Di sản văn hoá của người H’re – Nguồn tài nguyên đặc sắc cho phát triển du lịch huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi
- Mở đầu
Văn hóa là toàn bộ sáng tạo của con người, tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua vốn di sản văn hóa và hệ ứng xử văn hóa, là thành tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của một cộng đồng. Du lịch được xem là phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, là cầu nối giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa. Ngoài ra, du lịch còn là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, du lịch góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.
Ba Tơ là một huyện miền núi, cách trung tâm Quảng Ngãi khoảng 65 km về hướng Tây Nam, giáp với các tỉnh: Kon Tum, Bình Định và Gia Lai, có vị trí thuận lợi liên kết liên tỉnh, liên vùng. Nơi đây sở hữu tài nguyên du lịch khá đa dạng, với những địa danh có cảnh quan đẹp như núi Ngang, đèo Vi Ô Lắc, hồ Tôn Dung, thác Lũng Ồ, thác Lệ Trinh, thác cao Muôn…; các di tích lịch sử cách mạng như: Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, di tích lưu niệm nhà đồng chí Trần Quí Hai, nhà đồng chí Trần Toại, di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; di tích khảo cổ Trường Lũy…
Đặc biệt, Ba Tơ là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Hre, chiếm 83,1% dân số toàn huyện[1]. Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng của các dân tộc, đặc biệt ở vùng cao, dân tộc ít người là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế… Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Hre (kiến trúc nhà sàn; văn hóa ẩm thực; các lễ hội truyền thống; nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba, các làn điệu dân ca ta lêu, ka choi riêng có của người Hre; nghề dệt thổ cẩm làng Teng…) – là tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch của huyện Ba Tơ.
- Di sản văn hóa của người H’re
* Nghệ thuật dân gian: Đồng bào Hre ở huyện Ba Tơ còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú, giàu bản sắc như: các làn điệu dân ca – dân nhạc của người H’re (hát talêu – hát kể chuyện, kachoi – hát đối đáp, ka eh – hát ru, Vva dhô – hát đồng dao…) với sự hỗ trợ của các nhạc cụ dân tộc như đàn broóc, đàn môi, đàn vi vút, sáo…; các điệu múa mô phỏng những nét lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày hòa theo điệu chiêng được trình diễn trong các Lễ hội.
Tiêu biểu nhất có nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người H’re đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết Định số 609/QĐ-BVHTTDL ngày 03/03/2021 bởi những giá trị nổi bật sau:
– Phân loại và chức năng: dàn chiêng (chinh) Ba gồm có ba chiếc với kích cỡ khác nhau, chiếc lớn nhất được gọi là tum (chinh cha) – có vai trò giữ nhịp, chiếc nhỏ hơn là vông (chinh mẹ), chiếc nhỏ nhất gọi là tốc (chinh con) – có vai trò đánh theo giai điệu.
– Bài bản: gồm có 4 điệu phổ biến là chinh năng, chinh k’oa, chinh h’lay và chinh tu guốc. Trong đó, chinh năng là điệu chinh phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt của người dân vào các dịp như tết cổ truyền, lễ ăn trâu, lễ cưới; chinh k’oa là điệu chinh mô phỏng âm thanh của tiếng ếch, nhái, đây là điệu chinh khó diễn tấu, đòi hỏi sự tinh tế của người trình diễn; chinh h’lay là điệu chinh mô phỏng âm thanh của thác đổ, nước suối chảy thường được biểu diễn trong sinh hoạt vui chơi, nhảy múa…; chinh tu guốc là điệu chinh mô phỏng tiếng hót của loài chim tu guốc mang âm hưởng thể hiện sự đối đáp, tự sự, tỏ bày.
