Hội thảo “Dịch vụ đêm – Cơ hội cho ngành du lịch bứt phá trong bối cảnh mới”
Sáng ngày 25/8/2022 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức hội thảo khoa học: “Dịch vụ đêm – Cơ hội cho ngành du lịch bứt phát trong bối cảnh mới”, đây là hoạt động thuộc khuôn khổ đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam”. TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các đại diện đến từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), Vụ Lữ hành (TCDL), Sở Du lịch/VHTTDL các địa phương (Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Nội), ban quản lý các điểm du lịch (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Di tích Nhà tù Hỏa Lò), đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia và nhà khoa học…
Mở đầu hội thảo, chủ nhiệm đề tài, TS. Trần Phương Mai thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện NCPTDL, báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam”. Theo báo cáo đánh giá, đa phần dịch vụ tại Việt Nam thiếu tính tổ chức và tầm nhìn lâu dài, thiếu sự dẫn dắt, định hướng chung điều phối, phân chia lợi ích và trách nhiệm, vai trò và lợi ích của cộng đồng đang bị xem nhẹ, vừa thiếu sự hỗ trợ, vừa chưa có cách thức quản lý hiệu quả. Cụ thể, các sản phẩm/dịch vụ đêm dù tương đối đa dạng về thể loại nhưng hàm lượng truyền tải tri thức chưa sâu sắc, mờ nhạt và thiếu sức lan tỏa, các sản phẩm/dịch vụ gần gũi với đời sống cộng đồng bản địa chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả, thiếu sự sáng tạo, thiếu sự kết nối và xâu chuỗi, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự kiểm soát kỹ càng về mức độ an toàn. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến quảng bá cũng bị hạn chế, thiếu điểm nhấn, chưa có chương trình/chiến lược riêng… Như vậy, cần có hệ thống giải pháp cải thiện các điều kiện phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, tăng cường hiệu quả tổ chức, giám sát và quản lý các tác động của dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, phát triển sản phẩm và phát huy giá trị tri thức, nhân văn trong các hoạt động về đêm và thúc đẩy thị trường và xúc tiến quảng bá dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.
Hội thảo tiếp tục với 3 tham luận của các diễn giả. ThS. Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Du lịch Lữ hành Việt Nam, đã trình bày tham luận về những đòi hỏi để tạo sự khác biệt trong việc phát triển sản phẩm du lịch đêm. Bên cạnh việc lựa chọn địa điểm tổ chức du lịch đêm ở nơi có vị trí thuận lợi, gắn với hoặc ở trong khu vực phát triển kinh tế đêm của địa phương, các yếu tố như ánh sáng, khả năng tiếp cận địa điểm và môi trường cũng đóng vai trò thiết yếu. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nội dung sản phẩm du lịch, yêu cầu sự sáng tạo cao để tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn dành cho sản phẩm phù hợp với từng đối tượng du khách.
GS. TS. NGND Nguyễn Văn Đính đã đặt ra một số vấn đề cơ bản về kinh tế đêm, kinh tế du lịch đêm. Hiện nay, du lịch đêm ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi mà chưa có sản phẩm giải trí đa dạng. Đặc biệt, để phục vụ du khách, các yếu tố văn hóa chưa được phát huy hết giá trị để tạo thành dịch vụ phục vụ khách. Một số giải pháp để phát triển kinh tế du lịch đêm tại Việt Nam, bao gồm (1) nâng cao nhận thức rằng kinh tế đêm là một bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong đó kinh tế du lịch đêm là một bộ phận cốt lõi, (2) phát huy các giá trị văn hóa bản địa trong việc tạo dịch vụ phục vụ du khách và (3) phát huy các giá trị văn hóa phục vụ khách du lịch phải đồng bộ trong hệ sinh thái kinh tế du lịch đêm.
Về phía địa phương, TS. Hoàng Ngọc Huy – Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong thời gian qua, các hoạt động kinh tế ban đêm của Đà Lạt tập trung chủ yếu vào các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm tại các điểm tham quan, ăn uống trên địa bàn thành phố và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, Đà Lạt hiện vẫn chưa khai thác hiệu quả kinh tế ban đêm, chưa gắn phát triển các dịch vụ về đêm với thu hút khách du lịch, do những hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh, trật tự xã hội, công tác quy hoạch… Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Đà Lạt sẽ quy hoạch và triển khai 08 không gian thí điểm liên quan đến các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí về ban đêm phục vụ du khách, đồng thời cải thiện cơ chế, chính sách, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phương án tổ chức giao thông, an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Về mặt pháp luật, ThS. Nguyễn Vinh Thúy – Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty Luật Phạm Vũ, cho biết mô hình kinh tế đêm, dù đem lại những thuận lợi, cơ hội mới để kích cầu, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn trong hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể vô tình trở thành môi trường, điều kiện thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, vi phạm về trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, gây khó khăn, áp lực cho các nhà quản lý xã hội. Do vậy, để khắc phục những tác động tiêu cực từ hoạt động của nền kinh tế ban đêm và một số bất cập nêu trên, diễn giả đã đề xuất các nhóm giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý và phòng ngừa, xử lý vi phạm và nhóm giải pháp hoàn thiện về chính sách, pháp luật.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch và đóng góp ý kiến vào kết quả nghiên cứu của đề tài. Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa đã tổng kết các ý kiến của đại biểu tại hội thảo và cho rằng đây là những thông tin rất hữu ích để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng hợp đề tài, chuẩn bị trình nghiệm thu.
Hồng Anh & Hoàng Anh