Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xu hướng hợp nhất tất yếu giữa văn hóa và du lịch

    Lâu nay chúng ta vẫn biết văn hóa là một phần không thể thiếu đối với hoạt động du lịch và mối quan hệ này ngày càng gắn chặt hơn trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Chúng ta đang cảm nhận tiến trình hội tụ này một cách tự nhiên, như một quy luật phát triển tất yếu.

    Sự hợp nhất về cung – cầu

    Giống như hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, du lịch cũng phải chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh phát triển và đặc biệt là “xu hướng tiêu thụ” dịch vụ. Sự tăng trưởng ngày càng lớn của du lịch văn hóa đã đặt ra nhiều vấn đề trong đó đặc biệt là “cung” và “cầu” về văn hóa. Du lịch và văn hóa có một mối quan hệ nội hàm sâu sắc được biểu hiện rõ qua sự hội tụ Cung-Cầu. Tức là, sự mở rộng và phát triển của “Cung” về du lịch cũng chính là sự mở rộng và phát triển của “Cung” về tiêu thụ văn hóa và ngược lại. Vì thế, một “ngành công nghiệp văn hóa” đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, trong đó, du lịch văn hóa được xem là một “kênh phân phối” để “tiêu thụ” văn hóa hiệu quả nhất. Ngày càng có nhiều du khách hiếu kỳ muốn tìm kiếm và trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa bằng cách đi du lịch. Vì thế, các hãng lữ hành không ngừng tận dụng những nét văn hóa đặc sắc của vùng, địa phương để làm tiêu chí phân loại và thiết kế tour du lịch.

    Có thể thấy rằng, mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và du lịch trong quá trình vận động phát triển là rất rõ. Du lịch khai thác các giá trị văn hóa làm nền tảng cho mục đích của các chuyến đi và tựa vào văn hóa để phát triển. Sự phát triển của du lịch đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại ở một số vùng địa phương được khôi phục và phát triển. “Văn hóa như một quá trình, là mục tiêu tìm kiếm của khách du lịch[1]”[MacCannell, 1976: 28]. Do đó, có thể nói, chính văn hóa là một chìa khóa then chốt để mở đường cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp du lịch.

    Hay nói cách khác, sự phát triển của những loại hình du lịch mới có thể dựa vào sự phát triển của các loại hình sinh hoạt văn hóa làm tiêu chí phân loại. Và ngược lại nhu cầu thưởng thức những tour du lịch mới cũng chính là xuất phát từ nhu cầu thưởng thức những loại hình văn hóa mới. Do vậy, có thể suy ra nếu chúng ta đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa thì vô hình chung chúng ta đã gián tiếp đầu tư cho sự phát triển của du lịch. Điều này đã được chứng minh qua thực tế phát triển văn hóa và du lịch ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Anh Quốc, Ai Cập…

    Sự hợp nhất giữa không gian và thời gian

    Du lịch và văn hóa có sự hội tụ rất lớn về mặt không gian và thời gian. Không gian văn hóa và không gian du lịch có rất nhiều điểm tương đồng. Du lịch lấy không gian văn hóa làm không gian thu hút các hoạt động cho mình và ngược lại nơi nào có bóng dáng của du lịch thì nơi ấy văn hóa có điều kiện phát triển hơn. Hơn thế nữa, du lịch và văn hóa sẽ hợp lại thành một như cách nói của Groen: “Văn hóa và du lịch sẽ đi đến sự hợp nhất và tất cả cho nhau” (Cultural and tourism are destined once and for all to be together)[Groen, 1994: 23]. Vì mối quan hệ đặc biệt này mà văn hóa cũng được xem là đối tượng của du lịch và du lịch văn hóa được hình dung như một trong những cách thức tiêu thụ, thưởng thức văn hóa.

    Sự hợp nhất về mặt phát triển

    Sự phát triển của du lịch văn hóa đã và đang có nhiều cống hiến lớn cho sự phát triển của ngành du lịch thế giới nói riêng và nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa – xã hội cho cộng đồng địa phương lẫn du khách. Điều này được khẳng định rõ hơn trong thập kỷ hợp tác phát triển văn hoá thế giới (1988-1998). Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO[2]) đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO[3]), Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP[4]), các tổ chức, các công ty lữ hành và những chuyên gia hoạt động trong ngành du lịch để xây dựng những chương trình hành động nhằm khuyến khích sự quan tâm sâu sắc hơn nữa đến ảnh hưởng và tác động qua lại giữa văn hóa và du lịch. Vì thế, du lịch và văn hóa ngày nay đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa sâu sắc. Cuối cùng, mục đích sâu xa hơn nữa của du lịch là xây dựng một công cụ đối thoại hữu hiệu giữa các nền văn hóa nhân loại.

    Vì thế, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về định hướng lấy văn hóa làm trung tâm và động lực để phát triển du lịch. Sự hợp nhất giữa hai cơ quan văn hóa và du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) của chúng ta là một tính hiệu đáng mừng, nó như một dấu hiệu chuyển biến đầy triển vọng cho sự hợp lực phát triển của du lịch và văn hóa. Chúng ta nên sớm nghỉ đến chiến lược xây dựng một ngành công nghiệp du lịch văn hóa tại Việt Nam để làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế du lịch của cả nước.

     

     



    [1] Culture as process is the goal of tourist seeking

    [2] United Nations Educational Scientific and Cultural Organization

    [3] World Tourism Organization

    [4] United Nations Development Programme

    Bài cùng chuyên mục