– Kỹ thuật trình diễn: Trình diễn Chiêng Ba của người Hre có điểm đặc biệt so với trình diễn cồng chiêng ở các nơi khác đó là khi trình diễn các nghệ nhân sẽ ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển, và chiêng được đánh bằng tay chứ không sử dụng dùi, cộng với thủ pháp búng, gõ bằng ngón tay rất độc đáo. Chinh tốc có vai trò dẫn dắt dàn chinh, đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong việc phối hợp nhịp nhàng và chính xác kỹ thuật đánh chinh bằng tay phải và kỹ thuật bịt âm bằng tay trái. Chinh vông sử dụng kết hợp kỹ thuật gõ bằng đầu các đốt ngón tay phải và kỹ thuật bịt âm bằng tay trái để tạo nên các âm thanh vừa khỏe khoắn, vừa mềm dịu. Chinh tum sử dụng kỹ thuật tay phải đánh vào mặt ngoài của chinh kết hợp bịt âm bằng cả cùi tay trái lên mặt ngoài của chinh để tạo ra các âm thanh cao nhất.
– Giá trị văn hóa: Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hre thể hiện một ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực hành trình diễn Chiêng Ba phản ánh đời sống văn hóa tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng phong phú, đa dạng làm nên bản sắc văn hóa đồng bào Hre tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo thống kê năm 2020, trên địa bàn huyện có 902 hộ có chinh, 890 bộ chinh, 741 người biết chơi chinh, 2 người biết chỉnh chinh. Việc công nhận Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hre là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định vai trò quan trọng của loại hình nghệ thuật này đối với đời sống của người Hre, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nguồn: Internet
* Nghề dệt thổ cẩm truyền thống: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những nét văn hóa điển hình, mang bản sắc dân tộc độc đáo của người Hre nói chung và người Hre tại làng Teng (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nói riêng. Trước đây, tại Ba Tơ có một số làng có nghề dệt thổ cẩm, tuy nhiên theo thời gian nghề dệt bị mai một, hiện nay chỉ còn ở làng Teng, xã Ba Thành. Ngày 29/1/2019, nghề dệt thổ cẩm làng Teng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL với những giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc, văn hóa nghề như sau:
– Nguyên liệu dệt truyền thống: nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm của người Hre là sợi bông. Quả bông thường được thu hoạch vào khoảng tháng 3 âm lịch, trải qua các công đoạn: phơi quả, tách hạt, lấy bông, đánh cho bông tơi, dùng que tre xe bông thành từng lọn rồi đưa vào xa quay (trui) để kéo sợi, nhuộm màu sợi thường là màu đen và màu, phơi khô sợi nhuộm trước khi dệt.
– Công cụ dệt: cũng như các dân tộc khác, người Hre sử dụng khung cửi để dệt. Bộ khung dệt truyền thống hoàn toàn làm bằng tre, gỗ tự nhiên thô sơ có cấu tạo từ đầu khung được gắn vào vách nhà, đến cuối khung gồm có nhiều thanh gỗ với các công dụng khác nhau: thanh lồ ô dài cố định đầu khung dệt (loang khoang), hai thanh tre dẹt ngắn nẹp giữ cố định làm chỉ sợi và tách các sợi chỉ màu để tạo hoa văn (loang rơ-nép), đoạn lồ ô tròn để tách các làn sợi (loang ping pút sít), thanh gỗ tròn nhỏ nằm giữa khung để định hình các hoa văn (loang ta-co), thanh gỗ tròn nhỏ hơn để tách các lớp chỉ màu in hoa văn (loang tơ-co), thanh dỗ dẹt nhọn đầu có chức năng dập sợi thành vải (loang k’sa), thanh gỗ vuông để buộc dây vòng sau lưng người dệt (loang rơ-nam), coi thoi mắc chỉ đưa vào khung dệt (loang vít pơ-rai), thanh tre nhỏ nhọn đầu để tách các sợi màu tạo hoa văn (loang kêh pơ-rai). Khung dệt của người Hre có điểm khá đặc biệt so với khung dệt của người Kinh, đó là khi tấm thổ cẩm được dệt xong, các dụng cụ dệt sẽ được tháo ra thành những bộ phận rời, có thể cất gọn lại, vì thế người ta gọi đây là phương pháp dệt vải không có khung dệt.
– Kỹ thuật và hoa văn dệt: Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Hre bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, vì vậy đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dệt. Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Hre đó là việc tạo ra hoa văn bằng kỹ thuật đan cài, đây được biết là một kỹ thuật dệt rất khó.
Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Hre là sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc và hoa văn với tỷ lệ hài hòa. Trong thổ cẩm của đồng bào Hre màu đen được coi là màu nền để làm nổi bật các màu còn lại (chủ yếu là màu đỏ, trắng). Mẫu thổ cẩm gồm các loại hoa văn (đơn giản nhất được dệt bởi 36 sợi, phức tạp nhất được dệt bởi 56 sợi), họa tiết khác nhau tái hiện lại cuộc sống hàng ngày, văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Hre như: hình móc câu, hoa, hình răng lược, hình chân chó, hình nước xoáy, hình bàn chân vịt, hình cái nơm, hình cái khiên, hình đan lát, hình cây loang klăh, hình dấu cộng…[2]
– Sản phẩm: Trang phục truyền thống của người Hre như: váy (ca-tu), tấm choàng (ra-muông), khố (kpen), khăn đội đầu (mul), vải địu trẻ (katănh)… đều là đồ dệt thổ cẩm. Trước đây, các sản phẩm này đều được dệt từ cây bông. Tuy nhiên, ngày nay, do sự phát triển của kinh tế thị trường, nghề trông bông dệt vải của người Hre đã bị mai một, người dân chủ yếu mua vải dệt công nghiệp về dùng, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị nguyên liệu, đa dạng màu sắc, nhưng chất lượng sản phẩm không tốt bằng các sản phẩm được làm từ sợi bông.
Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch đang là hướng khai thác hiệu quả ở nhiều địa phương. Đến với làng nghề, du khách có cơ hội trực tiếp quan sát và trải nghiệm quá trình tạo ra sản phẩm; kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử hình thành của làng nghề; khơi gợi nhu cầu mua các sản phẩm thủ công truyền thống của khách du lịch. Phát triển du lịch làng nghề góp phần phát huy các các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, huyện Ba Tơ cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển để nghề thủ công truyền thống này trở thành sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn du khách.
* Lễ hội truyền thống: Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tâm linh, tinh thần gắn kết của mỗi cộng động người trong các sinh hoạt tín ngưỡng hay vui chơi giải trí. Đồng bào Hre ở Ba Tơ hiện vẫn duy trì một số lễ hội mang màu sắc đặc trưng của tập tục, lề thói riêng biệt, nếu được khai thác đúng hướng sẽ là giá trị hấp dẫn khách du lịch, tiêu biểu:
– Lễ ăn trâu (cá kpô): đây là lễ hội phổ biến của người Hre ở Ba Tơ, được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch. Lễ ăn trâu được tổ chức theo quy mô gia đình hoặc quy mô của cả làng. Thời gian tổ chức lễ ăn trâu kéo dài năm, sáu ngày (lễ chính chỉ diễn ra trong một ngày) với nhiều nghi thức và thủ tục: chuẩn bị đồ hiến sinh, dựng cây nêu, dựng giàn cúng, làm lễ cúng… với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình, cho cộng đồng mọi điều may mắn, tốt đẹp.
– Lễ Tết (h’tên): thường diễn ra trong khoảng đầu tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là dịp vui chơi để con người thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với các đấng thần linh đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình yên, no đủ. Người Hrê không ăn Tết cùng một ngày mà mỗi làng, mỗi xã định ra ngày Tết của riêng mình, mỗi nhà tổ chức tết trong 3 ngày: ngày thứ nhất gọi là ngày vô lá (hi tóc hla) – thực hiện các nghi thức như cúng dọn nhà, đuổi tà ma, cúng các thần ma (sông núi, đất đai, tổ tiên), gói bánh; ngày thứ hai là ngày ăn chính (hi caq); ngày thứ ba gọi là uống rượu cần nhạt (ố cà-rỏ xếp) – chủ nhà sẽ mời bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc đến ăn tết trong hai ngày này với các món ăn chính: rượu cần, thịt gà, thịt heo, bánh lá dong, bánh tét. Nhân dịp này mọi người cùng vui chơi, nhảy múa, đánh chiêng, nhảy sạp, hát ta lêu, ka choi…
– Lễ cầu mưa (tà-reo deak): người Hre tin theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh cho rằng đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vì vậy, khi nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến mùa màng, họ sẽ tiến hành lễ cúng khấn cầu các thần: thần tối cao (Y Hoắc), thần mưa (Vo Ray), thần sấm sét (Py Chuy) ban mưa xuống. Lễ hội được cộng đồng làng tổ chức với sự tham gia của các thành viên trong làng. Lễ cầu mưa trước kia phổ biến ở các làng Hre nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một, cần được quan tâm và phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cho phát triển du lịch.
* Ẩm thực truyền thống: Ẩm thực không chỉ đơn giản là thưởng thức những món ăn mà bản thân nó còn chứa đựng và truyền tải những giá trị văn hóa như: câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến cho đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, tạo nên sự thú vị đối với du khách. Các món ăn của đồng bào Hre là các món ăn dân dã nhưng được chế biến mang hương vị và đặc trưng của ẩm thực miền núi: thịt trâu nướng lá lốt, thịt trâu nấu xà bần, món heo ki luộc, gà re luộc nấu cháo chấm muối ớt, cá niêng nướng, cáo dzố, ốc đá nấu rau ranh, các loại rau rừng, rượu cần, rượu đoác…
* Kiến trúc nhà sàn: Trước đây, ngôi nhà sàn cổ truyền được coi là không gian tồn tại chính yếu của văn hóa tộc người. Nhà sàn của người Hre được làm hoàn toàn từ các nguyên vật liệu thiên nhiên như các cây gỗ, các loại, tre, nứa, mây và các loại dây rừng (xi-rạc), tranh. Nhà có hình chữ nhật dài, có hai đầu (tra), một bên ngắn (pa-ra chin) và một bên dài (pa-ra soang) đều dùng để tiếp khách, phần giữa gian nhà dùng cho sinh hoạt gia đình. Quy mô ngôi nhà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Bản thân ngôi nhà sàn là một di sản văn hóa và hầu hết các giá trị văn hóa cổ truyền của đồng bào Hre đều diễn ra trong và ngoài sân nhà như các sinh hoạt văn hóa cộng đồng: cúng tế, kể chuyện cổ, hát dân ca, đánh chiêng, nhảy múa… Tuy nhiên, dưới tác động của kinh tế thị trường cũng như sự biến đổi của đời sống xã hội, những ngôi nhà sàn truyền thống của người Hre ở Ba Tơ hiện không còn nhiều (chủ yếu còn ở một số xã Ba Nam, Ba Trang, Ba Lế, Ba Vinh), phần lớn đã được thay thế bằng nhà hiện đại.
Khách du lịch ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm, hướng tới tìm hiểu những giá trị độc đáo, nguyên bản của văn hóa truyền thống. Việc gìn giữ và tái hiện lại những sinh hoạt văn hóa trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Hre sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ thu hút du khách, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Nguồn: Internet
- Một số bản làng tiêu biểu của người H’re có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Yếu tố cảnh quan cùng nguồn tài nguyên du lịch văn hóa (các làng bản, phong tục tập quán, nề nếp sinh hoạt, nghề và nghệ thuật truyền thống, ẩm thực) là những tài nguyên quan trọng cho phát triển các loại hình du lịch của huyện Ba Tơ, trong đó có du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống mà còn đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị nơi bản làng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế luôn mong muốn trải nghiệm những không gian văn hóa khác biệt. Một số bản làng người H’re có tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng
– Làng Bùi Hui: ngôi làng có 107 hộ gia đình thuộc thôn Bùi Hui, xã Ba Trang. Nằm cách thảo nguyên Bùi Hui khoảng 2km, có độ cao 700m so với mực nước biển đã mang lại cho nơi đây khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp với những cánh đồng cỏ bạt ngàn, xanh mướt và khí hậu trong lành, mát mẻ. Cộng đồng người Hre ở làng Bùi Hui vẫn còn lưu giữ được nét sinh hoạt văn truyền thống bản địa: những nếp nhà sàn nguyên sơ; nếp sống gắn với ruộng nương, đồng cỏ, chăn thả gia súc; ẩm thực đặc trưng của núi rừng; đội trình diễn chiêng Ba cùng những làn điệu múa hát đặc sắc – là tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.
– Thôn Xà Râu: là một trong ba thôn của xã Ba Nam – vùng cao của huyện Ba Tơ, nơi còn lưu giữ được số lượng cồng chiêng khá lớn, với 82 bộ (đứng thứ 2 toàn huyện). Đặc biệt, Ba Nam là xã duy nhất của huyện Ba Tơ còn lưu giữ được Chiêng Năm, gồm 5 bộ trải đều ở các thôn, trong đó có thôn Xà Râu. Người dân thôn Xà Râu bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc Hre khá tốt: đồng bào sinh sống chủ yếu trong các ngôi nhà sàn truyền thống, duy trì những tập tục sinh hoạt lâu đời, yếu tố cộng đồng cao mang đậm sắc thái đặc trưng của người Hre nổi bật nhất trong những hoạt động trình diễn Chiêng Ba, Chiêng Năm. Chiêng được coi là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh của người Hre, thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng; là phương tiện thông tin với cộng đồng mỗi khi gia đình hay làng có việc. Nếu được phát huy và khai thác tốt thì đây sẽ là những giá trị hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tìm hiểu và trải nghiệm.
– Làng Teng: nằm dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liêng, thuộc xã Ba Thành, gần địa danh Bến Buôn – một điểm di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Đây là ngôi làng duy nhất của người Hre tại Quảng Ngãi còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm. Làng hiện có 200 hộ gia đình, trong đó còn khoảng 40 hộ gia đình có người biết dệt thổ cẩm. Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm làng Teng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là dấu ấn quan trọng khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo, mang tính đại diện của đồng bào Hre ở Quảng Ngãi. Người làng Teng hiện nay đang nỗ lực để khôi phục và quyết tâm gìn giữ nghề thông qua các lớp truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm. Đây cũng là nơi triển khai Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng của tỉnh Quảng Ngãi, với mong muốn xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng từ mạch nguồn văn hóa của Làng, góp phần thu hút khách du lịch.
- Kết luận
Nhận định giá trị văn hóa trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Hre chính là tài nguyên đặc sắc cho phát triển du lịch, thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và huyện Ba Tơ rất quan tâm đến việc đầu tư, phát huy tiềm năng du lịch quý giá này. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đã xác định đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa. Trong các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phát triển du lịch của huyện Ba Tơ cũng nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng, phát huy các tiềm năng du lịch văn hóa của địa phương nhằm phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hre. Song song với đó, huyện Ba Tơ cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng Hre thông qua nhiều hoạt động như: xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ; đưa vào sử dụng dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng;phục dựng lại lễ hội cầu mưa tại xã Ba Thành; thành lập các đội Dệt thổ cẩm, Múa cồng chiêng và Hát Ta lêu, Ka choi… Hy vọng trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cùng sự chủ động tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ góp phần tạo bước chuyển mình mang tính đột phá cho phát triển du lịch của huyện Ba Tơ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX.
- Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam huyện Ba Tơ (2022), Ba Tơ – Đất nước con người, NXB Khoa học Xã Hội Hà Nội.
- UBND tỉnh Quảng Ngãi (2021), Báo cáo tổng kết tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 – 2020.
- UBND huyện Ba Tơ (2017), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch huyện Ba Tơ.
- UBND huyện Ba Tơ (2017), Báo cáo Thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch tại huyện Ba Tơ.
- https://www.vanhoanghethuat.vn/nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-h-re-o-huyen-ba-to-tinh-quang-ngai.htm.
- https://www/baoquangngai.vn/channel/2103/201708/doc-dao-le-cau-mua-cua-nguoi-hre-o-ba-thanh.
- http://www.dsvh.gov.vn/nghe-thuat-trinh-dien-chieng-ba-cua-nguoi-hre-3379
[1] Huyện ủy – HĐND – UBND -UBMTTQ Việt Nam huyện Ba Tơ (2022), Ba Tơ – Đất nước con người, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội
[2] Nguyễn Ngọc Trạch chủ biên (2012), Nhà ở và nghề dệt truyền thống của dân tộc Hrê, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi
ThS. Trần Thị Hồng Trang
Phòng Nghiên cứu Chính sách, QH&MT Du lịch