Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh
TÓM TẮT:
QĐ số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01-10-2021, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã khẳng định quan điểm tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Trong đó, Chiến lược đã khẳng định tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước. Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức. Kinh nghiệm phát triển theo hướng tăng trưởng xanh của các nước sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Từ khóa: Du lịch; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Bài học kinh nghiệm.
Đặt vấn đề
Du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh, chiếm 10% GDP của thế giới, 7% xuất khẩu toàn cầu và cứ 10 việc làm trên thế giới hiện nay thì có 1 việc làm trong ngành du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch cũng đi kèm với những thách thức đáng kể. Theo ước tính ngành Du lịch tạo ra khoảng 5% phát thải khí nhà kính toàn cầu, dự kiến sẽ tăng đáng kể theo kịch bản tăng trưởng du lịch thế giới. Những thách thức đáng lo ngại, bao gồm tiêu thụ nước quá mức so với sử dụng nước sinh hoạt, xả nước không được xử lý, phát sinh chất thải, làm giảm đa dạng sinh học, đe dọa sự tồn tại của văn hóa bản địa, di sản văn hóa,…Chính vì vậy, việc xanh hóa du lịch, bao gồm cải thiện hiệu quả trong hệ thống quản lý năng lượng, nước và chất thải, mở rộng nguồn cung ứng địa phương và các cơ hội quan trọng trong du lịch theo hướng văn hóa cung ứng, hỗ trợ nền kinh tế địa phương, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tự nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Chiến lược đã khẳng định quan điểm tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Trong đó, khẳng định tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với phát triển du lịch Việt Nam đó là: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch cần có những kế hoạch hành động cụ thể. Để triển khai thực hiện tăng trưởng xanh du lịch có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra thì những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh sẽ là bài học thực sự cần thiết cho du lịch Việt Nam triển khai theo hướng tăng trưởng xanh.
Phát triển du lich theo hướng tăng trưởng xanh của một số quốc gia trên thế giới
Du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh, chiếm 10% GDP của thế giới, 7% xuất khẩu toàn cầu và cứ 10 việc làm trên thế giới hiện nay thì có 1 việc làm trong ngành du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch cũng đi kèm với những thách thức đáng kể. Theo ước tính ngành Du lịch tạo ra khoảng 5% phát thải khí nhà kính toàn cầu, dự kiến sẽ tăng đáng kể theo kịch bản tăng trưởng du lịch thế giới. Những thách thức đáng lo ngại, bao gồm tiêu thụ nước quá mức so với sử dụng nước sinh hoạt, xả nước không được xử lý, phát sinh chất thải, làm giảm đa dạng sinh học, đe dọa sự tồn tại của văn hóa bản địa, di sản văn hóa,…Chính vì vậy, việc xanh hóa du lịch, bao gồm cải thiện hiệu quả trong hệ thống quản lý năng lượng, nước và chất thải, mở rộng nguồn cung ứng địa phương và các cơ hội quan trọng trong du lịch theo hướng văn hóa cung ứng, hỗ trợ nền kinh tế địa phương, và giảm nghèo và bảo vệ môi trường tự nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do tính chất đa ngành của du lịch, các nhà hoạch định chính sách, chương trình hành động của du lịch, các công ty và chuỗi giá trị du lịch, cộng đồng và khách du lịch, đều có thể đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh([1])
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy đầu tư vào việc xanh hóa du lịch có thể làm giảm chi phí năng lượng, nước và chất thải; nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản văn hóa. Kinh nghiệm xanh hóa du lịch ở cấp độ điểm đến của một số quốc gia đã được tổng kết tại báo cáo “Đổi mới xanh trong dịch vụ du lịch” (Green Innovation in Tourism Services)([2]) của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, 2013.
Tại Mexico, trong Kế hoạch phát triển Quốc gia 2007-2012, một trong những ưu tiên có tính chiến lược chính về hướng dẫn chính sách của Mexico là tính bền vững. Thực hiện kế hoạch này, chính phủ Mexico hỗ trợ đổi mới xanh trong du lịch thông qua bốn chương trình được điều phối bởi các cơ quan khác nhau của chính phủ liên bang: (1) Chương trình “Điểm đến du lịch sạch” – là chương trình chứng nhận đòi hỏi các doanh nghiệp và thành phố phải hợp tác với nhau, liên quan đến quản lý nước và chất thải rắn, để đạt được sự phối hợp môi trường giữa xã hội và chính phủ; (2) Chương trình “Du lịch bền vững ở Mexico” do Bộ Du lịch triển khai. Mục tiêu chính của chương trình này là phát triển du lịch bền vững bằng cách sử dụng hệ thống các chỉ số đo lường và đánh giá tính bền vững các điểm du lịch; (4) Chương trình “Lãnh đạo môi trường vì năng lực cạnh tranh” được điều phối bởi Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên và các bên liên quan đến hợp tác công tư bao gồm chính phủ liên ban, chính quyền địa phương, các tập đoàn hàng đầu, nhà cung cấp, hiệp hội nghề nghiệp. Mục tiêu của chương trình này là thúc đẩy khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị và nhà cung cấp vừa và nhỏ của các công ty lớn, thông qua cơ chế quản lý môi trường doanh nghiệp chú trọng đến hiệu quả sinh thái; (5) Chương trình “Du lịch Chất lượng Môi trường” – là một chương trình chứng nhận được thúc đẩy bởi chính phủ liên bang và cấp cho các tổ chức có hoạt động du lịch đã thể hiện sự tuân thủ pháp luật về môi trường và tự điều chỉnh. Chứng nhận được cấp cho các tổ chức hoạt động du lịch (Khách sạn và nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở thể thao, trung tâm giải trí, khu vực tự nhiên, công viên giải trí, spa, golf, v.v.) tuân thủ pháp luật về môi trường trong 3 công đoạn (Lập kế hoạch kiểm toán môi trường, thực hiện kiểm toán môi trường và kiểm toán sau khi thực hiện các hành động phòng ngừa và khắc phục các lỗi). Chứng chỉ được cấp với thời hạn hai năm.
Tại Phần Lan, Bộ Việc làm và Kinh tế (chịu trách nhiệm về cả chính sách du lịch và đổi mới ở Phần Lan) đã công bố Chiến lược du lịch quốc gia năm 2006 và cập nhật vào năm 2010, với mục đích thu hút sự phát triển bền vững trong quá trình kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch. Chiến lược du lịch này trình bày chi tiết các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững trong du lịch và giới thiệu một số công cụ kinh tế hỗ trợ sáng kiến đổi mới xanh. Điểm đáng lưu ý là quá trình triển khai xanh hóa du lịch được gắn liền với chính sách quốc gia và vùng về phát triển bền vững và được điều chỉnh bởi pháp luật, bao gồm Luật Đất đai và Xây dựng, Luật Nước, Luật bảo vệ môi trường, Luật Bảo tồn thiên nhiên và Luật chất thải.
Tại Israel, Bộ Du lịch hướng dẫn Chính sách quy hoạch và phát triển có cân nhắc về môi trường, văn hóa và xã hội, và tìm cách lôi kéo sự tham gia của các Bộ khác khi cần thiết. Bộ Du lịch hoạt động theo các nguyên tắc và chương trình môi trường, bao gồm: (1)Tích hợp với cảnh quan và môi trường – Mọi dự án đều được đánh giá tích hợp với môi trường tự nhiên; (2) Khuyến khích sử dụng và tái chế các công trình kiến trúc hiện có – khuyến khích thành lập các doanh nghiệp du lịch gắn với các tòa nhà được dự kiến bảo tồn và tái sử dụng vì mục đích du lịch; (3)Xây dựng xanh – thúc đẩy và khuyến khích sử dụng các yếu tố xanh trong xây dựng khách sạn bằng cách yêu cầu tích hợp các hệ thống tiết kiệm năng lượng và nước trong công trình như một điều kiện để cấp phép.
Tại New Zealand , đổi mới, bao gồm đổi mới xanh được coi là trọng tâm để đạt được mục tiêu cải thiện lợi nhuận không chỉ cho du lịch, mà cả nền kinh tế. Hoạt động kinh tế xanh, bao gồm cả trong lĩnh vực du lịch đòi hỏi phải có sự hợp tác hiệu quả giữa chính phủ và các bên liên quan. Các chính sách và chương trình cụ thể để hỗ trợ đổi mới xanh trong du lịch ở New Zealand bao gồm: (1) Chương trình chứng nhận môi trường và chứng nhận chất lượng du lịch quốc gia tự nguyện, đã đưa ra các tiêu chí môi trường bắt buộc (tiêu chí du lịch có trách nhiệm), giám sát và đo lường mức độ sử dụng năng lượng; (2) Chương trình hiệu quả năng lượng du lịch giúp cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm chi phí; (3) Thành lập nhóm tư vấn tăng trưởng xanh để lựa chọn chính sách và các can thiệp thực tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh hơn.
Tại Bồ Đào Nha, đổi mới và bền vững là hai trụ cột chính của chiến lược phát triển du lịch. Về các chương trình hỗ trợ đổi mới xanh trong du lịch, đã có khung pháp lý về xây dựng, khai thác và vận hành các cơ sở du lịch, trong đó nhấn mạnh vai trò của bền vững đối với phát triển du lịch. Các công ty du lịch có thể có được nguồn tài chính để phát triển các dự án du lịch sáng tạo và bền vững với môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh với nguồn quỹ của EU tài trợ thông qua Chương trình khuyến khích đổi mới và chứng nhận quốc tế hóa. Các ưu đãi tập trung vào các chỉ tiêu liên quan đến hiệu quả năng lượng (cải thiện hiệu quả năng lượng và đa dạng hóa các nguồn năng lượng dựa trên tài nguyên tái tạo), môi trường (đầu tư liên quan đến kiểm soát khí thải, kiểm toán môi trường, giảm tiếng ồn, quản lý nước hiệu quả, giới thiệu về công nghệ hiệu quả sinh thái), cũng như chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo Hệ thống chất lượng Bồ Đào Nha, hệ thống nhãn sinh thái. Ngoài ra, cơ quan Du lịch Bồ Đào Nha đã thiết lập một mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu và phát triển du lịch, nhằm huy động năng lực nghiên cứu du lịch của các trường đại học nhằm thúc đẩy đổi mới trong du lịch và đặc biệt là đổi mới xanh trong du lịch. Nhiệm vụ của mạng lưới sẽ là đưa ra các dự án hợp tác giữa Hệ thống Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các doanh nghiệp có thể tạo ra sự đổi mới xanh.
Tại Ai Cập, Bộ Du lịch đã triển khai “Sáng kiến Thành phố Xanh” áp dụng cách tiếp cận toàn diện tập trung vào bốn lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh đó là: Giảm phát thải carbon, cung cấp và bảo tồn nước bền vững, quản lý chất thải hiệu quả và đa dạng sinh học lành mạnh. Sáng kiến này sử dụng chiến lược 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung vào các mục tiêu có thể định lượng vào năm 2020: Giảm 36% lượng khí thải liên quan đến điểm đến; Giảm 13% mức tiêu thụ năng lượng của mỗi khách khách cho một đêm tại khách sạn; Giảm 13% mức tiêu thụ nước của mỗi khách khách cho một đêm đối với các khách sạn hiện tại và giảm 28% đối với các khách sạn mới; Giảm 75% lượng nước thải; Đạt cấp độ 3/5 trong thực hành quản lý chất thải rắn 2/3 trong thực hành xử lý nước thải theo tiêu chuẩn; Giảm tỷ lệ suy thoái của các rạn san hô xuống 5% mỗi năm;…
Tại Indonesia, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo điều phối tất cả sự phát triển du lịch ở Indonesia, bao gồm du lịch xanh, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khác có liên quan hỗ trợ chương trình, bao gồm Bộ Môi trường, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Năng lượng và Khoáng sản, và chính quyền các Tỉnh/địa phương.
Chính phủ Indonesia đưa mô hình phát triển bền vững vào quản lý và phát triển du lịch bằng cách thực hiện bốn nguyên tắc chính là giảm nghèo, tăng trưởng chuyên nghiệp, việc làm chuyên nghiệp và môi trường chuyên nghiệp. Trọng tâm và ưu tiên của các hoạt động phát triển du lịch Indonesia là 1) phát triển ngành, 2) phát triển điểm đến, 3) phát triển xúc tiến và tiếp thị, và 4) phát triển nguồn lực và thể chế.
Tại Thái Lan([3]), việc phát triển du lịch xanh dựa vào 7 yếu tố đó là (1) Trái tim xanh, nhằm nâng cao nhận thức khách du lịch, cộng đồng về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; (2) Vận chuyển xanh, Khuyến khích đầu tư, sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường phục vụ cho ngành du lịch; (3) Điểm đến xanh, các điểm đến được quản lý theo nguyên tắc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường; (4) Cộng đồng xanh, hỗ trợ loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa truyền thống và phong tục tập quán địa phương; (5) Hoạt động xanh, thúc đẩy các loại hình du lịch phù hợp, có sự tham gia của cộng động địa phương; (6) Dịch vụ xanh, khuyến khích các bên liên quan trong cung cấp dịch vụ du lịch tạo ấn tượng, truyền cảm hứng thông qua sự tôn trọng, quan tâm và bảo vệ môi trường; (7) Phương pháp tiếp cận Xanh, tăng cường trách nhiệm xã hội, giảm thiểu các hoạt động gây hại đến môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch tại Việt Nam
Thông qua kinh nghiệm của các nước trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong lĩnh vực du lịch.
Thứ hai: Xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao nhận thức khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quản quản lý Trung ương và địa phương về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Thứ ba: Cần tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường bền vững vào hoạt động du lịch, thông qua các chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động phát triển tại các khu, điểm du lịch. Thiết lập tầm nhìn, mục tiêu phát triển theo các tiêu chuẩn tăng trưởng xanh trong ngành du lịch. Xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới xanh trong du lịch với trọng tâm đầu tư, đổi mới các hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch, điểm đến xanh. Đổi mới trong công tác Quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan đảm bảo thân thiện với môi trường. Tăng cường các không gian cây xanh gắn với hệ sinh thái tự nhiên. Gắn phát triển du lịch với việc khai thác các giá trị đặc sắc về không gian văn hóa và lịch sử. Kết cấu cơ sở hạ tầng, vật chất du lịch đảm phù hợp và hài hòa với không gian cảnh quan tự nhiên.
Thứ tư: Quá trình triển khai xanh hóa ngành du lịch cần gắn liền với chính sách quốc gia và vùng về phát triển bền vững và được tích hợp trong điều chỉnh Luật có liên quan, bao gồm: Luật Đất đai và Xây dựng, Luật Nước, Luật bảo vệ môi trường, Luật Bảo tồn thiên nhiên và Luật chất thải. Lựa chọn chính sách và các biện pháp can thiệp hỗ trợ phát triển du lịch tăng trưởng xanh.
Thứ năm: Đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa ngành du lịch và các bên liên quan vào quá trình thúc đẩy và khuyến khích sử dụng các yếu tố xanh: (1) trong xây dựng khách sạn, như tích hợp các hệ thống tiết kiệm năng lượng và nước như một điều kiện để cấp phép xây dựng; (2) Chứng nhận môi trường và chứng nhận chất lượng du lịch thông qua các tiêu chí môi trường bắt buộc (tiêu chí du lịch có trách nhiệm); (3) kiểm tra, giám sát và đo lường mức độ sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch; (4) Sử dụng hiệu quả năng lượng (hệ thống nhãn du lịch xanh, nhãn sinh thái…) và giảm chi phí.
Thứ sáu: Triển khai “Sáng kiến điểm đến Xanh” áp dụng cách tiếp cận tăng trưởng xanh: Giảm phát thải carbon, cung cấp và bảo tồn nước bền vững, quản lý chất thải hiệu quả và đa dạng sinh học tại điểm đến.
Thứ bảy: Hợp tác trong nghiên cứu với các trường đại học nhằm thúc đẩy đổi mới trong du lịch và đặc biệt là đổi mới xanh trong du lịch. Tăng cường hợp tác ứng dụng Khoa học và Công nghệ tạo ra sự đổi mới xanh trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.
- QĐ số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01-10-2021, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
- OECD (2013), “Green Innovation in Tourism Services”, OECD Tourism Papers, 2013/01, OECD Publishing.
- Geoffrey Lipman, Green growth and travelism – a sustainable development journey, Green Growth and Travelism Concept, policy and practice for sustainable tourism, Edited by Terry DeLacy, Min Jiang, Geoffrey Lipman and Shaun Vorster, First published 2014.
- http://asiapacific.unwto.org/site/all/files/pdf/thailand.pdf
([1]) Geoffrey Lipman, Green growth and travelism – a sustainable development journey, Green Growth and Travelism Concept, policy and practice for sustainable tourism, Edited by Terry DeLacy, Min Jiang, Geoffrey Lipman and Shaun Vorster, First published 2014
([2]) OECD (2013), “Green Innovation in Tourism Services”, OECD Tourism Papers, 2013/01, OECD Publishing. http://dx.doi.org/10.1787/5k4bxkt1cjd2-en
([3]) http://asiapacific.unwto.org/site/all/files/pdf/thailand.pdf
ThS. Nguyễn Quốc Hưng
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch