Xu hướng du lịch chính của giới trẻ Việt Nam hiện nay
- Bối cảnh, tình hình du lịch của thế giới và Việt Nam
Thế giới có nhiều biến đổi với những bước nhảy vọt về khoa học công nghệ; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh hơn ở các nước đang phát triển; xu thế hợp tác toàn cầu là tất yếu; nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao… Trong bối cảnh đó, nhu cầu đi du lịch của người dân là nhu cầu khách quan và tăng trưởng nhanh. Du lịch trên phạm vi toàn cầu đã phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế hàng đầu thế giới.
Du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. UNWTO dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm 2019. Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ luỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trong số đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành du lịch vì đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (-9%), Nam Phi (-8,1%), Ireland (-5,9%)… Trước tình hình đó, du lịch toàn cầu đã buộc phải có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Theo dự báo của UNWTO, thời gian tới, du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với xu hướng chủ đạo sau:
– Nhu cầu du lịch toàn cầu bùng nổ, đặc biệt là trong giới trung lưu đang tăng lên tại Trung Quốc, tạo cơ hội kinh tế đáng kể cho các điểm đến khu vực Đông Nam Á.
– Nhu cầu du lịch sẽ tăng 4% hằng năm trong giai đoạn 2018-2028, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới.
– Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất thế giới sẽ tác động mạnh đến chính sách phát triển du lịch của nhiều quốc gia.
– Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách, song nhiều nhu cầu mới hình thành, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
– Du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến. Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành Du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Trong đó, nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới đều bị hấp dẫn bởi giá trị văn hoá truyền thống, giá trị về tự nhiên, giá trị sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cao…
– Sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành Du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch bằng đường hàng không. Theo dự báo đến năm 2030, phương tiện đi lại bằng đường hàng không vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, chiếm 52% so với 48% các phương tiện mặt đất. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch tàu biển tiếp tục gia tăng với các du thuyền hiện đại, sang trọng.
– Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Khác với tour truyền thống, du lịch thông minh chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu.
– Tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế và khu vực đã trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển du lịch trên thế giới.
– Vai trò của thị trường khách nội địa ngày càng lớn đối với sự phát triển du lịch do thu nhập ngày càng tăng, sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu là động lực lớn thúc đẩy tiêu dùng du lịch.
Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh, xu hướng các loại hình du lịch đã và đang thay đổi đáng kể. Sự lựa chọn của khách du lịch trên toàn cầu cho thấy, những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…ngày càng được ưa chuộng hơn. UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Trên thực tế, ngành Du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển của nhiều xu hướng du lịch khác như: tour tự thiết kế, tour cao cấp, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại… Xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần; khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Khách du lịch thế hệ mới, đặc biệt là giới trẻ – là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang thịnh hành. Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử… thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch. Theo số liệu từ trang statista.com, mỗi năm doanh thu từ tổ hợp công viên giải trí Disney Land của tập đoàn Walt Disney trên toàn cầu thu về hơn 50 tỷ USD, con số khiến nhiều nhà đầu tư muốn tập trung khai thác loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội cũng khiến cho kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc theo đó càng tăng mạnh…
Xu hướng tiêu dùng du lịch cũng có thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Khách đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương cũng đang là xu hướng được ưa chuộng. Các dịch vụ đặt chỗ vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại thông minh tăng mạnh. Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được booking online và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch.
Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho dịch vụ cơ bản (ăn, uống, vận chuyển…) chiếm phần lớn. Hiện nay, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho các dịch vụ (mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan giải trí…) tăng lên. Theo các nhà kinh tế học, nếu trước đây du khách dành cho ăn, ở, đi lại là 7 phần chi tiêu, thì nay chỉ còn 3 phần và ngược lại, có đến 7 phần dành cho vui chơi giải trí, mua sắm.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ.
Hiện nay, đối với ngành Du lịch Thế giới nói chung và ngành Du lịch Việt Nam nói riêng, việc phát triển bền vững được xem là yêu cầu tất yếu và bức thiết trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Phát triển bền vững mang lại giá trị vô cùng to lớn đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống nhân loại, trong đó có tính liên kết mật thiết đối với các ngành nghề khác nhau… góp phần vào việc bảo tồn các giá trị về văn hoá, tự nhiên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định về chính trị ở khu vực và trên Thế giới… cũng do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách, trong đó du lịch xanh, du lịch đại chúng truyền thống, du lịch sinh thái, di sản, văn hoá, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới.
Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu các nhà quản lý, các nhà đầu tư nhìn nhận và phân tích đúng tình hình, có giải pháp, phương án, cách vận hành phù hợp để có thể phát triển ngành Du lịch Việt Nam phù hợp với xu thế mới.
Hiện nay, phần lớn điểm đến ở Đông Nam Á đều duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là Việt Nam thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế trong những năm gần đây. Việt Nam được UNWTO đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 19,9% so với năm 2017, được đánh giá là mức tăng trưởng “nóng” so với thế giới và khu vực). Theo Tổng cục Du lịch năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16,2% so với năm 2018, trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 15,2%; bằng đường bộ tăng 20,4%; bằng đường biển tăng 22,7%. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động, tháng 5 năm 2020 chỉ một số hoạt động lữ hành nội địa được phục hồi nhưng lại đóng cửa trở lại vào tháng 8 năm 2020; nhiều khách sạn phải đóng cửa (công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%), dừng hoạt động để đảm bảo vừa phòng và chống dịch theo quy định.
Sau hai năm gần như đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Cụ thể, tổng thu từ du lịch 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 111,2 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 3/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 41,7 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Như vậy, du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức sau đại dịch. Nhưng ngàng du lịch được xem là ngành có khả năng phục hồi sớm hơn so với các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Xu hướng phát triển có thể trở lại năm 2022 khi các yếu tố về dịch bệnh dần được kiểm soát, đặc biệt khi thị trường du lịch và các xu hướng du lịch mới đang được chính các quốc gia và khách du lịch định hình lại.
- Xu hướng của du lịch giới trẻ thế giới và Việt Nam
Hiện nay, không chỉ ở thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, du lịch giới trẻ đang bùng nổ và là một ngách đầy triển vọng phát triển của ngành du lịch. Theo UNFPA, Việt Nam đang ở trong thời kỳ tỉ lệ dân số vàng với thành phần thanh thiếu niên (từ 15 đến 35 tuổi) chiếm đến gần 30% tổng dân số và là bộ phận đông đảo nhất trong cơ cấu dân số cả nước.
Nhiều báo cáo và dữ liệu trên khắp thế giới khẳng định giới trẻ, hay thanh niên, được coi là thế hệ giàu tiềm năng du lịch nhất, vì họ rất thích đi chơi và khám phá những điều mới mẻ, sẵn sàng chi “mạnh tay” cho những trải nghiệm du lịch [7]. Du lịch giới trẻ là bộ phận đặc biệt vì tính chất, tâm lý và động cơ đi du lịch của thanh niên rất khác biệt. Người trẻ đi du lịch không quá chú trọng vào việc chi tiêu cho những hàng hóa và dịch vụ du lịch thông thường. Thay vào đó, họ đi du lịch vì mong muốn được thỏa mãn những cảm xúc và hoạt động thể chất mang tính trải nghiệm. Ở khu vực Đông Nam Á, một bộ phận lớn du khách trẻ chọn hình thức du lịch ba lô hay phượt nhằm mục đích “đi để trải nghệm”, cảm nhận những giá trị mới [6].
Với thời đại công nghệ, giới trẻ Việt Nam cũng bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng du lịch của giới trẻ thế giới, cụ thể các xu hướng như sau:
* Du lịch kết hợp team building – Năng động với những chương trình du lịch trẻ trung
Xu hướng du lịch của giới trẻ đầu tiên trong năm nay chính là du lịch kết hợp team building. Đây là loại hình du lịch mix&match được đông đảo các bạn trẻ ưa chuộng. Du lịch kết hợp teambuilding ngoài đưa ra các lựa chọn để các bạn trẻ có thể trải nghiệm những hoạt động du lịch thông thường mà còn “extra” thêm sự hiểu biết và gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Những chương trình du lịch này đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao nên thường phù hợp với các nhóm bạn trẻ.
* Du lịch thiện nguyện
Thời buổi công nghệ phát triển ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng du lịch của giới trẻ. Những thông tin về các mảnh đời còn nhiều khó khăn và sự hỗ trợ của cộng đồng được khéo léo đưa vào các chương trình du lịch. Đây là loại hình du lịch khá mới, tuy nhiên được rất nhiều bạn trẻ đăng kí tham gia. Khi trải nghiệm du lịch từ thiện, các bạn trẻ vừa có thể tham quan các thắng cảnh ở địa phương, vừa có thể kết hợp các hoạt động thiện nguyện.
* Du lịch homestay
Không năng động, ồn ào như các hoạt động trong chương trình du lịch teambuilding, trào lưu du lịch homestay sẽ mang đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm vô cùng thú vị. Nghỉ lại trong nhà của chính những người dân bản địa và cùng sinh hoạt theo lối sống thường nhật của họ chắc chắn sẽ để lại rất nhiều trải nhiệm thực tế cho các bạn trẻ.
* Trải nghiệm dịch vụ du lịch đẳng cấp
Với một bộ phận giới trẻ có thu nhập cao, xu hướng du lịch không chỉ đơn giản là khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người thú vị hay thưởng thức những món ăn ngon nữa. Nhiều tiêu chuẩn mới và chất lượng cũng được đặt ra để trải nghiệm trọn vẹn kỳ nghỉ. Chất lượng dịch vụ tiện nghi, cao cấp hay những khu nghỉ dưỡng với hệ sinh thái “tất cả trong 1”( all- inclusive) là sự kết hợp hoàn hảo mà giới trẻ hướng đến.
* Khám phá đất nước bằng hành trình xuyên Việt
Trào lưu du lịch của giới trẻ vào thời gian dịch bệnh cũng hướng đến những hành trình khám phá xuyên đất nước. Ra đời một vài năm trở lại đây, những tour xuyên Việt đã trở thành mục tiêu mà nhiều bạn trẻ mong muốn được chinh phục. Những tour xuyên Việt truyền thống dần được thổi làn gió mới khi các bạn trẻ được chủ động về hành trình, không bắt buộc tham gia toàn bộ chương trình tour và có thể thiết kế lịch trình theo ý muốn.
* Trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa
Nếu đã quá quen thuộc với các hành trình bay thông thường thì xu hướng du lịch của giới trẻ năm nay tập trung vào những phương tiện truyền thống như tàu hỏa. Mặc dù đây là phương tiện không mới, nhưng du lịch bằng tàu hỏa lại chưa được đón nhận nhiều vì thời gian di chuyển khá lâu. Tuy nhiên, hiện nay, 1 chuyến tàu tiện nghi, thư thái và được trang bị đầy đủ thiết bị không còn quá khó để tìm ra.
* Du lịch check in
Không thể phủ định những nơi được lựa chọn là điểm đến du lịch HOT thì điều đầu tiên đó phải là những địa điểm đẹp, hút mắt. Tiếp theo sau đó mới kể đến khí hậu, ẩm thực,… Thời đại 4.0 là thời đại của công nghệ ngày nay, phần lớn đều có sử dụng mạng xã hội và sức lan truyền là cực mạnh. Không ít giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi những địa điểm hot được chia sẻ và chính họ cũng muốn đi đến đó để được check in.
Trend du lịch này không chỉ phổ biến với giới trẻ vào hè năm nay mà nó còn được đón nhận bởi hầu hết các du khách. Lưu giữ những kỉ niệm cùng với những view thơ mộng, homestay đẹp, món ăn ngon nhưng những tấm hình cũng cần được đầu tư kĩ càng và thêm đôi dòng review về chuyến đi, họ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mê du lịch.
* Du lịch tự túc
Với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay thì việc đi du lịch tự tức là điều khá dễ dàng và vô cùng thuận lợi. Đó cũng là lí do tại sao du lịch tự túc trở thành xu hướng du lịch của giới trẻ. Các bạn có thể lên sẵn kế hoạch cho bản thân hoặc 1 nhóm bạn cùng đi, tự tìm hiểu và tự chuẩn bị mọi thứ để lưu lại những kỉ niệm đáng nhớ cho riêng mình. Bạn có thể đặt phòng, đặt vé, qua nhiều website du lịch như vntrip.vn, dntrip.vn, booking.com,… hay qua những bài review của nhiều bạn trẻ, blogger đã từng đi được đăng trên mạng xã hội. Xu hướng này giúp các bạn trẻ tự nâng cao tính chủ động và tự tin ứng phó với các khó khăn trên suốt chuyến hành trình khám phá của mình, hơn thế nữa, còn có thể tránh được những khoản chi phí dịch vụ mà vẫn có cho mình chuyến đi thật tuyệt vời.
* Du lịch một mình
Được coi là xu hướng du lịch của giới trẻ, du lịch một mình rất thu hút bởi sự chủ động và cảm giác tự do trong suốt một hành trình dài. Được trải nghiệm những chuỗi ngày của riêng mình, tự tìm tòi, tiếp thu những điều mới lạ, khám phá và trải nghiệm những vùng đất mới sẽ khiến chuyến đi của bạn độc đáo hơn bao giờ hết đó. Tuy nhiên, loại hình này hầu hết tập trung vào những bạn trẻ hướng nội và có nhiều thời gian rảnh.
Đây có thể nói là một xu hướng du lịch khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là đối với phái nữ. Nữ giới đang ngày một độc lập và tạo được chỗ đứng trong xã hội. Tự khám phá những điều mới mẻ cũng là một cách để họ chứng minh sự độc lập và tinh thần mạnh mẽ. Hơn thế nữa, điều này có thể giúp mở rộng giao lưu, kết nối bạn bè trong mỗi chuyến đi.
* Du lịch trải nghiệm hay phượt bụi
Du lịch bụi vào các mùa hè cũng lên ngôi và trở thành xu hướng du lịch của giới trẻ. Không chỉ đến một nơi để du lịch, tham quan mà các bạn trẻ hiện nay còn quan tâm đến việc tự do trải nghiệm thực tế. Với họ, những chuyến du lịch không chỉ mang ý nghĩa là tham quan, khám phá hay là nơi để tìm hiểu văn hóa mà đây còn là thời gian để họ có thể tìm đến một nơi yên tĩnh, thư thái, thả lòng mình thoát khỏi những mệt mỏi xô bồ của cuộc sống thường nhật. Họ quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm trong chuyến đi. Không muốn bị gò bó bởi những lịch trình đã được lên sẵn từ các đơn vị lữ hành, nhiều bạn trẻ muốn tự mình lên kế hoạch, sắp xếp cho chuyến đi du lịch của mình thật đáng nhớ. Đó có thể là những chuyến đi dài ngày, qua nhiều địa phương khác nhau, hay là những chuyến đi cắm trại ngắn ngày nhưng cũng đủ để trải nghiệm những cảnh đẹp từ mọi con đường của đất nước. Những bạn trẻ đi du lịch theo xu hướng này thường thích vui chơi, khám phá những vùng đất mới, cùng bạn bè trải nghiệm những địa điểm thú vị khắp mọi miền tổ quốc.
Hai năm trở về đây, xu hướng du lịch của giới trẻ có khá nhiều sự thay đổi vì tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, tất cả những trào lưu trên đều có một điểm chung đó là chú trọng vào các trải nghiệm thực tế và gần gũi. Vì tuổi trẻ luôn chứa đựng những đam mê chinh phục các vùng đất lạ.
3. Những vấn đề chính đặt ra đối với ngành Du lịch Việt Nam để đáp ứng nhu cầu du lịch của giới trẻ trong thời gian tới
* Cần đa dạng sản phẩm du lịch, phát huy nguồn tài nguyên du lịch văn hóa
Sản phẩm du lịch luôn là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và để thu hút khách du lịch giới trẻ nói riêng. Du lịch Việt Nam cần định vị rõ thương hiệu và bản sắc của văn hóa, con người, đất nước Việt Nam để mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực và độc đáo. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhận định, đại dịch đã chỉ ra một số xu hướng đang đi lên theo hướng du lịch trải nghiệm độc đáo và chân thực. Du lịch Việt Nam bộc lộ một số xu hướng là an toàn tránh dịch bệnh; ứng dụng công nghệ nhằm quản lý bảo đảm an toàn; du lịch theo nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày và dịch vụ cận ngày; lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Đa dạng sản phẩm du lịch cần theo hướng đáp ứng xu hướng mới của thị trường, phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.
Do đó, cần thực hiện các nhóm giải pháp khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tài nguyên văn hóa, bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững. Coi bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển hài hòa du lịch như một tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả du lịch. Bên cạnh đó, tạo ra sự thu hút, hấp dẫn bằng những hướng đi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy tính sáng tạo và lợi thế của từng địa phương.
* Đẩy mạnh xu hướng số hóa trong phát triển du lịch
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển du lịch bắt kịp xu thế mới cần đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới áp dụng công nghệ; đồng thời giải các bài toán về nhân lực bên cạnh việc tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn.
Đại đa số các bạn trẻ tiếp cận với công nghệ và tìm hiểu các chuyến đi qua các kênh thông tin trên mạng nên việc phát triển công nghệ số sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm và lựa chọn của du khách trẻ tuổi.
Khảo sát du lịch mới nhất (ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ) từ nền tảng du lịch Booking.com cho thấy công nghệ số đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc linh động thay đổi kế hoạch với nhiều lựa chọn hơn để đặt chỗ ngay trong chuyến đi và tự do điều chỉnh kế hoạch. Kết quả cũng cho thấy 70% khách du lịch Việt Nam đang tìm kiếm những cải tiến công nghệ mới nhất nhằm gợi ý những “từ khoá” hay những cơ hội bất ngờ dựa trên sở thích hoặc ngân sách trước đây của họ, giúp du khách có một trải nghiệm hoàn toàn mới và nắm bắt được mọi cơ hội dịch chuyển tiềm năng. Có tới 79% du khách Việt Nam quan tâm đến một dịch vụ sáng tạo có khả năng dự đoán quốc gia nào sẽ an toàn để đi du lịch, hoặc tự động đề xuất các địa điểm du lịch dễ dàng dựa trên yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện tại của địa phương và quốc gia đó (82%).
Chuyển đổi số là một hành trình không hề dễ dàng và phải bắt đầu từ yếu tố con người, chuyển đổi tư duy trước khi trang bị kỹ thuật số. Các doanh nghiệp du lịch cần có sự quyết tâm, đồng lòng, dốc sức triển khai; đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ và hiện đại cùng đội ngũ nhân sự về công nghệ phục vụ cho các hoạt động quản trị, vận hành và kinh doanh… Khi dữ liệu tổng quan được số hóa và phổ cập toàn quốc, sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp thuận tiện trong việc nghiên cứu xu hướng du lịch mới, đánh giá thị hiếu du khách từng thị trường, để xây dựng sản phẩm và cách thức tiếp cận, phục vụ phù hợp…
* Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Vấn đề đứt gãy nguồn nhân lực của ngành Du lịch sau đại dịch là một “bài toán” đau đầu cho cả phục hồi trong ngắn hạn và dài hạn. Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, rất cần có sự rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình.
* Chú trọng truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
Để phục hồi nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả, xúc tiến quảng bá đóng vai trò quan trọng. Hiện Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục du lịch cũng đề xuất với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Quốc gia. Xây dựng các chương trình truyền thông tấn công vào thị trường quốc tế cụ thể, nhiều tiềm năng là một giải pháp thiết thực là hướng đi đúng đắn.
* Cần nhất quán và linh hoạt trong các biện pháp hỗ trợ phục hồi
Phục hồi du lịch có đúng là “thời cơ vàng” hay không còn tùy thuộc vào sự linh hoạt nhưng nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cơ quan quản lý; sự quyết liệt của địa phương, doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên theo hướng tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.
* Xác định mở cửa du lịch phải song hành với an toàn phòng dịch COVID-19
Thời cơ phục hồi của du lịch đã đến. Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong việc phủ vaccine, tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức như rủi ro về biến chủng mới; sự chênh lệch về mức độ bao phủ vaccine giữa các địa phương và giữa các độ tuổi. Do vậy, trong các giải pháp để phục hồi phát triển du lịch trong giai đoạn 2022-2023 phải luôn song hành với an toàn phòng dịch COVID-19. Công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn. Điều kiện đón khách du lịch phải bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch. Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2022). Hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khởi sắc trong quý I năm 2022. Tổng Cục Thống Kê. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/hoat-dong-du-lich-tainhieu-dia-phuong-khoi-sac-trong-quy-i-nam-2022;
- Trần Doãn Cường (năm 2021) Nhận định một số xu hướng trong thời gian tới đối với ngành du lịch Việt Nam. http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nhan-dinh-mot-so-xu-huong-trong-thoi-gian-toi-doi-voi-nganh-du-lich-viet-nam/;
- Mai Anh (năm 2021) Xu hướng du lịch của giới trẻ thịnh hành https://dulichvietnam.com.vn/xu-huong-du-lich-cua-gioi-tre-thinh-hanh.html;
- Nguồn: baodulich.net.vn (năm 2019) Xu hướng phát triển của du lịch thế giới trong giai đoạn tới. https://sodulich.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/trong-nuoc-va-quoc-te/xu-huong-phat-trien-cua-du-lich-the-gioi-trong-giai-doan-toi.html;
- Cao Nguyên (năm 2022) Du lịch Việt Nam: Tiếp tục “sứ mệnh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọnhttps://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/du-lich-viet-nam-tiep-tuc-su-menh-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-138089;
- Richards, G. (2008). Youth travel matters: Understanding the global phenomenon of youth travel. World Tourism Organization (WTO). [Online] Avalabile at https://www.academia.edu/6637218/Youth_Travel_Matters_ Understanding_the_global_phenomenon_of_youth_travel
- Yunusovich, S. (2018). Youth tourism as a scientific research object. Journal of Tourism & Hospitality, 1 – 3.
Bùi Thị Nhẹ
Phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch