dụng công nghệ là xu hướng chung, tác động tới mọi lĩnh vực, ngành nghề, du lịch cũng không nằm ngoài xu thế này. Từ đây, nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho hoạt động thể thao mạo hiểm đáp ứng nhu cầu giải trí và du lịch được phát minh. Số lượng khách du lịch có xu hướng yêu thích và lựa chọn chơi, trải nghiệm sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cũng ngày càng tăng như một xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số. Vì thế mà vài năm gần đây, nhiều ứng dụng, thiết bị công nghệ cao được giới thiệu và nhanh chóng trở thành môn thể thao mạo hiểm được yêu thích, thậm trí là xu hướng thịnh hành. Điển hình như Hydrofoil (ván tàu cánh ngầm), nếu lướt sóng bình thường dựa vào sức mạnh của sóng để di chuyển, lướt ván ca nô cần ca nô kéo người lái thì lướt ván cánh ngầm hydrofoil sử dụng điều khiển kết nối bluetooth với động cơ điện bên dưới mặt ván để điều khiển chuyển động của ván. Hydrofoil được thiết kế giống như ván lướt sóng nhưng bên dưới có bộ phận giống như cánh để tạo lực nâng, động cơ này giúp cho người chơi có thể đạt được tốc độ cao hơn nhiều so với lướt ván thông thường. Cũng bởi có động cơ nên ván cánh ngầm có thể sử dụng trong điều kiện không có sóng như tại sông, hồ, vịnh, điều này đồng nghĩa với phạm vi sử dụng mở rộng hơn. Hydrofoil là môn thể thao yêu thích của nhiều người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như CEO của Facebook – Mark Zuckerberg, Larry Page – Nhà đồng sáng lập Google.
Jet surfing (ván phản lực) cũng gần giống như Hydrofoil nhưng không hiện đại bằng. Ván cũng có động cơ khiến người chơi có thể sử dụng cả ở những vùng nước yên tĩnh nhưng động cơ đơn giản hơn và được điều kiển bằng tay nắm nối với 1 sợi dây dài gắn với ván trượt. Người chơi sẽ đứng trên tấm ván với phần chân được giữ vững bằng đai, tay nắm sợi dây có bộ điều khiển để điều chỉnh hướng và tốc độ của ván. Jet surfing phổ biến hơn so với Hydrofoil không chỉ bởi nó xuất hiện trước mà còn bởi giá thành của 1 ván trượt rẻ hơn nếu so sánh với hydrofoil (dù 1 ván trượt Jet surfing trung bình có giá trên 100 triệu). Bởi giá thành đầu tư dễ chịu hơn, lại xuất hiện trước do vậy có nhiều công ty cung cấp dịch vụ kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước này. Ngoài ra bởi tính ứng dụng cao có thể sử dụng tại sông, hồ, vịnh nên nhiều cá nhân đam mê thể thao cũng tự đầu tư riêng ván trượt jet surfing.
Flyboard (ván trượt bay hoặc phản lực nước) là một thiết bị có ống nối vào 2 bàn chân dùng lực đẩy công suất cao để đẩy người chơi lên cao lên mặt nước. Độ cao tối đa có thể lên đến hơn 20 mét. Khi có thể sử dụng thành thạo thiết bị, người chơi có thể bay trên mặt nước, lên cao, xuống thấp, nhào lộn…vô cùng kích thích, hồi hộp và thỏa mãn khi được giải phóng cả thể chất lẫn tinh thần. Bởi sức hút lớn từ môn thể thao này, flyboard đang trở thành trào lưu và là môn thể thao được đón nhận tại rất nhiều quốc gia.
Các quốc gia có tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước đều là những nơi có tài nguyên biển nổi trội, ví dụ như nói tới lướt ván buồm, du khách sẽ nghĩ tới Tây Ban Nha, lặn sâu với bình dưỡng khí thì Brisbane là địa điểm lý tưởng và thu hút khách du lịch lớn nhất, Úc được ví là thiên đường của các ngọn sóng vì vậy mà quốc gia này trở thành điểm đến hàng đầu cho lướt sóng. Quần đảo Hawaii, các hòn đảo lớn tại California và Florida của Mỹ được biết đến với hoạt động lặn lồng (cage diving). Các bãi biển tại Pháp, các hòn đảo ở Ý là địa điểm thu hút khách du lịch yêu thích thể thao mạo hiểm dưới nước không chỉ bởi tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà còn bởi các hoạt động thể thao mạo hiểm ở đây được kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình đảm bảo an toàn cho du khách.
Lợi thế phát triển du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước tại Việt Nam
Thực tế trong những năm vừa qua, nhiều tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng những khu nghỉ ven biển có quy mô lớn, một số khu nghỉ tiêu chuẩn cao mang tầm vóc quốc tế đã được hình thành tại Việt Nam. Tại đây, hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm phổ biến như: đua mô-tô nước, lặn với ống thở, lặn sâu, trượt ván ca nô…đều đã được chủ đầu tư cung cấp và trở thành hoạt động quen thuộc đối với du khách. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của các khu nghỉ, khách sạn, resort, ngoại trừ những resort đặc trưng phục vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe thì việc đa dạng các hoạt động, sản phẩm dịch vụ là yếu tố quan trọng thu hút khách. Đặc biệt tại các khu nghỉ cao cấp, đối tượng khách là những người có thu nhập cao, nhu cầu trải nghiệm cũng theo đó lớn hơn nếu chỉ dựa vào thiết kế sang trọng, nhà hàng có đồ ăn ngon, nhân viên thân thiện thì vẫn chưa đủ để cạnh tranh. Các dịch vụ, hoạt động bổ trợ như thể thao dưới biển trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm du lịch độc đáo mới lạ nói chung, thể thao mạo hiểm nói riêng đang ngày một tăng. Phát triển công nghệ, sử dụng các sản phẩm công nghệ cũng trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, sức hấp dẫn của các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực thể thao, du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vì vậy, một số tỉnh, thành có tài nguyên phù hợp như Phan Thiết, Bình Thuận đã hình thành câu lạc bộ thể thao mạo hiểm dưới nước với môn lướt sóng và lướt ván diều. Một số nhà đầu tư lớn như Ana Marina ( Nha Trang), Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Phú Quốc đã đầu tư cung cấp dịch vụ trải nghiệm flyboard.
Mặc dù vậy, cho đến nay các hoạt động này mới chỉ được đầu tư ở mức các hoạt động, dịch vụ bổ trợ, chưa được đầu tư và phát triển như sản phẩm du lịch chính dù tiềm năng kinh tế lớn. Giá trung bình cho một lượt chơi của các trò chơi thể thao dưới nước có giá từ 700 nghìn – 1,5 triệu đồng, chưa kể chuỗi dịch vụ đi kèm như ăn uống, lưu trú. Khách đam mê thể thao, đặc biệt những môn thể thao như lướt sóng, lướt ván diều, lặn…có thể ở cả tuần tại một địa điểm chỉ để hàng ngày có thể được chơi môn thể thao họ yêu thích.
Báo cáo của Technavio cho biết: thị trường du lịch thể thao biển có khả năng tăng trưởng 1,4 tỷ đô từ năm 2020 – 2032. Eurosport gọi du lịch thể thao là trái tim của sự phát triển du lịch thế giới. Một số quốc gia như Úc, New Zealand, du lịch thể thao chiếm tới 25% tổng thu du lịch hàng năm, cá biệt một số đia phương tại Úc con số này lên tới 55%. Theo phân tích số liệu từ Future Market Insights, Châu Á là thị trường đang và sẽ tiếp tục dành được thị phần tốt trong thị trường du lịch mạo hiểm dưới nước bởi thu nhập tại các quốc gia trong khu vực tăng dẫn tới nhu cầu gia tăng trải nghiệm và khả năng chi trả cho một kỳ nghỉ tăng theo. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tại Châu Á đã có hướng tập trung đầu tư phát triển du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước như Thái Lan, Malaysia. Nhiều điểm đến và các bãi biển tại Châu Á được bình chọn trong danh sách các bãi biển, hòn đảo đẹp nhất hành tinh cũng là lý do thu hút sự quan tâm của du khách cũng như các nhà đầu tư.
Trong những năm vừa qua, một số địa phương tại Việt Nam đã có hướng đi tích cực trong việc hướng tới phát triển thể thao biển nói chung, thể thao mạo hiểm dưới nước nói riêng theo một cách bài bản, có hệ thống, có thể kể đến như Bình Thuận. Xác định mục tiêu phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, Bình Thuận tập trung vào thế mạnh du lịch biển, xây dựng các sản phẩm phù hợp để trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư các dự án tổ hợp, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp có gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao… Bình Thuận còn đăng cai tổ chức Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né – Việt Nam. Không chỉ có Bình Thuận, Ninh Thuận cũng là tình tập trung cho du lịch thể thao biển một cách bài bản thông qua việc đăng cai tổ chức các giải thể thao mạo hiểm dưới nước như Festival lướt ván diều, thu hút đông đảo sự tham gia của các vận động viên từ các nước trên thế giới, tạo được tiếng vang lớn. Tuy nhiên đến nay, thị trường du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được đầu tư, định hướng bài bản như một sản phẩm du lịch chính, dù tiềm năng lợi thế để phát triển sản phẩm này rất lớn.
Với 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, nhiều bãi biển nối tiếng được bạn bè quốc tế biết đến, đánh giá cao và được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp nhất khu vực và thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng), An Bàng (Quảng Nam), Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc, Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, khu vực biển đảo của Việt Nam tập trung 7 trên tổng số 13 di sản thế giới, nhiều khu dự trữ sinh quyền và bảo tồn thiên nhiên. Xét về tài nguyên, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước.
Theo Dự thảo Quy hoạch Hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới, trong đó có du lịch thể thao, bao gồm du lịch thể thao biển, du lịch thể thao mạo hiềm và du lịch golf. Theo Dự thảo, du lịch biển đảo là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt nam giai đoạn này. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Hạ Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn. Trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, vịnh Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh, đảo Phú Quốc và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhằm tạo dựng thương hiệu và vị thế cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam. Từ dự thảo Quy hoạch có thế thấy, Chính phủ tập trung chú trọng vào phát triển du lịch biển và du lịch thể thao để phát triển trong giai đoạn tiếp theo, du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước có liên quan chặt chẽ với cả 2 dòng sản phẩm chính này.
Với định hướng rõ nét được cụ thể hóa trong Dự thảo Quy hoạch, sau khi được phê duyệt, ngành du lịch có căn cứ xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch thể thao biển, thể thao mạo hiểm dưới nước, qua đó các địa phương có tài nguyên xác định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tránh sự trùng lập, đầu tư thiếu bài bản gây lãng phí tài nguyên. Như vậy, ngành du lịch Việt nam nói chung sẽ có khả năng phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.thetrendspotter.net/fun-water-sports-and-activities/
- https://www.futuremarketinsights.com/reports/water-adventure-tourism-sector-overview-and-outlook
- https://blog.mytour.vn/bai-viet/bung-no-voi-nhung-mon-the-thao-cuc-chat-khi-di-du-lich-bien-mua-he.html
- https://vietnamnet.vn/the-thao-bien-xu-huong-moi-cua-du-lich-nghi-duong-742635.html
- https://vov.vn/du-lich/them-3-dong-san-pham-moi-trong-quy-hoach-du-lich-viet-nam-thoi-ky-2021-2030-post961143.vov
ThS. Nguyễn Lan Hương
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường