Nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong kỷ nguyên số
TÓM TẮT:
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu khách quan của sự phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đem đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với hệ thống nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Hiện nay, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) còn nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu đổi mới và hội nhập. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của NNLDL so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bài viết tập trung vào phân tích hiện trạng bối cảnh cuộc CMCN 4.0 tác động tới NNLDL, đồng thời nêu lên thực trạng đào tạo NNLDL, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, du lịch.
- Đặt vấn đề
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong 02 năm 2018 – 2019, kết quả hoạt động của ngành du lịch đã vượt xa mục tiêu đặt ra của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030[1]. Bên cạnh đó, Việt Nam được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu[2]. Theo đà tăng trưởng này, tiềm năng du lịch Việt Nam sẽ có những bước phát triển ngoạn mục trong tương lai.
Tuy nhiên, Đại dịch COVID-19 bùng phát (từ cuối năm 2019) đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trên cả nước. Năm 2020[3], khách du lịch quốc tế sụt giảm 80%, khách du lịch nội địa sụt giảm trên 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm trên 58% (so với năm 2019). Năm 2021, có thể nói hoạt động du lịch quốc tế gần như “đóng băng” hoàn toàn (cho đến tháng 11/2021 khi Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm đón khách du lịch quốc tế); du lịch nội địa cũng sụt giảm do đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4 năm 2021.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (từ ngày 15/3/2022), cùng với việc phát động Chương trình “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”, nhiều địa phương chủ động triển khai chương trình kích cầu, lễ hội du lịch của địa phương, đã trở thành tiền đề để du lịch Việt Nam từng bước phục hồi, sôi động trở lại và mở ra giai đoạn phát triển mới[4].
Tuy nhiên, một trong những cản trở cho sự phục hồi của du lịch Việt chính là sự thiếu hụt, sự không đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững, thích ứng với kỷ nguyên số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm – dịch vụ du lịch, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch được coi là nhiệm vụ quan trọng; nhất là nguồn nhân lực có đủ năng lực để sử dụng công nghệ số.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và cơ sở thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực và đào tạo NNLDL Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.
- Phương pháp nghiên cứu
Số liệu sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm các số liệu thứ cấp đã được công bố chính thức (Báo cáo hàng năm về du lịch của – Tổng cục du lịch Việt Nam), các công trình nghiên cứu và các nghiên cứu có liên quan đến CMCN 4.0 và đào tạo NNLDL Việt Nam.
3. Tổng quan về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam.
– Hiện trạng hoạt động kinh doanh du lịch: Việt Nam hiện đang thuộc nhóm nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á: Năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 15,5 triệu khách (tăng gần 20% so với năm 2017), phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng (tăng 21,4% so với năm 2017); lần đầu tiên lọt vào nhóm 10 nước tăng trưởng du lịch nhất trên toàn cầu. Tiếp nối thành công, năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, năm 2019 tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (4,6%). Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP: ngày càng tăng (năm 2018 là 8,3% và năm 2019 là 9,2% vào GDP).
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch: Dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2020 du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước, khách nội địa giảm 50%, ngành Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD, tổng thu du lịch giảm 58,7%. Đã có 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa, gần 60% lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm ngày công lao động. Nhân lực du lịch mất việc dài ngày đã chuyển nghề, tìm nghề, tìm việc khác để mưu sinh, kiếm sống. Như vậy, sau khi đại dịch được kiểm soát, khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu du lịch sẽ tăng cao, ngành Du lịch tái hoạt động trở lại, và đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng.
– Cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan đến CMCN 4.0: Nắm bắt được xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 về việc “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong đó nêu rõ đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh (Thủ tướng Chính phủ, 2017). Đây là tiền đề để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại.
– Về số lượng lao động: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, lực lượng lao động du lịch tăng lên đáng kể.
Năm 2017, cả nước có trên 2,5 triệu lao động, trong đó 750.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên môn về du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Con số 45% được đào tạo chuyên môn về du lịch là dữ liệu đặt ra nhiều băn khoăn đối với các nhà quản lý khi du lịch sẽ còn tiếp tục phát triển và xu hướng du lịch thế giới đang có nhiều thay đổi, biến động.
Năm 2019 lao động ngành du lịch đạt 3.070.000, trong đó lao động trực tiếp khoảng 1.023.000 và lao động gián tiếp khoảng 2.047.000.
Lao động trong ngành du lịch chủ yếu làm việc trong các cơ sở lưu trú chiếm khoảng 70%; lữ hành (bao gồm cả hướng dẫn viên) và vận chuyển chiếm 10%; khối các dịch vụ khác 20%.
Lao động làm trong các cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch có 502.759 lao động (lao động ở vị trí lễ tân chiếm tỷ trọng bình quân là 12,57%; lao động vị trí nhà hàng chiếm tỷ trọng bình quân là 18,34%; lao động ở vị trí buồng phòng chiếm tỷ trọng bình quân là 31,96%; còn lại là các vị trí khác trong khách sạn 37,13%.
Đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) trên cả nước có 26.519 HDVDL, trong đó có 17.080 HDVDL quốc tế, chiếm 64,4%; 8.579 HDVDL nội địa, chiếm 32,4% và 860 HDVDL tại điểm, chiếm 3,2%3
Trong lĩnh vực nhà hàng và ẩm thực, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống từ quy mô nhỏ đến lớn bao gồm cả các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cà phê, quán bar/pub. Tuy nhiên, số lượng lao động bếp chỉ có 30% được đào tạo bài bản, số lượng lao động bàn đã qua đào tạo chỉ đạt 20-30%.
– Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch: Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường chuyên về đào tạo du lịch, các trường còn lại có đào tạo ngành du lịch), 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề.
Số lượng giảng viên/những người tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc có khoảng 5.120 người, trong đó 2.000 giảng viên, 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý.
Cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo về du lịch ngày càng được cải thiện, nâng cấp, hiện đại hóa.
Nguồn: Viện NCPT Du lịch
– Về chất lượng lao động: Trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,37%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học khoảng 24%, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng khoảng 13%, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp khoảng 14%, còn lại là trình độ khác. Chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó sẽ còn những số lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng/nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề.
Nguồn: Viện NCPT Du lịch
Ngoài kiến thức, kỹ năng về nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đối với đối tượng lao động nghề còn rất hạn chế, ngoại trừ những nghề yêu cầu bắt buộc phải như hướng dẫn viên, lễ tân. Theo một nghiên cứu cho thấy tuy có 60% lao động có kỹ năng tin học và có thể sử dụng các thiết bị máy tính, công nghệ nhưng chỉ dừng ở mức đơn giản, cho thấy chất lượng còn rất mỏng ở khối lao động nghề.
– Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy: Đào tạo du lịch là đào tạo nghề, bên cạnh đó, thời đại CMCN 4.0, công nghệ phục vụ du lịch phát triển nhanh và thay đổi theo từng ngày nên rất cần các cơ sở thực hành, thực tế. Tuy nhiên, các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo thường rất đắt tiền và nhanh chóng thay đổi khiến các cơ sở đào tạo thường khó theo kịp sự phát triển của ngành, dẫn đến việc đào tạo du lịch đang phổ biến tình trạng “tay không bắt giặc”. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn lao động do không thể bắt kịp với nhu cầu của công việc.
– Ứng dụng công nghệ thông tin và CMCN 4.0: Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á. CMCN 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ thực tế ảo và tương tác thực tại ảo đòi hỏi hệ thống đào tạo phải thay đổi chương trình và phương thức đào tạo. Chương trình đào tạo du lịch hiện nay vẫn còn thiên về giảng dạy lý thuyết, chậm đổi mới, nội dung chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế lao động CMCN 4.0.
- Những cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số.
a) Cơ hội đối với nguồn nhân lực du lịch [8]
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành các định hướng, cơ chế, chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo du lịch phát triển.
Thứ hai, du lịch Việt Nam đang cần một số lượng nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường du lịch.
Thứ ba, xu thế hội nhập toàn cầu đã tạo điều kiện để nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có cơ hội bước vào thị trường du lịch khu vực và quốc tế: Hiện nay, Việt Nam cùng với các nước trong khu vực tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc mở rộng thị trường kinh tế đã tạo cho toàn ngành du lịch Việt Nam có thêm nhiều lợi thế. Hơn thế, khi tham gia thực hiện Thỏa thuận về nghề du lịch ASEAN, du lịch là một trong 12 ngành được ưu tiên hội nhập và là một trong 8 ngành được tự do di chuyển lao động theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề trong các nước khu vực ASEAN; điều này tạo điều kiện để nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được đào tạo theo yêu cầu chuẩn mực của các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, cơ hội này cũng tạo điều kiện để nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Việt Nam có thể bước vào hành nghề trong thị trường du lịch của các nước bạn.
Thứ tư, nhân lực du lịch Việt Nam có cơ hội cọ xát và cạnh tranh với các tour du lịch lữ hành quốc tế: Sự tăng trưởng nhiều tour du lịch quốc tế vào Việt Nam đã tạo cơ hội để nhân lực du lịch Việt Nam cạnh tranh, tìm kiếm và học hỏi nhiều kinh nghiệm làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản của các nước, trên cơ sở đó nhận diện được những yếu kém của chính mình để tự điều chỉnh, nhằm khắc phục, tránh tụt hậu.
Thứ năm, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng, cơ hội hợp tác đầu tư với nước ngoài tạo điều kiện để nhân lực du lịch Việt Nam được tiếp cận và đào tạo theo chuẩn hóa khu vực và quốc tế. Chính những cơ hội này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu chuẩn khu vực và quốc tế.
– Những thách thức nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang gặp phải
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu của phát triển du lịch bền vững: ngành Du lịch Việt Nam đang thiếu hụt nhiều cán bộ quản lý nhà nước các cấp giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; nhất là nhân lực có tay nghề, có nghiệp vụ đang là bài toán “đau đầu” với ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch. Các chính sách: hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch, thu hút nhân sự mới, thu hút người lao động quay trở lại làm việc chưa thực sự hiệu quả…
Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Nhân sự trong nhiều khách sạn, nhà hàng và khu du lịch, đặc biệt là ở những khu vực xa thành phố lớn vẫn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng kém, chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cho khách du lịch hạng sang.
Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp còn thiếu và chuyên môn yếu, đặc biệt là hướng dẫn viên nói được các ngoại ngữ hiếm như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp,…
“Chúng ta cần chú trọng đào tạo không chỉ kiến thức chung, mà còn đào tạo theo chuẩn năng lực gồm thái độ, hiểu biết và các kỹ năng làm việc“. Phát triển du lịch phải song song với đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và cần được thực hiện một cách bài bản ngay từ trong trường, đào tạo gắn với thực tiễn công việc bảo đảm không phải đào tạo lại.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực (nhất là trong khu vực ASEAN) ngày càng sâu rộng, việc đẩy mạnh thực hiện cam kết thỏa thuận nghề du lịch (MRA-TP), cùng với đó là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự cạnh tranh nguồn nhân lực du lịch ngày càng khốc liệt. Nếu không kịp thời trang bị bổ sung kiến thức, khắc phục cho được 03 điểm yếu: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp (như nhận định của GS. TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam), bổ sung các kỹ năng liên kết và hợp tác nhóm, tư duy phản biện… nguồn nhân lực du lịch của chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu nghề du lịch trong xu thế phát triển, có nguy cơ tụt hậu, bị đào thải ngay trên quê hương mình.
Đứng trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhân lực du lịch tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm: (i) Sự phát triển của máy móc và thiết bị tự động hóa có khả năng thay thế con người; (ii) Sự phát triển của internet tạo cơ hội cho sự phát triển của các hình thức đặt tour trực tuyến, tìm kiếm dịch vụ và trải nghiệm các điểm đến du lịch trên các nền tảng số; (iii) Công nghệ IoT, AI… đang tác động mạnh đến cách thức tương tác với sản phẩm của khách du lịch và cả cách thức vận hành của cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch…
Khảo sát gần đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng CMCN 4.0, có 60,9% doanh nghiệp đã bổ sung vị trí việc làm/công việc mới, đặc biệt các công việc yêu cầu về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn có xu hướng gia tăng ứng dụng công nghệ dẫn tới giảm nhân sự ở các ví trí văn phòng hoặc tổng đài dịch vụ khách hàng. Theo một doanh nghiệp tại Đà Nẵng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, thực hiện thu thập số liệu hay trả lời tự động có thể tiết kiệm được 70% nhân lực cho công ty [9].
Định hướng chiến lược đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo, như: về chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo… Đây vẫn chính là những thách thức không nhỏ đối với hoạt động đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam [10].
- Một số giải pháp
Một là, xây dựng Kế hoạch tổng thể về phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và sự phục hồi của ngành du lịch
Khẩn trương tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị; trong đó bám sát việc thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đào tạo lao động nghề du lịch… làm cơ sở để xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, năng lực tiếp cận thành tựu của CMCN 4.0.
Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn trước mắt bao gồm những hoạt động chính sau: Đào tạo nghề cấp tốc thông qua hệ thống các cơ sở đào tạo nghề; Đào tạo nghề tại các trung tâm du lịch, điểm đến du lịch lớn và Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đào tạo nghề tại doanh nghiệp
Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao nhận thức của toàn ngành về đào tạo nhân lực du lịch gắn với chuyển đổi số và xu thể của chuyển đổi số trong du lịch là tất yếu. Việc tiếp cận thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã chứng minh là xu hướng tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 và du lịch cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, trước đây câu chuyện chuyển đổi số chỉ tập trung ở các địa phương, doanh nghiệp có tư duy nhạy bén và tiềm lực tài chính. Chính đại dịch COVID-19, cuộc thanh lọc lớn của cả nền kinh tế, đã buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức, lựa chọn tư duy hành động: “chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa”. Mỗi người lao động ngành du lịch cần không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng công nghệ ứng dụng trong du lịch.
Ba là, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh ngay từ đầu vào, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Chú trọng đào tạo chuyên môn gắn với đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành nghề ngày càng tốt hơn trước yêu cầu chuyển đổi số. Phát triển mạng lưới chuyên gia ở tất cả ngành nghề trong du lịch và tổ chức chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo chuyên sâu với các đơn vị du lịch, bảo đảm sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả giữa “Nhà trường – Nhà tuyển dụng – Nhà nước”. Từng bước triển khai hiệu quả cơ chế “đặt hàng đào tạo” gắn với tuyển dụng nhân sự du lịch chất lượng cao.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo.
Hoàn thiện về hệ thống tiêu chuẩn nghề và đánh giá cấp chứng chỉ trong ngành phù hợp với điều kiện của Việt Nam và hội nhập với khu vực ASEAN. Thường xuyên phổ biến, áp dụng đồng đều trên tất cả các khu vực trong cả nước nhằm tạo tiền đề để xây dựng chương trình và nâng cấp đào tạo đối với các cơ sở đào tạo. Hoạt động liên kết đào tạo du lịch với các cơ sở đào tạo nước ngoài được đẩy mạnh trong khuôn khổ hợp tác đa phương hoặc song phương.
Bên cạnh các dự án liên kết nước ngoài thì liên kết đào tạo trong nước cũng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau với sự tham gia của 3 nhà: nhà trường – nhà tuyển dụng lao động (doanh nghiệp) – nhà nước. Gần đây, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có quy định: “Phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn”. Yêu cầu này không chỉ dừng lại ở quy định mà còn nhấn mạnh đến việc đào tạo gắn liền với thực tiễn, rất phù hợp trong đào tạo chuyên ngành du lịch. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có thể thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau: Các học phần thực hành/thực tế có sự tham gia giảng dạy toàn phần hoặc một phần của các giảng viên thỉnh giảng đến từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch; Các cơ sở đào tạo gửi sinh viên thực tập/thực tế hàng năm mang lại lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên có chỗ thực tập phù hợp với chuyên ngành đào tạo, được tiếp cận với môi trường thực tiễn, được ứng dụng kiến thức vào thực tế công việc…; Đối với các hoạt động tìm hiểu khách sạn, công ty lữ hành, điểm đến, ví dụ như hotel tour (tham quan khách sạn), sinh viên được tham quan, tìm hiểu về các khách sạn đối tác của cơ sở đào tạo, được trao đổi kinh nghiệm thực tế với cán bộ quản lý khách sạn. Với city tour (tour nội thành), sinh viên được tìm hiểu lịch sử hình thành, thực hành thuyết minh viên tại điểm… từ đó có được những trải nghiệm cơ bản nhất về ngành, hiểu được môi trường làm việc, yêu nghề hơn; Các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên được tiếp cận theo hướng thực tế, có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia/nhân viên/chuyên viên tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hiệp hội du lịch – lữ hành – khách sạn. Việc phối hợp hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học sẽ gắn với thực tiễn của Ngành nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng; Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề…
Đảm bảo yếu tố hội nhập quốc tế trên cơ sở đánh giá khách quan đối với các hoạt động đào tạo. Chủ động tích cực các chương trình trao đổi về nhân lực, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài trên cơ sở xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và thật sự bền vững, có những ràng buộc nhất định về yêu cầu của các bên.
Năm là, Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho lao động du lịch trực tiếp, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ.
Thời đại kỷ nguyên số đang và sẽ tạo ra những đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực có trình độ và chất lượng cao. Việt Nam có điều kiện về thiên nhiên, văn hóa, tinh thần hiếu khách nhưng nếu không có sản phẩm du lịch hấp dẫn thì không ai đến. Người tạo ra và mang đến sản phẩm du lịch hấp dẫn cho khách hàng chính là nguồn nhân lực.
Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, trong đó vai trò nòng cốt là các cơ sở giáo dục nghề du lịch, phải thay đổi mạnh mẽ về phương thức đào tạo trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm; xây dựng kế hoạch hành động thống nhất và xuyên suốt để tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch cùng tham gia vào đào tạo nhân lực. Quá trình đào tạo phải có cơ sở thực hành, để làm được việc này đòi hỏi phải kết hợp được với đơn vị vận hành cơ sở du lịch, bảo đảm tạo điều kiện để sinh viên sẽ được học trong những môi trường sát với thực tế nhất, được tiếp cận với những thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của lao động hiện tại.
- Kết luận
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và công tác đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao luôn là một đòi hỏi tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số. Để phát triển nhanh, bền vững, đưa du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc ưu tiên tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, quan trọng hơn hết. Muốn vậy, phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề và kỹ năng, để “nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thực sự là khâu đột phá” trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo hàng năm của về hoạt động kinh doanh du lịch của Tổng cục du lịch Việt Nam
- Kỷ yếu hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động Nghề du lịch Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch năm 2020.
- Bộ Chính trị, Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn(Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017), Hà Nội.
- Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch),Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng hiện đại, đẳng cấp góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam, vietnamtourism.gov.vn, ngày 9-7-2020.
- Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư(Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017), 2017.
- Bộ VHTTDL, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc Đào tạo du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, Hà Nội, 2017.
- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học: Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch, Hà Nội, 2018.
- TS. Hoàng Thị Bình, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch bền vững: cơ hội và thách thức, Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022
- TS Chử Thị Lân, Xu hướng việc làm và kỹ năng của người lao động trong kỷ nguyên số, Trang tin điện tử Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam.
- Ths. Trương Thế Nguyễn, Ths. Phạm Vân Anh, Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[1] Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu đón 10-10,5 triệu khách quốc tế; 47-48 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 6,5-7% GDP.
[2] Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards), Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019), Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế…
[3] Năm 2020, khách quốc tế đến đạt khoảng 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch 312.000 tỷ đồng (khoảng 19 tỷ USD).
[4] 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đạt 733.400 lượt khách; khách nội địa đạt 71,8 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 316.000 tỷ đồng; trên 90% cơ sở lưu trú cả nước hoạt động trở lại, công suất phòng trung bình đạt 25-50%, riêng các ngày cuối tuần gần như đạt tối đa công suất
TS. Đào Duy Tuấn
Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính Phủ
ThS. Trần Thị Lan
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch