Khảo sát nghiên cứu dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Quảng Ninh và Hà Nội
Tiếp nối hai chuyến khảo sát tại Phú Quốc (tháng 12/2021) và Đà Nẵng, Hội An, Hồ Chí Minh và Đà Lạt (3/2022), để nắm được bức tranh toàn diện về dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam, đề tài “Nghiên cứu dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam” khảo sát đại diện các tỉnh phía Bắc nằm trong 10 địa phương thí điểm phát triển kinh tế ban đêm là Quảng Ninh và Hà Nội từ ngày 4/5 đến ngày 6/5/2022.
Đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch làm trưởng đoàn, TS. Trần Phương Mai, chủ nhiệm đề tài và các thành viên cùng tham gia chuyến khảo sát.
Đến Quảng Ninh, Đoàn khảo sát một số điểm du lịch tại Quảng Ninh như Khu phố cổ Hạ Long, Phố ẩm thực, chợ đêm Hạ Long Marina (Hạ Long); Quảng trường 30/10, khu du lịch Tuần Châu…
Trong chuyến khảo sát, Đoàn làm việc với Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh và đại diện các đơn vị có liên quan khác như Phòng Văn hóa – Thông tin (UBND TP. Hạ Long); Sở Kế hoạch Đầu tư và một số doanh nghiệp (tập đoàn Sungroup, công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh).
Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Sau ảnh hưởng đại dịch Covid – 19 kéo dài hơn 2 năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có những biến chuyển khởi sắc, số lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đợt lễ 30/4 – 01/5 đạt gần 340.000 lượt khách, tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đạt 90-100%. Các hoạt động dịch vụ đã được khởi động lại, trong đó có các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch như phố ẩm thực, phố đi bộ, mua sắm… Đặc biệt, nhằm tạo sức hút và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, du lịch Quảng Ninh khai thác sản phẩm du lịch mới như “Phố đêm du thuyền” từ ngày 29/4/2022 với hệ thống 175 tàu thăm Vịnh vào buổi tối.
Du lịch về đêm tại Quảng Ninh hiện nay đang phát triển tập trung tại Hạ Long và Móng Cái, các hoạt động cung cấp cho du khách gồm ẩm thực hoạt động đến 24h, dịch vụ vui chơi giải trí ở Sungroup, mua sắm đặc sản địa phương, các hoạt động văn hoá nghệ thuật về đêm ở Tuần Châu…
Trong quá trình khai thác dịch vụ đêm, cũng giống với một số địa phương có hoạt động về đêm phát triển phục vụ khách du lịch như TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đang gặp phải vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở khu vực Bãi Cháy gây ảnh hưởng đến khu dân cư và mâu thuẫn giữa các nhóm khách du lịch; nguồn nhân lực phục vụ ban đêm (cán bộ trật tự, công nhân vệ sinh…); hạ tầng giao thông về đêm còn hạn chế…
Đại biểu dự họp đưa một số đề xuất để góp phần hoàn thiện nhiệm vụ như chuẩn hoá thuật ngữ (kinh tế ban đêm, kinh tế đêm, dịch vụ đêm…); Trong các giải pháp đối với mỗi địa phương cần xác định các khung thời gian diễn ra các hoạt động về đêm cho hợp lý, Phân đoạn thị trường, khung giờ, đối tượng khách cho hợp lý; Xây dựng và hình thành hệ thống dịch vụ đêm xa dân (bar, sàn, vũ trường karaoke…) và dịch vụ trong dân (ăn uống, mua sắm lưu niệm, café…); Nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng an ninh: phải có lực lượng chuyên trách từ tổ dân tố, tổ chức xã hội…
Tiếp tục chuyến công tác, Đoàn làm việc với Sở Du lịch Hà Nội và một số phòng chức năng (Phòng Kinh tế, phòng Văn hóa Thông tin – UBND Quận Hoàn Kiếm). Nội dung của buổi làm việc bàn về hiện trạng cũng như khó khăn, hạn chế trong phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và quận trung tâm Hoàn Kiếm.
Theo thông tin Sở Du lịch Hà Nội cung cấp: Kinh tế ban đêm trên địa bàn Hà Nội định hướng tập trung chủ yếu tại 03 trọng điểm gồm Khu vực phố cổ – hồ Hoàn Kiếm; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn) và phố đi bộ Sơn Tây. Hiện tại, quận Hoàn Kiếm là khu vực triển khai mạnh nhất các dịch vụ, hoạt động về đêm với 06 không gian động lực gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Tuyến phố đi bộ kết hợp thương mại Hàng Đào – Hàng Giấy và chợ đêm Đồng Xuân; Các tuyến phố đi bộ mở rộng Khu bảo tồn cấp I – khu phố cổ Hà Nội; Các tuyến phố đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ kết nối phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm; Không gian ẩm thực tại Chợ đêm Đồng Xuân; Không gian ẩm thực tại tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông…
Một số khó khăn, hạn chế du lịch Hà Nội gặp phải trong quản lý hoạt động dịch vụ đêm như: Thiếu nhân lực tham gia quản lý các hoạt động về đêm; Chưa có cơ chế khuyến khích các hộ mở rộng hoạt động kinh doanh; Thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm; Cơ sở hạ tầng và vật chất kĩ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ đêm còn hạn chế (vấn đề ách tắc giao thông,…); Thiếu sự thống nhất trong chính sách, các văn bản chính sách và việc thực hiện triển khai các văn bản chính sách… cũng được đại biểu đưa ra trong buổi làm việc.
Kết thúc chuyến công tác, nhiệm vụ đã thu thập được tài liệu, thông tin và dữ liệu hữu ích phục vụ cho xây dựng báo cáo tổng hợp.
Tin & ảnh: Thanh Hiền