Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam”
Sáng ngày 08/9/2023 tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” thuộc Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện năm 2023.
Hội thảo do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của các đại diện đến từ các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Phòng quản lý Lữ hành, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm thông tin du lịch), đại diện doanh nghiệp du lịch (Vietravel, Hanoitourist, Royaltour, Golden Asia Tour, Vietking travel Asia, Hoteljop, Khách sạn Bảo Sơn, Vidotour, Travelogy…), đại diện khoa du lịch các trường đại học đào tạo chuyên ngành du lịch, các chuyên gia và các nhà khoa học chuyên ngành du lịch…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa nhận định, đất nước Ấn Độ có hơn 1,4 tỉ dân, trở thành đất nước có số dân đông nhất thế giới tính đến tháng 4/2023. Do đó, thị trường khách du lịch Ấn Độ là thị trường khách tiềm năng mà ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến để khai thác phát triển. Năm 2019, thị trường khách Ấn Độ đã đạt 169.000 lượt, tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 trong số các thị trường khách của du lịch Việt Nam (hơn 27%). Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 130.000 lượt khách từ Ấn Độ. Mới nhất, Ấn Độ đứng thứ 10 trong top thị trường gửi khách hàng đầu, 8 tháng đầu năm 2023, với 247.000 lượt khách.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu nhiệm vụ với các nội dung chính: (1) Tổng quan về khách du lịch Ấn Độ (2) Hiện trạng phát triển thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam giai đoạn qua. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiệm vụ đề xuất một số định hướng để phát triển thị trường khách Ấn Độ, đồng thời đưa ra 04 giải pháp thúc đẩy thị trường khách du lịch Ấn Độ: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về xúc tiến quảng bá; Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch phù hợp nhằm thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam; Giải pháp Phát triển nguồn nhân lực du lịch và một số giải pháp khác nhằm phát triển tốt thị trường khách du lịch Ấn Độ.
Tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Long – Chủ nhiệm Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV trình bày tham luận với chủ đề “Những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách du lịch Ấn Độ”. Tham luận đánh giá chung về thị trường khách du lịch Ấn Độ, cũng như về đặc điểm, xu hướng của thị trường khách Ấn Độ, đồng thời đưa ra được những vấn đề đặt ra trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt cho thị trường khách Ấn Độ.
ThS. Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: “Phát triển sản phẩm du lịch phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam trong thời gian qua – bài học cho thời gian tới”, trong đó tham luận cũng đưa ra những kết quả khảo sát, điều tra, thu thập và nghiên cứu về thị trường khách Ấn Độ của Công ty đã và đang triển khai thực hiện, đồng thời đưa ra được bài học kinh nghiệm trong thời gian tới trong việc phát triển thị trường khách du lịch Ấn Độ.
Theo nhận định trong bài tham luận của bà Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng nghiệp vụ – Tổng công ty du lịch Hà Nội – Hanoitourist về “Phát triển sản phẩm du lịch theo xu hướng mới của thị trường khách du lịch Ấn Độ”, cũng đưa ra được việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường khách du lịch Ấn Độ, đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để thỏa mãn nhu cầu tham qua của khách du lịch Ấn Độ.
Trong đánh giá bài tham luận “Cơ hội và thách thức phát triển sản phẩm du lịch phục vụ khách Ấn Độ – trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và quốc tế” của TS. Nguyễn Văn Lưu – cũng đưa ra những cơ hội và thách thức trong phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch Ấn Độ trong bối cảnh bình thường mới hiện nay.
Trong phần trao đổi và thảo luận một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành đưa ra một số góp ý rất thiết thực và sát với thực tế như:
- Đại diện cho Công ty lữ hành Vietkingtravel Asia: Các công ty lữ hành Việt Nam thường báo giá tới Ấn Độ với mức giá thấp, gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thực hiện tour du lịch đón tiếp khách Ấn, các sản phẩm thường bị sao chép. Do đó, cần có sự liên kết giữa các công ty lữ hành trong việc đón tiếp khách Ấn Độ.
- Ông Alok (Người Ấn Độ) – Công ty lữ hành Vietkingtravel Asia: Khách Ấn Độ chưa biết đến Việt Nam nhiều; Khách Ấn Độ chọn Thái Lan, Malaisia, Singapore vì rẻ hơn Việt Nam; Khách Ấn độ đến Việt Nam dài ngày hơn các nước khác trong khu vực; tâm lí của khách Ấn Độ thích trả giá, thích giá thấp, thích đi được nhiều điểm du lịch hơn….
- Đại diện công ty lữ hành Handetour: Cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đến thị trường khách Ấn Độ; Chú ý đến nhu cầu và phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch Ấn Độ; Mở rộng sản phẩm, loại hình kinh doanh du lịch thị trường khách Ấn Độ. Kiến nghị về đường lối chính sách phát triển thị trường khách du lịch Ấn Độ – Việt Nam của 2 bên đến lãnh đạo cấp cao như (Visa, đường bay, chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch…)
- Đại diện của một số doanh nghiệp trong phần trao đổi và thảo luận cũng muốn nhiệm vụ đưa ra được các giải pháp cụ thể như biên tập ra những sổ tay hướng dẫn về cung cách, nhu cầu phục vụ khách Ấn Độ; Xây dựng bộ Dữ liệu (Data) riêng phục vụ khách Ấn Độ. Xem xét việc điều phối khách 3 quốc gia 1 điểm đến (Việt Nam – Thái Lan – Singapore); Xây dựng slogan riêng để đón tiếp thị trường khách Ấn; Đồng thời nhiều doanh nghiệp có đóng góp sao cho việc xúc tiến quảng bá du lịch sao cho đúng và trúng với thị trường khách Ấn Độ, có thể học tập kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm thu hút thị trường khách Ấn Độ của Thái Lan…
- TS. Nguyễn Đức Thắng – Trưởng khoa du lịch trường Đại học Đông Á: cần thống nhất Lượng khách du lịch Ấn Độ cần chính xác ở tất cả trong báo cáo; Đồng thời đưa giải pháp đưa ra cho nhiệm vụ: Phát triển Nguồn nhân lực phục vụ khách Ấn Độ; Xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch thị trường khách Ấn Độ.
- Bà Trịnh Thanh Thủy – Đại học Giao thông Vận tải: Cần xem lại phần giải pháp cho các cơ sở lưu trú du lịch trong báo cáo tổng hợp của nhiệm vụ cho sát với thực tế nhu cầu cần; Phần giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho cụ thể hơn là doanh nghiệp phải làm gì, các cơ sở đào tạo thì đào tạo những gì, các sinh viên thì nên làm gì, học tập ra sao?…
Kết thúc Hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thay mặt cơ quan chủ trì cảm ơn các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các đại biểu đã đến tham dự và góp ý để nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung báo cáo nhiệm vụ./.
Tin & Ảnh: Trần Lan