Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển du lịch nội địa, phục hồi du lịch sau đại dịch và những bài học cho du lịch Việt Nam

    Trung Quốc

    Tổng quan về ngành du lịch Trung Quốc

    Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), ngành du lịch Trung Quốc trước đại dịch đóng góp tới gần 12% tổng cơ cấu sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này, tạo công ăn việc làm cho hơn 82.000 lao động. Năm 2019, tổng thu của ngành du lịch Trung Quốc đạt mức gần 1000 tỷ USD.

    Về cấu trúc của ngành du lịch, khác với Việt Nam, thị trường nội địa đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng của ngành. Tổng thu của phân khúc du lịch nội địa Trung Quốc năm 2019 đạt hơn 830 tỷ USD. Những con số kể trên đã phần nào thể hiện được rằng Trung Quốc có thể được coi là một trong những điển hình trên thế giới về phát triển du lịch nội địa.

    Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của du lịch Trung Quốc (đóng góp của ngành du lịch vào GDP trong năm 2020 giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên, thông qua những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, cùng với đó là sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Trung Quốc đối với thị trường nội địa, du lịch nội địa đang là đầu tàu thúc đẩy du lịch Trung Quốc hồi phục sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.

    Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa sau dịch COVID-19 | Du lịch | Vietnam+ (VietnamPlus)

    Công tác phát triển du lịch nội địa của Trung Quốc

    Chính sách và quan điểm

    Thị trường nội địa được Chính phủ Trung Quốc xác định là đầu tàu để thúc đẩy ngành du lịch quốc gia đi lên. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025) cho ngành Du lịch Trung Quốc nêu rõ du lịch nội địa vẫn là phân khúc chính để tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Đây là quyết sách phù hợp với Trung Quốc ở thời điểm dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, việc mở cửa đón khách, tuy có thể thực hiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro; trong khi đó phân khúc nội địa đang trên đà phát triển, tình hình dịch trong nước được chính phủ Trung Quốc kiểm soát khá tốt nhờ những biện pháp mạnh tay là điều kiện tốt để tập trung phát triển thị trường nội địa.

    Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của du lịch nội địa, hệ thống quan điểm của chính phủ Trung Quốc đối với ngành du lịch cũng có thể được coi là một yếu tố ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của du lịch nội địa nước này. Chính phủ Trung Quốc không nhìn nhận du lịch đơn giản chỉ là một ngành kinh tế, mà khẳng định du lịch là động lực để thúc đẩy tiến bộ xã hội, có mối quan hệ mật thiết với con người, mà trong đó con người phải là trung tâm của các hoạt động phát triển du lịch. Quan điểm phát triển du lịch của Trung Quốc cũng khẳng định mối quan hệ tương hỗ sâu sắc, song hành phát triển giữa ngành du lịch với ngành văn hóa. Từ quan điểm kể trên, có thể thấy du lịch không chỉ đơn giản là một ngành kinh tế, mà còn là một công cụ giáo dục, hoàn thiện và nâng cao bản sắc con người và tiến bộ xã hội của Trung Quốc. Nhìn trên khía cạnh giáo dục người tiêu dùng, quan điểm này của Chính phủ Trung Quốc đã biến các hoạt động du lịch, từ một giải pháp đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của con người, nay đã đồng thời là một công cụ giáo dục, hoàn thiện bản thân. Việc tạo ra nhu cầu mới cho hoạt động du lịch kể trên kích thích việc du khách nội địa tiêu thụ thêm các sản phẩm văn hóa. Nhận định của  Điều này không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, mà còn giúp người dân Trung Quốc hiểu thêm về văn hóa của họ, từ đó gìn giữ và bảo tồn văn hóa – một trong những thành tố quan trọng của phát triển bền vững.

    Sản phẩm du lịch

    Các sản phẩm du lịch đặc thù của Trung Quốc được gắn chặt với những định hướng và quan điểm phát triển du lịch của Chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm chủ đạo bao gồm:

    • Du lịch đỏ (Red tourism): Du lịch đỏ là loại hình du lịch gắn với lịch sử cách mạng của Trung Quốc, tập trung vào đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên (Caraba, 2011). Du lịch đỏ nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về lịch sử cuộc cách mạng Trung Quốc và vai trò của Đảng Cộng sản trong tiến trình lịch sử; gây dựng tinh thần yêu nước của những người tham gia.
    • Du lịch văn hóa/Du lịch di sản: Tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng văn hóa của các cộng đồng thiểu số, các loại hình văn hóa nghệ thuật biểu diễn, du lịch ban đêm; xây dựng các công viên văn hóa.
    • Du lịch nông thôn: Phát triển du lịch nông thôn gắn với đặc sắc văn hóa bản địa. Xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng hiện đại hóa, vừa đảm bảo đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết, vừa gìn giữ văn hóa và cảnh quan. Đảm bảo lợi nhuận từ các hoạt động du lịch nông thôn đến tay cộng đồng dân cư, giúp người nông dân cải thiện thu nhập cũng như cuộc sống.

    Nhìn chung, đây đều là các sản phẩm du lịch có giá trị nhân bản và tính giáo dục cao. Đặc biệt, việc thực hiện xây dựng các công viên văn hóa có quy mô lớn với nhiều hoạt động vui chơi giải trí liên quan đã vừa giúp du khách nội địa được tiếp cận dễ dàng và sâu sắc hơn các nét đặc trưng văn hóa dân tộc, vừa giúp đẩy mạnh chi tiêu của du khách để từ đó đem lại những nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Đồng thời, việc định hướng quy hoạch các khu du lịch một cách tổng thể, kết nối các dịch vụ với nhau (các di sản, KDL văn hóa được quy hoạch gần với các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các cơ sở cung cấp các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí) cũng góp phần giúp các điểm du lịch của Trung Quốc đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về dịch vụ của khách hàng (cả về số lượng lẫn chất lượng), từ đó tăng tính hấp dẫn của điểm đến và kích thích du khách quay trở lại.

    Những sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử của Trung Quốc, do được đầu tư bài bản đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của phân khúc du lịch nội địa, đồng thời những sản phẩm này cũng đã định hướng lại được xu hướng tiêu dùng du lịch của thị trường nội địa Trung Quốc. Theo nghiên cứu của McKinsey, sự quan tâm của du khách Trung Quốc đối với các loại hình du lịch văn hóa đã có sự gia tăng mạnh mẽ, và khám phá văn hóa/lịch sử đã trở thành hoạt động du lịch/yếu tố khi đi du lịch phổ biến thứ nhì tại thị trường du lịch nội địa Trung Quốc, chỉ sau “du ngoạn, ngắm cảnh ngoài trời”. Từ đây có thể khẳng định, du lịch trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc, đã vượt ra khỏi khuôn mẫu một hình thức giải trí, và đồng thời trở thành một công cụ giáo dục, hoàn thiện con người.

    Đức

    Tổng quan về ngành du lịch Đức

    Đức là một trong những quốc gia có ngành du lịch phát triển nhất châu Âu. Năm 2019, ngành du lịch Đức đóng góp cho nền kinh tế châu Âu khoảng 300 tỷ EUR, khẳng định vị thế là điểm đến du lịch có mức doanh thu cao nhất khu vực (Tafel và Szolnoki, 2020). Cũng giống như Trung Quốc, Đức là quốc gia có nền du lịch nội địa phát triển. Nhờ việc truyền thông, quảng bá, vận hành và phát triển dịch vụ du lịch có hiệu quả, nước Đức đã thành công trong việc kích thích công dân của mình chi tiêu và đi du lịch trong nước. Theo tính toán của OECD, khách du lịch Đức chi tiêu chủ yếu cho các chuyến du lịch trong nước, với 82%, chỉ có 18% tổng chi tiêu của du khách là ở nước ngoài.

    Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn thế giới, làm kiệt quệ ngành du lịch toàn cầu. Du lịch Đức cũng đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch. Tuy nhiên, theo dự báo của McKinsey & Company (2021), nước Đức có triển vọng rất lớn trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, McKinsey & Company nhận định, đến năm 2023, ngành du lịch Đức sẽ phục hồi hoàn toàn, sớm hơn 1 năm so với các quốc gia khác như Pháp hay Ý. Riêng du lịch nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022.

    Công tác phát triển du lịch nội địa của Đức

    Quan điểm phát triển du lịch của Đức: Trước khi đề cập đến những hành động cụ thể của chính phủ Đức, việc nhìn nhận quan điểm phát triển du lịch nội địa của nước Đức là cần thiết để nắm rõ hơn về cơ sở của các công tác cụ thể chính phủ Đức đã thực hiện để phát triển du lịch. Mặc dù là một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nhưng nước Đức phải đối diện với vấn nạn chênh lệch giàu nghèo, trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, bởi các cơ sở kinh tế của quốc gia này tập trung quá nhiều ở các đô thị lớn. Nhằm giải quyết vấn nạn này, chính phủ Đức đã lựa chọn du lịch nội địa như một giải pháp để điều hòa lại nền kinh tế, phân phối những giá trị của cải sản xuất được ở thành thị đến với các vùng nông thôn, từ đó giúp nền kinh tế Đức được phát triển cân bằng và bền vững.

    Du lịch nước Đức trong thời kỳ COVID-19

    Ngay từ thời điểm hè 2020, khi chính phủ Đức bắt đầu gỡ bỏ các lệnh cấm, ngành du lịch nước Đức đã ngay lập tức hoạt động mạnh mẽ trở lại. Trong lần dỡ bỏ lệnh cấm 2021, chi tiêu của khách du lịch Đức chỉ kém 20% mức trước đại dịch. Nhìn về diễn trình hoạt động của ngành du lịch trong suốt 2 năm đại dịch như đã kể trên, có thể khẳng định rằng, khách du lịch Đức có mong muốn được đi tham quan du lịch rất lớn, và chỉ cần tình hình dịch bệnh được kiểm soát (thông qua quá trình tiêm chủng vaccine hay việc không xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm), ngành du lịch, trong đó đầu tiên là phân khúc nội địa hoàn toàn có thể sớm phục hồi (ifo Institute, 2021; McKinsey & Company, 2021).

    Tuy không gặp quá nhiều khó khăn để thu hút khách du lịch tham quan trở lại, chính phủ Đức lại vướng phải những vấn đề liên quan tới gỡ rối cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho các điểm đến phát triển du lịch công vụ, du lịch MICE; đảm bảo nguồn nhân lực du lịch. Để giải quyết những vấn đề kể trên, chính phủ Đức tập trung vào các nhóm giải pháp: (1) Chính sách tài khoán và tiền tệ: giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp; (2) Chia sẻ kiến thức, thông tin cho các doanh nghiệp để nâng cao khả năng ứng phó với dịch bênh, thông qua trang web corona-navigator (UNWTO, 2020).

    Kinh nghiệm quảng bá du lịch của Đức: Chiến dịch German Rail

    Tình hình hoạt động du lịch của Đức trong thời điểm dịch bệnh đã chỉ rõ rằng khách du lịch Đức có mong muốn đi du lịch rất cao, và sẵn sàng ủng hộ du lịch nước nhà ngay khi chính phủ mở lại các hoạt động tham quan. Mặc dù việc tình

    hình dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của du khách (ưu tiên điểm đến trong nước, các quốc gia lân cận), tuy nhiên nếu Đức không khẳng định được vị thế là một điểm tham quan hấp dẫn, khó có khả năng quá trình hồi phục của du lịch nội địa có thể diễn ra nhanh chóng như vậy.

    German Rail - No need to fly – Around the world in Germany | Clios

    Điều này có lẽ là thành quả của những chiến dịch quảng bá du lịch hiệu quả. trong đó chiến dịch German Rail, khởi xướng bởi Deutsche Bahn – Công ty Đường sắt quốc gia Đức, và thực hiện bởi Ogilvy Đức có thể được coi là một điển hình. Trong dự án này, Olgilvy đã hợp tác với Getty Image để thực hiện so sánh các cảnh quan thiên nhiên của Đức với các địa điểm nổi tiếng trên thế giới (như Arizona của Hoa Kỳ với Rheinland-Pfalz) (Elbers, 2019). Hoạt động này đã giúp gia tăng tính hấp dẫn của các điểm đến trong nước, kích thích tăng trưởng của du lịch nước nhà.

    Úc

    Tổng quan về ngành du lịch Úc

    Trước thời điểm đai dịch, du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Úc, với mức tăng trưởng lên tới 5% trong năm tài khoá 2017-2018 (Úc kết thúc năm tài khóa vào ngày 30/6 hàng năm) (TRA, 2019). Năm tài khóa 18-19, ngành du lịch đóng góp cho nền kinh tế Úc khoảng 60,8 tỷ USD.

    Về cơ cấu, trong năm 2018-2019, phân khúc du lịch inbound đóng góp đáng kể vào doanh thu của ngành du lịch Úc, với tổng doanh số rơi vào 44,6 tỷ USD. Du lịch nội địa của Úc được nhận định là khó phát triển hơn bởi một số lý do, cụ thể: (1) Khả năng cạnh tranh về giá với các địa điểm lân cận còn hạn chế; (2) Dân cư phần đông có gốc gác từ các quốc gia khác; (3) Trào lưu khám phá các điểm đến ở nước ngoài phát triển và hết sức phổ biến trên MXH và (4) Úc có nhiều chuyến bay thẳng, giá rẻ tới nhiều điểm đến trên thế giới – yếu tố vốn là điểm mạnh trong việc phát triển du lịch quốc tế.

    Công tác phát triển du lịch nội địa của Úc

    Đầu năm 2020, ngành du lịch Úc phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kép, với đại dịch COVID-19 và nạn cháy rừng hoành hành. Lượng khách cũng như doanh thu của du lịch Úc sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chính phủ Úc, mà đại diện là Cơ quan Du lịch Úc (Tourism Australia) đã triển khai nhiều dự án quảng bá du lịch, nhằm mục tiêu giữ vững hình ảnh của điểm đến Úc,. Tiêu biểu trong số đó là dự án “Holiday here this year”, nhắm vào việc kêu gọi người dân Úc đóng góp, hỗ trợ cho những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nạn cháy rừng bằng cách đi du lịch. Cơ quan Du lịch Úc cũng xây dựng bộ nhận diện của chiến dịch, đăng tải lên các mạng xã hội, đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để họ có thể cùng tham gia vào dự án (Tourism Australia, 2021).

    Live From Aus - Everywhere

    Thời điểm giữa năm 2020, khi các lệnh phong tỏa bị buộc phải áp dụng, Cơ quan Du lịch Úc đã tiến hành triển khai dự án “Live From Aus”, nhắm vào các du khách nội địa (Tourism Australia, no date). Cơ quan Du lịch Úc nhận định, khi các hoạt động du lịch bị ngừng trệ, việc đẩy mạnh truyền thông nhằm giữ vững sự hứng thú của du khách với các hoạt động du lịch là vô cùng cần thiết. Đồng thời, nhìn vào việc Úc chưa thực sự là điểm tham quan hấp dẫn đối với công dân nước này, việc giới thiệu những sản phẩm du lịch và thu hút thêm khách nội địa là vô cùng cần thiết. Đối với chiến dịch “Live from Aus”, Cơ quan Du lịch Úc đã tiến hành áp dụng hình thức phát trực tiếp (live-streaming) để giới thiệu các điểm đến nổi bật trong nước. Các buổi phát trực tiếp được thực hiện trên sóng truyền hình cũng như các nền tảng mạng xã hội, thu hút nhiều người xem, đồng thời đã làm gia tăng mức độ tự tin đi du lịch của các khách du lịch Úc một cách đáng kể.

    Hàn Quốc

    Tổng quan về ngành du lịch Hàn Quốc

    Đóng góp 10,4% cơ cấu GDP toàn quốc năm 2019, du lịch được coi là một ngành kinh tế quan trọng của Hàn Quốc. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách của Hàn Quốc khá cao ở cả hai phân khúc khách quốc tế và nội địa ở thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên khi dịch COVID-19 bùng phát, tình hình phát triển du lịch của quốc gia này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu của Statista, ngành du lịch Hàn Quốc bị thiệt hại 2,9 nghìn tỷ Won do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh thu từ du lịch inbound, sau một thời gian phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch MERS (2015), nay rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 25 năm trở lại đây.

    Công tác phát triển du lịch nội địa của Hàn Quốc

    Trước tình thế kể trên, ngành du lịch Hàn Quốc đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa, lấy đây làm bàn đạp để ngành du lịch có thể phục hồi, và quá trình đẩy mạnh du lịch nội địa của Hàn Quốc được thực hiện trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc đã tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, như café robot, robot phục vụ nhằm gia tăng tính độc đáo của sản phẩm, thu hút thêm khách hàng. Các phương thức thanh toán không chạm cũng được tăng cường sử dụng.

    Best Traditional Korean Hanok Guesthouse Stay in Seoul in 2022 | South Korea Travel Planning

    Một phát kiến nổi bật khác của Hàn Quốc nhằm kích cầu du lịch nội địa chính là sản phẩm “One-Month-Stay” (tạm dịch: Cư trú xuyên tháng). Trong bối cảnh các hoạt động làm việc chuyển sang hình thức trực tuyến; các chuyến đi tham quan ở nước ngoài không thể được thực hiện, việc đẩy mạnh các sản phẩm du lịch dài ngày trong nước là một phương án hoàn toàn phù hợp và khả thi, bởi du khách vừa có đầy đủ điều kiện thời gian cũng như tài chính để du lịch trong nước dài ngày. Đồng thời, các sản phẩm này cũng đáp ứng nhu cầu thay đổi môi trường xung quanh sau một quãng thời gian dài giãn cách của người dân Hàn Quốc. Các vùng quê, nơi có không gian yên tĩnh, cảnh quan thiên nhiên đẹp và mật độ dân số thấp là nơi được các du khách One-Month-Stay ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng có nhiều du khách đến từ thành phố, dù có nhu cầu thay đổi không gian sống, nhưng vì nhiều lý do không thể thực hiện các chuyến đi xa tới các vùng quê. Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này, các khách sạn cao cấp ở các đô thị đã tung ra các gói giảm giá đối với dịch vụ Cư trú xuyên tháng (về mặt bản chất, có thể coi đây là một dạng Staycation dài ngày). Các sản phẩm này đã đạt được những sự ủng hộ nhất định.

    Một số bài học từ kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam

    Nhìn từ kinh nghiệm phát triển du lịch nội địa của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể rút ra được một số bài học như sau:

    Không nên chỉ coi du lịch nội địa như công cụ phát triển kinh tế:

    Câu chuyện phát triển du lịch nội địa của Đức và Trung Quốc đã chỉ ra rằng, du lịch nội địa không chỉ đơn giản là đóng góp thêm cho nền kinh tế quốc gia, mà còn có khả năng tác động tới nhiều mặt của đời sống, xã hội của đất nước. Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030”, Việt Nam đã phần nào nhìn nhận được rằng du lịch nội địa không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế mà còn “nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các vùng, địa phương”. Quan điểm này hiện nay là chính xác, tuy nhiên cần được cụ thể hóa và nhấn mạnh hơn nữa, và nên đi kèm với hệ thống cơ sở lý luận chặt chẽ, góp phần làm rõ đóng góp của du lịch đến với các mặt của đời sống, bên cạnh các giá trị kinh tế.

    Chú trọng vào công tác truyền thông về du lịch nội địa:

    Trong bối cảnh này, cần phải hiểu công tác truyền thông theo nghĩa rộng, vượt ra khỏi phạm vi quảng bá về du lịch nội địa. Nhìn vào thực tiễn tình hình phát triển du lịch nước nhà trong những năm qua, có thể thấy du lịch nội địa vẫn còn đang bị xem nhẹ ở Việt Nam. Chỉ khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch nội địa mới thực sự nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Ở thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đang được đưa vào khai thác trở lại, đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải đảm bảo phát triển hài hòa trong điều kiện mới, tránh lập lại những sai lầm trước đây. Để thực hiện điều đó, cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về vai trò của du lịch nội địa tới các cơ quan quản lý cấp địa phương, các doanh nghiệp và nhiều bên liên quan khác. Đặc biệt, phải tập trung phổ biến định hướng phát triển du lịch nội địa cho cả du khách nội địa, trên cơ sở đã hoàn thiện một bộ quan điểm phát triển du lịch nội địa theo định hướng bền vững, thúc đẩy phát triển văn hóa và công bằng xã hội. Cần phải hiểu rằng, khách du lịch nội địa là đối tượng quan trọng giúp ngành du lịch trong đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra, bởi vậy cần làm rõ và nhấn mạnh vai trò của du khách nội địa cho chính họ, đồng thời chỉ ra những lợi ích khách du lịch đang tạo ra cho chính bản thân và xã hội khi ủng hộ du lịch nước nhà.

    Thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ

    Cần phải khẳng định, trong nền kinh tế hiện đại với tốc độ thay đổi chóng mặt, cùng với đó là nhiều biến động bất ngờ có thể xảy đến, tiêu biểu như đại dịch COVID-19 vừa qua, việc đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong du lịch là việc làm vô cùng cần thiết, điều đã được chứng minh qua trường hợp của ngành du lịch Úc và Hàn Quốc. Đây không còn là nhiệm vụ quá mới, nhưng vẫn sẽ nhiệm vụ quan trọng, có tính chất dài hạn đối với ngành du lịch Việt Nam.

    Cần tận dụng mọi cơ hội để giáo dục du khách trong nước, xây dựng lượng khách du lịch nội địa chất lượng, có khả năng chi trả cao và hiểu biết văn hóa sâu rộng.

    Mặc dù không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng đây là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách đối với ngành du lịch Việt Nam, để tránh tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào du lịch quốc tế. Ngoài ra, nhìn từ trường hợp của Trung Quốc, có thể nhận định việc xây dựng một thị trường khách nội địa có nhu cầu tiêu thụ cao đối với các sản phẩm văn hóa cũng là một cách để gìn giữ bản sắc Việt. Có nguồn thu từ hoạt động du lịch, các truyền thống sẽ được thực hành liên tục, tránh tình trạng đứt gãy, đồng thời những người thực hành văn hóa (nghệ nhân, người biểu diễn…) cũng sẽ có nguồn vốn để đẩy mạnh sáng tạo văn hóa. Khách du lịch tiêu thụ các sản phẩm văn hóa cũng được hưởng lợi về mặt kiến thức. Nhìn một cách tổng thể, nếu được tổ chức hợp lý, hoạt động du lịch sẽ tạo được một vòng tuần hoàn phát triển văn hóa (có thể hiểu nôm na dưới dạng mô hình spiral-up – phát triển hình xoắn hướng lên trên), nơi mà các giá trị văn hóa liên tục được tiêu thụ, tác động lên chủ thể tiêu thụ/kiến tạo văn hóa, trở thành điều kiện để sáng tạo các giá trị văn hóa mới phục vụ du lịch và xa hơn là kiến thiết xã hội.

    Tài liệu tham khảo

    1. Caraba, C. C. (2011) ‘Communist heritage tourism and red tourism: Concepts, development and problems’, Cinq Continents, 1(1), pp. 29–39. Available at: https://www.ssoar.info/ssoar/handle/document/29029 (Accessed: 21 February 2022).
    2. Elbers, L. (2019) Case study: How Germany promoted domestic travel by using data and technology – NTG, Next Tourism Generation. Available at: https://nexttourismgeneration.eu/case-study-how-germany-promoted-domestic-travel-by-using-data-and-technology/ (Accessed: 4 April 2022).
    3. ifo Institute (2021) Germans Increasingly Eager to Travel to European Destinations. Available at: https://www.ifo.de/en/node/64333 (Accessed: 4 April 2022).
    4. McKinsey & Company (2021) Perspectives on travel recovery: Germany, McKinsey & Company. Available at: https://www.mckinsey.com/industries/travel-logistics-and-infrastructure/our-insights/perspectives-on-travel-recovery-germany (Accessed: 2 April 2022).
    5. Tafel, M. and Szolnoki, G. (2020) ‘Estimating the economic impact of tourism in German wine regions’, International Journal of Tourism Research, 22(6), pp. 788–799. doi: 10.1002/jtr.2380.
    6. Tourism Australia (2021) Holiday Here This Year Campaign Toolkit.
    7. Tourism Australia (no date) Live From Aus – Tourism Australia. Available at: https://www.tourism.australia.com/en/about/our-campaigns/live-from-aus.html (Accessed: 4 April 2022).
    8. TRA (2019) Tourism Forecasts 2019.
    9. UNWTO (2020) How are countries supporting tourism recovery?

    Thực hiện: Đỗ Minh Đức – BUV

    Bài cùng chuyên mục